Chuyện học ngoại ngữ tưởng chừng đơn giản với nhiều người nhưng với một số khác, đó dường như là điều quá sức. Có những học sinh dù còn nhỏ tuổi đã rất giỏi tiếng Anh, thậm chí nói được nhiều ngôn ngữ. Ở chiều ngược lại, không ít học sinh, sinh viên nước ta có vốn ngoại ngữ cực kỳ ít ỏi, học mãi không nổi một ngôn ngữ mới. Mặc dù đâu là chuyện “nói hoài, nói mãi” nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa mất đi tính thời đại khi việc học ngoại ngữ luôn được coi trọng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa mà có thể bạn chưa thực sự biết để làm rõ điều gì ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ của mọi người.
Đôi tai nhạy cảm với âm thanh, tuổi tác và mô hình giáo dục là những lý do khiến một số người có khả năng học ngoại ngữ vượt trội.
Đôi tai nhạy cảm với âm thanh
Là giáo sư khoa học phát triển thần kinh, hành vi và nhận thức, Giám đốc Phòng thí nghiệm cơ sở thần kinh của người song ngữ tại Đại học Houston (Mỹ), Arturo Hernandez cho biết những người học tốt ngoại ngữ thường có đôi tai nhạy cảm với âm thanh. Khi giáo sư đặt câu hỏi “Bạn có thể hát bài Chúc mừng sinh nhật không?” cho đám đông, những người gặp khó khăn khi học ngoại ngữ đều trả lời rằng không thể hát theo giai điệu.
Điều này có liên quan đến việc phân biệt các âm thanh, bao gồm âm thanh tiếng nước ngoài. Chẳng hạn những người có đôi tai nhạy cảm hơn có thể phân biệt sự khác nhau khi đọc chữ “D” trong tiếng Anh (như từ “dead”) và chữ “D” trong tiếng Tây Ban Nha (phát âm giống từ “the” trong tiếng Anh).
Giáo sư lấy dẫn chứng tác giả Michael Erard từng chỉ ra trong cuốn Babel No More: The Search for the World’s Most Extraordinary Language Learners (Tìm kiếm những người học ngoại ngữ lạ lùng nhất), những người học siêu ngôn ngữ (hay còn gọi là “hyperpolyglots”) có đôi tai rất tốt và thường học ngữ pháp sau khi xây dựng kỹ năng nghe.
Ngược lại, những người có đôi tai thiếu nhạy cảm hơn phải phụ thuộc rất nhiều vào ngữ pháp vì họ cần quy tắc để chỉ đường. Những người học ngôn ngữ giỏi có thể cảm nhận tốt về mặt ngôn ngữ, nghe và phân biệt đúng sai bằng trực giác.
Ảnh hưởng lớn của tuổi tác
Alissa Ferry, nhà nghiên cứu phát triển ngôn ngữ, giảng viên Đại học Manchester (Mỹ) lại cho rằng câu trả lời rõ ràng nhất là tuổi tác. Khi học ngôn ngữ thứ hai càng sớm, con người sẽ càng giỏi và có thể nghe, nói giống người bản xứ hơn so với người trưởng thành học ngoại ngữ. Lý do là con người tạo ra số lượng âm thanh khổng lồ nhưng bất kỳ ngôn ngữ nào cũng chỉ sử dụng tập hợp nhỏ trong đó để tạo ra từ. Chẳng hạn, tiếng Anh có khoảng 40 âm.
Các em nhỏ đặc biệt nhạy cảm với âm thanh nên có thể phân biệt sự khác nhau giữa các âm và tạo ra những âm không có trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng khi bắt đầu học ngôn ngữ của mình, các em chỉ tập trung vào những âm thanh quan trọng nhất, cấu thành nên ngôn ngữ mẹ đẻ.
