- Biển Kỳ Co
Nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 25 km, thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Kỳ Co mang một vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng đẹp tựa một bức tranh vừa nên thơ vừa hùng vĩ, Kỳ Co còn được mệnh danh là chỉ cách thiên đường một bước chân.
- Hòn Khô
Nằm cách Quy Nhơn khoảng 16km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lố che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Gọi là Hòn Khô bởi đảo chẳng có gì ngoài những dãy núi đá cheo leo, khô khốc cố ngơi ra biển. Ở đảo, bốn mùa gió biển thi nhau đùa cợt xô đẩy vào vách đá. Những con sóng bạc đầu thích thú với việc tạo hình cho đá. Chúng miệt mài đêm ngày chăm chút, tỉa tót khiến đá cũng mềm lòng mà uốn éo, ngả nghiêng. Hòn Khô cũng thật biết chiều chuộng những đôi chân ưa khám phá mạo hiểm. Nó buộc khách xa phải thở hổn hển trèo hết vách này đến dốc khác để rồi trả công bằng cảm giác khi lên tới đỉnh, người ta mới cảm hết được sự khoáng đạt, bao la của biển cả. Phía xa xa là toàn cảnh TP. Quy Nhơn được thu gọn trong tầm mắt...
Bãi tắm ở Hòn Khô vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc. Không chỉ sở hữu làn nước biển xanh trong, đảo còn được bao bọc bởi rặng san hô muôn màu. Lặn ngắm san hô trở thành một đặc sản du lịch của đảo Hòn Khô. Bên cạnh đó du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản tươi ngon miền biển do người dân nơi đây chế biến, cùng nhâm nhi ly rượu Bàu Đá cay nồng mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định ấn tượng khó phai.
- Suối Nước Nóng Hội Vân
Suối nước nóng Hội Vân là suối nước nóng duy nhất của tỉnh Bình Định, thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát và cách thành phố Quy Nhơn hơn 30km về phía Tây Bắc. Từ Quy Nhơn, du khách có thể xuôi theo quốc lộ 1 khoảng 35km ra đến thị trấn Ngô Mây, rồi rẽ ngược lên phía tây khoảng 2km là đã đến suối nước nóng Hội Vân xinh đẹp.Cũng như bao con sông suối ở miền Trung nói chung, suối nước nóng Hội Vân chảy từ hướng Tây xuống hướng Đông. Đây có lẽ cũng chỉ là một con suối nhỏ, đẹp và bình thường như trăm ngàn con suối khác ở Việt Nam, nếu không có một điều rất đặc biệt, là đoạn chảy qua thôn Hội Vân kéo dài khoảng gần 1000m với bề rộng 100m, nước bỗng dưng thay đổi tính chất và trở nên nóng hừng hực ở nhiệt độ bề mặt từ 70 độ C đến 80 độ C.
- Khu sinh thái Cồn Chim
Nằm cách Tp. Quy Nhơn khoảng 15km, thuộc xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận - huyện Tuy Phước. Khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha như một “ốc đảo” lọt thỏm giữa bốn bề xanh ngắt - xanh nước, xanh trời và xanh rừng ngập mặn. Những ngày gió lặng biển êm, có dịp xuôi thuyền trên đầm Thị Nại, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành cùng với cảnh sắc thiên nhiên đẹp hữu tình và quyến rũ, “lá phổi xanh” của thành phố Quy Nhơn, cái tên khá quen thuộc và hấp dẫn du khách khi đến Bình Định.
Từ khu sinh thái Cồn Chim du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm đến du lịch khác ở khu vực lân cận, như Tiểu chủng viện Làng Sông, chùa Linh Phong, đảo Hòn Khô... Từ thành phố Quy Nhơn, chưa đến một giờ đi thuyến, hoặc chỉ khoảng 30 phút đi xe và qua một chuyến đò ngang là du khách đã đến Khu sinh thái Cồn Chim. Nơi đây sẽ mang lại cho du khách những khoảnh khắc sống cùng thiên nhiên hay những trải nghiệm thú vị về các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá.
- Quần thể du lịch sinh thái và tâm linh Linh Phong
Bên cạnh du lịch biển, văn hóa lịch sử, loại hình du lịch tâm linh tại Bình Định cũng đã và đang được phát triển, trong đó phải kể đến quần thể du lịch sinh thái và tâm linh Linh Phong, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách với phong cảnh đẹp và những giá trị mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Điểm nhấn của quần thể du lịch sinh thái và tâm linh Linh Phong là tượng tượng Thích ca Mâu ni Phật với chiều cao 69 m, bao gồm cả phần chân đế tượng cao 15 m, toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép tại chỗ. Tượng Đức Phật ngự trên tòa sen, ở lưng chừng núi, trên độ cao 129 m so với mặt nước biển, nhìn ra biển Đông, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất trong quần thể khu di tích Núi Bà, đây được xem là tượng phật ngồi cao nhất Đông Nam Á. Dưới chân tượng là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán, thư viện Phật giáo, bảo tàng Xá Lợi Phật, nơi để du khách đến hành lễ, chiêm bái.
- Thắng cảnh Eo Gió
Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Nào là cảnh ngư dân đánh bắt cá; cảnh bà con ngư dân tranh mua hải sản khi thuyền vào bờ; là chùa Phước Sa - ngôi chùa có kiến trúc tuyệt đẹp, linh thiên và tượng Quan Âm trên đỉnh núi hướng ra biến như dõi theo, phù hộ độ trì cho bà con ngư dân trong vùng; là Tịnh Xá Ngọc Hòa - với tượng Phật bà Quan Âm hai mặt lớn nhất Việt Nam... Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn “bồng lai”.
