Trong đó, khu vực thành phố Thủ Đức ngập do mưa nhiều nhất với 8 tuyến: Thảo Điền, Quốc Hương, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân và Võ Văn Ngân. Tiếp đó là khu vực quận Gò Vấp với 5 tuyến: Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ và Phan Huy Ích. Khu vực quận Tân Phú, Bình Tân có 4 tuyến: Phan Anh, An Dương Vương, Tân Hòa Đông và Võ Văn Kiệt.
Ngoài ra, 7 tuyến đường bị ngập do triều cường, gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình.
Ông Đỗ Tấn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết, để giải quyết ngập cho khu vực thành phố Thủ Đức cần đẩy nhanh hoàn thành các dự án đang triển khai. Tại đường Tô Ngọc Vân có dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa khởi công tháng 6.2021 với chiều dài 2km, tổng đầu tư khoảng 47,5 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành sau 16 tháng, song đến nay dự án vẫn chưa xong.
Đối với đường Võ Văn Ngân, hiện có dự án xây dựng hệ thống thoát nước dài gần 2,5km, khởi công từ tháng 10.2020 với tổng vốn hơn 248 tỉ đồng. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau 17 tháng nhưng đến nay cũng chưa xong. Các tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức muốn sớm hết ngập ngoài việc triển khai cải tạo hệ thống thoát nước tại mỗi tuyến đường thì cần đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng mới cống rạch Cầu Ngang và nạo vét cải tạo rạch Thủ Đức.
Tại khu vực quận Gò Vấp, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Văn Chiêu (từ đường Lê Đức Thọ đến đường Thống Nhất); cải tạo hệ thống thoát nước đường Phan Huy Ích. Riêng khu vực Quận 6 cần sớm triển khai dự án nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Hiệp Tân, Quận 6 và Tân Phú).
Trong khi đó, Dự án Giải quyết ngập triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư được khởi công năm 2016 nhưng nhiều lần lùi tiến độ về đích. Từ cuối năm 2020, khi dự án đạt hơn 93% khối lượng thì tạm dừng đến nay.
Theo ông Nguyễn Huy Bình - Trưởng phòng kế hoạch đầu tư (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM), UBND TPHCM đã ký phụ lục gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Tuy vậy, dự án vẫn vướng mắc cơ chế nên chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT.
Đây là những vướng mắc vượt thẩm quyền của UBND TPHCM nên thành phố đã báo cáo Thủ tướng tháo gỡ. Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị được ủy thác ngân sách thành phố khoảng 1.800 tỉ đồng cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) để cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
“Hiện UBND TPHCM đang giải trình các vấn đề cho Chính phủ liên quan đến việc thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, thành phố sẽ giải quyết các vướng mắc. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì chỉ cần 6 - 8 tháng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại” - ông Bình nói.