5 cách làm vịt nấu chao ngon, thơm nức, béo ngậy mà không hề bị hôi

Cách làm vịt nấu chao không khó, yêu cầu đối với món ăn này là thịt vịt phải mềm giữ được độ ngọt, tươi của thịt. Phần khoai môn dẻo thơm bùi bùi, nước cháo béo béo ăn rất đậm đà.

Để giúp bạn làm thành công món ngon từ vịt này, Bếp Eva sẽ giới thiệu 5 cách làm vịt nấu chao theo kiểu miền Bắc, miền Nam, miền Tây và dành riêng cho người ăn chay. Cùng tham khảo nhé.

Hướng dẫn chọn nguyên liệu làm chao vịt

Những nguyên liệu được lựa chọn để làm vịt nấu chao cần hết sức chỉn chu để tránh phá hỏng hương vị của món ăn.

1. Đối với thịt vịt

Khi mua vịt bạn nên chọn những con có đặc điểm sau:

- Vịt không quá gầy cũng không quá béo. Nên chọn vịt đã trưởng thành, đừng chọn vịt già vì thịt dai, vịt non nhiều lông măng, thịt nhão.

Chọn vịt đực thịt sẽ dày và chắc hơn

Chọn vịt đực thịt sẽ dày và chắc hơn

- Quan sát phao câu và ức của vịt, nếu thấy phần này to đều thì đó là vịt ngon.

- Cầm vịt trên tay thấy ức và lườn nở đều, nặng tay thì con vịt đó sẽ dày thịt.

- Phần mỏ của vịt non thường sẽ to và mềm, còn vịt già sẽ nhỏ và cứng. Bạn nên chọn vịt có mỏ vừa phải.

- Ưu tiên vịt đực vì thịt sẽ thơm và dày hơn.

2. Mua chao

Chao hiện nay có 2 loại chính là chao đậu hũ và chao môn. Chao hũ sẽ có chao nước và chao khô. Thường chao khô sẽ cứng, béo và mùi nặng hơn chao nước. Với chao môn thì chia thành chao tiêu (chao trắng) và chao đỏ. Loại chao này rất được ưa thích vì không có mùi nặng, khi ăn cảm nhận được vị béo ngọt, thơm mùi rất đặc trưng.

Chao để lâu ngày sẽ ngon hơn chao mới

Chao để lâu ngày sẽ ngon hơn chao mới

Khi mua chao, bạn nên chọn những thương hiệu uy tín. Ưu tiên chao được đựng trong các hũ thủy tinh thay vì nhựa hoặc inox. Chao càng để lâu thì càng ngon. Để nhận biết chao mới hay đã lâu ngày, bạn có thể quan sát chao.

Thường chao làm lâu sẽ nổi lên trên, có độ sẫm màu, lúc này bạn có thể đem đi chế biến các món ăn được rồi.

3. Xử lý khoai môn

- Hình dáng: Nên mua khoai còn dính đất ẩm vì đó là khoai mới, tránh chọn củ có nấm mốc hoặc bị rộp.

Khoai môn có màu trắng đục, vân tím là khoai ngon

Khoai môn có màu trắng đục, vân tím là khoai ngon

- Khối lượng: Chọn những củ khoai môn nhẹ sẽ có lượng tinh bột cao, khi nấu lên khoai bở, dẻo, thơm bùi. Những củ khoai nặng bên trong sẽ nhiều nước, ăn nhạt và hay bị sượng.

- Màu sắc: Khoai ngon sẽ có màu trắng ngà xen lẫn đường vân tím nhạt.

Cách làm vịt nấu chao miền Tây ngon trọn vị

Mùi thơm từ nước dùng nấu với chao, vị ngon ngọt từ thịt vịt cùng sự mềm dẻo của khoai môn đã làm nên món ăn đầy hấp dẫn, mang đậm nét dân dã của miền Tây.

