Nổi mề đay (hay còn gọi là mày đay) là tình trạng da xuất hiện các sẩn phù và ngứa. Trẻ em là đối tượng dễ bị nổi mề đay bởi trẻ hiếu động, làn da nhạy cảm, dễ bị tấn công bởi virus, phản ứng dị ứng với thức ăn, thuốc hoặc vết đốt của côn trùng. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa nổi mề đay ở trẻ em là gì? BS CKI Võ Thị Tường Duy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thông tin qua bài viết sau.
Nổi mề đay ở trẻ em là bệnh gì?
Nổi mề đay ở trẻ em là bệnh về da phổ biến, đặc trưng bởi các sẩn màu hồng đỏ hoặc trắng và phù nề, nổi gồ trên da, có giới hạn rõ, ở lớp hạ bì và biểu bì, gây cảm giác ngứa rất nhiều cho trẻ. Các sẩn này có thể hình tròn, đa cung, dạng đường thẳng hoặc vòng cung, xuất hiện thoáng qua, có thể tự khỏi trong vài giờ, thường không quá 24 giờ, hầu như không để lại dấu vết sau khi biến mất. Chúng có thể xuất hiện ở vị trí bất kì trên da, đôi khi có kèm theo phù mạch.
Căn cứ vào thời gian bệnh có thể chia mề đay ở trẻ em thành 2 nhóm: (1)
- Nổi mề đay cấp tính: mày đay kéo dài không quá 6 tuần.
- Nổi mề đay mãn tính: mày đay kéo dài trên 6 tuần.
Nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ em
Nguyên nhân gây mề đay ở trẻ em hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Tình trạng nổi mề đay ở trẻ em có thể liên quan đến các nguyên nhân sau:
1. Mề đay do yếu tố vật lý
Mề đay do yếu tố vật lý là một nhóm mề đay độc lập được tạo thành bởi các yếu tố vật lý như ma sát, stress, áp lực đè ép, quần áo chật, nhiệt độ nóng, lạnh, mồ hôi, ánh nắng mặt trời tác động lên da…
2. Thời tiết, nhiệt độ bị thay đổi
Thời tiết giao mùa hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột cũng là một nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ em. Trẻ vốn có làn da nhạy cảm, không chống lại được kích ứng với môi trường, nội tiết bị rối loạn. Vì vậy, trẻ dễ bị nổi mề đay, phát ban hơn khi thời tiết hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi, chẳng hạn như trẻ sơ sinh thường bị nổi mề đay khi gặp thời tiết lạnh hoặc khi trời nóng và hanh khô.
3. Côn trùng
Các loại côn trùng như muỗi, kiến, ong,…. cũng có thể gây nổi mề đay ở trẻ em. Khi trẻ bị đốt, nọc độc của các loại côn trùng có thể kích hoạt hệ miễn dịch, gây mề đay, mẩn ngứa. Một số trường hợp trẻ có làn da nhạy cảm, chỉ cần 1 vết đốt của côn trùng cũng gây nổi mề đay trên diện rộng.
4. Dị ứng với bỉm, quần áo, tã,…
Trẻ em, trẻ sơ sinh vốn dĩ có làn da vô cùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dị ứng. Chính vì vậy, việc sử dụng tã, bỉm, quần áo,… không phù hợp cũng dễ khiến da bé nổi mẩn ngứa, khó chịu, thậm chí là mề đay cấp tính. Lựa chọn quần áo cho trẻ với chất liệu cotton, bông sợi tự nhiên,… an toàn, dịu nhẹ, thoáng mát sẽ giúp bé thoải mái, tránh được các vấn đề về da liễu.
5. Thuốc
Dị ứng các loại thuốc (ví dụ như kháng sinh, kháng viêm…) cũng là nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ em. Tình trạng dị ứng, mề đay của kháng sinh có thể không nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng mày đay trên diện rộng hoặc trẻ có dấu hiệu phù mạch, sốt, cần đưa ngay đến gặp bác sĩ. Việc sử dụng thuốc điều trị cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
6. Đồ ăn
Hệ tiêu hóa ở trẻ vẫn chưa phát triển hoàn toàn cộng thêm cơ địa nhạy cảm, nên trẻ dễ dị ứng với thực phẩm như: hải sản, các loại hạt, lúa mì, trứng, sữa bò,…. Bên cạnh đó, một số chất bảo quản có trong thực phẩm cũng là nguyên nhân gây phát ban, nổi mề đay ở trẻ. Nhiều trường hợp trẻ nhạy cảm đến mức dù không ăn, chỉ tiếp xúc với thực phẩm cũng đã gây dị ứng.
