Hiểu biết và kiểm soát được các chỉ số huyết áp, bao gồm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu sẽ giúp chủ động phòng ngừa các biến chứng do bệnh huyết áp gây ra. Vậy huyết áp tâm trương có chức năng và ý nghĩa gì? Làm cách nào để giữ huyết áp tâm trương ở mức khỏe mạnh?
Huyết áp tâm trương là gì?
Huyết áp tâm trương là áp lực máu thấp nhất trong mạch máu xảy ra giữa các nhịp tim. Huyết áp tâm trương đo lường áp lực máu lên thành động mạch khi tim thả lỏng sau khi co bóp. Áp lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các mạch vành cung cấp oxy cho cơ tim.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Mỗi lần tim co bóp sẽ đẩy máu đi khắp cơ thể, tạo ra áp lực máu tác động lên thành của các mạch máu. Kết quả đo huyết áp sẽ hiển thị hai chỉ số:
- Số ở trên lớn hơn: Được xác định là huyết áp tâm thu, là huyết áp tối đa, đây là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, thể hiện áp lực của dòng máu lên lòng mạch ở thì tâm thu. Huyết áp tâm thu luôn lớn hơn, được đọc trước.
- Số ở dưới nhỏ hơn: Được xác định là huyết áp tâm trương, là chỉ số huyết áp thấp nhất cho thấy áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra. Chỉ số huyết áp tâm trương nhỏ hơn và được đọc sau. (1)
Chỉ số huyết áp tâm trương có ý nghĩa gì?
Chỉ số huyết áp tâm trương, hay còn gọi là số dưới cùng, là áp lực trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. Đây là lúc tràn đầy máu và oxy.
Đơn vị đo huyết áp là mi-li-mét thủy ngân, viết tắt là mmHg, thường được viết dưới dạng tỉ số, trong đó, chỉ số huyết áp tâm trương được viết bên dưới.
Chức năng của huyết áp tâm trương
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tim bạn đập 60-100 lần/phút, hoặc khoảng 100.000 lần mỗi ngày. Khi tim đập, máu dồn vào thành động mạch.
Huyết áp tâm trương là số dưới cùng trong kết quả đo huyết áp. Nó đo lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bạn thư giãn và tâm thất được phép nạp đầy máu. Tâm trương - khoảng thời gian tim bạn thư giãn giữa các nhịp đập - cũng là thời điểm động mạch vành có thể cung cấp máu cho tim. (2)
Huyết áp tâm trương dao động trong khoảng bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, huyết áp tâm trương dao động trong khoảng 75-80 mmHg được cho là mức lý tưởng nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi huyết áp tâm trương ở mức bình thường (thấp hơn 80 mmHg), bạn vẫn có thể bị tăng huyết áp nên chỉ số huyết áp tâm thu từ 120-129 mmHg.
Các mức độ dao động của huyết áp tâm trương:
Tình trạng Mức huyết áp tâm trương Bình thường < 80 mmHg Tăng huyết áp giai đoạn 1 90-99 mmHg Tăng huyết áp giai đoạn 2 ≥ 100 mmHg Cơn tăng huyết áp ≥ 120 mmHgNếu một người có huyết áp tâm trương tăng cao nghĩa là bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc (IDH). IDH không phổ biến và chiếm ít hơn 20% các trường hợp tăng huyết áp. Các mức độ của IDH gồm:
- Tăng huyết áp tâm trương đơn độc giai đoạn 1: Từ 90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm trương đơn độc giai đoạn 2: ≥ 100mmHg. (3)
Các yếu tố tác động đến huyết áp tâm trương
Các nguyên nhân phổ biến gây tăng huyết áp tâm trương đơn độc bao gồm: rối loạn nội tiết, rối loạn cải tạo mạch máu, chứng ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến huyết áp tâm trương có thể kiểm soát được như: béo phì, lạm dụng rượu, hút thuốc lá.
Các yếu tố nguy cơ rủi ro nhất định gây ra huyết áp tâm trương đơn độc mà không thể kiểm soát được bao gồm:
- Tuổi tác: Tăng huyết áp tâm trương thường gặp ở những người dưới 50 tuổi. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc hiếm gặp ở người lớn tuổi.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có ba hoặc mẹ bị tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc IDH ở con.
- Biến cố tim mạch: Bệnh nhân đã từng trải qua một sự cố làm tổn thương tim sẽ làm tăng nguy cơ mắc IDH.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu tăng cao có nhiều khả năng phát triển tăng huyết áp tâm trương đơn độc hơn.
- Suy giáp: Khoảng 30% những người có nồng độ hormone tuyến giáp thấp bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc.
- Bệnh thận: Những người mắc bệnh thận mạn tính cũng có thể bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc.
- Giới tính: Tỷ lệ mắc IDH ở nam giới cao hơn đáng kể so với nữ giới.
Huyết áp tâm trương không ổn định ảnh hưởng sức khỏe ra sao?
Sự chênh lệch giữa huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu giữ một tỷ lệ nhất định để đảm bảo áp lực tưới máu hiệu quả cho các cơ quan. Tuy nhiên, nếu khoảng chênh lệch này ≤ 20mmHg được xem là trường hợp khẩn cấp và cần được thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời.
1. Khi huyết áp tâm trương cao
Khi tăng huyết áp tâm trương cao, người bệnh thường có một số biểu hiện như: đổ nhiều mồ hôi, yếu cơ, buồn nôn, đau đầu, lú lẫn, gặp vấn đề về thị giác.
