Du lịch Hà Nam một lựa chọn mới mẻ và hấp dẫn

Hà Nam là vùng chiêm trũng cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với khí hậu dễ chịu, thiên nhiên ưu ái. Hà Nam không chỉ nổi tiếng với nền văn hiến lâu đời, khung cảnh hữu tình, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nguyên sơ mà còn nổi tiếng bởi nhiều lễ hội truyền thống đậm bản sắc dân tộc.

Khi các địa điểm du lịch, dã ngoại cuối tuần gần Hà Nội như Mai Châu, Tam Đảo, Ba Vì… đang dần trở nên quen thuộc thì du lịch Hà Nam chính là một lựa chọn mới mẻ hấp dẫn rất đáng để bạn lưu tâm.

Chùa Bà Đanh - núi Ngọc

Vị trí: Thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Chùa Bà Đanh hay còn gọi là Bảo Sơn tự thờ Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ). Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này nằm cạnh hòn núi Ngọc nên thơ, cách thành phố Phủ Lý 10km, hướng chính nam nhìn thẳng ra dòng sông Đáy, được thiên nhiên ưu ái bao quanh bởi khung cảnh trời mây sông nước hữu tình cùng vẻ tịch mịch vô cùng thanh tịnh. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện liêu trai, sự tích kì lạ xoay quanh sự vắng vẻ nổi tiếng của mình; mà tâm điểm là tượng Bà Đanh (thần Pháp Vũ). Đến vãn cảnh chùa, du khách còn có thể hỏi chuyện các sư thầy để được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh nguồn gốc và lịch sử của chùa Bà Đanh.

Sau khi tham quan vãn cảnh chùa, du khách hãy xuống bến nước uy nghiêm lát đá xám trắng của chùa bên bờ sông Đáy nên thơ, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, thả mình vào thiên nhiên trong lành tránh xa những khói bụi ồn ào bon chen nơi phố thị. Nếu còn thời gian, xin hãy đi qua vườn cây trái xum xuê có cây si già ngàn năm tuổi để lên đỉnh núi Ngọc, ngắm nhìn toàn cảnh sông nước mây trời từ trên cao. Câu chuyện vì sao chùa bà Đanh lại vắng khách đến nay vẫn không có đáp án. Do chùa linh thiêng hay do vị trí không thuận tiện đi lại? Có lẽ sẽ chẳng ai biết câu trả lời thật sự là gì, chỉ là khi muốn tìm một nơi để thanh lọc tâm hồn, tìm cho mình chút sự bình yên thì hãy nhớ đến ngôi chùa vắng vẻ Bà Đanh của Hà Nam nhé.

Nhà Bá Kiến - Nguyên mẫu làng Vũ Đại

Vị trí: xóm 11, làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Làng Vũ Đại là địa danh nổi tiếng gắn liền với truyện ngắn “Chí Phèo” với những nhân vật đi cùng năm tháng như Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở. Trên thực tế, nguyên mẫu làng Vũ Đại là làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương của nhà văn hiện thực Nam Cao. Về thăm làng, du khách sẽ được ngắm nhìn lại những dấu vết xưa cũ của một làng quê Việt Nam cuối thế kỷ 18 với âm thanh của tiếng dệt vải, những con đường quê rợp bóng mát cùng vài mái ngói, hàng gạch vẫn còn đó với thời gian.

Đến thăm nhà Bá Kiến ở xóm 11 xã Hòa Hậu, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi trải qua hơn 100 năm dãi dầu mưa nắng, bom rơi đạn nổ; ngôi nhà 3 gian với cột gỗ lim cùng chân cột kê đá tảng đẽo gọt công phu này vẫn đứng vững, mái ngói và hoa văn chạm khắc còn nguyên vẹn chưa qua một lần tu sửa. Xung quanh ngôi nhà là vườn chuối rợp bóng mát gợi nhớ về câu chuyện tình mộc mạc xứng đôi của Chí Phèo - Thị Nở với bát cháo hành cay nồng đậm tình người. Nhà Bá Kiến nằm trong dự án “Vườn hiện thực Nam Cao” nhằm lưu giữ toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn. Trong nhà tưởng niệm có bàn thờ cùng rất nhiều kỷ vật của nhà văn lúc sinh thời.

