Khi tuổi tác càng cao, các chức năng hoạt động của cơ thể ngày một suy yếu dễ dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Khi đó, việc sử dụng thuốc cho người già là điều vô cùng cần thiết, giúp điều trị các vấn đề sức khoẻ và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cho người cao tuổi cũng cần hết sức thận trọng vì chúng dễ tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
1. Điều gì làm tác động đến việc sử dụng thuốc cho người già?
Khi cơ thể bị lão hóa do tuổi tác, hiệu suất hoạt động của nhiều cơ quan có xu hướng giảm sút đáng kể. Hệ tiêu hoá của người cao tuổi cũng không còn hấp thụ thuốc tốt như trước, dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng. Dưới đây là một số yếu tố làm ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc cho người già, bao gồm:
- Người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh lý phối hợp, do đó việc dùng các loại thuốc điều trị bệnh cùng lúc có thể dẫn đến tác dụng phụ, thậm chí khiến bệnh trở nặng thêm. Mặt khác, điều này cũng gây ra sự tương tác giữa các loại thuốc, chẳng hạn thuốc giảm đau chống viêm gây xuất huyết đường tiêu hoá hoặc loét dạ dày, đồng thời làm tăng nguy cơ bị suy thận,...
- Bộ máy tiêu hoá của người già hoạt động kém dần đi, kèm theo nhu động ruột và lượng máu tuần hoàn đến ruột giảm, từ đó dẫn đến việc hấp thu thuốc chậm hơn. Điều này dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho đường tiêu hoá của người bệnh.
- Khối lượng các mô trong cơ thể người cao tuổi cũng có xu hướng giảm dần theo thời gian, vì vậy khối lượng nước giảm đi trong khi khối lượng mỡ tăng lên. Nồng độ của các loại thuốc sẽ tăng lên khi tan trong nước và chậm lại khi tan trong mỡ, nhưng dễ tích lũy gây độc cho cơ thể.
- Thông thường, thuốc sẽ được thải trừ ra bên ngoài thông qua 2 cơ quan gan - thận. Ở người cao tuổi, chức năng của gan thận đều suy yếu dần, lượng máu nuôi dưỡng cũng giảm, do đó quá trình chuyển hoá thuốc bị ảnh hưởng lớn, dễ gây độc khi thuốc tích lũy trong cơ thể.
2. Các loại thuốc mà người già nên thận trọng khi sử dụng
Khi tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính càng tăng. Do đó, việc tăng cường các loại thuốc cho người già là điều vô cùng cần thiết, giúp giảm thiểu các biến chứng do bệnh và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thuốc này, người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng nhằm ngăn ngừa các tác dụng phụ do thuốc gây ra, bao gồm:
2.1 Thuốc giảm đau không kê đơn
Những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, naproxen và ibuprofen có thể khiến một số loại thuốc kê đơn mà người bệnh đang dùng hoạt động kém hiệu quả hơn. Tốt nhất, người cao tuổi không nên dùng kết hợp thuốc NSAID với thuốc lợi tiểu, thuốc làm loãng máu, thuốc tiểu đường hoặc thuốc huyết áp. Ngoài ra, thuốc NSAID cũng tác động xấu đến những cơ quan chính trong cơ thể người cao tuổi, chẳng hạn như gan, thận, tim và hệ tiêu hoá.
2.2 Thuốc giãn cơ
Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc giãn cơ nhằm giúp người bệnh giảm bớt tình trạng co thắt cơ. Tuy nhiên, một số loại thuốc giãn cơ như methocarbamol (Robaxin), cyclobenzaprine (Flexeril) và carisoprodol (Soma) có thể gây ra các tác dụng phụ như bối rối, lo lắng, tăng nguy cơ té ngã và gặp chấn thương.
2.3 Một số loại thuốc tiểu đường cho người già
Những người cao tuổi mắc tiểu đường khi sử dụng nhóm thuốc sulfonylurea kéo dài, chẳng hạn như chlorpropamide (Diabinese) và glyburide (DiaBeta, Glynase), có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Khi đó, người bệnh thường có các triệu chứng như run rẩy, bối rối, đói, đổ mồ hôi và mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, người bệnh cũng có thể bị co giật, thậm chí tử vong.
2.4 Thuốc kháng histamine
Nếu người cao niên bị viêm mũi dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng, chẳng hạn như hắt hơi, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ khó lường. Một số thuốc kháng histamine có thể khiến người lớn tuổi cảm thấy buồn ngủ, dễ bị lú lẫn và tăng khả năng té ngã.
2.5 Thuốc hỗ trợ giấc ngủ cho người già
Một số loại thuốc giúp hỗ trợ giấc ngủ cho người lớn tuổi vào ban đêm nhưng có thể gây ra các vấn đề sau khi thức dậy, bao gồm:
- Cảm thấy chệnh choạng, mất thăng bằng khi ra khỏi giường ngủ vào buổi sáng.
- Khả năng suy nghĩ thấu đáo bị ảnh hưởng, dễ gây mất tỉnh táo.
- Khô miệng, mờ mắt hoặc các vấn đề về bàng quang do tác dụng của thành phần Diphenhydramine trong một số loại thuốc ngủ.
2.6 Thận trọng khi dùng thuốc bổ cho người già
Đối với người cao niên, do chức năng của lục phủ ngũ tạng đã dần suy yếu nên cần được bồi bổ cả về đường ăn uống lẫn thuốc men. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bổ hoặc thuốc tăng lực cho người già cũng cần dùng đúng loại để ngăn ngừa các tác dụng phụ.
