Cấu tạo tai của con người vô cùng tinh vi và phức tạp. Nhiều bệnh lý xảy ra trong các cấu trúc tinh vi này khiến cho việc điều trị trở thành một thách thức.
Tai là gì?
Tai là một phần phức tạp trong hệ thống giác quan của con người. Nó nằm hai bên trên hộp sọ, ngang với mũi. Các chức năng của tai là nghe, cũng như có vai trò duy trì sự thăng bằng.
Các bộ phận của tai
Về mặt giải phẫu, cấu tạo của tai gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Tai ngoài: Bao gồm vành tai, ống tai ngoài, màng nhĩ. Tai ngoài đảm nhận chức năng thu và dẫn âm thanh.
Tai giữa: Bao gồm các bộ phận hòm nhĩ, xương con thính giác, cơ xương con. Tai giữa giúp khuếch đại sóng âm thanh và truyền đến tai trong.
Tai trong: Bao gồm các bộ phận như mê đạo xương (tiền đình, ống bán khuyên, ốc tai) và mê đạo màng (soan nang, cầu nang, ống bán khuyên, ống ốc tai).
Chức năng của tai trong bao gồm:
- Mê đạo xương: Hỗ trợ các mê đạo màng của nó;
- Soan nang và cầu nang: Cung cấp thông tin về chuyển động của đầu với gia tốc thẳng;
- Các ống bán khuyên: Cung cấp thông tin về chuyển động của đầu với gia tốc góc;
- Ống ốc tai: Cung cấp thông tin thính giác.
Chức năng của tai
Tai của con người đảm nhận hai chức năng chính là chức năng thính giác và chức năng giữ thăng bằng.
1. Chức năng thính giác
Ở tai ngoài, các sóng âm thanh được thu bởi vành tai đi vào lỗ tai bên ngoài và truyền qua nó đến màng nhĩ. Tác động của sóng âm thanh ảnh hưởng đến xương búa gắn với màng nhĩ.
Ở tai giữa, xương búa di chuyển về phía trong, do đó đầu của nó di chuyển theo. Vì đầu của xương búa khớp với thân của xương đe, nên xương đe cũng di chuyển, đẩy mấu dài của xương đe vào trong. Mấu dài của xương đe nối với xương bàn đạp sẽ đẩy xương bàn đạp vào trong và làm cho đế của nó ấn vào cửa sổ bầu dục.
Điều này sẽ khuếch đại sóng âm thanh, làm rung động chất lỏng bên trong thang tiền đình của ốc tai.
Sau đó, các thụ thể gửi thông tin qua phần ốc tai của dây thần kinh tiền đình ốc tai (CN VIII) đến não, nơi chúng sẽ được hiểu là âm thanh thông qua con đường thính giác.
2. Chức năng giữ thăng bằng
Các ống bán khuyên màng, soan nang và cầu nang chịu trách nhiệm duy trì sự thăng bằng.
Ống bán khuyên trước nằm trên mặt phẳng dọc, ống bán khuyên sau nằm trên mặt phẳng đứng vuông góc ống bán khuyên trước, trong khi ống bán khuyên bên được đặt nằm ngang. Do sự sắp xếp này, mỗi ống bán khuyên phản ứng với các chuyển động được định hướng trong mặt phẳng mà chúng được căn chỉnh. Cầu nang phát hiện gia tốc và độ nghiêng của đầu trong mặt phẳng thẳng đứng, và soan nang phát hiện gia tốc và độ nghiêng của đầu trong mặt phẳng nằm ngang.
Các ống bán khuyên, soan nang và cầu nang chứa đầy nội dịch và các thụ thể chuyển động (tế bào lông). Khi đầu quay hoặc nghiêng, nội dịch dịch chuyển theo hướng ngược lại do quán tính.
Các dây thần kinh chi phối cho các ống bán khuyên, soan nang và cầu nang dẫn truyền tín hiệu về hạch tiền đình. Dây thần kinh tiền đình xuất phát từ hạch tiền đình, mang thông tin cân bằng cảm giác đến hệ thần kinh trung ương.
3. Cơ chế nghe của tai
Để tạo ra thính giác, tai của con người phải thực hiện một loạt các bước biến đổi sóng âm thanh phức tạp trong không khí thành tín hiệu điện. Dây thần kinh thính giác của chúng ta sau đó mang những tín hiệu này đến não.
Sau khi đi vào tai ngoài, sóng âm thanh sẽ tiếp tục đi qua ống tai để đến màng nhĩ. Màng nhĩ sẽ rung động khi sóng âm thanh đến và nó sẽ gửi những rung động này đến ba xương nhỏ ở tai giữa (xương búa, xương đe và xương bàn đạp).
