Bệnh tim Fallot 4 (tứ chứng Fallot) là bệnh tim bẩm sinh tím thường gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp tim bẩm sinh tím ở trẻ trên 1 tuổi. Các khuyết tật về tim này làm giảm lưu lượng máu đến phổi, đưa máu thiếu oxy đến các cơ quan khác trên cơ thể nên trẻ bị thiếu oxy lâu ngày, dễ bị mệt, tím da niêm. Một số trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ có thể không xuất hiện triệu chứng tím.
Bệnh tim Fallot 4 (tứ chứng Fallot) là một tình trạng tim mà trẻ sơ sinh thường mắc phải, bao gồm 4 khuyết tật trong cấu trúc tim.
Các khuyết tật về tim dẫn đến sự thiếu hụt oxy trong máu và máu lưu thông từ tim đến các cơ quan khắp cơ thể không có đủ oxy.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh tim Fallot 4 thường có làn da màu xanh tái do thiếu oxy trong máu.
Bốn bất thường về tim trong bệnh lý trên bao gồm:
● Hẹp đường ra thất phải: Hẹp đường nối giữa buồng thất phải và động mạch phổi, dẫn đến giảm lượng máu đen từ tâm thất phải đến phổi.
● Thông liên thất: Trong trái tim bình thường, vách ngăn giữa hai buồng tim (tâm thất trái và tâm thất phải) kín, nhưng đối với bệnh nhân Tứ chứng Fallot vách ngăn này không kín.
● Động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất: Động mạch chủ bị lệch phải so với người bình thường và thường sẽ nằm trên lỗ thông liên thất.
● Phì đại của thất phải: Khi tim hoạt động quá mức cho phép, thành cơ tâm thất phải có sẽ dày lên. Theo thời gian, tim trở nên cứng và yếu hơn, và cuối cùng dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, một số trường hợp trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh tim tứ chứng Fallot có thể mắc các dị tật tim khác, như xuất hiện khiếm khuyết vách liên nhĩ (xuất hiện lỗ thông giữa các buồng nhĩ), động mạch chủ quay phải hoặc bất thường của động mạch vành.
Một số trường hợp không xuất hiện biểu hiện bệnh tim ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, phần lớn trường hợp trẻ em mắc bệnh sẽ có các triệu chứng sau:
● Tím da, niêm mạc. Thời gian xuất hiện không nhất định, có thể là ngay sau khi sinh hoặc muộn hơn (sau 4 - 6 tháng). Tím tăng lên khi gắng sức (khóc, bú...).
● Ngất do thiếu oxy não.
● Khát nước do tăng cô đặc máu.
● Móng tay khum, ngón tay chân dùi trống, xuất hiện sau 2 - 3 năm.
● Xuất hiện nhiều vết đỏ ở màng tiếp hợp mắt.
● Chậm phát triển thể chất, tinh thần.
Bệnh tim Fallot 4 xuất hiện trong quá trình thai kỳ, khi tim của thai nhi đang hình thành. Mặc dù có một số yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như dinh dưỡng kém, nhiễm virus, hoặc rối loạn gen, nhưng trong phần lớn trường hợp, nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng.
Có nhiều yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim Fallot 4, bao gồm:
● Mẹ bị nhiễm siêu vi, chẳng hạn như Rubella
● Có tiền sử bệnh tim Fallot 4 trong gia đình, đặc biệt là cha hoặc mẹ. Bố mẹ có con bị tứ chứng Fallot hoặc tim bẩm sinh khác thì các con sau có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn.
● Sự xuất hiện của các hội chứng khác như hội chứng Down hoặc hội chứng DiGeorge ở em bé mới sinh.
Trẻ em mắc bệnh tim Fallot 4, nếu được phát hiện sớm và tiếp nhận can thiệp kịp thời cùng với việc chăm sóc đúng cách, vẫn có khả năng sống và tham gia vào cuộc sống hàng ngày như bất kỳ đứa trẻ bình thường nào.
