Thăm Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng Phan Văn Khải và các quan chức lớn trong đoàn đã có dịp làm quen nhiều hơn với cách làm việc của truyền thông nước ngoài.
Nhà báo Xuân Trung của Tuổi Trẻ mô tả tại các buổi họp báo, "Hàng chục nhà báo nước ngoài phỏng vấn Thủ tướng xoáy vào nhiều câu hỏi thuộc loại “khó chịu”.
Tờ Việt Mercury (Mỹ) hỏi thẳng Thủ tướng: “Hiện nay nhiều người Việt ở Mỹ vẫn gắn bó với cờ vàng ba sọc đỏ và vận động các tiểu bang công nhận lá cờ mà họ cho rằng tượng trưng cho tự do, truyền thống và đoàn kết. Thủ tướng có nghĩ rằng nên đổi quốc ca và quốc kỳ VN để hàn gắn sự dị biệt này không?”
Một quan chức nhà ta bực tức: “hỏi láo thế” thì trả lời làm gì. Thủ tướng vẫn trả lời: một số người Việt hải ngoại “ôm mộng cờ vàng” hoài niệm quá khứ đã bị lịch sử đẩy lùi vào dĩ vãng là không thực tế. Lá cờ đỏ sao vàng và bài Tiến quân ca đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn 60 năm qua trong cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất Tổ quốc đã trở thành niềm tự hào của mọi người VN. Quốc kỳ và quốc ca VN hiện được cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận và tôn trọng.
Nhà báo Xuân Trung kết luận, "Bản lĩnh của người trả lời đã giành thế chủ động một cách nhẹ nhàng, tế nhị trước người hỏi dù có dụng ý gì đi nữa.''
Nhà báo này cho người đọc cảm giác các phóng viên nước ngoài đều có thái độ thù nghịch, đều muốn ''bắt bí'' Thủ tướng Khải nói riêng, và các quan chức Việt Nam nói chung.
Trên thực tế nếu theo dõi truyền thanh, truyền hình ở các nước phương Tây, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy là bất kỳ nhà chính trị nào cũng bị ''hỏi khó'' cả.
Đó chính là tính cách đặc thù của truyền thông tự do bởi vì bản chất của nó thay mặt công chúng giám sát những việc làm của chính phủ.
Các phóng viên hỏi những gì dân muốn biết, và trách nhiệm của các chính khách là phải trình bày rõ ràng mạch lạc chính sách của họ.
Các chính trị gia ở phương Tây có nhu cầu phải "đối phó" với truyền thông vì có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu mỗi khi có tranh cử. Nhưng nhu cầu đó đối với các quan chức ở Việt Nam có lẽ không bức bách bằng.
Tuy nhiên, nhập gia tùy tục, đó là một phần của việc hội nhập với thế giới. Nhà báo Xuân Trung nói rằng khả năng đối đáp của Thủ tướng cho thấy ''bản lĩnh hội nhập'' của Việt Nam.
Không ngại bất cứ câu hỏi nào, Thủ tướng đã không chỉ trả lời để mà trả lời, mà đã thật sự “chiếm” diễn đàn của họ nói những điều cần nói. Thậm chí những vấn đề thuộc loại nhạy cảm như tôn giáo, dân tộc, quân sự... cũng đều nhận được câu trả lời tất nhiên ở các mức độ khác nhau. Ngay cả vấn đề tế nhị về cán cân bang giao giữa các nước lớn, Thủ tướng cũng không từ chối. Riêng với Mỹ, Thủ tướng chuyển đi thông điệp: “Xây dựng quan hệ hữu nghị, đối tác xây dựng, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài, tôn trọng lợi ích của nhau”.
Trên thực tế cũng như mọi chính trị gia, Thủ tướng Khải đã từ chối một số cuộc phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, ngay cả trước sự vồn vã của phóng viên đài truyền hình MSNBC lúc ông đến rung chuông khai mạc ngày giao dịch chứng khoán ở New York.
