Nhiều phụ nữ đang cho con bú bỗng thấy xuất hiện u ở ngực. Vậy khối u trong vú trên phụ nữ đang cho con bú có nguy hiểm không? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết u vú này là gì? Điều trị u vú ở phụ nữ đang cho con bú như thế nào?
Khối u vú ở phụ nữ đang cho con bú là gì?
Khối u vú ở phụ nữ đang cho con bú là cục u cứng, dày, sưng trong hoặc xung quanh mô vú và vùng dưới cánh tay. Các khối u khác nhau về hình dạng, kích thước, cảm giác như tròn, nhẵn và di chuyển được (nghĩ lành tính) hoặc cứng, lởm chởm và cố định, dính vào cấu trúc xung quanh, dính núm vú, da (nghĩ ác tính). Khối u xuất hiện ở một hoặc cả hai vú và có thể gây đau.
Mặc dù bạn luôn lo lắng khi tìm thấy một khối u ở vú nhưng các khối u xuất hiện rồi biến mất hoặc thay đổi kích thước khi ngực của bạn căng đầy và hết sữa có thể khá phổ biến khi đang cho con bú. Nếu sữa mẹ tích tụ đáng kể trong vú thì điều này có thể gây ra tình trạng tắc sữa, tắc ống dẫn sữa và viêm vú. Mỗi tình trạng này đều liên quan đến tình trạng ngực sưng tấy, vón cục, đôi khi được gọi là viêm vú.
Nếu tình trạng viêm vú không được điều trị kịp thời thì điều này có thể dẫn đến một loại khối u khác liên quan đến việc cho con bú; một áp xe vú. Các khối u ở nách cũng có thể xuất hiện trong thời kỳ cho con bú vì mô vú kéo dài đến tận nách. Các nguyên nhân khác có thể gây ra khối u bao gồm u nang chứa đầy sữa (bọc sữa), nang vú lành tính và khối u (u xơ tuyến).
Điều quan trọng là phải kiểm tra với bác sĩ của bạn về bất kỳ khối u nào không biến mất sau một tuần hoặc lâu hơn hoặc bạn có bất kỳ lo ngại nào.
Dấu hiệu u vú ở phụ nữ khi cho con bú
Một số dấu hiệu u vú ở phụ nữ khi cho con bú, bao gồm:
- Đau vú.
- Cảm giác nóng rát trầm trọng hơn khi cho con bú.
- Xuất hiện khối u cứng trên ngực.
- Khối u xuất hiện ở một bên hoặc cả 2 bên vú.
- Vú sưng, đỏ.
- Khối u có thể di chuyển được.
Nguyên nhân u vú khi cho con bú và các nguy cơ rủi ro
Có nhiều nguyên nhân và nguy cơ rủi ro gây u vú khi cho con bú. Một nguyên nhân phổ biến gây ra các nốt sần ở vú khi cho con bú là do viêm vú. Tình trạng này xảy ra do tích tụ quá nhiều sữa. Viêm vú có thể do bạn cho con bú không thường xuyên, đặt trẻ sai tư thế (cách bế trẻ bú), ngậm vú (cách trẻ ngậm vào vú) hoặc có vật gì đó ấn vào vú để cản trở dòng sữa. Các dạng viêm vú gồm có: căng tức, ống dẫn sữa bị tắc, viêm vú, bọc sữa và áp xe vú.
Chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ hoặc người trợ giúp về nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây viêm vú bằng cách quan sát con bạn bú mẹ và thảo luận về cách cho con bú.
Dưới đây là các nguyên nhân và nguy cơ phổ biến gây u vú khi cho con bú , bao gồm:
1. Ống dẫn sữa bị tắc
Nếu tình trạng căng tức trở nên trầm trọng hơn ở một vùng trên vú, có thể ảnh hưởng đến dòng sữa chảy tự do ở vùng đó và có khả năng ảnh hưởng đến các vùng khác của vú. Việc tích tụ sữa được cho là nguyên nhân làm cho các ống dẫn sữa đưa sữa đến núm vú bị xẹp hoặc đóng lại, tạo thành khối u và đau khi vùng này bị căng sữa. Áp lực của lượng sữa dư thừa gây ra tình trạng viêm vú thường được gọi là ống dẫn sữa bị tắc. Nếu tình trạng trở nên trầm trọng hơn dẫn đến viêm vú.
