Các vị thần sinh ra trong thần thoại Hy Lạp xuất phát từ những tâm tưởng, ước muốn, nguyện vọng của con người cũng như giúp họ lí giải những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn lúc bấy giờ. Trong số họ, có những vị thần luôn giúp đỡ và mang lại hạnh phúc cho con người nhưng cũng có nhiều vị thần hung dữ, tính khí thất thường và cơn giận dữ của họ là tai họa trút xuống cuộc sống của con người. Có rất nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp, nhưng trong bài viết này Migola Travel xin liệt kê ra 12 vị thần tiêu biểu và quyền lực nhất trên đỉnh Olympus.
Sau khi đánh bại Cronus và các Titan, Zeus được tôn làm thủ lĩnh, vua của các vị thần trong thần thoaị Hy Lạp, người cai trị Olympus và toàn thể trần gian. Ông thường sử dụng vũ khí của mình là những tia sét do các Cyclops tạo ra để trừng phạt những kẻ ông căm ghét, đặc biệt là những kẻ dối trá và thất hứa.
Ngoài ra, Zeus có khả năng điều khiển thiên nhiên, tạo ra mưa giông, gió bão thay đổi mùa màng trong năm. Zeus nổi tiếng là vị thần trăng hoa, ông có rất nhiều con rơi trong nhân gian mặc dù đã có vợ là Hera - chị của Zeus.
Các vị thần sau khi chiến thắng cha mình là Titan Cronus đã chia nhau địa bàn để cai quản, và quyền cai quản đại dương được trao cho Poseidon. Ông đã cưới một trong những cháu gái của Titan Oceanus là Amphitrite. Poseidon được xem là vị thần quyền năng thứ nhì, chỉ sau thần Zeus. Vũ khí của Poseidon là một cây đinh ba giúp ông điều khiển biển cả và tạo ra động đất.
Poseidon là một vị thần si tình, ông đẫ từng yêu nữ thần Demeter, bà yêu cầu ông hãy tặng cho bà một sinh vật đẹp đẽ chưa từng có trên trần gian, và con ngựa đầu tiên trên trần thế đã được Poseidon làm ra để làm quà tặng mặc dù con ngựa này trông hơi bị lỗi.
Trong thần thoại Hy Lạp, Hades cùng với 2 người em của mình là Zeus và Poseidon trở thành bộ 3 vị thần quyền lực nhất. Ông là chúa tể của thế giới dưới lòng đất, cai quản người chết và những linh hồn. Tuy là một trong những vị thần trên Olympus, nhưng Hades rất hiếm khi rời khỏi vương quốc dưới lòng đất của mình.
Vũ khí của Hades là một cây gậy thần có sức mạnh tạo ra động đất giống với cây đinh ba của Poseidon. Ngoài ra, ông còn có một chiếc mũ giáp tàng hình - quà tặng của các Cyclops mà ông dùng trong suốt cuộc chiến với các Titan.
Vợ của Hades là Persephone. Nàng là con gái của nữ thần Demeter. Vì say mê sắc đẹp của Persephone nên Hades đã bắt cóc nàng về thế giới ngầm của mình.
Thần Hades là nỗi khiếp sợ đối với nhân gian, đến nỗi người ta không dám gọi thẳng tên ông ta mà phải gọi bằng một cái tên khác là Plouton - theo tiếng Hy Lạp nghĩa là sự giàu có. Bởi ông sở hữu những mỏ quặng, đá quý dưới lòng đất, vì thế Hades còn được coi là vị thần của sự giàu có.
Hera là chị gái và đồng thời cũng là vợ chính thất của Zeus. Bà là vị thần của Hôn nhân và sự Sinh đẻ, người bảo trợ cho những phụ nữ có chồng và thành phố Argos. 2 loài vật thiêng tượng trưng cho Hera là Bò cái và Công.
Ban đầu, Hera không chấp nhận tình cảm của Zeus. Ông bèn nghĩ cách biến thành một con chim cúc cu để đến gần Hera. Khi Hera ôm con chim vào lòng, Zeus hiện nguyên hình và cưỡng hiếp Hera. Để tránh khỏi nỗi ô nhục, Hera đành chấp nhận lấy Zeus. Vì thế cuộc hôn nhân của 2 vị thần này không được hạnh phúc, yên ả.
