Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hằng năm đã trở thành dấu mốc để cả thế giới tôn vinh những đóng góp có thể thầm lặng nhưng rất lớn lao cũng như khát vọng khẳng định bản thân của những người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Với Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thì ngày 8/3 lại càng đặc biệt do Bệnh viện là nơi chuyên phục vụ một nửa thế giới trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ.
Dịp 8/3 năm nay, BS.CKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông một cuộc trao đổi xung quanh sứ mệnh của Bệnh viện với một nửa thế giới.
PV: Thưa bác sĩ Trần Ngọc Hải. Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện đặc thù, là nơi mà đối tượng phục vụ chỉ là nữ. Vậy trong ngày 8/3, Bệnh viện Từ Dũ có hoạt động gì đặc biệt?
BSCK2 Trần Ngọc Hải: Với sứ mệnh phục vụ an sinh xã hội, Bệnh viện Từ Dũ luôn tiếp đón các bệnh nhân nữ với sự chu đáo, tận tâm. Mỗi năm, bệnh viện Từ Dũ tổ chức thăm khám 1,1 triệu lượt. Trong 4 năm qua, bệnh viện Từ Dũ tự hào khi thực hiện an toàn mọi ca sinh. Đặc biệt, có nhiều ca sinh khó được cứu sống thành công. Có thể nói với đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện Từ Dũ thì chúng tôi luôn phục vụ các bệnh nhân tận tình 24/7, 365/365 ngày.
Với đặc thù của bệnh viện Từ Dũ, số lượng lao động nữ chiếm số đông. Có bí quyết nào trong công tác chăm lo của bệnh viện Từ Dũ với lao động nữ những năm qua mà khi bước vào bệnh viện, người ta luôn thấy các y bác sĩ niềm nở, vui vẻ?
Đúng như vậy, do là bệnh viện phục vụ sức khỏe các thai phụ, sản phụ nên bệnh viện có đến 85% lao động là nữ. Trong những năm qua, chúng tôi luôn chăm lo tạo điều kiện tốt nhất cho các lao động nữ.
Đứng ở góc độ quản lý, ban lãnh đạo Bệnh viện luôn cố gắng để chị em yên tâm công tác. Điều đó dựa trên 2 nền tảng. Thứ nhất là các hoạt động công tác trong Bệnh viện luôn rõ ràng, công bằng, minh bạch. Thứ hai, là sự thấu hiểu cảm thông của bệnh viện dành cho các lao động nữ, từ cả góc độ gia đình đến góc độ xã hội. Trên cơ sở nguyên tắc chung và tùy từng hoàn cảnh, Bệnh viện Từ Dũ linh hoạt giải quyết để từng lao động nữ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý của bệnh viện.
Ngay cả đối với các lao động nữ khi đã đến tuổi nghỉ hưu, nếu họ có nhu cầu tiếp tục cống hiến cho bệnh viện và đáp ứng được yêu cầu của bệnh viện thì chúng tôi có chính sách cụ thể để họ tiếp tục cống hiến. Đó cũng là hành động nghĩa tình của bệnh viện dành cho người lao động và giúp cho nhân viên của bệnh viện càng yên tâm gắn bó với công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Do tính chất đặc thù của Bệnh viện, việc có đến 85% lao động nữ có là thách thức ở công tác quản lý?
Bệnh viện Từ Dũ có 2.200 lao động và đa phần là nữ. Con số đó không nhỏ khi phải điều hành quản lý nhưng chúng tôi dựa trên nguyên tắc mọi việc đều tuân theo lợi ích của bệnh viện cùng niềm vui của nhân viên để từ đó tạo sự đoàn kết, đồng thuận.
Bên cạnh đó, chúng tôi có những thách thức. Thách thức ở đây là khối lượng công việc rất lớn. Mỗi năm Bệnh viện Từ Dũ thăm khám 1,1 triệu lượt, đón khoảng 100.000 ca nhập viện, 62.000 ca sinh và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho từng trường hợp. Nhưng các chị em trong bệnh viện vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và đó là thành tích vô cùng ấn tượng.
Sau lưng thành công của mỗi người đàn ông có bóng dáng của một hậu phương vững chắc. Bác sĩ có thể nói về điểm tựa thành công của mình?
Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người ở Bệnh viện Từ Dũ đều có hậu phương vững chắc. Ngoài gia đình chung là bệnh viện thì chúng tôi cũng có gia đình riêng. Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc. Bệnh viện Từ Dũ là một phần của xã hội nên để Bệnh viện Từ Dũ phát triển thì gia đình mỗi nhân viên phải hạnh phúc. Như tôi đã nói thì bệnh viện luôn thấu hiểu và cảm thông với mỗi nhân viên từ góc độ gia đình đến xã hội.