2. Viêm vú
Khi tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa không được giải quyết kịp thời, người mẹ có thể gặp các triệu chứng viêm vú gây đau vú dữ dội bên cạnh các triệu chứng có thể lan ra toàn cơ thể. Người mẹ thường cảm thấy không khỏe với các triệu chứng cúm như cảm thấy đau nhức và lạnh run. Nếu không được xử trí cẩn thận, viêm vú có thể liên quan đến nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh.
3. Căng tức
Vú căng tức (ngực mềm và có thể có cảm giác vón cục) khi sữa mới về và trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh con. Điều này bình thường nhưng đôi khi vú sưng vù có thể con bạn không bú hết sữa hay bú hai bên vú không đều nhau.
4. Áp xe vú
Khoảng 3%-10% phụ nữ bị viêm vú cấp tính có thể bị áp xe vú. Áp xe là một túi mủ bên trong vú và có nhiều khả năng phát triển hơn sau khi bị căng tức hoặc viêm vú gây đau nhiều mà không được điều trị kịp thời. Áp xe thường có cảm giác như một khối u sưng tấy, đau bên trong vú và mẹ có thể bị sốt cao.
5. Bọc sữa
Bọc sữa là một u nang chứa đầy sữa vô hại, được hình thành khi các ống dẫn sữa bị thu hẹp do tắc nghẽn khiến một lượng sữa đáng kể bị mắc kẹt trong u nang. Một bọc sữa có thể có kích thước khác nhau từ nhỏ (1-2 cm) đến rất lớn (>10 cm) và có thể thay đổi nhỏ hơn trong ngày sau khi cho con bú. Bọc sữa có cảm giác giống như một túi tròn, trơn, có thể di chuyển bên trong vú.
Bọc sữa thường không đau hoặc đau nhẹ. Việc xoa bóp bọc có thể khiến sữa chảy ra từ núm vú. Chẩn đoán có thể được thực hiện bằng siêu âm vú hoặc bằng cách lấy một ít dịch sữa bằng chọc hút kim nhỏ. Đôi khi, bọc sữa có thể bị nhiễm trùng và cần dẫn lưu nhưng thông thường bọc sữa sẽ biến mất khi kết thúc thời gian cho con bú.
Đối với bọc sữa có triệu chứng, cần dẫn lưu để giảm triệu chứng, xác định chẩn đoán và giảm triệu chứng đau. Việc chọc hút hầu như luôn dẫn đến việc dẫn lưu không hoàn toàn và/hoặc tái phát. Chưa kể, chọc hút lặp đi lặp lại có nguy cơ biến một túi vô trùng thành nhiễm trùng.
6. Có cục u ở nách
Mô vú kéo dài đến nách và có tên đặc biệt là “Đuôi Spence”. Trong quá trình căng sữa như khi sữa mới về, bạn có thể nhận thấy các cục u và sưng tấy ở nách. Sử dụng các mẹo có thể giúp giảm tình trạng căng sữa này. Tình trạng này cũng có thể sẽ hết sau 1-2 tuần.
7. U tuyến cho con bú
U tuyến cho con bú là một khối u lành tính không đau xuất hiện ở vú vào cuối thai kỳ hoặc trong thời kỳ cho con bú. Chúng có thể phát triển nhanh chóng do bị kích thích nội tiết tố và biến mất một cách tự nhiên khi kết thúc quá trình cho con bú.
8. Những nguyên nhân hiếm gặp u vú khi cho con bú khác
8.1 Ung thư vú
Rất hiếm khi khối u là dấu hiệu của bệnh ung thư, đặc biệt khi bạn đang cho con bú. Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu khối u vẫn còn sau 1 tuần hay u tiếp tục phát triển, không di chuyển hoặc cứng, chắc và có vết lõm trên da.