1. Nguyên liệu làm vịt nấu chao (4 người ăn)

- Thịt vịt: 1,5kg

- Khoai môn: 500g

- Chao đỏ 5 viên, chao trắng 3 viên

- Nước dừa xiêm: 1 quả (330ml)

- 3 củ hành tím

- 3 quả ớt tươi

- 5 tép tỏi

- 1 củ gừng

- 3 cây sả

- Gia vị nấu: Muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn, sa tế, nước mắm

- Rau ăn vịt nấu chao: Rau muống, cải thảo, cải thìa và lá tía tô (rau sống tùy thích)

- 500g bún tươi

Các nguyên liệu nấu chao vịt

Các nguyên liệu nấu chao vịt

2. Chi tiết cách nấu vịt nấu chao đơn giản

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Làm sạch và khử hôi vịt bằng cách rắc đều muối lên vịt rồi dùng tay chà xát sau đó rửa sạch lại với nước, để ráo rồi chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, để vào tô.

- Khoai môn cạo vỏ, bổ thái miếng vừa rồi cho ngâm nước muối 20 phút cho hết nhựa rồi rửa lại với nước sạch, để ráo.

- Sả cắt bỏ phần bẹ già, lá và gốc rễ, rửa sạch rồi cắt khúc khoảng 2 lóng tay.

- Gừng gạo vỏ đập dập

- Tỏi, hành tím bóc vỏ đập dập băm nhỏ để riêng. Ớt bỏ hạt băm nhỏ

- Rau sống nhặt bỏ lá úa, cọng già rồi rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc vừa ăn.

Công đoạn sơ chế các nguyên liệu

Công đoạn sơ chế các nguyên liệu

Bước 2: Cách ướp vịt nấu chao ngon

- Lấy 3 viên chao trắng, 3 viên chao đỏ và 2 muỗng canh nước của chao cho vào bát, dùng thìa dầm nhuyễn.

- Tiếp theo, cho vào tô đựng thịt vịt 2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê hạt nêm, một chút hạt tiêu, ớt băm, một nửa hành tỏi băm sau đó trộn đều lên, sau đó đổ phần chao đã dầm nhuyễn vào rồi dùng tay trộn đều để vịt ngấm kỹ gia vị.

- Vịt ướp để ngấm gia vị trong 1 tiếng.

Lưu ý: Chao đã có vị mặn, khi tẩm ướp nên cho gia vị vừa phải tránh mặn quá không ăn được.

Ướp thịt vịt nấu chao ngon trong 60 phút

Ướp thịt vịt nấu chao ngon trong 60 phút

Bước 3: Chiên khoai môn

Trong lúc chờ thịt vịt ngấm gia vị, chiên khoai môn trước để tạo độ dẻo thơm khi nấu

Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa canh dầu ăn vào đun nóng sau đó cho khoai môn vào chiên hơi vàng các mặt sau đó gắp ra để riêng. Không cần chiên chín kỹ vì nấu sẽ bị nát.

Chiên khoai môn để thêm độ dẻo ngon khi nấu

Chiên khoai môn để thêm độ dẻo ngon khi nấu

Bước 4: Nấu vịt nấu chao

- Bắc nồi lên bếp, đổ một muỗng canh dầu ăn rồi đun nóng, cho số hành tím băm, tỏi băm còn lại vào phi thơm lên thì cho thịt vịt đã ướp vào xào.

- Xào khoảng 5 phút đến khi thịt vịt săn lại thì đổ 330ml nước dừa tươi và 500ml nước lọc vào, đun sôi trong 15 phút.

Sau khoảng 15 phút, bạn cho khoai môn vào, nấu thêm 5 phút nữa rồi nêm nếm sao cho vừa miệng là được sau đó tắt bếp.

Xào thịt vịt săn lại rồi thêm nước

Xào thịt vịt săn lại rồi thêm nước

Bước 5: Hoàn thành và thưởng thức vịt nấu chao

- Trần qua bún với nước nóng rồi để ráo nước.

- Đặt nồi lẩu lên bếp, đổ chao vịt một lượng vừa phải vào nồi rồi bật chế độ lẩu, đun sôi nhẹ.

- Lấy lượng bún vừa ăn cho ra bát, múc thêm nước dùng, vịt và khoai môn, nhúng rau vào nồi sau đó gắp ăn kèm. Chấm nước chấm chao thơm ngon tuyệt hảo.