Trong việc giữ lửa gia đình hạnh phúc thì vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người trong bệnh viện, kể cả nam giới là hãy cùng giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Chỉ khi gia đình hạnh phúc thì chúng ta mới đủ tinh thần thời gian có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được bệnh viện giao phó, được nhân dân tin tưởng.
Vừa qua, trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam được vinh danh có thành tựu Thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng không lỗ van động mạch phổi. Trong chuyến thăm, chúc mừng Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đặc biệt thăm hỏi sản phụ của trường hợp thông tim can thiệp bào thai đầu tiên thành công. Xin bác sĩ có thể chia sẻ cảm xúc của đội ngũ những người thực hiện thành công ca phẫu thuật khó này?
Thành công này không tự nhiên mà có, cũng không phải làm ca đầu tiên là gặt hái thành công. Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện thành công rất nhiều ca nhưng theo lĩnh vực riêng của từng bệnh viện. Các bệnh viện có các chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực của mình nhưng nếu làm tách ra thì không được và đó là lý do ít trung tâm y tế trên thế giới dám thực hiện ca phẫu thuật như vậy. Còn lần này, có sự kết hợp giữa 2 bệnh viện theo sáng kiến của Sở Y tế TP.HCM từ nhiều năm trước và giờ là lúc đón nhận thành tựu. Đó cũng là cụ thể hóa tinh thần dám nghĩ, dám làm tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân. Khi bắt tay vào việc, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao có thể cho ra đời các em bé có sức khỏe tốt nhất vì nếu mình không làm thì cơ hội sống của các em rất mong manh. Giúp các em giữa làn sanh tử là nhiệm vụ, là sứ mệnh của những người thầy thuốc.
Nói về cảm xúc thì có hai thời điểm. Thời điểm đầu tiên là khi tiến hành phẫu thuật thành công trong bào thai. Thế nhưng, đó chỉ là thành công bước 1 vì dù đã thực hiện được phần việc phức tạp nhất thì khi đó chúng tôi và mọi người chưa thể biết được em bé khi chào đời sẽ thế nào.
Chúng tôi chỉ thực sự vỡ òa khi nhìn thấy hình ảnh của em bé cất tiếng khóc chào đời. Có 3 sự vỡ òa ở thời điểm đó. Thứ nhất, đó là tiếng khóc vỡ òa của em bé khi chào đời khỏe mạnh. Thứ hai, đó là giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa của cha mẹ em bé. Cuối cùng là cảm giác vỡ òa của đội ngũ thầy thuốc thầm lặng phía sau ca phẫu thuật. Không có ngôn từ nào để diễn tả cảm xúc khi biết mình cứu sống một sinh mệnh, chứng kiến niềm vui của những người thân đón mừng sinh mệnh đó. Ở đây, chúng ta không chỉ cứu sống một sinh mệnh mà còn tái sinh hạnh phúc của rất nhiều, rất nhiều người.
Bác sĩ có thể cho biết những ứng dụng khoa học kỹ thuật mà Bệnh viện Từ Dũ chú trọng trong thời gian tới?
Chúng tôi có một số mũi nhọn cần chú trọng và phát huy. Thứ nhất là Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Bệnh viện Từ Dũ là nơi đầu tiên trong nước thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống nghiệm. Chúng tôi tiếp tục kế thừa thành tựu đó và phát huy các kỹ thuật để mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho các cặp vợ chồng.
Thứ hai là Trung tâm Chẩn đoán và sàng lọc những bất thường trong bào thai. Chẩn đoán là nhiệm vụ quan trọng giúp các bậc cha mẹ yên tâm đón những đứa con bình thường khỏe mạnh khi chào đời.
Ngoài ra, kỹ thuật sàng lọc bất thường ở 3 mức độ: mức cao nhất là ở gien, rồi ở vi đứt đoạn trên sợi nhiễm sắc thể và ở bộ nhiễm sắc thể.
Tiếp theo là phẫu thuật nội soi để xử lý các bệnh lý bên trong cơ thể với nguyên tắc xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa.
Cuối cùng là triển khai trí tuệ nhân tạo để việc phục vụ bệnh nhân có thể tiến hành một cách khoa học và hiệu quả nhất. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm tải công việc cho đội ngũ nhân viên để họ có thời gian và tâm sức thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc khác với bệnh nhân tốt hơn.
Bác sĩ có gửi gắm gì đến các chị em nhân ngày 8/3?
Tôi chúc các chị em 5 điều luôn: Luôn Xinh, luôn Tươi, luôn Trẻ, luôn Đẹp và luôn Hạnh phúc. Trong đó, Hạnh phúc là quan trọng nhất vì có suy nghĩ Hạnh phúc thì sẽ Xinh, Tươi, Trẻ, Đẹp.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Link nội dung: https://tlpd.vn/bsck2-tran-ngoc-hai-giam-doc-benh-vien-tu-du-chung-toi-luon-phuc-vu-chi-em-tan-tinh-247-a35211.html