Từ đó, dần dần trong quá trình lớn lên, con người sẽ ngừng quan tâm đến những âm thanh không có trong chương trình học tiếng mẹ đẻ và thu hẹp kỹ năng nói, chỉ xoay quanh các âm trong tiếng mẹ đẻ. Điều này đồng nghĩa với việc khi người càng lớn tuổi học ngoại ngữ, họ sẽ càng gặp khó khăn trong việc lắng nghe và sử dụng những âm thanh ngoài tiếng mẹ đẻ đã đóng đinh trong đầu.
Alissa thông tin sự khác biệt về tuổi tác cũng gây ảnh hưởng trong việc học quy tắc ngữ pháp, cách tổ chức từ hay câu. Một ngôn ngữ được học càng sớm, người học càng ít có khả năng mắc lỗi ngữ pháp và ngược lại. Bởi họ có thể mang tư duy ngữ pháp trong ngôn ngữ mẹ đẻ sang việc học ngoại ngữ, nhưng trẻ em chưa học sâu về ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ không làm điều này.
Emily Sabo, đại diện Trung tâm nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ và thay đổi dân số nói tiếng Tây Ban Nha (Mỹ) khẳng định có ba yếu tố quyết định khả năng học ngoại ngữ của một người. Đầu tiên và quan trọng nhất là động lực. Thông thường, có hai nhóm người nói song ngữ là bắt buộc và không bắt buộc.
Người song ngữ không bắt buộc thường là những người học ngoại ngữ tại trường lớp vì mục tiêu gần như tăng cơ hội việc làm, có khả năng đi du lịch. Người song ngữ bắt buộc là người di cư đến quốc gia khác không nói tiếng mẹ đẻ và học ngoại ngữ để hòa nhập. Họ sẽ học ngôn ngữ nhanh hơn người không bắt buộc vì việc học là vấn đề sống còn đối với họ.
Yếu tố thứ hai, Emily đồng tình với Alissa là do tuổi tác. Trẻ em, đặc biệt trẻ song ngữ có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn người ở những độ tuổi khác. Những em lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn, tự nhiên hơn và không cần sự hướng dẫn cụ thể nào. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em trên sáu tháng tuổi nếu chỉ tiếp xúc với một ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc phân biệt âm thanh.
Yếu tố cuối cùng nằm ở mô hình giáo dục. Ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, việc học ngôn ngữ thứ hai không được coi là ưu tiên hàng đầu, từ đó chương trình giáo dục cũng sẽ được phổ biến phù hợp với quyết định của chính quyền địa phương.
Nhiều trường tại Mỹ giảng dạy tiếng Tây Ban Nha nhưng những trường ở bang không coi trọng song ngữ sẽ chỉ dạy tiếng Tây Ban Nha như môn học thông thường. Còn ở một số bang khác, trường học có thể áp dụng mô hình giảng dạy song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Mô hình giáo dục ở những quốc gia khác nhau sẽ quyết định mạnh mẽ cách thức người dân học ngoại ngữ và tác động lên kết quả học ngoại ngữ của họ.
Ngoài 3 yếu tố trên đã được các chuyên gia chỉ ra, có một số yếu tố khác cũng rất đáng lưu ý:
Các ngôn ngữ trên thế giới đều có sự liên quan nhất định với nhau
Nhìn lại thời điểm sơ khai, một trong những bước tiến hóa giúp con người trở nên khác biệt và ưu việt hơn các loại động vật khác là sự ra đời của ngôn ngữ. Tuy các loài động vật khác cũng có các phương thức giao tiếp với đồng loại của mình bằng cách sử dụng một loạt các dấu hiệu như âm thanh hoặc chuyển động, nhưng không phức tạp và biểu cảm như ngôn ngữ của con người. Dần dần, ngôn ngữ phát triển và đa dạng hóa theo thời gian và lịch sử tiến hóa của loài người. Chúng ta có thể so sánh những ngôn ngữ hiện đại để xác định các tính trạng ngôn ngữ của tổ tiên, từ đó tìm ra được nguyên nhân và các giai đoạn tiền đề để hình thành và phát triển thành ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Một nhóm các ngôn ngữ có chung một tổ tiên được gọi là một ngữ hệ. Trong đó, ngữ hệ Ấn- u được sử dụng rộng rãi nhất, bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga và tiếng Hindi; ngữ hệ Hán-Tạng bao gồm tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Tạng và nhiều ngôn ngữ khác ở Đông Á, v.v… Do đó, thông thường, những quốc gia có chung ngữ hệ sẽ có lợi thế để học ngôn ngữ của nhau.