Hầu hết, phụ nữ đều lo lắng có thể bị ung thư khi phát hiện ra khối u ở vú. Việc cho con bú làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở người mẹ. Tuy nhiên, một khối u không biến mất sau 1 tuần hoặc tái phát ở cùng một vị trí. Đơn cử như việc đã điều trị ống dẫn sữa bị tắc cũng phải kiểm tra cẩn thận. Trong nhiều trường hợp, khối u vú lành tính (u xơ tuyến vú hay bướu sợi tuyến) hoặc u nang sữa có thể được chẩn đoán và điều trị trong khi bạn tiếp tục cho con bú.
8.2 Ung thư vú dạng viêm
Ung thư vú dạng viêm là một loại ung thư vú hiếm gặp, trong đó toàn bộ vú có thể đỏ, viêm và rất đau. Tình trạng này đôi khi có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm vú.
Loại ung thư này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hiếm gặp. Đây là một loại ung thư vú đặc biệt nguy hiểm và đôi khi các triệu chứng giống như viêm vú có thể xuất hiện sau 1 hoặc 2 ngày. Vú có thể sưng lên nhanh chóng và khá đỏ. Một dấu hiệu cho thấy tình trạng này khác với bệnh viêm vú thông thường là da có thể có hình dạng da cam (vỏ trái cam). Đôi khi núm vú cũng bị co rút lại.
U vú ở phụ nữ đang cho con bú có nguy hiểm không?
Không. Các khối u vú xuất hiện và biến mất ở ngực hoặc thậm chí ở nách không phải là điều bất thường khi cho con bú. Các nguyên nhân có thể gây ra các khối u liên quan đến việc cho con bú bao gồm tắc sữa, ống dẫn sữa bị tắc, viêm vú và bọc sữa. Rất hiếm khi khối u trở thành áp xe vú hoặc dấu hiệu ung thư nhưng quan trọng phải được bác sĩ tư vấn. Đặc biệt, bạn cần đi khám nếu khối u vẫn còn hoặc tăng kích thước sau khoảng 1 tuần, đi khám để loại trừ u ác tính. [1]
Vú có khối u khi cho con bú có ảnh hưởng gì không?
Có, vú có khối u khi cho con bú làm người mẹ cảm thấy khó chịu và đau nhiều hơn. Bởi các khối u vú khi cho con bú có thể đau do viêm vú hoặc ống dẫn sữa bị tắc. Vì vậy, nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ cơn đau nào do u vú khi cho con bú, hãy đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của mình.
Khi được điều trị đúng cách, hầu hết các khối u sẽ được giải quyết nhanh chóng và không gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình cho con bú.
Vú có khối u khi cho con bú có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa không?
Không. Đôi khi các khối u như u nang, u xơ trong mô tuyến hoặc mô tạo sữa có thể làm cản trở dòng sữa và gây tắc nghẽn một vùng. Điều này khiến cơ thể ngưng sản xuất sữa ở vùng đó nhưng người mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú bên vú còn lại.
Hơn nữa, khối u vú không truyền bệnh nhiễm trùng vú thông qua nguồn sữa. Thực tế, sữa mẹ có đặc tính kháng khuẩn giúp bé chống lại tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, thuốc kháng sinh điều trị khối u vú bác sĩ kê toa thường an toàn cho em bé. Vì vậy, người mẹ không cần quá lo lắng u vú gây ảnh hưởng đến nguồn sữa nếu được bác sĩ điều trị. [2]
Chẩn đoán khối u vú ở phụ nữ cho con bú
Các khối u vú dai dẳng có thể cần được khám, chẩn đoán để xác định nguyên nhân. Đối với hầu hết các xét nghiệm thông thường như siêu âm, chụp X-quang tuyến vú, chụp MRI, sinh thiết kim nhỏ và sinh thiết lõi; việc cho con bú không cần phải bị gián đoạn.