Các quan sát viên nhận xét đó là một dịp hiếm có để, như nhà báo Xuân Trung viết, "Sự kiện Thủ tướng VN xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh đương nhiên là một cột mốc lịch sử của dân tộc hai nước. Nhưng hơn thế nữa, đây thật sự là bằng chứng của hình ảnh VN hội nhập."
Như vậy thay vì đòi hỏi các quan chức đến từ Việt Nam phải được đối xử khác đi, có lẽ tốt hơn họ nên có những cố vấn chuyên nghiệp về truyền thông.
-
Nguyễn Quang Duy, Canberra, ÚcTruyền thông mang chức năng thông tin đến đại chúng. Như việc nhà lãnh đạo Mỹ, ông Bill Clinton, phải dùng trực thăng, nhà tư bản Mỹ ông Bill Gates, phải dùng canô vào cửa hậu, khi họ tham gia Hội nghị Tự Do Mậu dịch Tòan cầu. Cửa chính hội nghị dành cho những ngừơi biểu tình, cộng sản có, xã hội có, đấu tranh bảo tồn môi trường có, công nhân có, nông dân có… Ở Úc việc truyền thông loan tin nông dân hay công nhân biểu tình cản hoặc chống lại tự do mậu dịch là chuyện xảy ra hàng ngày. Việc thay đổi chính sách sẽ tạo ra kẻ có lợi và ngừơi bất lợi, nếu việc bù đắp thiếu công bằng dĩ nhiên người bất lợi sẽ đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu giới truyền thông không thông tin quan điểm của người bất lợi họ sẽ bị đại chúng Úc tẩy chay ngay. Còn chính phủ hay người có lợi mà muốn loan tin tốt thì phải trả tiền và giới truyền thông còn tôn trọng đại chúng cho biết rõ “đây chỉ là quảng cáo”. Nhờ xem phim “anh Nguyễn Văn Trỗi” tôi tin rằng truyền thông miền Nam trước năm 1975 đã thực hiện tốt chức năng thông tin đến đại chúng.
Bạn Thái Minh thân, các khẩu hiệu Dân chủ, Nhân quyền, Tự do tôn giáo, người hải ngọai dùng để thông tin đến đại chúng (người bản xứ) chứ không phải cho người trong nước đâu. Người hải ngọai đã quá biết kinh tế tự do, phải đi liền với tự do thông tin (đặc biệt là các tin xấu), tự do chính trị … Chỉ cần một chút tự tin thôi bạn sẽ nhân rõ Việt Nam ngày mai cần rất nhiều người lãnh đạo từ trung ương đến đia phương, đến cơ sở hạ tầng. Mong bạn tiếp tục học ở ông nội bạn, học ở ông Phan văn Khải, vân động và sửa sọan cho mình, nỗ lực này rất thiết thực để góp phần cho tương lai bạn nói riêng và Việt Nam nói chung. Lẽ dĩ nhiên khi người dân được quyền chọn lựa, dân mình sẽ chọn lựa những ngừơi như bạn chứ không phải những người ở hải ngọai như chúng tôi đâu.
Chim Cu, Hà NộiTôi để ý nhiều bạn trẻ trong nước bàn tán chuyện Bác Khải cầm giấy đọc lúc ở Nhà Trắng với vẻ không vừa lòng, vì cho đó là biểu hiện của một Việt Nam yếu thế. Nhưng nhìn vẻ mặt ôn hòa và những lời lẽ khiêm nhường của ông Bush trong cuộc gặp gỡ chung với giới truyền thông cho thấy một ông Bush đầy thông cảm và tôn trọng đối tác của mình như thế nào.
