Bác sĩ, nhà thơ, nhà giáo nổi tiếng của Mỹ (thế kỷ XIX) là Oliver Wendell Holmes đã từng có lời khẳng định đầy hy vọng rằng: “Điều hợp lý nhất có thể thấy là trong những “chiếc lá cuối cùng” của núi rừng vẫn chứa đựng hàng trăm hoạt tính ngoạn mục đang chờ khám phá.” (1)
Thật vậy, ngày nay, thảo dược và giá trị của nó đã được chú ý nhiều hơn ở cả phương Đông và phương Tây. Từ những loài gần gũi trong đời sống hàng ngày đến những loài hoang dại đều được chú ý đề cập trong các công trình khoa học và những phát minh. Trong đó, có thể kể đến cây chùm mồi thường, hay còn gọi là chồi mòi thường, cấu cơm nguội, chòi mồi, chua mòi, chóp mòi, mà ca, xô con, cây tợi lợi (Hòa Bình)…(2)
Tên khoa học: Antidesma ghaesembilla, họ diệp hạ châu (2).
Đây là một loài cây hoang dại ở Việt Nam (thường thấy ở đồng bằng Nam Bộ), ít ai quan tâm nhưng lại có nhiều công dụng đã và đang chờ khám phá.
Thực ra, người ta ít chú ý đến cây chòi mồi thường vì nó không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng hầu như ai lớn lên ở đồng quê đều biết đến chùm mồi. Tuổi thơ của ai đã từng hái trâm, sắn, chùm ruột, me nước, cà na… chắc hẳn sẽ không bỏ qua những nhánh chùm mồi chua, trái tròn nung núc. Và không gì hơn giữa buổi trưa buồn miệng có vài chùm trái hườm hườm cộng với ít lá chùm mồi non chấm muối, ăn vào chua chua mặn mặn, ai vừa ngủ trưa dậy, ăn vào là tỉnh ngủ ngay!
Không chỉ thế, khi bị đau đầu, người ta lại hái một nắm chừng mười đến mười lăm lá chùm mồi (chọn lá hơi non, thường là 4,5 lá đầu ngọn) rồi giã nát (có người sẽ để thêm một ít muối), sau đó đắp bã lên trán khoảng nửa giờ hoặc khi bã chùm mồi khô nước thì bỏ đi.
Cây chòi mồi mọc nhiều ở các tỉnh miền Nam và miền Trung, ở miền Bắc chúng tôi chỉ thấ loài cây này mọc ở một số khu vực miền núi phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái…
Có nhiều loại cây chòi mồi, trong đó, loại phổ biến ở Nam Bộ là chùm mồi thường, hay mọc hoang ở các bờ sông, bờ ruộng với lá hình bầu dục, na ná lá ổi nhưng nhỏ hơn. Trái chùm mồi thường nhỏ như hạt tiêu, lúc còn non thì tròn dẹp, có màu xanh hoặc trắng xanh; khi chín thì tròn hơn và chuyển dần sang màu tía và màu đen.
Bên cạnh chùm mồi thường còn có chùm mồi tía (Antidesma bunius, hay còn gọi là chòi mòi lá tím, chòi mòi bun, chòi mòi lá dày, chòi mòi nhọn, kho liên tu…) (3) và các loại khác như chùm mồi bụi (Antidesma fruticosum, hay còn gọi là mọt trắng, chòi mòi mảnh…) (4), chùm mồi gân lõm (Antidesma montanum, hay còn gọi là chòi mòi núi, chòi mòi rừng, chòi mòi nhẵn, sang sé..) (5), chùm mồi chua (Antidesma acidum, hay còn gọi là chòi mòi hai nhị, chòi mòi song hùng…) (6)…
Thân lá có vị chát, quả tợi lợi có vị chua hơi chát, tính bình.
Kết quả phân tích hóa học cho thấy cây chồi mồi thường có 14 hợp chất và đáng chú ý hơn hết ở hoạt tính chống viêm của nó (7).
Bên cạnh đó, chiết xuất từ lá chòi mồi thường cũng được nghiên cứu và thừa nhận hoạt tính hạ đường huyết, đồng thời, giống như chùm mồi tía, chùm mồi thường cũng được dùng để điều trị đau đầu (dùng lá để đắp), điều hòa kinh nguyệt (dùng thân cây sắc uống). (8)
Ngoài ra, lá chùm mồi non còn được dùng để ăn sống giúp tăng lượng sữa ở phụ nữ cho con bú hoặc đun sôi rồi lấy nước uống giúp bổ máu, thúc đẩy tuần hoàn máu. (8)
Ở Hòa Bình loại quả này có tên quả tợi lợi, theo người vùng cao Hòa Bình ăn quả tợi lợi có tác dụng bồi bổ, tăng cường sinh lý và kích thích sinh lý cả nam và nữ.
Không chỉ được dùng để ăn vui miệng, trái chùm mồi thường còn được dùng để làm rượu vang, làm mứt và đặc biệt là làm thức uống thảo dược. Ở Thái Lan, phần thịt trái chùm mồi chín được nghiên cứu để chế biến thành bột thảo dược hòa tan giúp chống oxi hóa, cải thiện sức khỏe (qua các quá trình sắc, sấy khô trong những điều kiện nhất định) (9)
Điều trị tiêu chảy: Dùng vỏ cây chòi mồi khô khoảng 10gram sắc nước uống.
Độc tính của cây chòi mồi thường trên cơ thể người chưa được báo cáo. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu khoa học cho thấy lá chùm mồi thường có độc tính cao đối với loài tôm.
Theo đó, chiết xuất từ lá chùm mồi thường ở nồng độ 1000 ppm trong ethanol (cả nồng độ 100% và 50%) đều gây chết tôm hoàn toàn (cả trong 6 giờ và 24 giờ phơi nhiễm). Trong dung dịch nước sắc từ lá chòi mồi, tỷ lệ tôm chết cũng ở mức 97,56% trong 6 giờ và chết hoàn toàn sau 24 giờ phơi nhiễm. Đáng chú ý, khi hạ nồng độ chiết xuất xuống chỉ còn 10 ppm trong dung dịch ethanol 50% thì sau 12 giờ phơi nhiễm, tỉ lệ tôm chết vẫn rất cao: 93,55%. (10)
Link nội dung: https://tlpd.vn/choi-moi-thuong-cay-com-nguoi-cong-dung-cach-dung-lam-thuoc-a39425.html