- Cù Lao Xanh
Là hòn đảo cách TP.Quy Nhơn khoảng 22km, Cù Lao Xanh là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Bình Định. Bởi đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian xanh bất tận của biển xanh, trời xanh và đảo xanh. Được ngắm nhìn hoàng hôn trên cấu cảng với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chai dung dị trong khung cảnh bình yên phía bờ nam của đảo; hoặc du khách cũng có thể khám phá nét hoang sơ với những hòn đá đủ hình thù, với sự hùng vĩ, bao la của trời - biển và núi non nơi phía bắc đảo.
Đến với Cù Lao Xanh, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng có chiều cao 118m so với mặt biển được xây dựng cách nay hàng trăm năm. Được tắm nước suối Giếng Tiên mà tương truyền xưa kia vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời thường xuống đây để du ngoạn, tắm mát và vui đùa.
- Chùa Long Khánh
Ngôi chùa do người Hoa xây dựng lên ta có thể thấy một phần hơi hướng kiến trúc của họ trong đó. Nhìn từ trên cao có thể thấy ngôi chùa được thiết kế theo hình chữ “Khẩu”. Được chia làm 2 khu vực chính: Thượng điện và Hậu điện, hai là 2 dãy Đông phòng và Tây phòng dành riêng có tăng ni, phật tử nghỉ tại chùa. Tại hậu điện có tượng đồng đức Thế Tôn cao 1,5 mét nặng hơn 1200 kg. Đáng chú ý là khi bước qua tam quan bạn sẽ thấy một tượng A Di Đà cao 17m đứng trên tòa sen làm bằng đá xanh được đặt trên ở đó.
Tồn tại hơn 300 năm, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nên ngôi chùa đã phải đưa vào trùng tu khá nhiều dưới thời các Thiền sư Tịch, Thiên Thánh, Chính Nguyên, Chánh Nhơn. Lần trùng tu lớn nhất có thể kể đến là vào năm 1956 và phải đến 6 năm sau (tức 1972) mới hoàn thiện. Về cơ bản thì kiến trúc ngôi chùa đã thay đổi khá nhiều so với thiết kế ban đầu. Vì vậy, giá trị kiến trúc của ngôi chùa không được đánh giá cao nhưng về tính chất lịch sử thì hiện ngôi chùa vẫn còn đang lưu giữ quả chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 4, tức năm 1805. Minh văn khắc trên chuông có cho biết chùa Long Khánh xưa thuộc thôn Vĩnh Khánh, phủ Quy Ninh, do thiền sư có pháp danh Tích Thọ tên thật là Nguyễn Trinh Tường khởi dựng
- Ghềnh ráng Tiên Sa
Nằm ở phía đông nam TP. Quy Nhơn, là tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biến, nơi những dãy đá núi nhấp nhô, chập trùng tạo thành hang, thành rạng, thành gành, với một bên là những bãi cát đài trắng mịn và mặt biển xanh màu ngọc bích rì rào sóng vỗ... tất cả tạo nên một Ghềnh Ráng nguyên sơ, một bức tranh thủy mặc hữu tình kỳ vĩ và thơ mộng.
Men theo con đường đất uốn lượn theo triển núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc mà tạo hóa đã ban tặng cho Ghềnh Ráng như bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn như những quả trứng khống lồ, nơi dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu khi về đây nghỉ mát tắm biển nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu; là đá Vọng Phu được sóng và gió biển tạc khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng; là dãy đá có hình sư tử dũng mãnh “trợ gan cùng tuế nguyệt” trước sóng gió và thời gian; là bãi tắm Tiên Sa đẹp nao lòng nhuốm màu huyền thoại.
- Hồ Núi Một
Nếu đã đặt chân đến mảnh đất Bình Định thì bạn không thể không ghé đến An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn chừng 40 cây số để khám phá hồ Núi Một. Đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh, được bao trùm xung quanh bởi rừng núi bạt ngàn với hệ sinh thái vô cùng phong phú hay những thác nước chảy xiết quanh năm nhưng lại mang cho ta cảm giác yên ả, hiền hòa, thanh bình đến lạ.
Hồ được dãy núi An Trường hùng vĩ bao bọc, yên bình vắt ngang ranh giới giữa hai huyện An Nhơn và huyện Vân Canh, xung quanh là những tầng tầng lớp lớp cây cối che phủ gợi vẻ bí ẩn, hoang vắng. Nếu muốn nhìn được toàn cảnh hồ thì chỉ cần đi lên trên thêm khoảng 700m theo bở đập, đứng trên cao và nhìn xuống để cảm nhận không gian khoáng đạt với những rừng cây, dãy núi nối tiếp nhau chạy dài xa tít tắp nơi cuối trời.
Một trải nghiệm không thể bỏ lỡ đó là đi thuyền trên mặt hồ, do hồ rất rộng nên sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để khám phá hết toàn cảnh nơi đây. Nhìn con thuyền trôi lênh đênh, xuôi dòng vô định, men theo bóng cây cổ thụ để thưởng thức không gian non nước, mây trời, cây cối, núi rừng, nghe tiếng suối reo róc rách, tiếng chim muông hót líu lo, tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió thổi vi vu,… tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên sơn thủy sông - suối - núi - hồ hữu tình
Nguồn: binhdinh.gov.vn