Qua hệ thống truyền hình của trong và ngoài Việt nam, chúng ta không hề thấy những cử chỉ vồ vập từ phía ông Bush, chẳng hạn như cách đưa tay đỡ sau lưng như ông đã từng làm với các lãnh tụ đến từ Đông Âu hay Trung Đông, hay những ngôn từ có phần hơi quá hoa mỹ và trịnh thượng mà ông đã dùng tại Trung Á hay Ucraina. Thay vào đó là những lời lẽ ngắn gọn (không quá biểu cảm bằng những tính từ mạnh), nhưng gần như đầy đủ rằng cả hai vị nguyên thủ quốc gia đã có những trao đổi thẳng thắn về mọi vấn đề trước đó.
Chắc nhiều quý vị tham gia diễn đàn này đều chung đánh giá rằng ông Bush có cả một thời gian dài để học cách thể hiện bản thân ông với tư cách là người đại diện cho một cường quốc duy nhất trước truyền thông, còn ông Khải tuy không có cơ may đó, nhưng tôi đánh giá là ông cũng đã thể hiện được đầy đủ con người và suy nghĩ của cá nhân ông với chính giới truyền thông và cả những chính khách hàng đầu của Hoa Kỳ. Một lần nữa, tôi đánh giá ông Khải đã thành công lớn trong chuyến đi này.
Nguyễn Phước Hậu, Sài Gòn, Việt NamTui không biết các nhà báo nước ngoài có hỏi ông Khải về tương lai của nền chính trị VN không? Vì hiện nay VN theo con đường XHCN nghĩa là chỉ có một đảng lảnh đạo thì làm sao công bằng khi mà XHCN là độc đảng. Người dân VN hiện nay rất quan tâm đến nhân quyền nhưng nói thật tui chưa thấy được điều đó ở trong nước. Ở mỗi kỳ họp quốc hội đều chỉ nghe "hứa" họ đều có những dự định cho kinh tế, xã hội... thế nhưng con đường tiến lên XHCN thì không bao giờ được nói đến vì sao?
Nguyễn Quang Hùng, Hà Nội, Việt NamThực lòng, nếu Thủ tướng Phan văn Khải phát biểu mà không cần cầm giấy thì sẽ nâng cao được hình ảnh của một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, đây là những tuyên bố mang tính chất gửi thông điệp về đường lối, chính sách của Việt Nam đối Hoa Kỳ nói riêng cũng như đối với thế giới nói chung. Thủ tướng là người thể hiện ý kiến dân tộc nên không thể để sai sót. Điều này, cũng thể hiện trách nhiệm của một người đứng đầu đối với dân tộc. Chúng ta có thể góp ý để các chính khách Việt Nam rèn luyện để có khả năng trả lời, khả năng diễn thuyết nhưng chúng ta không nên đánh giá, qui kết chính sách chế độ qua một vài hình ảnh. Có câu" Không nên đánh giá chất lượng rượu qua hình thức chai rượu", mong các bạn suy ngẫm
DũngĐọc bức thư dài nhưng lớp lang, khúc chiết của Thái Minh, Hà Nội, tôi thật mến nể bạn ấy,chẳng chê trách được điều gì, mong là những đối tượng gọi là "thầm lặng" cũng cùng quan điểm. Ngoài ra tôi cũng nghĩ đến anh hay chị trong Ban Việt Ngữ đã cho bài này lên mạng, nhờ thế tôi cũng bớt bất mãn khi những ý kiến luộm thuộm của mình thường bị quăng bỏ.
Nguyễn Minh, San Francisco, MỹLiên quan tới việc đưa tin về chuyến thăm Mỹ của TT Phan Văn Khải. Tôi là một người Việt đang học tại Mỹ, rất quan tâm tới chuyến thăm Mỹ của ông Thủ Tướng lần này. Trong suốt thời gian đó, tôi cập nhật thông tin thường xuyên từ nhiều nguồn khác nhau, cả từ báo điện tử trong nước và ngoài nước.
