Ước tính thế giới có gần nửa dân số bị cận thị vào năm 2050 [1]. Vậy nguyên nhân cận thị do đâu? Dấu hiệu, chẩn đoán và phòng ngừa thế nào?
Cận thị (myopia) là gì?
Cận thị (myopia) là tật khúc xạ phổ biến khiến người bệnh khó nhìn thấy vật ở xa nhưng lại nhìn rõ vật rất gần.
Cận thị thường gặp ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên, nhất là từ 8 - 12 tuổi. Ở tuổi thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, tình trạng mắt cận trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, đến 20 tuổi trở đi, độ cận ít thay đổi.
Khám mắt cơ bản có thể biết được cận thị. Người bệnh có thể giảm độ mờ bằng kính đeo mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ.
Phân loại mức độ cận thị
- Cận thị nhẹ: Dưới -3.00 diop
- Cận thị trung bình: Từ -3.25 đến -6.00 diop
- Cận thị nặng: Trên -6.00 diop
Nguyên nhân cận thị ở mắt và yếu tố rủi ro
Mắt đóng vai trò là một thấu kính hội tụ. Tất cả hình ảnh khi vào bên trong mắt sẽ được hiện diện trong võng mạc. Cuối cùng, thông qua các tế bào thụ cảm và thần kinh thị sẽ giúp não bộ nhận biết được hình ảnh giống với thế giới bên ngoài. Thế nhưng ở người cận thị, ảnh của vật khi vào mắt sẽ nằm phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc, do đó sẽ không nhìn rõ được nữa những vật ở xa được nữa.
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân cận thị ở mắt:
- Di truyền: trẻ em có ba mẹ bị loạn thị thì dễ bị cận hơn. Có một số trường hợp trẻ em có ba mẹ không cận thị vẫn bị cận thị. Điều này các bác sĩ vẫn chưa hiểu tại sao. Vì vậy, cận thị có nhiều nguyên nhân và di truyền chỉ là một phần.
- Môi trường: việc thiếu thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ cận thị.
- Hoạt động cận cảnh kéo dài: đọc sách trong thời gian dài hoặc các hoạt động nhìn gần khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ cận thị.
- Sử dụng màn hình điện tử kéo dài: trẻ em sử dụng máy tính hoặc thiết bị thông minh trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh cận thị cao hơn.
Dấu hiệu cận thị ở mắt
Các dấu hiệu cận thị hoặc triệu chứng mắt cận bao gồm:
- Mờ mắt khi nhìn vật ở xa: khó nhìn thấy các vật ở xa như biển báo, bảng đèn,…
- Nheo mắt: nhìn mọi thứ với đôi mắt khép hờ để tập trung nhìn rõ.
- Mỏi mắt: xảy ra khi nhìn tập trung vào một chỗ trong một thời gian dài mà không chớp mắt. Điều này làm mắt khô và mệt mỏi.
- Nhức đầu: người bệnh có cảm giác đau khắp đầu hoặc một vùng cụ thể trên đầu.
- Chớp mắt thường xuyên: tốc độ chớp mắt đạt tối thiểu 14 - 17 lần/phút ở tuổi thiếu niên và tăng lên 15 - 30 lần/phút ở tuổi trưởng thành. Nếu nhận thấy chớp mắt quá nhiều có thể là dấu hiệu của một nguyên nhân tiềm ẩn như cận thị. [2]
Với trẻ em sẽ gặp khó khăn khi nhìn mọi thứ trên bảng trắng hoặc màn hình chiếu trong lớp học. Trẻ thường có những biểu hiện khi khó nhìn như:
- Liên tục nheo mắt.
- Dường như không biết các vật thể ở xa.
- Chớp mắt quá mức.
- Dụi mắt thường xuyên.
- Ngồi gần tivi.
Với người lớn bị cận thị thường thấy khó đọc biển báo đường phố hoặc biển hiệu trong cửa hàng. Một số người bệnh bị mờ mắt trong ánh sáng mờ như khi lái xe vào ban đêm nhưng lại nhìn rõ vào ban ngày. Tình trạng này được gọi là cận thị ban đêm.
Biến chứng mắt cận thị
Cận thị có nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng, chẳng hạn như:
- Giảm chất lượng cuộc sống: cận thị giảm chất lượng các công việc hàng ngày hoặc khó tham gia các hoạt động.
