Tin tức

1. Một số vấn đề cơ bản về nhiệt kế thủy ngân

1.1. Nhiệt kế thủy ngân là dụng cụ như thế nào?

Nhiệt kế thủy ngân do nhà vật lý học Daniel Gabriel Fahrenheit (Amsterdam) phát minh vào năm 1714. Đây là loại nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ cơ thể, bên trong có chứa thủy ngân - một chất có khả năng giãn nở khi xảy ra sự gia tăng nhiệt độ. Không thể dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ -39 độ C (vì nó làm thủy ngân hóa rắn) hoặc trên 356.7 độ C (vì đây là điểm sôi của thủy ngân).

Nhiệt kế thủy ngân - dụng cụ đo thân nhiệt phổ biến

1.2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nhiệt kế thủy ngân

- Cấu tạo: gồm 3 bộ phận

+ Cảm nhận nhiệt độ: đây chính là bầu chứa thủy ngân có tác dụng hấp thụ nhiệt ở môi trường cần đo rồi vận hành theo nguyên lý giãn nở để đo được nhiệt độ của môi trường đó.

+ Ống mao dẫn: cột dẫn thủy ngân giãn nở trong quá trình tiếp xúc với môi trường nhờ đó mà có được kết quả đo của môi trường cần đo.

+ Kết quả hiển thị: các vạch số tương ứng với nhiệt độ đo được.

- Nguyên lý hoạt động

Nhiệt kế thủy ngân được hoạt động trên nguyên lý giãn nở của thuỷ ngân tùy theo nhiệt độ. Thủy ngân nở ra (cột nhiệt độ tăng lên) hoặc co lại (cột nhiệt độ chạy xuống) phụ thuộc vào nhiệt độ cần đo, thang đo nhiệt độ hiển thị chỉ số tương ứng với nhiệt độ đo được.

Nói dễ hiểu hơn là khi nhiệt độ thay đổi, phần cột thủy ngân sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tùy theo nhiệt độ môi trường mà nó đo được. Vì thế, nếu đo nhiệt kế thủy ngân đúng cách bạn sẽ biết được chính xác nhiệt độ cơ thể của mình.

2. Cách đo nhiệt kế thủy ngân và đọc kết quả chính xác

2.1. Các bước đo nhiệt kế thủy ngân

Có thể dùng nhiệt kế thủy ngân để đo ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: nách, hậu môn, miệng, tai. Cách đo nhiệt kế thủy ngân để thu được kết quả thân nhiệt chính xác như sau:

- Bước 1: cầm thật chắc phần đuôi của nhiệt kế rồi lấy lực của cổ tay vẩy mạnh cho nhiệt kế xuống dưới 35 độ C.

- Bước 2: đặt nhiệt kế thủy ngân vào vị trí cần đo rồi giữ nguyên ở vị trí đó trong 5 - 7 phút.

- Bước 3: rút nhiệt kế ra và đọc kết quả.

Đo nhiệt kế thủy ngân đúng cách giúp mẹ biết được tình trạng thân nhiệt của con mình

2.2. Cách đọc kết quả nhiệt kế thủy ngân chính xác

Thời gian giữ nhiệt kế có sự khác nhau tùy theo vị trí cần đo. Nếu đang cần đo nhiệt kế ở hậu môn, hãy giữ dụng cụ ở đây khoảng 2 - 3 phút. Nếu cần đo nhiệt độ ở nách hoặc miệng thì hãy để nhiệt kế nguyên vị trí khoảng 3 - 5 phút. Khi hết khoảng thời gian này, bạn rút nhiệt kế ra và cố gắng không lắc nhiệt kế để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả đo.

Muốn đọc kết quả, trước tiên bạn cần giữ nhiệt kế theo đúng chiều ngang để nhìn các con số một cách rõ ràng. Tiếp đó bạn đưa thân nhiệt kế lên ngang với tầm mắt, lúc này bạn sẽ thấy mỗi vạch chia tương ứng với 0.1 độ C. Bạn hãy đọc con số gần nhất ở vị trí đến hết cây thủy ngân, đây chính là kết quả thân nhiệt đo được.