Món vịt nấu với chao đã xong, thơm ngon màu hấp dẫn

Món vịt nấu với chao đã xong, thơm ngon màu hấp dẫn

Cách nấu chao vịt miền Nam

Vịt nấu chao kiểu miền Nam không chỉ có hương vị đậm đà, mang nét dân dã Nam Bộ mà còn khiến nhiều người mê mẩn, ăn hoài không chán.

1. Nguyên liệu nấu chao vịt

- Vịt đã làm sạch: 1 con (khoảng 1.5 - 2kg)

- Khoai môn: 400g

- Dừa tươi: 1 quả

- Chanh tươi: 1 quả

- Chao đỏ/chao trắng: 5 viên

- Gừng tươi, nghệ tươi, hành khô, tỏi khô, hành lá

- Rượu trắng

- Sa tế

- Gia vị khác: Muối, đường, bột canh, mì chính, nước mắm

Các nguyên liệu nấu chao vịt

Các nguyên liệu nấu chao vịt

2. Cách làm vịt nấu chao miền Nam theo từng bước

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Vịt mua về bạn rửa sạch rồi dùng gừng, muối chà xát trên bề mặt thịt vịt sau đó rửa lại với nước để khử đi mùi tanh.

Thịt vịt rửa sạch, khoai môn bổ miếng

Thịt vịt rửa sạch, khoai môn bổ miếng

- Gừng, nghệ tươi cạo vỏ đập dập, băm nhỏ. Tỏi, hành tím bóc vỏ băm nhuyễn. Hành lá nhặt sạch, thái nhỏ.

- Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, bổ miếng vừa ăn. Thái khoai xong bạn nên cho ngay vào nước như thế miếng khoai sẽ không bị thâm.

Bước 2: Ướp thịt vịt

- Cho vịt vào bát tô lớn rồi nêm: Mì chính, hạt tiêu, gừng, nghệ băm, sa tế, bột nêm, chao và dùng tay trộn đều để thịt thấm gia vị. Ướp vịt trong khoảng 20 - 30 phút.

Bước 3: Nấu chao vịt

- Bắc nồi lên bếp, thêm vào đây 1 chút dầu ăn. Đợi dầu nóng, thả hành, tỏi vào phi thơm.

Nấu chao vịt

Nấu chao vịt

- Trút thịt vịt đã ướp vào xào tới khi thịt săn lại thì thêm nước dừa. Đậy vung vặn nhỏ lửa và đun sôi chừng 20 phút thì thêm khoai môn.

- Bạn hầm cho tới khi khoai chín, mềm thì tắt bếp và múc ra tô.

3. Hoàn thành

Món vịt nấu chao kiểu miền Nam đơn giản, dễ làm, ai cũng có thể thực hiện được. Thịt vịt chín thơm mềm, đậm đà, vị chao béo ngậy, khoai môn bở bùi ai ăn cũng thích mê.

Nồi chao vịt thơm lừng béo ngậy

Nồi chao vịt thơm lừng béo ngậy

Khi ăn, bạn có thể cho vịt ra nồi nấu lẩu rồi bật bếp sôi thì nhúng thêm rau muống, rau xà lách ăn kèm cũng rất ngon.

Cách làm vịt nấu chao khoai môn kiểu miền Bắc

Nhìn chung, vịt nấu chao theo kiểu miền Bắc không có quá nhiều sự khác biệt so với cách nấu kiểu miền Tây hay miền Nam. Điểm khác biệt lớn nhất đến từ những nguyên liệu ăn kèm và gia vị nêm nếm mang đậm nét của miền Bắc.

1. Nguyên liệu làm vịt nấu chao

- 1,5kg thịt vịt

- 400g khoai môn sáp

- 200g dừa nạo

- 350ml nước dừa tươi

- 1 hũ chao môn 500ml

- 1 củ sen

- 200g nấm rơm búp

- 3 nhánh sả

- 5 cây hành lá

- 3 củ hành tím, 3 củ tỏi

- Rau ăn kèm: Rau muống, tần ô, cải xanh…

- Gia vị: Sa tế, muối, bột nêm, hạt tiêu, dầu màu điều

- Bún tươi hoặc mì tươi hoặc mì vắt, tàu hũ ki (váng đậu)

- Khử hôi vịt: 1 củ gừng, 1 chén rượu trắng

2. Chi tiết cách nấu lẩu vịt nấu chao miền Bắc

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

* Sơ chế vịt

- Vịt khử hôi bằng cách băm nhuyễn gừng rồi hoà vào 1/2 chén rượu trắng, xát đều lên mình vịt, để trong 20 phút sau đó rửa sạch vịt, lau khô, chặt miếng lớn.