Ngoài những điều buồn phiền về việc báo chí trong nước chỉ toàn đưa tin tốt và ca ngợi chuyến đi của ông Khải, tôi còn đặc biệt buồn một người: đó là phóng viên Anh Tuấn, tổng biên tập báo điện tử Vnexpress, người đi theo đoàn của Thủ tướng để đưa tin nóng. Nghe nói ông này học ở đại học Havard về, nhưng cách đưa tin thì hoàn toàn phiến diện và phục vụ "mục đích chính trị" trong nước. Anh này đặc biệt dùng những từ ngữ hoa mỹ một cách quá mức mà ta vẫn hay nghe được từ các cuộc họp báo cáo thành tích của nước nhà để mô tả sự thành công của chuyến đi. Anh ta không một lời đả động tới các cuộc biểu tình, thậm chí xô xát với Việt kiều trước Nhà Trắng.
Nguyễn Tấn Tài, Đà Nẵng, Việt NamTôi cảm thấy các phóng viên có nguồn gốc Việt Nam chẳng những không hiểu biết gì về chung tôi mà con "bày đặt" đưa ra những câu hỏi vớ vẫn không sát thực tế,các bạn chưa hiểu biết nhiều về chúng tôi thì xin đừng phát biểu bậy bạ, đành rằng báo chí có quyền tự do ngôn luận nhưng tuyệt đối không được phép nói sai sự thật,mà sự thật là điều đầu tiên và là cốt yếu của báo chí. Hãy nhìn Việt Nam của ngày xưa và ngày nay rồi nói chuyện về tương lai. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến xây dựng. Chúng tôi kiên quyết chống lại những tổ chức, cá nhân phản động nói sai sự thật về chúng tôi.
Wilson, Hà Nội, Việt NamChúng tôi, những người Việt Nam yêu nước thực sự muốn bày tỏ nỗi uất ức và căm phẫn trước hình ảnh một vị thủ tướng cầm tờ giấy đã được viết sẵn và cúi gằm xuống để đọc trông buổi hội đàm với Tổng thống Bush trông giống như một kẻ tội phạm đọc bản tường trình trước toà. Chúng tôi không thể chấp nhận và sẽ không bao giờ chấp nhận như vậy. Còn gì một hình ảnh nước Việt Nam anh hùng, một nước Việt Nam đầy dũng khí và bản lĩnh. Ông khải (không viết hoa) trong giây phút đã làm mất đi tất cả những ấn tượng đẹp đẽ về nước Việt Nam tươi đẹp của chúng tôi.
Dương MInh, Hải PhòngTôi thấy rằng sự hoàn thiện và hoàn hảo phải có một môi trường tốt để thể hiện tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao. Giới chính trị gia cũng phải chuyên nghiệp. Không thể có sự lựa chọn sắp đặt của cá nhân, hoặc may mắn, mà trở thành chính trị gia để rồi để xã hội thế nào cũng được, nói không dám nói, quyết không dám quyết, mọi việc mờ mờ ảo ảo, dân chúng xã hội không biết thế nào mà lần, không hiểu xã hội mình như thế nào, vận mệnh dân tộc ra sao.
Dân ĐenCác phóng viên trong nước, bảo là những câu hỏi "khó chịu"... Xin góp ý xứ tự do phóng viên họ làm việc độc lập, có tự do, dù câu hỏi có khó chịu, cũng không bị trù dập, hay cúp lương, cho đi cải tạo! Bởi vậy phóng viên trong nước thường phỏng vần dễ chịu, cái gì cũng thưa ngài Thủ tướng...
Nguyễn Tấn Tài, Đà NẵngTôi cảm thấy các phóng viên có nguồn gốc Việt Nam chảng những không hiểu biết gì về chung tôi mà con "bày đặt" đưa ra những câu hỏi vớ vẫn không sát thực tế,các bạn chưa hiểu biết nhiều về chúng tôi thì xin đừng phát biểu bậy bạ, đành rằng báo chí có quyền tự do ngôn luận nhưng tuyệt đối không được phép nói sai sự thật, mà sự thật là điều đầu tiên và là cốt yếu của báo chí. Hãy nhìn Việt Nam của ngày xưa và ngày nay rồi nói chuyện về tương lai. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến xây dựng. Chúng tôi kiên quyết chống lại những tổ chức,cá nhân phản động nói sai sự thật về chúng tôi.