Huyết áp tâm trương tăng cao là khi áp suất trong động mạch vượt quá giới hạn bình thường. Khi đó, các mạch máu có thể bị tổn thương và làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác bao gồm: nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực không ổn định, suy tim, đột quỵ, phình động mạch chủ, rung nhĩ, bệnh động mạch ngoại biên chi dưới. Đối với những người ở độ tuổi 40 trở lên, sự gia tăng huyết áp tâm trương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Bên cạnh đó, huyết áp tâm trương tăng cao còn có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong. Tăng huyết áp tâm trương cũng là tiền đề cho bệnh tiểu đường và suy tim. Suy giảm chức năng nhận thức cũng có liên quan đến tình trạng này.
2. Khi huyết áp tâm trương thấp
Mặc dù huyết áp tổng thể thấp hơn sẽ tốt hơn, nhưng nếu một trong hai chỉ số huyết áp giảm quá thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Huyết áp tâm thu rất thấp làm tăng khả năng bị suy nhược, chóng mặt và ngất xỉu.
Chỉ số huyết áp tâm trương quá thấp có thể báo hiệu nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn. Nếu một người có huyết áp tâm thu bình thường, hạ huyết áp tâm trương có thể ảnh hưởng đến việc điều hòa lưu lượng máu của não, dẫn đến đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người có huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg có nguy cơ gặp nhiều cơn đau tim và đột quỵ hơn. Tuy nhiên, những người có chỉ số huyết áp tâm trương từ 70-80 mmHg có nguy cơ mắc bệnh tim thấp nhất.
Trong giai đoạn tâm trương, các động mạch sẽ cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim, Tuy nhiên, nếu áp suất trong tâm trương giảm xuống quá thấp, cơ tim sẽ không được nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến suy giảm chức năng tim theo thời gian.
Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và các vấn đề nghiêm trọng khác như suy tim, các bệnh lý mạn tính về tim mạch. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, hậu quả có thể kéo dài và gây nặng nề cho sức khỏe.
Một số triệu chứng nhận biết huyết áp tâm trương hạ xuống thấp như: buồn nôn, lú lẫn, mệt mỏi, mờ mắt, hạ thân nhiệt, da nhợt nhạt, thở nhanh, đánh trống ngực, đau đầu, ngất xỉu. (4)
Các phương pháp chẩn đoán huyết áp tâm trương
Phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán huyết áp, biết được chỉ số huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu là đo huyết áp và đếm mạch trong khi người bệnh ngồi hoặc nằm và sau đó đo lại khi người bệnh đứng dậy sau 1 phút và 3 phút. Việc đo huyết áp có thể được thực hiện đúng cách bằng máy đo cơ hoặc máy đo huyết áp điện tử.
Trường hợp có nghi ngờ hoặc huyết áp người bệnh không ổn định, bác sĩ có thể cho đeo máy theo dõi huyết áp 24h, giúp theo dõi huyết áp ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc, huyết áp lúc người bệnh thức và ngủ, từ đó có đánh giá chính xác hơn về huyết áp.
Xem thêm video hướng dẫn đo huyết áp đúng cách tại nhà.
Các phương pháp chẩn đoán khác có thể được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm máu: để xem bạn có bị thiếu máu hay không, xét nghiệm sinh hóa máu;
- Điện tâm đồ;
- Siêu âm tim;
- Siêu âm bụng tổng quát;
- Siêu âm mạch máu;
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân: chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận;…
Cách để giữ cho huyết áp tâm trương ổn định
Xây dựng lối sống lành mạnh là giải pháp hữu hiệu và lâu dài giúp ổn định các chỉ số huyết áp, bao gồm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Bạn có thể áp dụng các cách như sau:
- Hình thành thói quen tập luyện thể dục đều đặn, mỗi lần tập ít nhất 30 phút, thực hiện 5 ngày trong tuần;
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Tăng cường những thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế các thực phẩm được chế biến từ nội tạng động vật, thịt đỏ, dầu mỡ. Đồng thời, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Uống đủ nước mỗi ngày để giúp ổn định huyết áp. Nếu hoạt động nhiều ngoài trời nắng, nên bổ sung thêm các loại nước điện giải cho cơ thể;
- Hạn chế uống rượu, bia, các thức uống có chứa chất kích thích;
- Tránh xa thuốc lá;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, tránh làm việc quá căng thẳng;
- Nếu được chỉ định dùng thuốc, cần uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Đo huyết áp thường xuyên và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Người có huyết áp tâm trương không ổn định nên thăm khám sức khỏe định kỳ
Khi huyết áp tâm trương tăng quá cao hoặc quá thấp đều gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Do đó, mỗi người đều nên chủ động trong việc đo huyết áp thường xuyên và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường về chỉ số huyết áp nếu có và can thiệp kịp thời.
Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của hệ thống trang bị hệ thống máy móc hiện đại tiếp nhận thăm khám tầm soát và điều trị bệnh huyết áp hiệu quả.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Để huyết áp được duy trì ở mức khỏe mạnh, cần quan tâm đến cả chỉ số huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Do đó, mỗi người nên thực hành lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng phù hợp, cùng với đó là thăm khám, kiểm tra huyết áp đều đặn để kịp thời xử trí nếu có bất thường, tránh biến chứng nguy hiểm.