Ngày nay, tìm về làng Vũ Đại không chỉ để nhắc nhớ lại một thời sống động hiện lên qua ngòi bút của Nam Cao, du khách còn có cơ hội thưởng thức các đặc sản nổi tiếng ngon và bình dị nơi đây. Đó là nồi cá kho niêu đất Nhân Hậu không đâu có được, ăn với bát cơm trắng nóng hổi cứ nhắc đến là ai cũng thèm. Đó là buồng chuối ngự Đại Hoàng tiến vua thơm ngọt mùi vị đọng mãi nơi đầu lưỡi hay quả hồng không hạt Nhân Hậu căng mịn, đỏ sẫm. Có lẽ chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm người ta cứ muốn ghé qua và quay lại nơi đây thêm nhiều lần nữa.

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Vị trí: thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Quần thể đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, tọa lạc giữa không gian xanh mát sơn thủy hữu tình, có núi có sông ,có hang động kỳ thú, nằm giữa rừng Trúc nên thơ. Tương truyền, vào năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt đi chinh phạt qua thôn Quyển Sơn. Bỗng nhiên có trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cột buồm rồi cuốn lá cờ của đoàn quân lên đỉnh Núi Cấm. Lý Thường Kiệt thấy lạ bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ làm lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Ông đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, dân làng đã lập đền thờ ở chính nơi ông mở hội, đó là đền Trúc ngày nay.

Ngôi đền được làm bằng gỗ lim, xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung, xung quanh rợp bóng trúc. Cạnh đền Trúc là ngọn núi Cấm hay còn gọi là núi Cuốn Sơn gắn với sự tích xa xưa. Men theo đường mòn lên đỉnh núi, du khách sẽ tìm thấy một bàn cờ thiên tạo bằng đá rất đặc biệt cũng như được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh hữu tình. Trong lòng núi Cấm là hệ thống Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn dài hơn 100m với cấu trúc các động đa dạng cùng nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng. Hàng năm, lễ hội đền Trúc diễn ra từ ngày mồng 1 tháng Giêng đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ cổ truyền, trò chơi dân gian hấp dẫn, múa hát Dậm và đua thuyền. Đền Trúc - Ngũ Động Sơn chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cuối tuần mới lạ cho du khách.

Kẽm Trống

Vị trí: thuộc 2 xã Thanh Hải - Thanh Liêm - Hà Nam và Gia Thanh - Gia Viễn - Ninh Bình (gần quốc lộ 1A).

Đặc điểm: Kẽm Trống là danh thắng quốc gia được công nhận năm 1962, cách thủ đô Hà Nội 80km về phía Nam theo đường quốc lộ 1A, nằm giữa địa phận của 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. Kẽm Trống có thể hiểu đơn giản là nơi dòng sông Đáy chảy qua hai ngọn núi, bên tả có núi Rùa, núi Cổ Động…thuộc tỉnh Hà Nam; bên hữu có núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia thuộc tỉnh Ninh Bình. Ngoài núi và sông, khi tới đây, du khách còn được chiêm ngưỡng rất nhiều hang động kì ảo với vô số thạch nhũ đủ mọi hình dáng trải dài khắp các hang.

Tương truyền, có lần vua Minh Mạng muốn xuôi dòng sông Đáy để vãn cảnh Kẽm Trống và Địch Lộng (Ninh Bình) nhưng khi được biết về bài thơ với nhiều ẩn ý tinh nghịch, thâm thúy này của Hồ Xuân Hương, nhà vua nhất định không chịu đi qua sông mà bắt dân trong vùng đào một con sông mới khác để thuyền vua đi qua. Do vậy mới có con sông đào bên cạnh ngày nay vòng qua. Du lịch Hà Nam du khách đừng nên bỏ qua một lựa chọn vô cùng hấp dẫn là Kẽm Trống.