Giang Ho, USAXin ghi thêm vài sự cố trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Toà Nhà Trắng. Chương trình viếng thăm Hoa Kỳ của phái đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải tính đến hôm 22/6, đã được một nửa. Với những hiệp ước thương mại quan trọng đã được ký, với cuộc gặp gỡ lịch sử với Tống thống Hoa Kỳ George W. Bush tại Tòa 'Nhà Trắng, với những cuộc gặp gỡ khác với các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ, và nếu lờ đi - như phái đoàn của ông và truyền thông trong nước đã lờ đi - những cuộc biểu tình đòi nhân quyền và tự do của cộng đồng người Việt tại khắp mọi nơi ông Khải đặt chân đến, cuộc viếng thăm này có thể coi như là một thành công.
Cái mà giới truyền thông chứng kiến là những ấn tượng ngược lại. Sau hơn hai phút phát biểu của chủ nhà, đến lượt mình, Thủ tướng Phan Văn Khải, thay vì nhìn thẳng vào ống kính truyền hình và phát biểu, đã đọc một bản văn được viết sẵn mà ông vẫn mân mê trên tay từ đầu cuộc họp báo. Ông đọc từng câu, dừng lại để chờ người thông dịch, và đọc câu kế tiếp. Bản văn được đọc trong 6 phút, kể cả thời gian thông dịch.
Trong lịch sử tiếp tân và họp báo của tổng thống Hoa Kỳ với những người lãnh đạo nhà nước tại Nhà Trắng của hơn 200 năm nay, có bao nhiêu vị phải đọc phát biểu của mình từ một bản văn cầm tay như thế, và đọc trước ống kính truyền hình của những cơ quan thông tấn lớn nhất thế giới?
Trong suốt thời gian ông Khải đọc bài, Tổng thống Bush nhìn ông chăm chú, với một nụ cười rất lạ. Ai ở Mỹ đủ lâu thì sẽ không chịu được kiểu cười như thế của người Mỹ. Làm người lãnh đạo của một nhà nước độc đoán như Việt Nam, ông Khải chắc hẳn không phải gặp gỡ thường xuyên với báo chí và dân chúng. Sự vụng về của ông ngày 22/6 chứng minh điều đó.
Cái ấn tượng mà Thủ tướng Phan Văn Khải và những người cộng sự của ông để lại sau buổi họp báo hôm qua là ấn tượng của một văn hóa chính trị máy móc, vụng về, cũ kỹ. Việt Nam cần một chuyến đi khác, của một thủ tướng khác, để xóa đi cái ấn tượng không mấy đẹp đẽ này. Và tiêu chuẩn đầu tiên để lựa chọn vị thủ tướng như thế phải là: biết phát biểu trước ống kính truyền hình vài phút mà không cần nhìn vào một bản văn viết sẳn! Nếu không thì mất mặt lắm!
Thái Minh, Hà NộiCảm ơn BBC đã đưa nhưng tin mà bản thân tôi cho rằng rất khách quan. Theo tôi thì việc thi hành được Dân chủ, Nhân quyền và Tự do tôn giáo của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp trí thức tại Việt Nam, vì đây là tầng lớp có suy nghĩ rất cấp tiến. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân tôi, tôi xin mạn phép chia tầng lớp này theo 7 kiểu.
Kiểu 1: Ông nội tôi, một đảng viên, đại biểu quốc hội, người luôn được coi là vô thần, thế mà khi ông về hưu gần 55 tuổi bỗng dưng ông tin Phật và thờ Phật. Tôi hỏi người lớn lý do tại sao ông lại như vậy, thì ai cũng nói là già rồi ai cũng thế. Ngoài ông nội tôi ra, còn 1 tầng lớp già nữa, tôi biết các ông bà đó, họ cũng là đảng viên, từng là lính tham gia các cuộc kháng chiến. Nhưng rất nhiều người trong số đó có thái độ “bất đắc chí”, nhiều khi tôi thấy họ chửi đời số mộ.
