Hệ hô hấp có vai trò trao đổi khí, giúp duy trì sự sống cho các tế bào của cơ thể. Trong hệ hô hấp, phế quản là bộ phận thiết yếu, đảm nhận nhiệm vụ quan trọng lọc khí và dẫn khí vào phổi. Vậy phế quản là gì? Chức năng phế quản như thế nào?
Phế quản là gì?
Phế quản là những ống lớn phân chia nhiều thế hệ và ngày càng nhỏ dần mang không khí từ khí quản đến phổi và đào thải khí thải ra bên ngoài. Phế quản tiếng anh là “Bronchi”, là bộ phận quan trọng của hệ hô hấp. Chức năng của phế quản là đường dẫn khí, đưa Oxy tiến vào phổi và thải Carbon Dioxide. (1)
Cấu tạo phế quản
Các phế quản phân nhánh nhỏ dần qua nhiều lần tạo thành những cấu trúc nhỏ, tạo nên cây phế quản. Nó chia sang trái, phải, sau đó chia nhỏ dần thành các tiểu phế quản tận , tiểu phế quản hô hấp, túi phế nang và phế nang. Cây phế quản kết thúc ở phế nang - các túi nhỏ bên trong phổi, giúp trao đổi Oxy và Carbon Dioxide. (2)
1. Cấu trúc hệ thống phế quản
Các phế quản bắt đầu tại đáy khí quản, nằm ngang đốt sống ngực thứ năm (gần xương ức). Phế quản, tiểu phế quản tận, tiểu phế quản hô hấp và phế nang được gọi là cây phế quản, vì chúng trông giống một cái cây lộn ngược.
- Carina: Phế quản bắt đầu ở vị trí dưới cùng của khí quản, tại phần sụn còn được gọi là Carina. Carina phân chia thành hai nhánh: phế quản trái và phế quản phải.
- Phế quản trái và phải: Phế quản chia thành 8 đoạn phế quản phân thuỳ ở phổi trái và 10 đoạn ở phế quản phân thuỳ ở bên phải:
- Phế quản phải mang không khí đến cho phổi bên phải. Cấu tạo ngắn và thẳng đứng hơn so với phế quản trái, dài khoảng 2.4cm. Phế quản phải chia thành ba phế quản thuỳ nhỏ hơn, đi đến ba thùy của phổi bên phải.
- Phế quản trái mang không khí đến cho phổi bên trái. Ống này hẹp hơn và dài hơn phế quản phải, dài khoảng 5 cm. Phế quản trái chia thành hai phế quản thùy đi đến hai thùy của phổi bên trái.
- Tiểu phế quản: Các đoạn phế quản phổi chia nhỏ dần thành những đường dẫn khí nhỏ hơn gọi là tiểu phế quản. Chúng tiếp tục chia thành các tiểu phế quản hẹp dần, nhỏ hơn có chức năng khác nhau, không khí đi đến các tiểu phế quản rồi di chuyển đến các tiểu phế quản tận cùng trước lúc tiến vào các tiểu phế quản hô hấp.
- Phế nang: Cây phế quản kết thúc tại phế nang. Không khí đi từ các tiểu phế quản hô hấp đến các ống phế nang rồi tiến vào các túi phế nang. Những túi khí nhỏ này có chứa các mao mạch giúp trao đổi Oxy và lấy Carbon Dioxide (chất thải của quá trình trao đổi chất ở dạng khí). Khi một người thở ra, phổi sẽ thải ra Carbon Dioxide.
2. Cấu tạo mô học
Phế quản được tạo nên từ sự kết hợp của các mô, gồm có vòng sụn hình chữ C, màng nhầy, cơ trơn.
3. Sụn
Sụn là một mô mềm linh hoạt, chắc chắn, được làm từ sợi Collagen, Proteoglycan và sợi đàn hồi. Sụn kết nối các xương, cơ và các cơ quan, có các dạng khác nhau (tùy vào chức năng mà nó đảm nhận). Khi phế quản chia thành các phế quản nhỏ hơn, chúng chứa ít sụn hơn.