Tuy là vợ nhưng Hera luôn tìm cách phá hoại Zeus, bà đã từng lôi kéo các vị thần khác vào một cuộc phản loạn để lật đổ Zeus nhưng không thành công do một Hecatoncheires là Briareus đã báo trước cho Zeus. Zeus tha thứ cho các vị thần và chỉ trừng phạt vợ mình. Here bị phạt treo trên bầu trời cả đêm bằng những sợi xích vàng. Đến sáng hôm sau, Zeus thả Hera ra với điều kiện bà ta hứa sẽ không bao giờ làm phản. Tuy vậy Hera vẫn luôn ấp ủ kế hoạch để chống đối Zeus.
Hera thường đánh ghen, hãm hại những người tình và con riêng của họ với Zeus. Thật là một điều khá phi lý khi Hera lại là một vị thần của Hôn nhân và Gia đình, nhưng chính bà lại không giữ được hạnh phúc của gia đình mình.
Nhan sắc tuyệt trần của Aphrodite là một điều không cần bàn cãi, hơn nữa nàng còn có phép thuật khiến mọi người đều phải si mê nàng.
Có hai câu chuyện về nguồn gốc của Aphrodite. Một cho rằng, nàng là kết quả của mối tình giữa thần Zeus và thần Dione - nữ thần của xứ Dodona. Giả thuyết thứ hai thì cho rằng Aphrodite sinh ra từ biển cả, bên trong một con sò khổng lồ, sau khi Cronus cắt dương vật của Uranus và ném xuống biển.
Trớ trêu thay, mặc dù là nữ thần của sắc đẹp nhưng Aphrodite lại được gả cho Hephaestus - một vị thần xấu xí. Vì vậy, nàng ngoại tình với người em trai của Hephaestus là Ares. Hephaestus phát hiện ra và đã trừng phạt bằng cách làm nhục 2 người trước mặt các vị thần khác.
Ares là con trai của Zeus và Hera. Trong thần thoại Hy Lạp, ông là đại diện cho bạo lực và sự hung bạo. Ông thường xuất hiện trong vai trò của kẻ phản diện và chịu sự ghẻ lạnh của cha mẹ.
Vì Ares là thần chiến tranh nên trước khi xuất quân tham chiến, các đội quân thường có tập tục hiến tế người sống cho ông để cầu xin chiến thắng.
Deimos - vị thần của nỗi kinh hoàng, Phobos - vị thần của sự sợ hãi và Iris - nữ thần của sự bất hòa là những tùy tùng luôn bên cạnh thần Ares mỗi khi ông xuất trận.
Hephaestus là vị thần thợ rèn thọt chân, nhà điều khắc, nhà luyện kim, người cai quản ngọn lửa và là người chịu trách nhiệm tạo ra vũ khí và áo giáp cho các vị thần.
Theo truyền thuyết, Hera mang thai Hephaestus, nhưng Zeus không chấp nhận vì không phải là con của ông. Không còn cách nào khác, Hera đành vứt đứa con vừa sinh của mình xuống biển. May thay ông lại được nữ thần Thetis cứu vớt và nuôi nấng.
Lại có một truyền thuyết khác thì nói rằng vì muốn bảo vệ mẹ, Hephaestus bị Zeus trừng phạt và ném xuống trần, Hephaestus rơi xuống đảo Lemos, bị què một chân. Ông sinh sống ở đảo và trở thành một thợ rèn bậc thầy, sau này được trở lại hàng ngũ các vị thần trên Olympus.
Những mất mát của Hephaestus đã được bù đắp bằng việc ông lấy Aphrodite - nữ thần của tình yêu và sắc đẹp làm vợ. Thế nhưng, đáng tiếc là vợ ông lại phản bội ông, ngoại tình với người anh em của ông là thần Ares.
Vốn tính trăng hoa, thần Zeus đã qua lại với một người phụ nữ tên Maia, Hermes là kết quả của mối tình này. Ông là sứ giả của Olympus, người truyền tin của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, người bảo trợ cho thương nghiệp, những mục đồng và những kẻ trộm cắp.
Hermes rất hay bày trò chọc phá các vị thần và ăn trộm đồ của họ. Hermes có tốc độ di chuyển rất nhanh và có thể đi lại dễ dàng giữa các thế giới nhờ đôi hài có cánh. Nhờ thế, ông còn có nhiệm vụ là người dẫn đường cho linh hồn người chết đi đầu thai.