Kiểu 2: Tôi có 1 thằng bạn nó mắc một tật xấu là rất thích chơi bài bạc, lý do của nó rất đơn giản, nó nói là chán học, những điều học trong sách vở đều hết sức xa rời với thực tế. Cuối cùng, bố nó ốm gần chết, nó buộc phải quỳ dưới chân bố thề không bao giờ bài bạc. Nó quay lại học vẫn bình thường và cố gắng tìm đọc thêm sách để bồi bổ tinh thần. Nó đã tìm đến quyển “thế giới quả là rộng lớn và còn rất nhiều việc phải làm” của ông Kim Woo Jung, chủ tịch tập đoàn Deawoo. Nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau khi áp dụng những điều của ông Kim dạy trong sách, thì báo chí đưa tin Deawoo phá sản. Nó rất buồn.
Kiểu 3: Lúc tôi ra nước ngoài học, có một lần, culture fair dành cho sinh viên nước ngoài được tổ chức, tôi đã ngồi với một anh bạn, một người học giỏi, thông minh. Culture fair này do nhà thờ đạo tin Lành tài trợ, thực chất nhằm mục đích truyền đạo là chính, sau đó họ làm 1 cái party cho sinh viên nước ngoài ăn uống. Trước party, có một ông linh mục đến giảng đạo, ngay ban đầu ông ấy đã đặt ra câu hỏi : “who is your father?”, rồi kèm theo một loạt các câu “who is your father of your father?” , “who is your father of your father of your father…?” sau đó ông ta gào lên “ GOD”. Sau đó, ông ấy yêu cầu mọi người nhắm mắt để lẩm nhẩm mấy câu có liên quan đến GOD. Anh bạn học giỏi thông minh kia rất khó chịu, anh ta cho rằng thật ông ấy truyền đạo hơi bị thô bạo.
Kiểu 4: Những người kiểu này không nhiều, họ rất khôn, họ hiểu rõ bản chất sự vật, đánh giá khá khách quan vấn đề, năng lực học cũng cao, khả năng tiếng Anh rất tốt. Nhưng lúc nào họ cũng chỉ thích đi ra nước ngoài, đặc biệt rất thích sang Mỹ, thích mọi thứ liên quan đến nước ngoài và Mỹ. Bạn tôi là một trường hợp, anh ta học tại Nhật theo một học bổng research, sau khi học xong anh ta có đủ khả năng để xin tiếp học bổng Monbusho của Nhật (khoảng 1800 đô / 1tháng). Vậy mà anh ta kiên quyết về Việt Nam để xin học bổng VEF đi Mỹ.
Kiểu 5: Đó là những người cũng biết rõ bản chất vấn đề, đánh giá cũng khách quan, họ ra nước ngoài mong muốn tìm được một ai đó sáng suốt, có thể thay đổi vận mệnh của đất nước. Đến lúc họ nhận ra tất cả đều giả tạo, họ chẳng tìm thấy ai như vậy, họ buồn rầu quay về nhà tiếp tục làm kinh tế và không bao giờ nghĩ đến việc tìm ai đó.
Kiểu 6: Hỗn hợp của hai hay nhiều kiểu trên, rất lúng túng. Tôi là một trong số đó.
Kiểu 7: Đang hoạt động chính trị trong nước, tư tưởng chống đối với chính quyền rất mạnh mẽ, có người trong số đó đang bị tù đày.
Kết luậnKiểu 1 (bất lực): những người có kinh nghiệm hiểu đời, họ hiểu hết nhưng họ già rồi, “lực bất tòng tâm”, muốn thay đổi cũng rất khó. Họ luôn cảm thấy bất lực, nên phải theo cuộc sống tâm linh, những người khác bực bội thì chỉ có thể chửi bới xã hội.