- Ướp vịt với 2 củ hành tím băm và 2 củ tỏi băm, 2/3 hũ chao, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng sa tế, 1 muỗng cà phê tiêu xay. Dùng tay bóp nhuyễn chao và trộn đều các loại gia vị cho vị ngấm đều, để ướp trong 30 phút.

Ướp chao vịt

Ướp chao vịt

* Các nguyên liệu khác

- Củ sen cắt khoanh, nấm ngâm nước muối rồi cắt bỏ phần chân. Rửa sạch để ráo.

- Khoai môn gọt vỏ sạch, cắt miếng vuông rồi cho rửa sạch với nước muối loãng.

- Hành lá rửa sạch, thái đoạn.

- Dừa nạo vắt lấy 1 bát nước cốt và 1 lít nước dão.

Bước 2: Chiên khoai môn

Bắc chảo lên bếp, cho 2 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng già thì cho khoai vào chiên cho xém cạnh thì gắp ra đĩa để ráo dầu.

Bước 3: Nấu vịt nấu chao

- Bắc nồi lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu điều vào đun nóng thì cho thịt vịt vào xào cho thịt săn lại thì cho nước dão dừa và nước dừa vào cho ngập vịt, bỏ thêm 2 nhánh sả đập dập vào cho thơm.

- Tiếp tục nấu với lửa vừa, đến khi sôi thì mở vung, hớt bớt phần mỡ nổi ở trên mặt sau đó cho củ sen vào đun tiếp trong 10 phút cho sen chín mềm.

- Sau 10 phút, thịt vịt chín mềm và sen đã chín thì cho thêm nấm rơm, khoai môn vào đảo đều.

- Đun tiếp trong 10 phút nữa thì cho nước cốt dừa vào, đun sôi lại thì tắt bếp. Rắc chút hành lá thái đoạn lên trên.

Thịt vịt chín mềm, đậm vị

Thịt vịt chín mềm, đậm vị

3. Hoàn thành và thưởng thức

Có thể vịt nấu chao kiểu miền Bắc múc ra tô, ăn nóng kèm với bún hoặc mì, cơm hoặc cho ra nồi lẩu, ăn nhúng rau sống và tàu hũ ki (váng đậu).

Thưởng thức

Thưởng thức

Cách làm vịt nấu chao chay

Nếu bạn muốn làm món vịt nấu chao dưới dạng nấu chay để phục vụ cho việc cúng bái thì có thể tham khảo cách thực hiện dưới đây.

1. Nguyên liệu chuẩn bị

- Khoai môn: 1 củ

- Nấm đông cô: 200g

- Nấm rơm: 150g

- Nấm kim châm: 100g

- Sả, ớt, tỏi, gừng

- Hành tím: 2 củ

- Đậu phụ, bó xổ, váng đậu

- Đậu hủ ky cây

- Nước dừa tươi

- Chao trắng

- Hạt nêm gia vị

- Đồ ăn kèm: Rau muống, bún

2. Các bước thực hiện làm vịt nấu chao chay

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Khoai môn gọt vỏ rửa sạch cắt miếng vừa ăn, ngâm nước muối 30 phút rồi vớt ra

- Nấm rơm, nấm đông cô, nấm kim các loại nhặt bỏ gốc, rửa sạch để riêng.

- Tỏi và hành tím đập dập băm nhỏ, để riêng

- Gừng đập dập, sả đập dập thái nhỏ

- Chao trắng cho ra bát dầm nhuyễn

Các loại gia vị đã sơ chế xong

Các loại gia vị đã sơ chế xong

Bước 2: Chiên khoai, rán đậu và ướp bó xổ

- Khoai môn cho vào chảo chiên sơ vàng hai mặt rồi vớt ra để ráo dầu. Vẫn dùng chảo đó, cho đậu phụ thái miếng vào chiên vàng các mặt.