Một người được xem là sốt khi nhiệt độ đo được từ 38 độ C trở lên (đo tại hậu môn) hoặc trên 37 độ C (đo ở nách). Bạn cần liên hệ với bác sĩ trong các trường hợp sau:

- Đo nhiệt kế thủy ngân cho trẻ 3 - 6 tháng có kết quả trẻ bị sốt kèm theo các triệu chứng: li bì, lừ đừ, quấy khóc.

- Đo nhiệt kế thủy ngân cho trẻ 6 - 24 tháng có kết quả từ 39 độ C trở lên và tình trạng này kéo dài trên 1 ngày.

Do không thể có chung một mức nhiệt độ ở mọi vị trí của cơ thể nên khi đo nhiệt kế thủy ngân bạn cũng cần lưu ý:

- Vùng hậu môn: cho kết quả thân nhiệt chính xác nhất, chủ yếu đo cho trẻ nhỏ.

- Vùng dưới nách: cho kết quả thấp hơn so với nhiệt độ thu được ở hậu môn khoảng 0.5 - 1.5 độ C.

- Vùng miệng: cho kết quả thấp hơn so với nhiệt độ thu được ở hậu môn khoảng 0.3 - 0.8 độ C, chủ yếu đo ở người trưởng thành.

Sau khi đã đo và đọc xong kết quả ở nhiệt kế, bạn cần lắc cho cột thủy ngân trở về mức thấp nhất, làm sạch dụng cụ rồi cất ở nơi an toàn, khô ráo. Nếu đã dùng nhiệt kế thủy ngân để đo ở hậu môn thì chỉ nên dùng đo vùng này và mua một nhiệt kế khác để đo nhiệt độ ở các vùng khác của cơ thể để tránh lây nhiễm vi trùng.

Nếu chẳng may nhiệt kế thủy ngân bị vỡ cần xử lý đúng cách để tránh nhiễm độc thủy ngân

3. Nếu bị vỡ nhiệt kế thủy ngân cần chú ý

- Không dùng bất cứ loại máy hút bụi nào để làm sạch môi trường có thủy ngân vì nó càng dễ tạo cơ hội cho thủy ngân bay vào không khí, tăng nguy cơ tiếp xúc và nhiễm độc thủy ngân.

- Không quét thủy ngân bằng chổi vì dễ khiến cho thủy ngân vỡ thành các giọt nhỏ. Tốt nhất nên dùng bột diêm sinh (lưu huỳnh) để rắc vào nơi thủy ngân rơi ra rồi mới dùng chổi quét thật kỹ. Bột diêm sinh sẽ hạn chế khả năng bay hơi của thủy ngân.

- Không được đổ thủy ngân vào cống để tránh làm nhiễm độc nguồn nước và dễ làm hư hỏng hệ thống ống nước.

- Trường hợp thủy ngân dính vào quần áo, hãy giặt riêng quần áo đó thành một mẻ để không bị lan truyền thủy ngân sang quần áo sạch.

Thân nhiệt của con người có thể thay đổi nhanh chóng. Nếu trẻ hay ai đó bị ốm, người chăm sóc cần phải biết cách theo dõi nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, biết cách đo nhiệt kế thủy ngân chính xác, an toàn tại nhà sẽ giúp theo dõi sức khỏe cũng như chăm sóc người bệnh tốt hơn.

Với những chia sẻ này có thể thấy việc dùng và đo nhiệt kế thủy ngân tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần lưu tâm đến trường hợp không may nhiệt kế bị vỡ để xử lý đúng cách thì đây sẽ là một công cụ hỗ trợ theo dõi thân nhiệt và chăm sóc sức khỏe đáng để bạn yên tâm sử dụng.

Link nội dung: https://tlpd.vn/tin-tuc-a36661.html