Thế nhưng, nếu ngôn ngữ mới cần học lại không thuộc chung ngữ hệ của tiếng mẹ đẻ, khó mà vận dụng được kinh nghiệm của tiếng nói dân tộc vốn quen thuộc thì bước tiếp theo là gì? Đối với đại đa số người dân, ngữ hệ xem như là một phạm trù ít được biết đến, dựa hoàn toàn vào nó để học ngôn ngữ thì không phải là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, không biết không có nghĩa bản chất của nó không tồn tại. Hãy giữ lối suy nghĩ đó khi học ngoại ngữ, chúng ta sẽ tìm ra một cách học đi từ gốc rễ nhưng thoáng hơn: Tìm ra điểm giống nhau giữa tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ.
Với hình thức chữ viết là bảng chữ cái Latin khá dễ nhớ, người Việt có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp,… Về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, tiếng Việt lại có nhiều điểm giống nhau với tiếng Trung. Do đó, ngoài tiếng Anh được học ở chương trình phổ thông, nếu trau dồi vốn từ vựng gốc Hán, chú ý bảng phiên âm pīnyīn và đúc kết ra những điểm chung với tiếng Việt, bạn có thể cơ bản nghe hiểu tiếng Trung một chút rồi đấy.
Như vậy, bạn càng tiếp cận và lĩnh hội nhiều ngôn ngữ khác nhau, bạn càng tích lũy cho mình nhiều nền tảng để đối chiếu, bắc cầu với những ngôn ngữ mới. Chung quy lại, việc phát triển ngôn ngữ đều hướng đến mục đích giao tiếp giữa người với người, cho nên các ngôn ngữ trên thế giới sẽ ngày càng có nhiều điểm tương đồng.
Mục đích sử dụng và niềm yêu thích lâu bền
Nhận ra được điểm tương đồng giữa các ngôn ngữ chỉ là khởi đầu, thứ giúp bạn kiên trì và lĩnh hội được ngôn ngữ chính là nhu cầu và sự yêu thích của mình với ngôn ngữ.
Trước hết, hãy coi ngôn ngữ không phải là một môn học trên lớp, nó là một phương tiện giao tiếp cần thiết cho đời sống. Nếu không có nhu cầu hoặc mục đích sử dụng phương tiện đó, chúng ta không thể thúc đẩy bản thân sử dụng nó một cách hiệu quả được. Mục đích sử dụng liên quan mật thiết đến niềm đam mê ngôn ngữ. Chẳng hạn, bạn cần tiếng Anh cho giao tiếp hàng ngày, cho công việc thì có thể bạn sẽ bỏ cuộc sớm khi học ngoại ngữ này. Nhưng nếu bạn tìm hiểu tường tận về ngoại ngữ (lịch sử của tiếng Anh, những từ đặc biệt trong tiếng Anh,…) đồng thời có những đam mê với nó như nghe các bài hát, xem các bộ phim yêu thích,… bạn sẽ có niềm yêu thích lâu bền với ngôn ngữ. Hãy thả lỏng và để ngôn ngữ đến với mình một cách tự nhiên nhất, ít áp lực nhất, bạn sẽ nhận ra vẻ đẹp của nó và chinh phục nó một cách tự tin nhất.
Bài viết tham khảo/tổng hợp từ một số nguồn.
Link nội dung: https://tlpd.vn/goc-nhin-moi-giup-ban-hoc-mot-ngon-ngu-moi-hieu-qua-a39049.html