Để biết thức ăn có phải là nguyên nhân hay không và loại thức ăn gì gây nên mày đay cho trẻ, phụ huynh có thể cho con làm test dị nguyên, có thể sẽ giúp gợi ý được nguyên nhân gây mày đay từ thức ăn.
7. Tiếp xúc với một số tác nhân gây dị ứng
Khi da bé tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng khác như lông thú cưng, phấn hoa, bụi bẩn,… cũng gây nổi mề đay. Đa phần các tác nhân gây dị ứng đều ảnh hưởng đến hệ hô hấp và đề kháng của trẻ. Các dị nguyên này có thể được làm xét nghiệm kiểm tra giúp xác định chúng có thể là nguyên nhân gây mày đay cho trẻ hay không.
Dấu hiệu nổi mề đay ở trẻ em
Dấu hiệu nổi mề đay ở trẻ em chính là những nốt sẩn, phù lên trên da, chúng có thể hình tròn trông giống như vết muỗi đốt, hoặc hình đa cung, hình vòng, mảng phù… Các nốt ban này có màu hồng hoặc màu trắng, xung quanh viền hồng ban, xuất hiện bất kì vị trí nào trên cơ thể, kèm theo các đặc điểm sau: (2)
- Ngứa nhiều.
- Tình trạng phát ban thường kéo dài vài giờ, sau đó có thể tự biến mất, thường không quá 24 giờ.
- Phát ban xuất hiện theo đợt hoặc cụm.
- Các đợt mới có thể phát triển ngay sau khi các nốt sẩn cũ biến mất.
- Các sang thương thường kết hợp với nhau tạo thành những vết sưng lớn, vùng da bị ảnh hưởng có thể có kích thước khác nhau từ khá nhỏ đến lớn rất lớn.
- Khi không xác định được nguyên nhân (mề đay vô căn), mề đay có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.
Một số trường hợp trẻ nổi mề đay có triệu chứng bị phù mạch, sưng phù nề nhiều ở vùng mắt, môi, miệng, mặt, bộ phận sinh dục hoặc cổ họng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn, nôn hoặc đau bụng. Một số ít trường hợp trẻ bị nổi mề đay và phù mạch cũng có thể bị sốc phản vệ. Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm khó thở, tụt huyết áp, chóng mặt hoặc mất ý thức (bất tỉnh).
Trẻ bị nổi mề đay có nguy hiểm không?
Trẻ bị nổi mề đay thường không nguy hiểm dù các nốt phát ban có thể gây ngứa, khó chịu. Nhưng thông thường chúng sẽ biến mất sau vài giờ, hoặc sau khi được điều trị. Trong một số trường hợp trẻ bị nổi mề đay kéo dài, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập và sinh hoạt hằng ngày cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các tình trạng mày đay vô căn được xem là mề đay tự phát. Trong 1 số ít trường hợp khi dị ứng chưa rõ nguyên nhân, nếu tiếp tục tiếp xúc với dị nguyên thì những lần dị ứng sau có thể diễn tiến nặng hơn, bao gồm các dấu hiệu nặng như
- Khó thở.
- Khò khè.
- Thở rít.
- Sốt cao.
- Phù mạch.
- Co thắt thanh quản.
- Sốc phản vệ.
Trong đó, sốc phản vệ được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của dị ứng ở trẻ em. Cho nên việc tìm nguyên nhân gây mề đay dị ứng là việc cần thiết trong vấn đề phòng ngừa và điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ em.
Khi nào cha mẹ nên đưa trẻ bị nổi mề đay đi khám?
Cha mẹ nên đưa trẻ bị nổi mề đay đi khám khi phát hiện các triệu chứng của mề đay làm con khó chịu, không ngủ được, xuất hiện các sang thương của mề đay trên diện rộng, thời gian bị nổi mề đay kéo dài, cha mẹ muốn tìm nguyên nhân gây mày đay cho con…
Nhưng nếu trẻ em bị nổi mề đay xuất hiện các dấu hiệu nặng như sốt cao, phù mạch, co thắt thanh quản, sốc phản vệ,…. cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay để được can thiệp, điều trị kịp thời.
