Tim đập nhanh khó thở là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán
Tim đập nhanh khó thở xảy ra vì nhiều lý do như cơ thể mất cân đối, thường gặp ở những người có bệnh đường hô hấp, tim mạch, thần kinh… Tim đập nhanh và khó thở có thể là 2 triệu chứng của 2 bệnh riêng biệt, hoặc là 2 triệu chứng liên quan nhau của cùng một bệnh lý. Nếu vấn đề xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, người bệnh cần nhập viện ngay để được chẩn đoán và điều trị.
Tim đập nhanh khó thở là bệnh gì?
Tim đập nhanh khó thở là tình trạng nhịp tim đo được cao hơn bình thường. Nhịp tim trung bình lúc nghỉ của người trưởng thành khoảng 60-100 lần/phút. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), khi tim đập hơn 100 lần/phút là tình trạng tim đập nhanh. Nếu tim đập nhanh kèm khó thở có thể là biểu hiện liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau như rối loạn lo âu, hen phế quản, COPD, vấn đề tâm lý… chứ không chỉ riêng triệu chứng của bệnh tim mạch.
Việc thăm khám, xác định nguyên nhân tim đập nhanh khó thở giúp bác sĩ điều trị đúng hướng và hiệu quả. (1)
Triệu chứng tim đập nhanh khó thở biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng điển hình của tình trạng tim đập nhanh có mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng các triệu chứng, bao gồm:
Thở hụt hơi;
Đau thắt ngực;
Nhịp tim nhanh;
Choáng váng;
Ngất hoặc gần ngất.
Một số trường hợp nhịp tim nhanh có thể dẫn đến các cục máu đông, đột quỵ hay tim ngừng đập nếu không được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp tim đập nhanh không có dấu hiệu rõ rệt. Do đó, việc thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ khiến tim đập nhanh khó thở vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân tim đập nhanh khó thở
BS.CKI Phạm Thanh Bình, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, tim đập nhanh khó thở có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm:
1. Mắc các bệnh về phổi
Hen suyễn: Hen suyễn là tình trạng đường hô hấp bị thu hẹp, sưng lên và có thể tiết ra nhiều chất dịch nhầy. Điều này khiến người bệnh khó thở, tiếng thở khò khè, gây ho, tức ngực hoặc đau ở ngực. Khi bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở cấp do hen phế quản sẽ kèm theo nhịp tim nhanh.
Viêm phổi: Các biểu hiện của bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như: tác nhân gây viêm phổi, tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, các triệu chứng bệnh có thể tương tự như cảm lạnh hoặc cúm. Nhưng nếu viêm phổi kéo dài, bệnh nhân thường ho, sốt, hụt hơi, đau ngực, người mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở,…
COPD: Hầu hết những bệnh nhân mắc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào cho đến khi bước vào độ tuổi 40-50 tuổi. Các triệu chứng phổ biến của COPD bao gồm: khó thở, thở khò khè, ho có đờm dai dẳng, đau tức ngực giữa, có thể ho ra máu, người mệt mỏi,…
Thuyên tắc phổi: Cục máu đông bị mắc kẹt trong động mạch phổi và chặn dòng máu đến phổi, gây ra các triệu chứng: hụt hơi, đau ngực, thở nhanh, nhịp tim nhanh… Những triệu chứng này xuất hiện nhanh chóng, chỉ trong vài giây đến vài phút, bắt đầu với mức độ nhẹ và dần trở nên nghiêm trọng theo thời gian. (2)
2. Mắc các bệnh lý ở tim
Bệnh động mạch vành: Sự xơ vữa mạch máu tim (động mạch vành) sẽ gây giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Khi đó, tim buộc phải hoạt động nhiều hơn, nhịp tim đập nhanh hơn và gây đau ngực, khó thở. Sự tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu có thể gây ra cơn đau tim cấp (nhồi máu cơ tim).