- Mỏi mắt: cận thị không được điều trị gây mỏi mắt và đau đầu dai dẳng.
- Gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người: điều này đặc biệt nghiêm trọng nếu người bệnh lái xe hoặc vận hành thiết bị nặng.
- Các vấn đề về mắt khác: cận thị nặng khiến người bệnh có nguy cơ cao bị các bệnh nghiêm trọng về mắt như:
- Bong võng mạc: người cận thị có nguy cơ cao bị bong võng mạc. Đây là khi mô lót phía sau mắt nhấc hoặc tách ra khỏi thành mắt. Bong võng mạc là vấn đề nghiêm trọng có thể gây mù lòa. Vì vậy, người bệnh phải thường xuyên đến bác sĩ để kiểm tra võng mạc. Cận thị càng nghiêm trọng thì nguy cơ bong võng mạc càng cao. Cần gặp bác sĩ để được phát hiện sớm về các dấu hiệu cảnh báo bong võng mạc.
- Tăng nhãn áp: bệnh làm tổn thương thần kinh thị giác của mắt. Bệnh thường xảy ra khi chất lỏng tích tụ ở phần trước của mắt. Chất lỏng dư thừa này làm tăng áp lực trong mắt và hỏng dây thần kinh thị giác. Tăng nhãn áp là nguyên nhân hàng đầu gây mù cho người bệnh trên 60 tuổi. Tuy nhiên, mù lòa do bệnh tăng nhãn áp thường có thể được ngăn ngừa bằng cách điều trị sớm.
- Đục thủy tinh thể: khi thủy tinh thể tự nhiên của mắt bị đục. Protein trong thủy tinh thể bị hỏng và khiến mọi thứ trông mờ hoặc ít màu sắc hơn.
Cận thị có chữa được không?
Cận thị không thể tự khỏi được; tuy nhiên bác sĩ giúp bạn điều chỉnh lại thị lực thông qua đeo kính cận hoặc mổ cận.
Chẩn đoán cận thị ở mắt
Cận thị được chẩn đoán bằng khám mắt cơ bản. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử của người bệnh và những loại thuốc đã sử dụng.
- Kiểm tra mắt: kiểm tra mức độ sắc nét của tầm nhìn ở khoảng cách xa. Người bệnh che một mắt, bác sĩ yêu cầu người bệnh đọc biểu đồ mắt với các chữ cái hoặc ký hiệu có kích thước khác nhau. Sau đó, người bệnh làm tương tự ở mắt còn lại.
- Kiểm tra khúc xạ: kiểm tra này thường thực hiện trong khám mắt định kỳ. Kiểm tra khúc xạ giúp bác sĩ biết chính xác độ kính người bệnh cần đeo. [3]
- Khám mắt trong: bác sĩ sử dụng một thấu kính có đèn để kiểm tra tình trạng của võng mạc và thần kinh thị giác. Bác sĩ nhỏ thuốc vào mắt để làm giãn võng mạc và thần kinh thị giác mở rộng tầm nhìn tốt hơn. Mắt người bệnh sẽ nhạy cảm với ánh sáng trong vài giờ. Đeo kính bảo hộ tạm thời do bác sĩ cung cấp hoặc kính râm của riêng người bệnh.
Điều trị cận thị
Điều trị cận thị giúp cải thiện thị lực bằng việc tập trung ánh sáng vào võng mạc thông qua kính để điều chỉnh hoặc phẫu thuật khúc xạ. Quản lý cận thị bao gồm: theo dõi thường xuyên các biến chứng, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bong võng mạc.
- Kính mắt: đây là cách đơn giản, an toàn để cải thiện thị lực do cận thị gây ra. Tròng kính đeo mắt cũng có thể được thiết kế điều chỉnh sự kết hợp của các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị và viễn thị.
- Kính áp tròng: là những đĩa nhựa nhỏ được đặt trực tiếp trên giác mạc. Một kính áp tròng điều chỉnh được nhiều tật khúc xạ. Kính có nhiều loại vật liệu và yêu cầu bảo quản kỹ lưỡng. Bác sĩ có thể giới thiệu kính áp tròng phù hợp nhất dựa vào tình trạng đã khám và lối sống của người bệnh.