Kiểu 2 (sợ): Biết mọi thứ trong sách vở ở trường là giả dối, quay lại với mớ lý luận Đảng thì không quay lại được vì họ cũng biết là đạo đức giả, nhưng họ vẫn còn trẻ họ vẫn phải tìm đến những ông Kim để học tập.Tuy thế, họ cũng không dám chống đối ai vì họ rất sợ.
Kiểu 3 (cứng nhắc, khó thay đổi): Đây là những người bị nhồi sọ nhiều quá, rất khó thay đổi. Tôi nghĩ là tôi tôn trọng ông GOD, vì chúng ta luôn kính trọng Hồ Chủ Tịch, cụ Hồ như thánh ở Việt Nam. Vậy tại sao ta có quyền ca ngời cụ Hồ mà lại khinh rẻ ông GOD ở đạo tin Lành.
Kiểu 4 (khôn quá): những người trong kiểu này là những người rất khôn ngoan, họ còn trẻ họ cũng hiểu biết, tài giỏi và không sợ hãi. Tuy thế, do khôn quá, nên họ luôn nghĩ mọi cách làm lợi cho bản thân. Họ thích đến Mỹ vì xã hội Mỹ là xã hội vật chất đầy đủ, có thể thoả mãn khát vọng của họ. Nhưng họ cũng không nghĩ đến đấu tranh vì Nhân Quyền và Tự do tôn giáo đâu vì họ rất ích kỷ.
Kiểu 5 (cấp tiến): đây là dạng người cấp tiến. Nhưng họ chỉ tin vào bản thân mình, rất có khả năng sẽ bị biến thành kiểu số 4.
Kiểu 6 (có rất nhiều): Lúng túng.
Kiểu 7: hầu hết mọi người có rất ít thông tin về họ. Trong xã hội còn rất nhiều tầng lớp, nhưng đây chỉ là sự nhận xét của cá nhân của tôi về tầng lớp trí thức Việt Nam.
Rất mong được BBC truyền tải sự nhận xét này tới các bạn nước ngoài, mong nhận được sự đóng góp ý kiến. Đây cũng chính là lý do tại sao những người Việt kiều không hiểu được người trong nước, nên họ luôn dùng các khẩu hiệu đao to búa lớn Dân chủ, Nhân quyền, Tự do tôn giáo. Nếu các bạn tung hô các khẩu hiệu đó nhiều quá tôi tin là phản tác dụng với những thành phần hiện đang sống tại Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức.
Nguyen, Smyrna, USATôi quan sát đoạn video về cuộc hội đàm của Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng VN Phan V Khải, tôi nhận xet rằng ông Khải sau mỗi câu đọc thì chỉ cúi gầm xuống hoặc lẩn tránh, hay không hướng nhìn về tổng thống Bush. Theo tâm lý rất phổ thông ở Mỹ , khi tiếp xúc đối thoại nhất là trong cuộc phỏng vấn xin việc) , thì phải hướng mắt (eyes contact) với người đang đàm thoại với mình để biểu lộ sự thành thật , quan tâm và nhiệt tình; nếu không thì họ chắc chắn sẽ đánh giá là ta không thành thật, có ý gian hay không tự tin. Điều này các em học sinh từ nhỏ đã được giáo dục rất kỹ.
Nếu ai đó còn nhớ chuyến công du của Bill Clinton năm 2000 thì đã có hàng chục ngàn người chào đón cực kỳ nồng nhiệt vị Tổng thống hào hoa này, ngược lại bác KHẢI vừa đặt chân đến Mỹ thay vì được đón tiếp giống như bác BILL nhà ta thì bác Khải đựoc đón tiếp bằng rừng cờ vàng của bọn "phản động hải ngoại" rồi còn hát bài "quốc ca phản động" nữa.