Theo chuyên gia, người cao tuổi sẽ sử dụng thuốc bổ hoặc thuốc tăng lực dựa trên cơ địa của mình, bao gồm: Hàn, nhiệt hoặc trung tính. Cụ thể:
- Cơ địa thuộc tính hàn: Các bài thuốc bổ cho người già sẽ bao gồm những vị thuốc ôn, tránh chọn thuốc nhiệt vì dễ dẫn đến phản ứng không tốt cho sức khỏe.
- Cơ địa thuộc tính nhiệt: Các bài thuốc bổ cần tránh cho thuốc hàn, thay vào đó là thuốc tính lương.
- Cơ địa trung tính: Bài thuốc bổ bao gồm cả thuốc vừa lương vừa ôn, giúp cân bằng âm dương trong cơ thể.
Nhìn chung, để lựa chọn đúng thuốc bổ hoặc thuốc tăng lực cho người già, chúng ta cần xem họ đang yếu ở tạng phủ nào để tập trung chủ yếu vào việc tăng cường tạng phủ đó, tránh sử dụng thuốc bổ chung chung không đem lại hiệu quả. Ngoài ra, thuốc bổ cho người cao tuổi cũng cần đảm bảo có đầy đủ các vị thuốc bổ huyết và bổ khí, vì theo quan niệm của Đông y, khí huyết lưu thông thì sức khoẻ mới tốt lên.
2.7 Bổ sung vitamin cho người lớn tuổi
Các loại vitamin và vi chất dinh dưỡng khác đều rất cần thiết đối với sức khỏe của người lớn tuổi. Khi bước sang tuổi cao niên, cơ thể sẽ giảm khả năng hấp thu vitamin và cần phải tăng cường lượng bổ sung. Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin cho người lớn tuổi cũng cần lưu ý một số điều sau đây để tránh các nguy cơ sức khoẻ không đáng có, bao gồm:
- Sử dụng vitamin tổng hợp cho người già cần dùng theo đúng liều lượng được khuyến cáo, tránh uống quá liều dễ gây độc hại cho cơ thể.
- Lưu ý một số thành phần trong vitamin bổ sung và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Một số chất trong viên uống vitamin có thể dẫn đến các phản ứng như buồn nôn, sụt cân hoặc ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của người cao tuổi.
2.8 Thuốc trị lo âu cho người già
Những người cao tuổi mắc chứng lo âu có thể được kê đơn nhóm thuốc Benzodiazepines, bao gồm: Alprazolam (Xanax), diazepam (Valium) và chlordiazepoxide (Librium). Khi sử dụng các loại thuốc này, chúng sẽ tồn tại trong hệ thống của cơ thể lâu ngày và được đào thải chậm hơn nhiều so với những nhóm thuốc khác. Đôi khi, thuốc trị lo âu có thể dẫn đến các tác dụng phụ như nhầm lẫn hoặc tăng khả năng té ngã.
2.9 Thuốc kháng cholinergic cho người lớn tuổi
Thuốc kháng cholinergic là loại thuốc có khả năng ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, được sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng sức khỏe ở người cao tuổi, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, bệnh Parkinson và trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài thuốc kháng cholinergic có thể gây ra các triệu chứng như khô miệng, lú lẫn, mờ mắt ở người lớn tuổi. Ngoài ra, những người đàn ông lớn tuổi dùng thuốc này có thể mắc phải các vấn đề về kiểm soát bàng quang.
2.10 Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Thuốc chống trầm cảm ba vòng là một loại thuốc ít được bác sĩ kê đơn. Đặc biệt, những loại thuốc ba vòng như amitriptyline và imipramine có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với người lớn tuổi, bao gồm: Nhìn mờ, táo bón, rối loạn nhịp tim, rối loạn trí nhớ, lú lẫn và khô miệng. Đối với nam giới sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gặp phải các vấn đề về tiểu tiện.
2.11 Thuốc chống loạn thần cho người cao tuổi
Một số loại thuốc chống loạn thần để điều trị các rối loạn tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt thường dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe đối với người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc chống loạn thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc chảy máu não ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ.
2.12 Sử dụng thuốc Cimetidine (Tagamet) cho người lớn tuổi
Cinetidine là loại thuốc không kê đơn, được sử dụng để điều trị cho chứng khó tiêu, ợ nóng và loét dạ dày. Đối với những người lớn tuổi khi dùng thuốc này có thể gặp phải các tác dụng phụ như nhầm lẫn, lú lẫn ngay cả ở liều lượng thông thường.
2.13 Sử dụng thuốc kết hợp ở người cao niên
Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào, người cao tuổi cần xem kỹ nhãn thuốc để kiểm tra xem chúng có kết hợp nhiều thành phần hoạt chất hay không. Một số loại thuốc điều trị viêm xoang và cảm lạnh thường có sự kết hợp giữa thuốc thông mũi cùng thuốc kháng histamine. Sự kết hợp này có thể gây ra các phản ứng như buồn ngủ, bối rối, chệnh choạng, tăng huyết áp và các vấn đề về tiểu tiện ở người cao tuổi.
2.14 Sử dụng thuốc nhuận tràng đối với người già
Nhiều người cao niên sử dụng thuốc nhuận tràng nhằm làm giảm tình trạng táo bón, chẳng hạn như thuốc bisacodyl (Dulcolax). Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài và thường xuyên loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề vĩnh viễn với ruột, thậm chí khiến chức năng tiêu hoá bị rối loạn nghiêm trọng.
Tóm lại người cao tuổi nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc và nếu có vấn đề sức khỏe nên thăm khám để có những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com