- Phẫu thuật: phương pháp này giúp giảm nhu cầu đeo kính mắt và kính áp tròng. Bác sĩ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc như.
- LASIK: bác sĩ tạo một vạt mỏng có bản lề vào giác mạc và dùng tia laser để loại bỏ mô giác mạc nhằm làm phẳng hình dạng vòm. Phục hồi sau phẫu thuật LASIK thường nhanh hơn và ít gây khó chịu hơn so với các phẫu thuật giác mạc khác.
- LASEK: bác sĩ chỉ tạo vạt siêu mỏng ở lớp vỏ bảo vệ bên ngoài của giác mạc (biểu mô). Sau đó, bác sĩ sử dụng tia laser để định hình lại và làm phẳng đường cong của giác mạc rồi thay thế biểu mô.
- PRK: thủ thuật này tương tự như LASEK, ngoại trừ phẫu thuật viên loại bỏ hoàn toàn biểu mô, sau đó sử dụng tia laser để tạo hình lại giác mạc. Kính áp tròng tạm thời bao phủ giác mạc để bảo vệ mắt đến khi biểu mô phát triển trở lại một cách tự nhiên và phù hợp với hình dạng mới của giác mạc.
- SMILE: phương pháp này không có vạt hoặc loại bỏ biểu mô. Thay vào đó, bác sĩ dùng tia laser để cắt một mảnh giác mạc nhỏ hình đĩa. Sau đó, được lấy ra thông qua một vết rạch giác mạc nhỏ.
Phương pháp điều trị phẫu thuật không phải là một lựa chọn cho tất cả người bệnh bị cận thị. Chỉ nên phẫu thuật khi cận thị không còn tiến triển. Bác sĩ sẽ giải thích những lợi ích và rủi ro của các lựa chọn điều trị phẫu thuật.
Ngoài ra còn có phương pháp điều trị làm chậm hoặc ngừng tiến triển của cận thị: bác sĩ tìm kiếm các phương pháp hiệu quả hơn để làm chậm sự tiến triển của cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các phương pháp đó bao gồm:
- Atropin: thuốc nhỏ atropine dùng để làm giãn đồng tử mắt. Việc này thường thực hiện lúc khám mắt hoặc trước và sau khi phẫu thuật mắt. Hơn nữa, thuốc nhỏ mắt atropine cũng có thể giúp làm chậm sự tiến triển của cận thị.
- Tăng thời gian hoạt động bên ngoài: dành thời gian ở ngoài trời lúc nhỏ, thanh thiếu niên và những năm đầu trưởng thành có thể làm giảm nguy cơ phát triển cận thị.
- Kính áp tròng tiêu điểm kép: một loại kính áp tròng tiêu điểm kép đã cho thấy một số tác dụng trong việc làm chậm sự tiến triển của cận thị.
- Chỉnh hình giác mạc: kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm sẽ tạm thời định hình lại giác mạc. Kính không được đeo trong ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp này có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị.
Phòng ngừa cận thị ở mắt thế nào?
Các bước phòng ngừa cận thị để tăng cường sức khỏe và thị lực tốt cho mắt gồm:
- Khám mắt thường xuyên.
- Bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời.
- Đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao hoặc làm việc.
- Sử dụng ánh sáng phù hợp khi đọc và làm việc.
- Đeo kính theo toa chỉ dẫn.
- Vệ sinh và bảo quản kính mắt hoặc kính áp tròng theo chỉ dẫn.
- Hãy để mắt nghỉ ngơi, rời khỏi máy tính hoặc công việc nhìn gần khác cứ sau 20 phút 1 lần bằng cách nhìn vào một vật cách xa 600cm trong 20 giây.
- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Kiểm soát các tình trạng sức khỏe như huyết áp cao hoặc tiểu đường.
- Không hút thuốc.
Cận thị đang gia tăng ở mức báo động trong những năm gần đây. Nếu người bệnh thấy những thay đổi về tầm nhìn hãy gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với Trung tâm Mắt Công nghệ cao hội tụ các bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao giúp quá trình khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp cho người bệnh.
Cận thị là chứng rối loạn thị giác rất phổ biến thường được chẩn đoán trước 20 tuổi. Hiện nay bệnh cận thị ngày càng gia tăng. Mong rằng qua bài này người bệnh sẽ hiểu hơn về cận thị, biết cách chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của mình.