Khả năng sống và chất lượng cuộc sống của trẻ mắc bệnh tim tứ chứng Fallot phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng, bao gồm:
● Thời điểm phát hiện bệnh: Việc phát hiện bệnh sớm trong thai kỳ hoặc ngay sau khi trẻ sinh ra giúp bác sĩ lựa chọn phương án điều trị hiệu quả và phù hợp. Nếu bệnh được phát hiện sớm, trẻ có cơ hội sống và phát triển bình thường, trong khi trường hợp không phát hiện sớm có thể gây nguy cơ tử vong ngay sau khi sinh.
● Phương pháp điều trị: Sự tiến bộ trong y học và sử dụng các thiết bị y tế hiện đại đã giúp cho việc điều trị bệnh tim Fallot 4 hiệu quả hơn.
● Chăm sóc sau phẫu thuật: việc chăm sóc trẻ sau khi phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phát triển của trẻ. Nếu được thực hiện khoa học và đúng cách, trẻ có thể được hồi phục tốt và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.
Trẻ mắc chứng bệnh trên có thể gặp các biến chứng khác như:
● Viêm tắc mạch máu não
● Áp xe não
● Thiếu máu kéo dài
● Chậm phát triển thể chất, tâm thần.
● Suy tim
● Dễ xuất huyết răng lợi, da, tiêu hóa
● Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng...
Việc chẩn đoán bệnh tim Fallot 4 ở trẻ nhỏ thường bắt đầu bằng khám thực thể và nghe âm thổi tim. Sau đó, để xác định nguyên nhân và đưa ra chẩn đoán chính xác, các bác sĩ thường sẽ tiến hành một loạt các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu, bao gồm:
● Chụp X-quang tim và phổi: Giúp xem xét cấu trúc của tim và phổi, phát hiện những bất thường liên quan.
● Điện tâm đồ (ECG): Đánh giá mức độ dày thất phải.
● Siêu âm tim: khảo sát cấu trúc và chuyển động của tim. Điều này giúp xác định các khiếm khuyết trong cấu trúc tim và hoạt động của tim, và từ đó đề xuất phương án điều trị phù hợp.
Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác từ siêu âm tim, xét nghiệm máu, điện tâm đồ, X-quang..., bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất. Đối với phần lớn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh Fallot 4, phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị bắc buộc.
Mục đích của phẫu thuật sẽ bao gồm đóng lỗ thông liên thất bằng miếng vá và mở rộng đường nối từ tâm thất phải đến phổi nhằm đưa máu đen lên phổi.
Có hai loại phẫu thuật có thể được thực hiện, bao gồm phẫu thuật tim triệt để và phẫu thuật tạm thời (đặt cầu nối - shunt). Phần lớn bệnh nhi sẽ được phẫu thuật sửa chữa triệt để.
● Phẫu thuật sửa chữa triệt để
Phẫu thuật sửa chữa triệt để thường được tiến hành trong năm đầu đời của trẻ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một miếng vá để đóng lỗ thông liên thất giữa hai buồng tim. Đồng thời, sửa chữa đường hẹp thất phải lên động mạch phổi, để máu đen lưu thông đến phổi được tăng lên. Sau phẫu thuật, nồng độ oxy trong máu sẽ tăng lên và triệu chứng bệnh của trẻ sẽ dần khỏi.
● Phẫu thuật tạm thời
Một số trẻ không thể thực hiện phẫu thuật sửa chữa triệt để ngay mà cần phải trải qua một ca phẫu thuật tạm thời. Trong trường hợp trẻ bị sinh non hoặc các nhánh động mạch phổi không đủ kích thước, bác sĩ có thể tạo một cầu nối (shunt) giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Cầu nối này tạo điều kiện tăng cường lưu lượng máu đến phổi. Sau khi trẻ đã sẵn sàng cho phẫu thuật tim chính, cầu nối (shunt) sẽ được gỡ bỏ.
Nếu phát hiện ra trẻ có triệu chứng tím da niêm mạc hoặc nghi ngờ mắc Fallot 4 như khó thở, viêm đường hô hấp, kém ăn, phát triển chậm,... hãy đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để kiểm tra,chẩn đoán chính xác trẻ có mắc bệnh tim bẩm sinh không và được tư vấn về hướng điều trị phù hợp.