No nameTôi thấy Thủ Tướng Kiệt và Phó Thủ Tướng Vũ Khoan trả lời trước giới truyền thông như vậy là tốt rồi. Trước kia tôi nghĩ chắc các vị không làm được như thế. Chúc cho Thủ Tướng Khải cùng các quan chức Việt Nam nhuần nhuyễn nữa khi tiếp xúc với giới truyền thông
Phong, Sydney, AustraliaTôi để ý thấy đa số giới lãnh đạo bên VN và TQ khi đọc diễn văn cứ cầm tờ giấy đọc mãi, mặc kệ thính giả. Hơn nữa, khi trả lời phóng viên luôn tỏ ra rất căng thẳng và không được trôi chảy trong lời nói. Có vài nguyên do dẫn đến hiện tượng như vậy: kém tài, không thực thập nhiều cho lãnh vực truyên thông qua hợp báo, sợ nói sai sẽ chịu hậu quả khó đo lường. Thế nhưng, nghe qua lời phát biểu của Thủ Tướng Khải trong cái audio clip của BBC sau cuộc họp với ông Bush thì tôi nhận xét rằng ông ta có giọng nói khá hay, chứa đầy quyền lực của một vị thủ lãnh, từ ngữ gọn nhưng ý nghĩa đầy đủ và thuyết phục. Tuy nhiên, nếu ông ta vừa đọc vừa thường xuyên giao tiếp với thính giả của ông ta qua cặp mắt thì sẽ hay hơn nhiều.
Le Vu Minh Tan, TP HCMĐây là một nhận xét chính xác. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải có trợ lý hoặc cố vấn truyền thông. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, tổng thống Bush phát biểu rất tự nhiên và rất thuyết phục, nhưng thủ tướng Phan Văn Khải xuất hiện không ấn tượng lắm trước giới báo chí, mặc dù phát biểu của ông có nội dung khá thuyết phục, nếu ông không nhờ vào tờ giấy cũng như nhìn thẳng vào giới truyền thông thì sẽ gây ấn tượng mạnh hơn nhiều. Trường hợp này cũng xảy ra với ông Vũ Khoan, mặc dù khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của ông là khá, trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng phong thái không thuyết phục và thiếu tự tin. Chúc các ông tiến bộ khi tiếp xúc với giới truyền thông.
Chim CuTôi thấy ông Kissinger là chính trị gia giỏi hơn cả khi ngắt những câu hỏi 'móc máy' định đưa ông ta vào bẫy. Nó hoặc chỉ chứng tỏ người hỏi không có hiểu biết gì nhiều về người trả lời, hoặc chỉ định phô trương những màn giật gân nhằm lôi kéo người nghe, vì đây thường là cách hay được áp dụng của nhiều hãng truyền thông.
Anh Quang, Hà NộiTôi đọc mãi mà chả thấy có cái gì là mâu thuẫn giữa nội dung Xuân Trung nói và những gì Đài BBC nêu cả. Lúc ông Khải đến NY Stock Exchange phải theo đúng giờ giấc đã định, đấy có phải lúc take questions không nhỉ? Từ chối một vài câu hỏi không phải là tiêu chí để đánh giá. Bush đã quá nhiều lần từ chối trả lời đó thôi, mà thái độ dữ dội là đàng khác. Thật vớ vẩn! Quí vị phóng viên BBC Việt ngữ vốn toàn là người trong nước đi kiếm việc rồi tìm cách xin ở lại (ví như ..... tư cách vô cùng tồi tệ). Quí vị mới học được vài ba điều i tờ về xã hội Tây phương rồi bỗng ngộ nhận mình giỏi hơn trong nước và có tư cách thuyết giáo! Xin thưa, còn xa! Những cung cách hành nghề báo chí vừa qua chứng tỏ hiểu biết của quí vị chưa vượt mức common sense thôi hà. Nếu là bản lĩnh thì phải học bà phóng viên BBC Anh ngữ đặt câu hỏi hóc cho Kissinger đó.