BS CKII Nguyễn Xuân Thắng Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115
1. Điều trị nói lắp tại nhà:*Tập thư giãn:
- Thư giãn cơ: Tập thư giãn tất cả các cơ.
- Thư giãn tinh thần:
+ Khi tập nên tự nhủ: “Tôi là người chiến thắng nói lắp, nói lắp không chiến thắng được tôi”.
+ Đừng nghĩ rằng nói lắp là một tình trạng tồi tệ, làm phiền muộn. Hãy nghĩ rằng đó là vấn đề lớn với người khác chứ không phải bạn.
+ Tập trung mọi sự chú ý vào đầu, thở đều, giống như bạn đang thiền.
*Đứng trước gương và hình dung người trong gương là một người khác và bắt đầu nói bất cứ điều gì mình thích:
- Không giống đứng trước người khác, tuy nhiên cách này sẽ làm cho bạn tự tin.
- Cố gắng tự nói trong khoảng 30 phút. Có thể không tự nhiên trong những lần đầu, nhưng sự luyện tập này là đang nghe lời nói của mình. Nó sẽ đưa đến rất nhiều sự tự tin.
Hình minh họa - Nguồn Intetnet
*Đọc thật to:
Đọc to sẽ làm cho sự tự tin của bạn được cải thiện. Nó sẽ khó khăn trong những lần đầu nhưng bạn sẽ học cách thở như thế nào cho phù hợp. Một vấn đề lớn của người nói lắp là không biết cách thở trong lúc đọc hoặc nói, biết cách thở sẽ giúp bạn luyện tập, khắc phục tình trạng nói lắp.
*Hình dung, mường tượng những từ bạn sẽ nói trước khi nói: Điều này hơi khó nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều.
*Nếu bạn bị nói lắp, cố gắng loại bỏ những căng thẳng ra khỏi đầu:
Trước khi nói hãy tạo sự lạc quan thay vì bi quan. Thường thì sự lo sợ nói lắp là nguyên nhân gây ra nói lắp. Thay vì lo sợ, hãy chấp nhận nó sẽ xảy ra, hãy cố gắng mường tượng đến thành công, điều này sẽ giúp bạn tiêu trừ bất kỳ sự căng thẳng nào khi bạn có những cuộc gặp gỡ bất ngờ.
*Tập tạo ra một thứ tự trong đầu.
*Tập thở để tạo ra cuộc nói chuyện dễ dàng: Thường thì người nói lắp có vấn đề về thở trong lúc họ nói lắp, hãy cố gắng tập thở để lưu loát hơn trong khi nói.
- Thở 2 hơi thật sâu trước khi bắt đầu nói, giả như bạn đang lặn trong nước và bạn phải thở sâu 2 hơi trước khi lặn. Điều này sẽ dễ dàng cho bạn thở và điều hoà nó. Nếu bạn ở trong một tình trạng nào đó cảm giác không thoải mái thì hãy cố gắng hít thở sâu qua mũi.
- Hãy nhớ rằng thở khi bạn nói và nếu bạn bị nói lắp hãy ngừng lại, tạo cho bạn thời gian để thở, rồi cố gắng khắc phục câu và từ.
- Đừng cố gắng ghi nhớ tốc độ nói của bất kỳ người nào. Có rất nhiều người nói nhanh, nhưng mục tiêu không phải là giống họ. Mục tiêu của bạn là hiểu và ấn tượng với từ ngữ, học để nói với tốc độ vừa phải, không cần vội vàng, không phải cạnh tranh khi nói với người khác.
*Cố gắng tạo ra sự nhịp nhàng khi nói: Người nói lắp thường mất tật nói lắp khi hát, với những lý do như: những từ họ hát kéo dài ra hơn, họ sử dụng trơn tru dễ dàng hơn nói bình thường. Nếu bạn có thể đặt một chút nhịp điệu vào câu nói của bạn, bạn có thể thấy rằng tật nói lắp của bạn giảm hẳn thậm chí biến mất.
* Nếu bạn có một cuộc nói chuyện, đừng nhìn thẳng liên tục vào người nói chuyện:
- Hãy nhìn qua đầu người đó hoặc một điểm phía sau phòng. Cách này giúp bạn không bị căng thẳng, vì căng thẳng là khởi đầu cho một chuỗi nói lắp.
