Tin tức

1. Răng đen là do những nguyên nhân nào?

Lớp canxi bao ngoài răng còn được gọi là men răng. Bình thường men răng có màu trắng tự nhiên nhưng vì một số lý do, răng có thể bị đổi màu, chuyển sang màu đen và nhiều người vẫn gọi đây là hiện tượng răng đen.

Răng đen khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp

Răng không chuyển màu từ trắng sang đen một cách nhanh chóng. Ban đầu, răng có thể chỉ xuất hiện một số chấm đen hay đốm nâu chuyển sang đen. Nhưng sau đó tình trạng đen răng ngày càng lan rộng và dễ dàng quan sát, khiến người bệnh rất e ngại khi trò chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng răng đen:

- Nguyên nhân từ bên ngoài

+ Men răng bị tổn thương.

+ Răng có vết ố hay tích tụ cao răng.

+ Do hút thuốc lá hoặc ăn uống những thực phẩm có màu chẳng hạn như cà phê,…

+ Do sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng kém chất lượng cũng có thể khiến răng bị đen.

+ Trám răng có hợp chất bạc sulfide cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng răng đen.

Răng đen do uống nhiều cà phê

- Nguyên nhân từ bên trong khiến răng chuyển màu đen:

+ Do một số bệnh lý về răng như sâu răng, viêm lợi,…

+ Răng chết tủy: Khi tủy răng bị tổn thương nhưng không được can thiệp điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm tủy nặng, nhiễm trùng hay chết tủy. Khi đó, máu viêm ở phần tủy răng sẽ ngấm vào ống ngà khiến ngà răng bị đổi màu và gây đen răng. Càng để lâu thì sự thay đổi màu răng càng rõ ràng.

+ Nhiễm fluor: Loại hóa chất này có trong nước máy và một số sản phẩm kem đánh răng. Với lượng vừa đủ, các sản phẩm có chứa hóa chất này sẽ không gây ảnh hưởng đến màu răng. Tuy nhiên, nếu trong nước hoặc kem đánh răng có chứa quá nhiều flour thì không chỉ khiến răng chuyển màu đen hay trắng đục mà còn có thể gây tổn thương cấu trúc men răng.

+ Do sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là một số loại thuốc kháng sinh, thuốc dạng lỏng trong suốt một thời gian dài cũng có thể khiến răng bị đổi màu. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng phương pháp hóa trị cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng răng đậm màu.

2. Khắc phục tình trạng răng đen như thế nào?

Phần lớn tình trạng răng đen chỉ gây mất thẩm mỹ nhưng nếu là triệu chứng của bệnh lý thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, vì bất cứ lý do gì bạn vẫn nên đi khám răng để được bác sĩ chẩn đoán, tìm hiểu nguyên nhân khiến răng đổi màu và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

- Lấy cao răng: Bằng dụng cụ chuyên dụng, các bác sĩ có thể lấy cao răng, loại bỏ những mảng bám ố màu trên răng, đồng thời đánh bóng răng mà không gây ảnh hưởng đến cấu trúc răng. Đây là cách phổ biến giúp bạn có một hàm răng sáng, sạch và khỏe hơn.

- Tẩy trắng răng: Hiện nay, có nhiều cách giúp tẩy trắng răng chẳng hạn như dùng thuốc tẩy trắng răng, sử dụng kem đánh răng làm trắng răng,… Các hợp chất có trong những sản phẩm này như oxalic acid, natri peroxide,… có tác dụng làm trắng răng hiệu quả. Với những trường hợp răng bị xỉn màu nghiêm trọng, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp trám răng bằng composite để giúp bạn có một nụ cười tỏa nắng.

Tẩy trắng răng là phương pháp khá hiệu quả

Cần thực hiện dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao nhất. Bạn không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc làm trắng răng. Nếu không sử dụng đúng cách, những sản phẩm này có thể gây hại cho men răng, dẫn tới sưng viêm nướu,…

Bên cạnh đó, trước khi tẩy trắng răng cần đảm bảo hàm răng của bạn khỏe mạnh, không bị các bệnh về răng miệng. Nếu răng đang bị bệnh, cần được điều trị khỏi bệnh triệt để mới thực hiện tẩy trắng răng.

Lưu ý, hiệu quả tẩy trắng răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là cấu trúc men răng hay sự khoáng hóa. Nếu răng đen là do sử dụng thuốc kháng sinh thì phương pháp tẩy trắng răng thường không mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, những trường hợp răng có hiện tượng canxi hóa thấp và men răng không đều thì việc tẩy trắng răng cũng có thể cho kết quả không đồng đều về màu răng giữa các vùng răng.

- Điều trị các bệnh lý về răng: Đối với các trường hợp răng đen là do mắc phải các bệnh lý về răng miệng, bệnh nhân cần được điều trị bệnh triệt để.

3. Cách phòng tránh tình trạng răng đen

Để phòng ngừa nguy cơ răng đen và để có một hàm răng luôn chắc khỏe, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Lưu ý, chọn bàn chải mềm và chải răng đúng cách để không ảnh hưởng đến răng và nướu.

Vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa đen răng

- Sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm trắng răng một cách toàn diện. Tuy nhiên, cần lựa chọn sản phẩm chất lượng và tránh lạm dụng nước súc miệng.

- Tránh ăn các loại đồ ăn có màu hoặc uống cà phê, nước ngọt hay đồ uống có vị chua quá nhiều.

Phòng đen răng bằng cách loại bỏ thói quen hút thuốc lá

- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá cũng giúp hạn chế nguy cơ xỉn màu răng.

- Thường xuyên khám răng và lấy cao răng tại các địa chỉ y tế uy tín.

Răng đen không chỉ khiến bạn mất tự tin mà còn là biểu hiện cảnh báo các bệnh lý về răng miệng. Để được tìm hiểu rõ hơn về tình trạng răng bị đen hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe răng miệng, lấy lại hàm răng sáng khỏe, mời quý khách gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ trực tiếp tư vấn và hướng dẫn chi tiết cho bạn.

Link nội dung: https://tlpd.vn/tin-tuc-a34912.html