Sụn Hyaline cung cấp cấu trúc giúp phế quản không bị xẹp khi hít vào, thở ra. Loại sụn này chắc chắn, hình chữ C tạo nên khí quản, phế quản trên và Carina. Sụn đàn hồi ở phế quản nhỏ linh hoạt giúp phế quản nhỏ giãn nở, co lại. Sụn đàn hồi được tạo thành từ một mạng lưới các sợi đàn hồi.
4. Cơ trơn
Phế quản nhỏ hơn, chứa nhiều mô cơ trơn hơn khi lượng sụn giảm đi. Khi các phế quản nhỏ hơn phân chia thành các tiểu phế quản thì chúng chủ yếu là cơ trơn và đã không còn chứa sụn.
5. Mô niêm mạc
Bên trong cây phế quản được bao phủ bởi màng nhầy - một lớp lót ẩm. Các tuyến bên trong màng nhầy tạo ra chất lỏng trơn và đặc - được gọi là đờm hoặc chất nhầy. Mô niêm mạc bên trong phế quản chứa: các tế bào biểu mô, Cilia và tế bào đài tiết chất nhầy. Mô niêm mạc trong phế quản thay đổi khi phế quản chia thành những đoạn nhỏ hơn.
Màng nhầy ở phía trên của phế quản được gọi là biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển. Mô này có nhiều lông mao hơn để giúp lọc bụi và mầm bệnh ra khỏi không khí (khi đi vào). Mô niêm mạc trở thành những tế bào hình khối (biểu mô hình khối đơn giản) khi phế quản phân chia thành các đoạn nhỏ hơn. Các tế bào bên trong ống phế nang và phế nang có hình phẳng hơn, được gọi là biểu mô vảy đơn giản.
Phế quản nằm ở vị trí nào?
Phế quản chính bên trái và bên phải nằm ở phần trên của phổi. Phế quản thùy nằm ở giữa các thuỳ của phổi. Phế quản phân đoạn nằm ở rìa của phổi, ngay trước các tiểu phế quản.
Chức năng của phế quản
Chức năng chủ yếu của phế quản là làm đường dẫn không khí di chuyển từ mũi hầu, khí quản xuống phế nang và đào thải khí Carbonic ra khỏi cơ thể. Trong hệ hô hấp, phế quản rất quan trọng, cho phép các mô nhận được Oxy. Phế quản cũng vận chuyển Carbon Dioxide thoát ra khỏi cơ thể. (3)
Màng nhầy lót phế quản giữ ẩm cho không khí khi đi vào phổi đồng thời chống lại những tác nhân lây nhiễm. Màng nhầy lót phế quản còn là “rào cản” giúp ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập qua đường hô hấp, phòng tránh tình trạng nhiễm trùng.
Lông mao tại phần trên của đường thở bẫy vi khuẩn và Virus trong chất nhầy, giúp đẩy chúng ra khỏi phổi. Điều này có thể được thực hiện thông qua cách ho giúp tống đờm ra bên ngoài hoặc nuốt nhằm đẩy chúng đến đường tiêu hóa để thải bỏ.
Các bệnh phế quản thường gặp
Một vài tình trạng bệnh lý có thể tác động đến phế quản như: (4)
1. Viêm phế quản cấp
Trong bệnh viêm phế quản cấp tính, tình trạng nhiễm Virus thường bắt đầu tại mũi/cổ họng, sau đó tác động đến những tế bào của phế quản, gây sưng. Những triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm: ho thường kèm theo đờm, thở khò khè.
2. Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính gây viêm tại các phế quản, dẫn đến sự tích tụ chất nhầy nghiêm trọng trong phổi kéo dài (khi so với bệnh viêm phế quản cấp tính thì chỉ diễn ra trong thời gian ngắn). Những triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính bao gồm dễ bị nhiễm khuẩn, ho mạn tính; sau cùng việc thở ngày càng trở nên khó khăn hơn. Hầu hết những trường hợp bị viêm phế quản mạn tính ở Hoa Kỳ đều là do hút thuốc lá trong thời gian dài. Ô nhiễm không khí, tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động và khói hóa chất cũng có thể là yếu tố dẫn đến bệnh viêm phế quản mạn tính.
3. Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản xảy ra khi người bệnh bị nhiễm Virus, phổ biến hơn cả là Virus hợp bào hô hấp (RSV). Các phế quản bị sưng lên, chứa đầy chất nhầy, gây ra tình trạng khó thở. Trẻ sơ sinh nhỏ hơn 3 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản cao hơn cả. Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn là một loại bệnh viêm tiểu phế quản nghiêm trọng, hiếm gặp. Đây là bệnh mạn tính, chủ yếu tác động đến người trưởng thành.
4. Hen suyễn
Hen suyễn là căn bệnh đặc trưng bởi sự viêm mạn tính và co thắt phế quản, làm cản trở sự di chuyển của không khí từ môi trường bên ngoài vào phế nang của phổi. Tình trạng dị ứng, sử dụng chất kích thích, tập thể dục có thể dẫn đến cơn hen suyễn ở người mắc phải căn bệnh này.
5. Giãn phế quản
Khi thành phế quản bị sẹo không thể hồi phục, chúng có thể dày lên, làm chất nhầy tích tụ, trở thành nơi sản sinh vi khuẩn. Chức năng phổi theo thời gian sẽ bị suy giảm. Bệnh giãn phế quản thường liên quan đến các bệnh lý khác như xơ nang, COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) và những trường hợp viêm phổi tái phát.
6. Loạn sản phế quản phổi
Loạn sản phế quản phổi (BPD) là chứng bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh (thường là các trẻ sinh non) đang được chữa trị bằng Oxy hoặc phải thở máy vì mắc phải một vấn đề khác ở đường hô hấp. Lượng Oxy và áp suất cao được dùng trong những liệu pháp này có thể khiến phế nang căng quá mức, gây viêm, làm lớp lót bên trong đường thở bị tổn thương. Trong một số trường hợp, chứng loạn sản phế quản phổi có thể ảnh hưởng đến người bệnh suốt đời.
7. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Viêm phế quản mạn tính là một trong các biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khí thũng, liên quan đến tổn thương ở phế nang thường đi kèm với viêm phế quản. Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý nặng có thể gây ra tình trạng suy hô hấp, nồng độ Oxy thấp, thậm chí tử vong.
8. Ung thư phế quản
Ung thư phế quản xảy ra khi những tế bào biểu mô phế quản tăng trưởng một cách không kiểm soát. Số lượng tế bào tăng lên nhanh chóng nhưng không đảm bảo chức năng bình thường, ngược lại chúng còn xâm lấn vào những cơ quan lân cận. Sau đó tế bào ung thư xâm lấn đi xa, làm rối loạn chức năng của những cơ quan bị xâm lấn.
Ban đầu, các tế bào ung thư phế quản chỉ khu trú tại vị trí tổn thương ở phế quản, khiến vùng phế quản bị ung thư không đảm bảo được chức năng vận chuyển không khí. Khi những tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi sẽ tạo thành khối u chèn ép, làm rối loạn chức năng của vùng phế quản lân cận. Sau đó, tế bào ung thư có thể di căn đến những vùng xa hơn trong cơ thể (não, xương, gan…), khiến cơ thể suy kiệt, gây tử vong.