Các xương ở tai giữa sẽ khuếch đại hoặc tăng cường các rung động âm thanh và gửi chúng đến ốc tai. Ốc tai là một cấu trúc hình ốc sên chứa đầy chất lỏng ở tai trong. Một phân vùng đàn hồi chạy từ đầu đến cuối ốc tai, chia nó thành phần trên và phần dưới. Phân vùng này được gọi là màng đáy vì nó đóng vai trò làm nền và các cấu trúc thính giác chính nằm trên đó.
Khi các rung động làm chất lỏng trong ốc tai gợn sóng sẽ hình thành nên một làn sóng di chuyển dọc theo màng đáy. Các tế bào lông là các tế bào cảm giác nằm trên đỉnh của màng đáy, gần đầu rộng của ốc tai sẽ phát hiện những âm thanh có âm vực cao hơn. Những tế bào lông gần đỉnh hơn sẽ phát hiện những âm thanh có âm vực thấp hơn.
Khi các tế bào lông di chuyển lên và xuống, các phần nhô ra giống như sợi lông siêu nhỏ (được gọi là lông mao lập thể) nằm trên đỉnh của các tế bào lông va vào cấu trúc bên trên và uốn cong. Sự uốn cong này làm cho các kênh giống như lỗ chân lông, nằm ở đầu các sợi lông tơ mở ra. Khi điều đó xảy ra, các chất hóa học tràn vào tế bào, tạo ra tín hiệu điện.
Dây thần kinh thính giác mang tín hiệu điện này đến não, biến nó thành âm thanh mà chúng ta nhận biết và hiểu được.(1)
Các bệnh lý thường gặp ở tai
Các bệnh lý về tai rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là các loại sau.
1. Xốp xơ tai
Sự phát triển bất thường của xương xung quanh đế xương bàn đạp khiến xương bàn đạp bị bất động. Điều này gây ra bệnh lý xốp xơ tai.
2. Khối u tai
Ung thư biểu mô da tế bào đáy là loại khối u ác tính ở tai phổ biến nhất. Ung thư tế bào vảy ít gặp hơn và có nhiều khả năng lây lan hơn. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, viêm tai, hoặc nhiễm trùng da mạn tính.
3. Tiền đình ngoại biên
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt tư thế, một cảm giác đột ngột rằng cơ thể đang quay hoặc lắc lư. Bệnh xảy ra khi các tinh thể canxi nhỏ (thạch nhĩ) trong một phần tai di chuyển đến khu vực mà chúng không nên ở đó. Điều này làm cho tai trong đưa tín hiệu lên bộ não rằng cơ thể đang di chuyển trong khi thực tế không xảy ra điều đó.
- Viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh tiền đình là chứng rối loạn ảnh hưởng đến dây thần kinh tiền đình của tai trong. Dây thần kinh này gửi thông tin về sự thăng bằng và vị trí đầu của bạn từ tai trong đến não. Khi bị viêm nó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình não “đọc” thông tin. Điều này dẫn đến hoa mắt, chóng mặt và các triệu chứng liên quan đến thăng bằng khác.
- Bệnh Meniere: Là chứng rối loạn ở tai trong còn được gọi là sũng nước nội dịch vô căn. Sũng nước nội dịch đề cập đến tình trạng tăng áp suất thủy lực trong hệ thống nội dịch tai trong. Sự tích tụ quá mức nội dịch có thể gây ra bốn triệu chứng mất thính giác dao động, chóng mặt từng cơn, ù tai và đầy tai.
- Rò ngoại dịch (PLF): Là một khiếm khuyết hoặc tổn thương tai giữa do bẩm sinh hoặc chấn thương gây ra rò dịch tai. Khi điều này xảy ra, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt và gây mất thính lực.
- U dây thần kinh thính giác: Khối u ở tai trong không phải là ung thư và phát triển chậm, nhưng nó có thể chèn ép các dây thần kinh kiểm soát thính giác và sự thăng bằng. Điều đó dẫn đến mất thính lực, ù tai và chóng mặt. Trong một số trường hợp, u thần kinh có thể chèn ép vào dây thần kinh mặt và khiến một bên mặt bị ảnh hưởng, thậm chí tê liệt.
- Cống tiền đình giãn rộng (EVA): Đường dẫn đi từ tai trong đến bên trong hộp sọ được gọi là cống tiền đình. Nếu chúng lớn hơn mức bình thường có thể gây giảm thính lực. Nguyên nhân của EVA không rõ ràng, nhưng có liên quan tới một số gen di truyền.