- Bó xổ rửa sạch cắt lát ướp với một nửa tỏi băm, 2 thìa cà phê đường và chao trắng.

Bó xổ ướp với chao và gia vị

Bó xổ ướp với chao và gia vị

Bước 3: Nấu chao vịt chay

Bắc nồi lên bếp, cho ít dầu ăn vào đun nóng rồi cho tỏi, gừng, sả vào phi thơm sau đó cho bó xổ đã ướp vào xào.

Công thức nấu vịt nấu chao dùng bó xổ cho vào xào cùng gừng tỏi sả

Công thức nấu vịt nấu chao dùng bó xổ cho vào xào cùng gừng tỏi sả

Xào bó xổ khoảng 3 phút thì cho tất cả nấm, đậu phụ chiên, đậu hủ ky cây vào xào cùng. Nêm thêm gia vị rồi cho vào nồi 500ml nước đun sôi trong 10 phút sau đó cho khoai môn vào đun thêm 5 phút thì tắt bếp.

Nồi vịt nấu chay thơm ngon hấp dẫn.

Nồi vịt nấu chay thơm ngon hấp dẫn.

Món vịt này ăn nóng kèm với váng đậu chiên giòn và bún tươi, rau muống là tuyệt nhất.

Cách nấu vịt nấu chao nước cốt dừa

Nếu như bạn không có sẵn nước dừa tươi thì vẫn có thể sử dụng nước cốt dừa để làm món ăn, tuy nhiên cần có thêm sữa tươi và một số nguyên liệu đi kèm khác.

1. Nguyên liệu cần có

- Vịt: 1 con

- Chao trắng, chao đỏ: Mỗi loại 5 viên

- Khoai môn: 300g

- Nước cốt dừa: 1 lon 400ml

- Sữa tươi: 100ml

- Sả: 3 cây

- Gừng: 1 củ

- Chanh: 2 quả

- Tỏi, hành tím

- Bún, rau thơm ăn kèm tùy sở thích

- Gia vị, hạt nêm, tiêu, dầu ăn, dầu điều, rượu trắng,...

5 cách làm vịt nấu chao ngon, thơm nức, béo ngậy mà không hề bị hôi - 22

2. Các bước làm vịt nấu chao với nước cốt dừa

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

- Thịt vịt đem đi làm sạch lông, khử hôi bằng rượu trắng cùng với gừng trong 15 phút, sau đó rửa sạch sẽ rồi đem chặt thành từng miếng nhỏ vừa miệng.

- Gừng tươi gọt vỏ, rửa sạch sau đó băm nhuyễn.

- Chao đỏ và chao trắng đem dầm nát.

- Sả bóc vỏ ngoài, rửa sạch rồi đập dập.

- Rau xà lách hoặc rau ăn kèm nhặt sạch rồi rửa lại cho hết bùn đất.

- Khoai môn cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt lát để có thể ra hết nhựa mủ.

Bước 2: Ướp vịt, chiên khoai môn

- Bạn cho vịt vào trong nồi rồi thêm vào 2 thìa muối, 1 thìa đường, 2 thìa hạt nêm, 1 thìa hạt tiêu, gừng băm nhuyễn và chao đã dầm nát, sau đó trộn đều lên để thịt vịt ngấm gia vị. Ướp khoảng 2 tiếng cho thịt vịt thêm đậm đà rồi mới chế biến tiếp.

- Khoai môn sau khi sơ chế hãy đem đi chiên cho chín vàng rồi vớt ra cho ráo dầu trước khi đến bước tiếp theo.

Bước 3: Hoàn thiện món vịt nấu chao với nước cốt dừa

- Tiếp theo, bắc nồi lên bếp rồi cho dầu ăn vào trong nồi, tiến hành phi thơm tỏi hành rồi đổ chỗ thịt vịt đã ướp vào đun.