9. Rò phế quản màng phổi
Lỗ rò phế quản màng phổi là “lối đi” bất thường phát triển giữa phế quản và khoảng trống giữa các màng lót phổi (khoang màng phổi). Rò phế quản màng phổi là biến chứng nặng thường xảy ra do phẫu thuật ung thư phổi và cũng có thể phát triển sau xạ trị, hóa trị hoặc nhiễm trùng. Rò phế quản màng phổi mặc dù hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có tỷ lệ gây tử vong từ 25 - 71%.
Cách kiểm tra sức khỏe phế quản phổ biến
Dưới đây là những kỹ thuật phổ biến có thể được áp dụng để giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe của phế quản:
1. Nội soi phế quản
Trong quá trình nội soi phế quản, bác sĩ sẽ đưa ống soi phế quản qua miệng hoặc mũi, vào phế quản của người bệnh. Ống soi phế quản nhỏ, linh hoạt, có Camera, giúp bác sĩ quan sát bên trong phế quản. Nội soi phế quản có thể giúp bác sĩ đánh giá những triệu chứng như ho ra máu hoặc ho dai dẳng. Kỹ thuật này cũng hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chữa trị tình trạng chảy máu bên trong đường thở, loại bỏ dị vật…
2. Chụp CT
Chụp X-quang ngực thường là kỹ thuật đầu tiên được ứng dụng để giúp bác sĩ quan sát, đánh giá phổi. Thế nhưng, kỹ thuật chụp X-quang ngực thiếu độ nhạy, độ phân giải cần thiết để giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng của phế quản. Lúc này, việc tiến hành chụp CT là cần thiết. Thông qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ có thể quan sát phổi, phế quản ở nhiều góc độ khác nhau.
3. Siêu âm nội phế quản (EBUS)
Siêu âm nội phế quản có thể giúp bác sĩ quan sát các mô sâu hơn bên trong phổi qua thành phế quản. Khi đã xác định được khối u, thủ thuật sinh thiết kim có thể được tiến hành dưới hướng dẫn của kỹ thuật siêu âm nội phế quản. Lúc này, bác sĩ có thể lấy được mô từ khối u mà không cần thực hiện sinh thiết phổi mở.
4. Đo lượng Oxit Nitric
Việc đo lượng Oxit Nitric do người bệnh thở ra có thể giúp bác sĩ biết liệu phế quản có bị viêm do tăng tế bào Eosinophil tại cây phế quản hay không.
5. Đo phế dung
Đo phế dung là kỹ thuật giúp đo lượng không khí người bệnh có thể giữ cũng như mức độ người bệnh có thể thở ra một cách mạnh mẽ.
Điều trị các vấn đề về phế quản
Nhiều bệnh lý, tình trạng khác nhau có thể tác động đến phế quản nên những phương pháp chữa trị cũng rất khác nhau, bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật, phục hồi chức năng…
1. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định cho người bệnh dùng khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn tác động đến đường phế quản, ví dụ như viêm phế quản. Thuốc kháng sinh không được dùng để chữa trị tình trạng nhiễm Virus.
2. Thuốc giãn phế quản
Những loại thuốc giãn phế quản giúp làm thư giãn các cơ xung quanh đường dẫn khí, hỗ trợ người bệnh thở được dễ dàng hơn thông qua tác dụng mở rộng đường thở. Sử dụng thuốc giãn phế quản là phương pháp chữa trị chính cho bệnh hen suyễn, thường được dùng thông qua ống hít có miếng đệm hoặc máy phun sương.
3. Corticosteroid
Các loại thuốc này ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng viêm bên trong phổi. Chúng có tác dụng làm giảm tình trạng sưng tấy tại đường thở và giảm lượng chất nhầy. Tương tự như thuốc giãn phế quản, các loại thuốc Corticosteroid có thể được sử dụng thông qua ống hít có miếng đệm hoặc máy phun sương.
4. Thuốc long đờm
Thuốc long đờm là loại thuốc giúp làm loãng chất nhầy, có tác dụng đẩy chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn. Ví dụ: Guaifenesin có công dụng long đờm, được tìm thấy trong nhiều loại thuốc chữa bệnh ho, cảm lạnh không kê đơn.