Một số phương pháp chẩn đoán khối u vú ở phụ nữ cho con bú giống như trên phụ nữ không cho con bú, nhưng vấn đề tiết sữa làm cho chẩn đoán lâm sàng và hình ảnh siêu âm vú và nhũ ảnh có phần khó khăn hơn và nguy cơ sót các bệnh ác tính, tuy rằng rất hiếm.
Cách điều trị khối u vú ở phụ nữ cho con bú
- Phương pháp xử lý lạnh hoặc nhiệt: Dùng túi đá, khăn ấm chườm vào chỗ sưng để giảm ngứa và sưng. Người bệnh có thể thực hiện thao tác này nhiều lần trong ngày để giảm bớt cơn đau liên quan đến khối u ở vú.
- Xoa bóp ngực (massage vú): Dùng tay nhẹ nhàng xoa bóp xung quanh và trên những vùng da sần sùi sẽ giúp làm thông các ống dẫn sữa bị tắc, giảm viêm và sưng tấy. Đồng thời, xoa bóp ngực còn giúp cơ thể người mẹ giảm được tình trạng tắc nghẽn gây đau ở ngực khi cho con bú.
- Mặc áo ngực hỗ trợ: Mặc áo ngực không bó sát và không gây thêm áp lực lên ngực sẽ giúp người mẹ giảm bớt tình trạng viêm tuyến vú sau sinh.
- Các kỹ thuật thư giãn: Hãy thử các phương pháp thư giãn như bài tập thở sâu, yoga, thiền,… để giảm bớt căng thẳng, hạn chế gây thêm cơn đau ở vú.
- Thuốc: Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một số loại thuốc như acetaminophen (Tylenol, những loại khác) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) để giảm đau và giảm viêm. Lưu ý, thuốc này không dùng để điều trị nhiễm trùng.
Phòng ngừa và chăm sóc cho phụ nữ có u vú thế nào?
- Chế độ ăn uống: Hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu,… và các thực phẩm chứa vitamin D gồm cá hồi, cá mòi có xương, lòng đỏ trứng,… để giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch hoặc đột quỵ. Chế độ ăn uống này còn cung cấp đủ chất dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe phụ nữ sau sinh.
- Tập thể dụng thường xuyên: Bạn cần tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 - 300 phút hoặc cường độ mạnh khoảng 75 - 150 phút mỗi tuần. Hãy duy trì đều đặn ít nhất 2 lần/tuần.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước sẽ giúp cơ thể loại bỏ được độc tố ra ngoài, giảm tình trạng viêm và hạn chế khối u phát triển. Hãy uống đủ nước, từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày (tương đương 8 ly/ngày) để cung cấp đủ nước trong suốt thời kỳ hậu sản đang cho con bú.
- Tránh cafein: Cafein làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể. Điều này khiến u vú ở phụ nữ đang cho con bú phát triển, tăng tình trạng viêm và gây đau hơn.
- Tránh rượu bia: Tiêu thụ rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. ACS khuyến nghị, phụ nữ không uống quá 1 ly/ngày và nam giới không uống quá 2 ly/ngày.
- Nghỉ ngơi thư giãn: Người mẹ cần ngủ đủ giấc mỗi đêm, ít nhất 7 - 8 giờ/ngày vì thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như viêm vú, nhiễm trùng tưa miệng,… và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, mệt mỏi,…
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú và được lên kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, chị em có thể chia sẻ những khó khăn với các thành viên trong Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú - Bệnh viện Tâm Anh.
Xuất hiện khối u vú ở phụ nữ đang cho con bú khiến người mẹ đau nhức, mệt mỏi và khó chịu hơn, phần lớn là lành tính. Hy vọng thông qua bài này, mong rằng người mẹ biết cách chăm sóc và ngừa khối u vú xuất hiện khi đang cho con bú đúng cách. Nếu một khối trong vú không mất đi sau 2 tuần thì hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa bệnh tuyến vú để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.