- Kế đến, cho 2 thìa dầu điều vào thịt vịt, đảo đều cho đến khi thịt vịt bắt đầu săn lại rồi mới đổ 500ml nước vào nấu tiếp.

- Đến khi nước sôi già, cho tiếp lon nước cốt dừa và sữa tươi vào nấu cùng sao cho nước ngập xâm xấp mặt thịt là được.

- Cuối cùng, cho khoai môn đã chiên vàng từ trước vào để nấu cùng, nêm thêm gia vị hoàn chỉnh rồi đun nốt đến khi các thứ chín hoàn toàn. Vớt thịt vịt ra để thưởng thức.

5 cách làm vịt nấu chao ngon, thơm nức, béo ngậy mà không hề bị hôi - 23

Vịt nấu chao chấm gì ngon?

Món vịt này sẽ bớt đi độ thơm ngon nếu thiếu nước chấm chuẩn vị. Tham khảo 2 công thức pha nước chấm ngon bất bại dưới đây.

1. Công thức 1

- Nguyên liệu:

+ Chao đỏ: 2 miếng

+ Nước chao

+ Đường

+ Mì chính

+ Nước cốt chanh

+ Sa tế

- Cách làm:

Cho 2 miếng chao đỏ vào bát con rồi múc thêm 2 thìa canh nước chao vào cùng. Lấy thìa dầm nhuyễn, cho thêm 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê bột ngọt, 2 thìa cà phê nước cốt chanh, 1/2 muỗng cà phê sa tế vào rồi dùng đũa khuấy đều cho tan hết gia vị, nêm nếm vừa miệng.

Nước chấm vịt nấu chao đã pha xong

Nước chấm vịt nấu chao đã pha xong

2. Công thức 2

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm công thức làm nước chấm khác với sả, tỏi, hành tím phi thơm.

- Nguyên liệu:

+ Sả: 1 cây, băm nhỏ

+ Hành, tỏi khô: Mỗi loại 1 củ, bóc vỏ, băm nhỏ

+ Chao đỏ/chao trắng: 3 viên

+ Muối, mì chính, sa tế, hạt nêm, đường

+ Nước cốt dừa

- Cách làm nước chấm vịt nấu chao:

+ Lấy chao cho vào bát rồi tán nhuyễn sau đó thêm 3 thìa đường vào, khuấy đều lên.

+ Bắc chảo lên bếp, thêm vào đây ½ thìa canh dầu ăn. Dầu nóng, bạn trút phần hành, tỏi, sả băm vào phi thật thơm.

+ Trút phần chao đã dầm vào xào chung. Nêm thêm 2 thìa sa tế vào đảo đều (tùy khả năng ăn cay của mỗi người mà có thể thêm hoặc bớt lượng sa tế).

+ Cho thêm nửa bát nước cốt dừa, xào lửa nhỏ cho sệt lại làm nước chấm.

Dầm nhuyễn chao làm nước chấm

Dầm nhuyễn chao làm nước chấm

Vịt nấu chao ăn với rau gì?

Món chao vịt này hợp với rất nhiều loại rau khác nhau. Người ta thường ăn kèm: Rau muống, xà lách, cải cay, mùi tàu, mùi ta, giá sống.

Chao vịt ăn kèm với rau cải, rau muống rất ngon

Chao vịt ăn kèm với rau cải, rau muống rất ngon

Vịt nấu chao bao nhiêu calo?

Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g vịt nấu chao sẽ chứa khoảng 201 calo. Bên cạnh đó, trong vịt còn có rất nhiều các dưỡng chất thiết yếu tốt cho sức khỏe như: Canxi, lipit, protit, magie, vitamin A, E, K…

Trên đây là 4 cách làm vịt nấu chao theo kiểu miền Bắc, miền Nam, miền Tây và người ăn chay. Còn có thêm rất nhiều món ngon từ vịt khác để bạn tham khảo. Thường xuyên ghé thăm Bếp Eva để biết nhiều công thức món ngon, dễ làm, bổ dưỡng nhé.

Link nội dung: https://tlpd.vn/5-cach-lam-vit-nau-chao-ngon-thom-nuc-beo-ngay-ma-khong-he-bi-hoi-a36707.html