5. Liệu pháp Oxy
Khi những vấn đề ở phổi khiến lượng Oxy trong máu thấp, bổ sung Oxy thường là việc làm cần thiết. Việc bổ sung Oxy có thể được thực hiện tạm thời đối với bệnh cấp tính hoặc vĩnh viễn với bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Liệu pháp Oxy được thở tại bệnh viện nhưng cũng có thể thực hiện với các thiết bị tại nhà. Oxy thường được cung cấp qua mặt nạ, Venturi hoặc ống Canul.
6. Vật lý trị liệu ngực (CPT)
CPT là kỹ thuật giúp làm lỏng chất nhầy, bao gồm bước vỗ vào ngực theo một kỹ thuật nhất định. Hiện nay, máy vỗ ngực và áo ghi lê điện tử đã được ứng dụng để hỗ trợ thực hiện kỹ thuật CPT thuận lợi hơn.
7. Phương pháp chữa trị ung thư
Người bệnh ung thư phổi có thể được hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, sử dụng thuốc trị liệu miễn dịch (tùy vào mức độ lan rộng và giai đoạn của bệnh).
8. Phục hồi chức năng phổi
Phục hồi chức năng phổi là liệu pháp hô hấp được dùng để chữa trị các bệnh lý về phế quản. Liệu pháp này có thể bao gồm những bài tập thở được thực hiện ở nhà, sử dụng thiết bị chuyên dụng và Oxy. Phục hồi chức năng phổi được tiến hành bởi nhà trị liệu hô hấp - người theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và giúp người bệnh củng cố đường thở, cải thiện lượng Oxy hấp thụ.
Những lưu ý để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp
Để giữ cho toàn bộ đường hô hấp khỏe mạnh, mỗi người nên lưu ý những điều dưới đây:
- Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh, phù hợp với thể trạng, độ tuổi, giới tính.
- Bỏ hút thuốc, tránh hít khói thuốc thụ động.
- Thường xuyên thay bộ lọc không khí và dọn dẹp nhà cửa.
- Tập thể dục để tăng cường sức khỏe cho phổi, tim mạch.
- Hạn chế tiếp xúc với không khí đang bị ô nhiễm.
- Dùng thiết bị bảo hộ như khẩu trang nếu phải thường xuyên ở gần, tiếp xúc với khói hóa chất, bụi, chất gây dị ứng.
- Phòng tránh nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách vệ sinh răng miệng và tay; tránh đến nơi đông người trong mùa cúm và chủ động tiêm ngừa cúm hàng năm; tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu bạn có phải là đối tượng phù hợp để tiêm vắc xin viêm phổi hay không.
Khi nào nên đi kiểm tra phế quản?
Bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng hô hấp nào, bao gồm:
- Lồng ngực bị co rút, dường như lồng ngực bị chìm xuống theo từng hơi thở.
- Thở nhanh hơn chưa rõ nguyên nhân.
- Mũi phập phồng.
- Đổ mồ hôi nhưng nhiệt độ cơ thể không tăng.
- Khò khè (khi thở ra có tiếng như huýt sáo).
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị y tế uy tín cung cấp dịch vụ thăm khám, chữa trị các bệnh lý tại hệ hô hấp, phế quản… Bệnh viện quy tụ đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, phục vụ tối ưu cho quá trình thăm khám, chữa trị các bệnh lý hô hấp.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Phế quản giữ vai trò thiết yếu trong hệ hô hấp, đưa không khí giàu Oxy vào phổi, thải Carbon Dioxide ra khỏi cơ thể. Một số bệnh lý như viêm phế quản, COPD, hen suyễn… có thể ảnh hưởng đến phế quản. Mỗi người cần chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc đường hô hấp, phế quản và đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi có triệu chứng bất thường.