Nhà cổ Ba Đức nằm trên con đường nhỏ, giáp bờ sông, được xây dựng từ năm 1850 và trùng tu năm 1938.
Ghé thăm ngôi nhà, du khách như "xuyên không" về thế kỷ trước, chiêm ngưỡng những nét kiến trúc, đồ dùng vốn chỉ thường thấy trong phim.
Theo ông Phan Văn Đức (Ba Đức, 77 tuổi), chủ nhân đời thứ 6 của ngôi nhà, nhà cổ này xây dựng trên mảnh đất rộng 2 mẫu Nam Bộ, tương đương 20.000m2. Nhà cổ Ba Đức được chia thành 2 phần: Nhà trên và nhà dưới, cách nhau khoảng sân - gọi là thiên tĩnh (giếng trời) - đóng vai trò cung cấp ánh sáng.
Ngay sau cánh cổng là khu vườn xanh mướt, được bài trí gọn gàng và cắt tỉa cẩn thận. Trước cửa chính là bậc thang tứ cấp rộng. Theo hướng dẫn viên, xưa kia, trước khi lát nền nhà, gia chủ rải một lớp muối bên dưới, trước là để chống ẩm mốc, sau là làm mát sàn những ngày nắng nóng.
Từ bên ngoài, ngôi nhà mang hơi hướng kiến trúc phương Tây với cột trụ tròn, mái vòm cong và điêu khắc hoa văn tinh xảo. Tuy nhiên, không gian bên trong thiết kế dựa trên phong cách kiến trúc dân gian Nam Bộ, sử dụng vật liệu chính là gỗ.
Ông Ba Đức cho hay, các cột gỗ trong nhà làm bằng gỗ căm xe Lào, chịu nước tốt, độ bền cao.
Năm 1938, cụ Phan Văn Cương cho trùng tu và sửa chữa. Nhờ giữ một chức vụ thuộc ban hương chức hội tề (một chức quan thời Pháp), cụ Cương có cơ hội tiếp xúc cùng giới chức Pháp và tiếp thu tinh hoa kiến trúc Phương Tây. Do đó, ngôi nhà chỉnh trang theo lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp. Gia chủ nâng trần nhà cao lên, giúp nhà nhiều ánh sáng, thoáng khí, đông ấm, hạ mát.
Sau lần trùng tu năm 1938, gian ngoài được dùng làm nhà thờ Tổ, phòng khách. Những vật dụng trong gian nhà như bàn, ghế, hoành phi, câu đối, liễn thờ... đều được bảo quản và gìn giữ.
Khi tới đây, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên vì những vật dụng này sáng bóng, hoa văn, họa tiết sắc nét, dù đã tồn tại hơn trăm năm.
Cột gỗ giữa nhà khắc câu đối chữ Nho "Tích Đức Thắng Di Kim, Xử Thế Đương Kim Tư Mã Huấn - Di Thiện Dỉ Di Bảo, Trì Thân Nhi Tĩnh Sở Thơ Ngôn". Theo ông Ba Đức, câu đối ngụ ý nhắc nhở con cháu giữ đạo đức đáng giá hơn giữ vàng, làm điều thiện quý hơn giữ châu báu.
Đặc điểm chung của các ngôi nhà cổ Đông Hòa Hiệp là mái lợp ngói âm dương hoặc vảy cá, cột gỗ to cao; kèo, đòn tay, đòn dông, vách ngăn, vách… đều bằng gỗ. Bên trong các ngôi nhà cổ trang trí các khuôn hoành phi, câu đối, chạm khắc hình những linh vật như long, lân, quy, phụng, chim và các loại hoa…
Tường nhà được bảo quản và giữ nguyên vẹn phần hoa văn trang trí từ năm 1938.
Trên 3 bức tường chính xung quanh gian phòng khách được vẽ 9 bức tranh. Mỗi bức tranh là cảnh một làng quê bình dị bên dòng sông hữu tình. Ðược biết, 9 bức tranh này tượng trưng cho dòng sông Cửu Long hiền hòa.
Gian nhà phía sau từng bị giặc Pháp đốt cháy, nhiều cột nhà và mái vẫn còn vết khói đen ám lại theo thời gian.
Ông Ba Đức gìn giữ nhiều vật dụng như chén, đĩa, tranh, ảnh... của thời ông cha để trưng bày, giới thiệu với du khách gần xa. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và chữ Hán - Nôm. Các con đều học hành thành đạt, con trai út là tiến sĩ ngành Phật học, đang công tác tại nước ngoài.
Nhà cổ Ba Đức mở cửa đón du khách với giá vé tham quan 22.000 đồng/người. Tháng 10 - tháng 11 là thời điểm nhà cổ đông khách nhất trong năm.
Hình thành và phát triển thịnh vượng từ khoảng thế kỷ 19, Đông Hòa Hiệp là một trong ba làng cổ Việt Nam được Cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Làng cổ Đông Hòa Hiệp mang kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, giao thoa nét xảo diệu của xứ kinh kỳ với âm hưởng sông nước Nam bộ phóng khoáng.
Năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận làng cổ Đông Hòa Hiệp là Di tích Văn hóa cấp quốc gia. Từ đó tới nay, lượng du khách đến đây ngày một tăng.
Năm 2023, tour khám phá những nhà cổ trăm tuổi ở làng cổ Đồng Hòa Hiệp (Tiền Giang) được lựa chọn là 1 trong 20 tour du lịch độc đáo nhất Việt Namdo Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố.
Để đến được đây, du khách có thể men theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, sau đó rẽ vào tỉnh lộ 875, đi khoảng 6km đến cầu số 2, sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến các nhà cổ như Nhà cổ Ba Đức, ông Xoát, ông Tòng...
Du khách cũng có thể di chuyển bằng thuyền, xuồng máy, tham khảo lịch trình tour Cai Be Princess hoặc thuyền Sông Xanh. Hướng dẫn viên sẽ đưa bạn trải nghiệm sông nước ở huyện Cái Bè như chợ nổi, xưởng làm kẹo dừa, bánh tráng, thưởng thức trái cây, đặc sản miền Tây, thăm lò gạch, nhà cổ...
Ảnh: Toàn Vũ
Link nội dung: https://tlpd.vn/nha-co-ven-song-173-nam-tuoi-van-dep-kho-tin-o-tien-giang-a35418.html