Đền Trần Thương

Vị trí: thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh, suốt hàng thế kỷ qua vẫn tồn tại sừng sững cùng đất trời. Đây là nơi thờ vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Dân gian xưa nay vẫn có câu nói truyền miệng: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc” là ý nói đền Trần Thương là nơi được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn gửi gắm mộ phần lúc sinh thời.

Tương truyền, nơi đây trước là vùng nước trũng, lau sậy um tùm, dân cư thưa thớt, lại có 6 gò đất cao nổi lên, khó với địch nhưng dễ với ta; Trần Hưng Đạo quyết định lập 6 kho lương tại đây phục vụ kháng chiến chống Nguyên Mông và Trần Thương là kho lương chính. Do vậy, ngày nay, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, nhân dân trong vùng và khách thập phương lại nô nức kéo về đây nhận phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần. Hội chính của đền Trần Thương mở từ ngày 18 đến 20 tháng 8 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo nhắc nhở về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Nếu có dịp đến thăm Hà Nam vào dịp Tết, nhớ đừng quên qua đền Trần Thương thắp một nén nhang tưởng nhớ vị anh hùng đã được tôn làm Đức Thánh Trần cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc của một địa danh gắn với trang sử hào hùng của dân tộc.

Khu du lịch sinh thái Tam Chúc - Ba Sao

Vị trí: xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Khu du lịch sinh thái có trong diện tích 5100ha, bao gồm hệ thống các danh lam thắng cảnh mà nổi bật là hồ Tam Chúc và chùa Ba Sao. Chỉ riêng hồ Tam Chúc đã có diện tích lên đến 600ha, là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất lớn nhất cả nước. Cảnh quan thiên nhiên của khu du lịch sinh thái vẫn giữ được vẻ hoang sơ kỳ vỹ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới hồ có 6 ngọn núi đá mọc lên từ mặt nước có tên là Lục Nhạc. Bởi vậy mới có câu: “Tiền Lục Nhạc - hậu Thất Tinh”.

Hồ Tam Chúc nằm trong vùng ngập nước núi đá rất độc đáo với phong cảnh hùng vĩ, không gian mênh mông, thoáng đãng cùng thảm thực vật vô cùng phong phú. Nơi đây còn có khu tâm linh đang được quy hoạch với diện tích lớn lên đến 147ha. Đến với Tam Chúc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn, là pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Trong tương lai, hứa hẹn đây là sẽ điểm du lịch sinh thái kết hợp tâm linh đầy tiềm năng, rất phù hợp với những chuyến đi cuối tuần từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ

Làng trống Đọi Tam - làng nghề hơn 1000 năm tuổi

Vị trí: làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Làng Đọi Tam nằm dưới chân núi Đọi là làng có nghề làm trống đã bao đời nay, tương truyền hơn 1000 năm, được công nhận là “làng nghề tiêu biểu Việt Nam”, góp phần giữ gìn một nét văn hóa đặc biệt đã gắn bó lâu đời trong tâm thức người dân Việt. Không những vậy, Đọi Tam còn được biết đến là nơi đã làm ra chiếc trống sấm lớn nhất cả nước với đường kính 2.35m, chiều cao 3m phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nay được đặt trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tham quan làng nghề truyền thống Đọi Tam, du khách sẽ được quan sát và tìm hiểu về quy trình làm ra đủ mọi loại trống, từ trống chèo, trống đình, trống trường học hay cả trống cơm. Bạn hãy thử tham gia vào vài quy trình đơn giản cũng như mua về một vài chiếc trống nhỏ xinh làm quà lưu niệm cho bản thân và gia đình.

Làng nghề dệt lụa tơ tằm Nha Xá

Vị trí: xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Làng dệt lụa Nha Xá nằm nép mình bên bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, dưới chân cầu Yên Lệnh nối hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Vẻ đẹp của lụa Nha Xá đã làm nức lòng biết bao lái buôn và du khách bốn phương, tiếng tăm chỉ đứng thứ hai sau lụa Vạn Phúc. Những năm 1930, làng nghề phát triển rất hưng thịnh, lụa Nha Xá có mặt ở khắp nơi, thậm chí xuất khẩu cả thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, có thời gian lụa Nha Xá bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang tấn công thị trường trong nước. Nhưng nhờ những hộ tâm huyết với nghề lụa mà thương hiệu lụa Nha Xá được gìn giữ bền vững cho đến ngày nay.

