Arbat (2015)
Arbat (hoặc Arpat) do đạo diễn Kanittha Kwunyoo thực hiện. Nhan đề trong tiếng Thái Lan nghĩa là "bạo lực giới tăng sư". Tác phẩm kể về một thanh niên Thái bị cha ép đi tu. Một mình sống trong chùa, nhà sư trẻ phát triển tình cảm và có quan hệ thân mật với một cô gái địa phương. Cùng lúc, những bí mật rùng rợn của ngôi chùa bắt đầu xuất hiện. Phim chiếu cả cảnh nhà sư hôn nhau, uống rượu, dùng thuốc phiện và quan hệ tình ái với nữ giới.
Đầu tháng 10/2015, tác phẩm bị các Hiệp hội Phật giáo ở Thái Lan phản đối dữ dội sát ngày ra rạp. Sau đó, Cục điện ảnh nước này cấm chiếu tác phẩm khiến các nhà sản xuất xin kiểm duyệt lại. Họ cắt bớt một số cảnh để phim được ra rạp với mức nhãn 18+. Cả quyết định cấm chiếu và dỡ bỏ lệnh cấm chiếu với phim đều gây xôn xao nước Thái. Dù dán nhãn hạn chế người xem, tác phẩm vẫn thu về hơn 1,45 triệu USD ở phòng vé.
Hôm 20/9, Liên đoàn điện ảnh Thái thống nhất chọn Arbat tham gia vòng sơ tuyển giải Oscar 2017, sau khi cân nhắc tác phẩm cùng bốn ứng viên khác là Snap… Kae Dai Kid Tueng, The Island Funeral, Serd và Wandering.
Jan Dara the Beginning (2012) và Jan Dara (2001)
Jan Dara vốn là tiểu thuyết gợi dục kinh điển và được đánh giá cao trong nền văn học Thái Lan. Tác phẩm của nhà văn Usana Phleungtham ra đời năm 1966. Truyện được chuyển thể ba lần thành phim màn ảnh rộng, với hai phiên bản 18+ gây xôn xao năm 2001 và 2012. Hai phim điện ảnh trung thành với tiểu thuyết gốc, lấy bối cảnh Bangkok thập niên 1930 và kể mối tình loạn luân giữa cậu con trai vị thành niên với người tình của cha. Cùng lúc, anh và người cha thượng lưu xung đột gay gắt.
Trong cuốn Virtual Thailand: The Media and Cultural Politics in Thailand, Malaysia and Singapore, tác giả Glen Lewis khẳng định phiên bản Jan Dara 2001 tới nay là một trong những phim Thái Lan gây tranh cãi nhất màn ảnh châu Á. Ngoài những cảnh tình dục phô bày bộ phận nhạy cảm của các diễn viên, phim có các cảnh nạo thai, cảnh sex đồng tính nữ cũng như cảnh cưỡng hiếp. Khi đưa sang chiếu ở Singapore, phim bị cắt bỏ các cảnh đồng tính nữ.
Trong khi bản phim năm 2001 có Chung Lệ Đề đóng vai mẹ kế, phiên bản 2012 gây xôn xao nhờ có "hoàng tử màn ảnh" Mario Maurer đóng vai đứa con tội lỗi - Jan Dara.
The Protector 2 (2013) và The Protector (2005)
Cảnh Tony Jaa đánh gãy xương địch thủ trong "The Protector"Bộ đôi Người bảo vệ kể về hành trình đi tìm voi thiêng của một chàng võ sĩ là hậu duệ cuối cùng của dòng họ chuyên bảo vệ voi chiến nước Thái. So với những phim hành động Thái khác, Người bảo vệ gây ấn tượng bởi gần như không sử dụng đóng thế cũng như các công nghệ vi tính cho các cảnh đánh đấm.
Ngôi sao võ thuật Tony Jaa đóng chính cho mọi cảnh võ khó, nhờ đó trở nên nổi tiếng và được mệnh danh là "Lý Tiểu Long" xứ Chùa Vàng. Anh áp dụng lối đánh có phần ác nghiệt từ môn võ Muay vào phim khiến nhiều hình ảnh trong phim gây sốc với người xem. Nhiều cảnh giao đấu như chặt gãy cổ hay đánh gãy sống lưng tái hiện chân thực lên hình.