- Đau nửa đầu: Nếu não gửi tín hiệu sai đến hệ thống cân bằng có thể dẫn đến đau đầu dữ dội, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, mất thính lực và ù tai. Một số người cũng có thể bị mờ mắt.
- Hội chứng Mal de debarquement: Hội chứng này là sự thích nghi chậm chạp của cơ thể với những chuyển động ít xảy ra thường ngày. Điều này khiến người bệnh cảm thấy mất thăng bằng, giống như đang đung đưa hoặc lắc lư, ngay cả khi đã ngừng chuyển động. Tình trạng này có thể cải thiện sau vài giờ nhưng đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng năm. Các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra như đi loạng choạng, khó tập trung hoặc cảm thấy mệt mỏi.
- Viêm mê nhĩ: Là bệnh nhiễm trùng tai trong, xảy ra khi một cấu trúc mỏng manh nằm sâu bên trong tai là mê nhĩ bị viêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và thính giác mà còn có thể bị đau tai, chảy mủ hoặc dịch tai, buồn nôn và sốt cao.
4. Nhiễm trùng tai
- Viêm tai ngoài: Viêm tai ngoài là tình trạng viêm ống tai ngoài. Nguyên nhân thường gặp của bệnh này là do tắm ở bể bơi hoặc hồ bị ô nhiễm. Các tác nhân gây bệnh thường bao gồm Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus.
- Viêm tai giữa: Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tai giữa do vi khuẩn, thường đi kèm với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, liên cầu khuẩn nhóm A.
- Viêm tai trong: Thường gặp nhất là viêm mê đạo. Mê đạo bị nhiễm trùng có thể gây chóng mặt, giảm thính lực và các triệu chứng khác.
- Viêm màng nhĩ: Thường là biến chứng của viêm tai ngoài. Màng nhĩ bị viêm rất dễ bị thủng dẫn đến suy giảm thính lực.
5. Suy giảm thính lực hoặc điếc
Nghe kém hoặc điếc là một trong những bệnh lý phổ biến hàng đầu ở tai do nhiều nguyên nhân gây ra. Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa hoặc chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như tiếp xúc với âm thanh quá lớn, sử dụng các thuốc gây độc cho tai, mắc một số các bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai, cấu trúc tai bất thường.
6. Tụ dịch vành tai
Tụ dịch vành tai thường có nguyên nhân từ chấn thương. Tụ dịch gây bóc tách giữa tổ chức màng sụn tai với sụn nằm bên dưới. Điều này làm gián đoạn mạch máu nuôi dưỡng sụn và có thể dẫn đến chết mô và hoại tử.
7. Các hội chứng di truyền
Hội chứng Treacher Collins và hội chứng Crouzon là các hội chứng di truyền với sự phát triển bất thường về hình dạng của tai ngoài như dị tật tai nhỏ, không có tai, loạn sản tai, hẹp ống tai ngoài.
Các phương pháp kiểm tra tai
Tùy vào từng loại bệnh lý của tai, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp kiểm tra khác nhau. Ngoài thăm khám, hỏi triệu chứng người bệnh gặp phải, khai thác bệnh sử cá nhân và gia đình, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp sau để kiểm tra tai:(2)
- Nội soi tai
- Chụp CT scan
- Bài kiểm tra thính lực
- Đo ảnh động nhãn đồ (VNG)
Phòng ngừa các bệnh lý về tai như thế nào?
Trong số các bệnh lý về tai, các bệnh liên quan đến nhiễm trùng thường có thể phòng ngừa được. Các bệnh liên quan đến cấu trúc tai hoặc các bệnh lý bẩm sinh thường không có biện pháp phòng ngừa.
Đối với những bệnh lý có thể phòng ngừa, thực hành những điều sau có thể hữu ích:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến tai mũi họng;
- Giữ tai sạch sẽ, khô ráo;
- Không dùng vật cứng, nhọn để lấy ráy tai;
- Không lấy ráy tai chung dụng cụ và không đảm bảo vệ sinh vì nguy cơ lây nhiễm bệnh cao;
- Không bơi lội trong các vùng nước ô nhiễm;
- Không lặn ở tầng quá sâu gây áp lực cho tai;
- Không tiếp xúc với âm thanh quá lớn;
- Không sử dụng các loại thuốc gây độc cho tai;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ;
- Thường xuyên kiểm tra tai ở những bệnh nhân mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV, đái tháo đường, ung thư…
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị các bệnh lý về tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Cấu tạo tai phức tạp, tinh vi và chức năng của tai cũng rất quan trọng. Do đó, việc hiểu về cấu trúc của tai có thể giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về tai.