Hermes cũng là người tạo ra cây đàn lyre - một nhạc cụ dân gian rất phổ biến của người Hy Lạp. Đó là món quà mà Hermes đền cho Apollo - thần ánh sáng vì tội chọc phá của mình.
Trong thần thoại Hy Lạp, Apollo là vị thần ánh sáng, chân lý, người đại diện cho âm nhạc và nghệ thuật. Ông là con của Zeus và Leto. Cây cung bạc cùng cây đàn lyre là hai vật bất ly thân của thần Apollo, Ông thường điều khiển cỗ xe ngựa chở Mặt trời đi đến từ phương Đông, vì vậy trong dân gian ông cũng thường được người ta đồng nhất chung với thần Mặt trời Helios.
Một biệt tài khác của thần Apollo là khả năng tiên tri. Chính vì thế mà ông được thờ tại một ngôi đền ở Delphi - nơi người dân từ khắp nơi hành hương đến để được ông giải đáp tương lai thông qua những nữ thầy đồng.
Ngoài ra Apollo còn có khả năng chữa bệnh. Ông đã truyền dạy y thuật của mình cho người con trai là Asclepius. Nhờ thế mà Asclepius sau này trở thành một thầy thuốc nổi tiếng, cứu chữa rất nhiều người. Vì vậy mà Asclepius đã đắc tội với thần Hades vì khiến dân số dưới địa ngục của ông ta sụt giảm.
Artemis là chị gái song sinh của thần Apollo. Nàng là nữ thần Săn bắn, đại diện cho sự Trinh trắng, Mặt trăng và thiên nhiên hoang dã.
Trong thần thoại Hy Lạp, Artemis được thần Zeus ban cho sự tinh khiết vĩnh hằng. Nàng trở thành nữ thần thuần khiết nhất của Olympus bởi nàng không bao giờ yêu.
Săn bắn là niềm đam mê duy nhất của Artemis. Hằng đêm, nàng lại vận lên người bộ đồ săn, đeo cung vàng và tên bạc, cùng những nàng tiên nữ tùy tùng vào rừng săn bắn.
Athena là con gái của Zeus và một công chúa người trần tên Methis. Trong thần thoại Hy Lạp, Nàng là nữ thần trí tuệ, nghề thủ công mỹ nghệ, đại diện chính nghĩa, người bảo trợ cho thủ đô Athens của Hy Lạp.
Nàng là một chiến binh dũng cảm trên chiến trường. Tuy đều được coi là thần chiến tranh, nhưng không hung bạo như Ares, Athena chỉ ủng hộ cho chiến tranh vì chính nghĩa.
Athena hữu dũng nhưng không vô mưu, ngược lại nàng là một vị thần có trí tuệ siêu phàm, nàng đã có rất nhiều các phát minh có ích cho nông nghiệp như dây cương ngựa, bình đựng nước, cây cời cỏ…
Theo thần thoại Hy Lạp khi đó, cả thần Poseidon và Athena đều muốn trở thành người bảo hộ cho miền Atikes (Athens sau này). Poseidon tạo ra những cột nước muối để tặng cho dân miền này, nhưng Athena lại tặng họ những cây ô-liu - loại cây sẽ trở nên thiết yếu trong đời sống của người dân Hy Lạp. Vì vậy người dân nơi đây đã chọn Athena làm vị thần bảo trợ, và đổi tên thành phố thành Athens cũng kể từ đó.
Hestia là con của Cronus và Rhea, người đầu tiên bị Cronus nuốt vào bụng và cũng là người cuối cùng ông ta nôn ra, vì thế có thể coi bà là chị cả của Zeus, Poseidon và Hades…
Bà là vị thần của bếp lửa, sự đoàn tụ, người giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hestia là một vị thần nhân hậu, tài giỏi và khéo léo. Bà đã từ chối nhiều lời cầu hôn, thậm chí bỏ cả ngôi vị của mình trên Olympus để xuống trần chăm lo cho những người dân mà bà bảo hộ.
Migola Travel Sưu tầm và Tổng hợp
Link nội dung: https://tlpd.vn/12-vi-than-trong-than-thoai-hy-lap-a38202.html