Sau khi hãng The Weinstein Company mua phần một sang Mỹ phát hành, tác phẩm bị cắt bớt 25 phút cảnh bạo lực và dán nhãn 17+. Tuy vậy, phim thu về 12 triệu USD ở phòng vé Bắc Mỹ. Trên toàn cầu, phim thu về hơn 25 triệu USD và trở thành một trong những tác phẩm võ thuật châu Á ăn khách.
Bangkok Love Story (2007)
Tác phẩm của đạo diễn Poj Arnon kể về một sát thủ được thuê đi giết một cảnh sát để rồi phải lòng anh ta. Hai chàng trai sau đó yêu nhau. Ngay từ khi dự án ở giai đoạn tiền kỳ, lực lượng Cảnh sát hoàng gia Thái Lan lên tiếng phản đối kịch bản bởi cốt truyện trái khoáy - cảnh sát yêu sát thủ. Tuy nhiên, kịch bản phim sau đó vẫn được thông qua.
Hai diễn viên chính - Chaiwat Thongsang và Ratanabanrang Tosawat - khẳng định trên Bangkok Post họ không phải đồng tính. Riêng nam diễn viên Chaiwat Thongsang nhận vai để thử thách bản thân và muốn nổi tiếng. Trong phim có nhiều cảnh hôn thật. Phim ra rạp gây sốt và thu về hơn 325.000 USD ở phòng vé nội địa.
Syndromes and A Century (2006)
Syndromes and A Century là tác phẩm tâm lý của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Phim chia làm hai phần, kể về cuộc sống của một nhóm bác sĩ và nhà sư ở một bệnh viện miền nông thôn Bắc Thái.
Sát ngày công chiếu dự kiến 19/4/2007, tác phẩm bị Ban kiểm duyệt Liên đoàn điện ảnh Thái yêu cầu xóa bỏ bốn cảnh nhạy cảm. Trong đó, hai trích đoạn chiếu hình ảnh bác sĩ hôn nhau và uống rượu trong giờ làm việc ở bệnh viện, hai cảnh chiếu nhà sư chơi đàn và nghịch đĩa bay bằng điều khiển từ xa. Đạo diễn Apichatpong sau đó phản đối gay gắt quyết định kiểm duyệt. Mãi sau đó, tác phẩm được ra rạp đồng với bốn đoạn phim bị cắt bỏ được thay thế bằng hình nền đen và không có âm thanh.
Syndromes and A Century được giới phê bình quốc tế ca ngợi. Năm 2007, tạp chí Sight & Sound của Viện phim Anh xếp tác phẩm thứ bảy trong danh sách 10 phim xuất sắc của năm. Năm 2009, hơn 60 nhà sử học và giám tuyển nghệ thuật tại Liên hoan phim Toronto bình chọn tác phẩm là phim hay nhất thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21.
Blissfully Yours (2002)
Đây là phim dài thứ hai của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Tác phẩm kể về hai người phụ nữ Thái đưa một người đàn ông nhập cư trái phép từ Myanmar vào rừng chơi. Trong chuyến dã ngoại, họ nảy sinh những mối quan hệ tình ái. Ra mắt ở Liên hoan phim Cannes năm 2002, tác phẩm chiến thắng hạng mục Nhãn quan độc đáo (Un Certain Regard).
Tuy nhiên, khi công chiếu ở quê nhà, phim gây tranh cãi bởi chứa hai cảnh phô bày hết bộ phận nhạy cảm của nam giới. Phim cũng bị cắt 10 phút cảnh sex trần trụi khỏi bản chiếu DVD ở Thái.
>> Xem thêm:
Những phim truyền hình gây sốt nhờ phô bày nhiều cảnh sốc
Nửa thế kỷ phim gợi dục gây tranh cãi ở LHP Cannes
Thành Long
Link nội dung: https://tlpd.vn/nhung-phim-thai-gay-xon-xao-vi-pho-bay-canh-cam-ky-a38968.html