Phụ huynh có con mắc bệnh tim Fallot 4, hãy chú ý đến các điều sau:
● Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có triệu chứng khó thở, mệt, yếu, bứt rứt, tím da niêm tăng.
● Nếu trẻ xuất hiện cơn tím, hãy vỗ về, trấn an trẻ, tiến hành nới rộng quần áo, đặt trẻ nằm theo "tư thế gối ngực" (đặt trẻ nằm quay sang một hướng, đầu gối co lên ngực) để tăng lượng máu lên phổi. Sau đó, đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
● Đảm bảo rằng trẻ uống đủ nước và có chế độ ăn dinh dưỡng. Hãy tập trung vào thức ăn giàu chất sắt như thịt động vật có màu đỏ, rau cải, ngũ cốc, hạt mè, hạt hướng dương, và các loại đậu.
● Với trẻ nhỏ, hãy cho trẻ ăn chậm và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Đảm bảo giữ vệ sinh và giữ ấm tốt cho trẻ, tránh trẻ quấy khóc, cảm sốt hoặc tiêu chảy.
● Với trẻ lớn, nếu trẻ cần thực hiện thủ thuật hoặc điều trị răng, hãy đảm bảo trẻ uống kháng sinh để tránh viêm nội tâm mạch nhiễm trùng. Đồng thời, giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng.
● Hạn chế trẻ vận động mạnh và không để trẻ tham gia vào các hoạt động quá căng thẳng hoặc nặng nhọc.
● Tuân thủ lịch tái khám theo hẹn của bác sĩ tim mạch để đảm bảo rằng trẻ được theo dõi và điều trị kịp thời.
Để kiểm soát sự diễn tiến của bệnh Tetralogy of Fallot, có một số biện pháp quan trọng:
● Duy trì vệ sinh cá nhân tốt và sử dụng kháng sinh phòng tránh nhiễm trùng nội tiết mạc, giúp đề phòng viêm nội tiết mạc nhiễm khuẩn.
● Đảm bảo phát hiện và điều trị thiếu sắt một cách kịp thời. Trẻ có thiếu sắt thường dễ gặp các vấn đề về mạch máu não.
● Truyền dịch để ngăn tạo huyết khối và viêm tắc mạch.
● Ngăn ngừa nhiễm trùng: Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng có thể cần sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tư vấn về cách thức và thời điểm cần thiết cho việc này.
● Thực hiện kiểm tra nha khoa định kỳ để đề phòng nhiễm trùng.
● Tập thể dục cần được thực hiện theo cân nhắc tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp. Hãy thảo luận với bác sĩ về các hoạt động an toàn phù hợp cho trẻ của bạn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện thường quy các bệnh nhân từ trẻ em nhỏ cân cho đến người lớn mắc bênh tim bẩm sinh Fallot 4 và đạt được kết quả rất khả quan. Tỷ lệ phẫu thuật thành công lên đến 95%, tỷ lệ bảo tồn van động mạch phổi cao. (Nếu không bảo tồn được van động mạch phổi trong phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn bệnh tim Fallot 4, đa số các bệnh nhân phải vào viện nhiều lần trong đời để thay van động mạch phổi sinh học sau mỗi 8-10 năm).
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là những chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực tim mạch người lớn và trẻ em. Các bác sĩ được đào tạo bài bản trong nước và nhiều trung tâm có nền y học hàng đầu thế giới như: Pháp, Úc,...
Cùng với đó là sự hỗ trợ từ hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại được bệnh viện đầu tư phục vụ cho các ca phẫu thuật: Hệ thống tim phổi nhân tạo HR20 của Maquet, Máy gây mê Avance CS2, Máy thở R860 của GE, Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới.
Ưu điểm của phẫu thuật bệnh tim Fallot 4 đó là:
● Sau khi sửa chữa trong tim, mức oxi trong máu tăng lên và bệnh nhi sẽ giảm triệu chứng.
● Giúp phục hồi các chức năng tim mạch, kéo dài sự sống cho người bệnh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://tlpd.vn/bien-chung-cua-benh-tim-tu-chung-fallot-a36706.html