- Nếu nói chuyện với ai đó, hãy nhìn người đó nếu bạn có thể giao tiếp bằng mắt. Tuy nhiên bạn không nên nhìn chằm chằm vào họ trong toàn bộ thời gian nói chuyện, hãy cố tạo cho họ sự dễ chịu, việc đó cũng tạo cho bạn sự thoải mái.
*Đừng lo lắng với một vài lỗi nhỏ: Cần hiểu rằng bạn sẽ tạo nên một số lỗi, nhưng không phải lỗi bạn cố tình tạo ra. Điều quan trọng là bạn phản ứng với lỗi đó thế nào. Bạn nên nhớ rằng có thể thua trong một vài trận đánh nhưng mục tiêu của ta là chiến thắng cả cuộc chiến.
2. Khám, tập nói với chuyên gia ngôn ngữ:
*Đừng lo sợ khi gặp chuyên gia ngôn ngữ nếu cảm thấy mọi thứ xấu đi: Hầu hết người nói lắp sẽ cải thiện trong một thời gian, đặc biệt là người trẻ. Khám chuyên gia ngôn ngữ được đề cập trong nhiều trường hợp, đặc biệt các trường hợp bị áp lực hoặc tật nói lắp là một cản trở lớn trong cuộc sống của họ.
*Ngôn ngữ trị liệu sẽ giúp cho một số trường hợp:
- Tình trạng nói lắp kéo dài quá 6 tháng.
- Trở nên thường xuyên hơn.
- Ảnh hưởng đến học tập hay các tương tác xã hội.
- Các vấn đề tình cảm, chẳng hạn như nỗi sợ hãi hay né tránh các tình huống nói chuyện.
- Tiếp tục nói lắp vượt quá 5 tuổi hoặc lần đầu tiên trở nên đáng chú ý trong độ tuổi đi học, khi bắt đầu đọc.
- Có tiền sử gia đình nói lắp.
- Nói lắp kèm theo sự lo lắng, trầm cảm.
*Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu có thể giúp những gì: Chuyên gia ngôn ngữ sẽ đưa cho người nói lắp danh sách các buổi tập để có thể tác động, làm giảm tối đa sự ảnh hưởng của nói lắp trong giao tiếp. Sau đó người nói lắp sẽ tự luyện tập trong các tình huống đời thường.
*Chuyên gia ngôn ngữ có thể nói với người thân: Chuyên gia ngôn ngữ cũng có thể nói cho cha mẹ, thầy cô, thậm chí cả bạn bè của người nói lắp về sự cố gắng luyện tập các kỹ thuật và giúp cho họ hiểu rằng những gì người nói lắp sẽ phải cố gắng đạt được. Điều này cũng giúp người nói lắp hiểu được sự giúp đỡ và thông hiểu của những người xung quanh.
*Chuyên gia ngôn ngữ sẽ đề xuất một nhóm trợ giúp.
3. Cha mẹ nên và không nên làm gì:
- Cố gắng không tạo cho trẻ cảm giác lo lắng về tật nói lắp. Cha mẹ nếu có ấn tượng và sự quan tâm quá nhiều về đứa con bị nói lắp, sẽ gây ra tăng sự tức giận của trẻ và sẽ tạo ra sự lo lắng nhiều hơn. Điều này sẽ có hại cho trẻ nhiều hơn là giúp trẻ.
- Không nên cố ý đặt đứa trẻ vào tình trạng áp lực: Đặt đứa trẻ vào tình trạng áp lực để chúng học và luyện tập sẽ mang lại kết quả ngược với mong đợi.
- Hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn khi trẻ nói lắp, không ngắt lời chúng.
- Nói với trẻ về tật nói lắp của chúng, nếu quan tâm hơn nên dành thời gian, không gian riêng để thảo luận về vấn đề của trẻ và nói cách điều trị tập luyện phù hợp, cũng như để cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn đối với chúng.
- Nếu con bạn đến với chuyên gia ngôn ngữ, bạn có thể nói khi nào cần tác động nhẹ nhàng, khi nào không. Nên quan sát mọi thứ diễn ra để có thể nói với chuyên gia khi cần thiết.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng
Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115