Đến tham quan làng nghề, bạn sẽ được xem đủ mọi công đoạn để làm ra một tấm lụa hoàn chỉnh với đủ mọi mặt hàng như lụa hoa, đũi, lanh, tơ se,…có kiểu dáng và màu sắc vô cùng bắt mắt. Đặc biệt, nếu may mắn đến đây vào ngày nắng to, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và chụp vô số tấm ảnh lung linh với “cánh đồng lua” rực rỡ sắc màu cực kỳ ấn tượng. Đến thăm làng dệt lụa Nha Xá cũng như các làng nghề truyền thống khác của Hà Nam là một trải nghiệm mới mẻ thú vị nên một lần thử nghiệm trong đời của bạn.

Đền Lảnh Giang - Lảnh Giang linh từ

Vị trí: thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Đền Lảnh Giang hay gọi tắt là Đền Lảnh thờ ba vị tướng thời Hùng Vương thứ 18 đã giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước, chống lại Thục Phán và thờ Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Ngôi đền được xây dựng từ bao giờ đến nay vẫn chưa có tài liệu chính xác, tuy nhiên theo các chữ Hán khắc trên cây nóc của tòa đệ nhị thì đền được trùng tu lần cuối vào niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngày nay quy mô của đền đã lên đến 3000m2.

Đến đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, bề thế với lịch sử lâu đời gồm 3 tòa 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, xây theo kiểu nội công ngoại quốc cùng nhiều đồ thờ giá trị chạm khắc công phu. Đặc biệt, hàng năm vào đầu tháng 6 âm lịch, lễ hội Lảnh Giang sẽ diễn ra với nhiều nghi thức rước kiệu, diễn xướng hát văn hầu đồng đặc sắc, thu hút rất đông khách thập phương về tham quan và dự lễ. Đền Lảnh Giang là địa điểm du lịch tín ngưỡng vô cùng độc đáo trên chuyến hành trình về Hà Nam của du khách.

Hà Nam là nơi quy tụ nhiều địa điểm du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa tâm linh và làng nghề truyền thống hấp dẫn có tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Hà Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho chuyến du lịch cuối tuần gần Hà Nội thay thế các điểm du lịch đã quá quen thuộc với du khách.

Kinh nghiệm săn vé giá rẻ dành cho du khách

Cơ hội không chờ đợi ai. Nếu bạn không có nhiều thời gian hoặc còn phải làm nhiều việc khác thì hãy nhận sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của hệ thống qua hotline 02871 065 065 - 1900 2690. Các bạn nên tham gia thảo luận, chia sẻ về những chiêu thức tìm chuyến bay khuyến mãi giá rẻ tại trang web sanvemaybay.vn. Chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của bạn luôn là điều chúng tôi quan tâm. Chúc bạn có những giây phút thú vị trong chuyến đi của mình.

Sau khi hoàn tất việc mua vé, bạn sẽ được hãng gửi mã số đặt chỗ qua Email. Khi ra sân bay, bạn chỉ cần đưa mã số này cho nhân viên ở quầy làm thủ tục. Một số hãng cho phép check-in trực tuyến nên bạn có thể tự in thẻ lên máy bay. Hầu hết vé giá rẻ chỉ bao gồm 7 kg hành lý xách tay và chưa tính các khoản thuế, hành lý ký gửi, bảo hiểm, đồ ăn, phí chọn chỗ ngồi. Do đó, giá vé hiện lên đầu tiên chưa phải là giá cuối cùng. Bạn cần kiểm tra lại cẩn thận những khoản tiền bị thêm vào ngoài giá gốc khi đến bước thanh toán.

Săn Vé Máy Bay Giá Rẻ

109 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM

Tel : 1900 2690 - 02871 065 065

Link nội dung: https://tlpd.vn/du-lich-ha-nam-mot-lua-chon-moi-me-va-hap-dan-a35476.html