Mề đay kéo dài nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng dị ứng, xác định nguyên nhân. Các trường hợp mề đay không tìm được nguyên nhân được xem là mề đay vô căn hay còn gọi mày đay tự phát, những trường hợp này trẻ cần được điều trị lâu dài.
Gợi ý 3 cách trị nổi mề đay tại nhà an toàn hiệu quả
Chẩn đoán tình trạng nổi mề đay ở trẻ nhỏ
Để chẩn đoán tình trạng nổi mề đay ở trẻ nhỏ, thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán qua khám lâm sàng, nhìn trực quan và đánh giá tình trạng các sang thương. Để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể hỏi về bệnh sử của trẻ, những bệnh gần đây, thuốc men đang sử dụng, việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng và các yếu tố gây mề đay.
Bác sĩ có thể yêu cầu phụ huynh ghi lại các hoạt động hàng ngày, như trẻ ăn gì và uống gì cũng như nơi phát ban có xu hướng xuất hiện trên cơ thể. Các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm dị ứng và xét nghiệm dị nguyên, các xét nghiệm để loại trừ bệnh tuyến giáp hoặc viêm gan,… có thể được thực hiện để tìm ra nguyên nhân gây mề đay ở trẻ em. Hoặc bác sĩ có thể chườm đá lên da của trẻ để xem da phản ứng thế nào với nhiệt độ lạnh trong trường hợp nghi mày đay do lạnh…
Cách điều trị nổi mề đay ở trẻ an toàn, hiệu quả
Trong nhiều trường hợp, mề đay nhẹ không cần điều trị và sẽ tự khỏi. Nếu tìm thấy nguyên nhân chính gây mề đay, chỉ cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây mề đay cũng là một phần của phương pháp điều trị. Nếu phát ban do mề đay diện rộng hoặc kéo dài, trẻ cần được điều trị bằng thuốc chống dị ứng.
Đối với bệnh mề đay vô căn hay mề đay tự phát, sẽ cần uống kháng dị ứng hoặc thuốc sinh học nếu có chỉ định điều trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng với các loại thuốc giống nhau, cần gặp bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng của mỗi người.
Phương pháp phòng ngừa nổi mề đay ở trẻ em như thế nào?
Nhiều khi mề đay ở trẻ em là do một nguyên nhân không thể tránh khỏi, chẳng hạn như bụi, yếu tố vật lý, hoặc có thể không rõ nguyên nhân. Chính vì vậy, việc phòng ngừa mề đay ở trẻ em trong những trường hợp này là gần như không thể. Nhưng nếu nguyên nhân gây mề đay ở trẻ được xác định, như dị ứng thực phẩm, bạn chỉ cần giữ cho trẻ không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Câu hỏi liên quan
1. Nổi mề đay ở trẻ có sốt không?
Nổi mề đay ở trẻ thường không sốt, trong số ít trường hợp có thể kèm sốt nhẹ vì bội nhiễm hoặc do phản ứng dị ứng của trẻ quá mạnh. Nếu trẻ có sốt hoặc kèm các dấu hiệu nặng khác, lúc này nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
2. Nổi mề đay ở trẻ có lây không?
Mề đay ở trẻ em không lây vì đây không phải bệnh truyền nhiễm, không thể lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, mề đay có thể di truyền, ngoài ra người bị mề đay thường có liên quan đến các bệnh dị ứng miễn dịch khác như: chàm, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn…
Nổi mề đay ở trẻ em đặc trưng bởi những sẩn phù ngứa trên da. Dù không nguy hiểm nhưng bệnh có thể tái đi tái lại, khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngứa, mất ngủ,… Các sang thương mề đay có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Việc điều trị mề đay ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng mề đay trên da trẻ.
Nếu trẻ có dấu hiệu của mề đay hoặc/và có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nặng hay nguy cơ sốc phản vệ cao cần được điều trị ngay. Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh là một cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, bác sĩ chuyên môn cao, sẽ giúp chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị mề đay ở trẻ em và người lớn hiệu quả.
Hy vọng với những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa nổi mề đay ở trẻ em đã giúp bạn có được những thông tin tổng quan về bệnh này. Không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với mề đay ở trẻ, việc bảo vệ trẻ khỏi tác nhân gây phát ban mề đay là điều bạn có thể làm ngay tại nhà để bảo vệ làn da nhạy cảm của trẻ.