Bệnh tim bẩm sinh: Ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện bệnh tim bẩm sinh gồm khó thở, thở nhanh, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài. Trẻ được vài tháng tuổi sẽ có những biểu hiện rõ rệt hơn như ho thường xuyên, thở khò khè và có những triệu chứng của viêm phổi. Bên cạnh đó, trẻ có thể chậm phát triển thể chất, xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh,…
Suy tim sung huyết: Khó thở và cảm thấy mệt mỏi có thể là dấu hiệu của suy tim sung huyết. Người bệnh cũng có thể sưng ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân. Trong giai đoạn đầu, người bệnh cảm thấy khó thở khi vận động. Nhưng khi tim yếu đi, khó thở xuất hiện ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
Bệnh cơ tim: Khi mắc bệnh này, cơ tim trở nên quá lớn, dày hoặc chai cứng, khiến tim không thể co bóp tốt. Người bệnh cảm thấy khó thở, sưng mắt cá chân, bàn chân. Một số triệu chứng khác bao gồm: mệt mỏi, chóng mặt, ho khi nằm, nhịp tim nhanh, đau ngực thậm chí ngất hoặc đột tử. (3)
3. Nguyên nhân khác gây khó thở tim đập nhanh
Một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng tim đập nhanh khó thở bao gồm:
Tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do dùng quá liều dẫn đến nhịp tim nhanh;
Sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới;
Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
Khi nào cần khám bác sĩ?
Theo BS.CKI Phạm Thanh Bình, tim đập nhanh và khó thở không thường xuyên hoặc chỉ kéo dài trong vài giây ở những người khỏe mạnh bình thường có thể là triệu chứng nhất thời, không cần quá lo lắng. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hoặc trầm trọng hơn ở những người có tiền sử bệnh tim mạch, hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Người bệnh có thể cần thực hiện các cận lâm sàng để theo dõi nhịp tim và tìm nguyên nhân xem có phải tim đập nhanh do bất thường ở tim gây ra hay không.
Người bệnh cần nhập viện ngay nếu tình trạng tim đập nhanh, khó thở đi kèm với các dấu hiệu sau:
Khó chịu hoặc đau ở ngực;
Ngất xỉu;
Khó thở nghiêm trọng;
Chóng mặt nghiêm trọng.
Phương pháp chẩn đoán tim đập nhanh khó thở
Khi có dấu hiệu tim đập nhanh hoặc khó thở, bác sĩ cần khám nghe tim, phổi; hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng, chế độ ăn và các loại thuốc người bệnh đã và đang sử dụng… Cụ thể, bác sĩ cần thông tin chi tiết về tình trạng tim đập nhanh, như:
Khi nào xảy ra và tần suất ra sao;
Kéo dài bao lâu;
Người bệnh cảm thấy thế nào khi xảy ra tim đập nhanh khó thở;
Người bệnh xử trí như thế nào;
Điều gì giúp người bệnh dễ chịu hơn…
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số cận lâm sàng để chẩn đoán tim đập nhanh và khó thở, bao gồm:
Xét nghiệm máu;
Xét nghiệm nước tiểu;
Điện tâm đồ;
Trắc nghiệm gắng sức;
Siêu âm tim;
Đeo máy theo dõi điện tim (Holter ECG);
Thăm dò điện sinh lý tim;
Thông tim.
Tim đập nhanh khó thở có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng tim đập nhanh, khó thở xuất phát từ bệnh tim mạch, người bệnh có thể gặp biến chứng như:
Ngất xỉu: Nếu tim đập nhanh, huyết áp có thể tụt xuống khiến người bệnh ngất xỉu. Điều này có nhiều khả năng xảy ra ở những người có vấn đề về tim, chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh hoặc một số trường hợp có bất thường van tim.
Đột tử: Tim đập nhanh kéo dài nếu không được xử lý có thể gây ngưng tim.
Đột quỵ: Nếu tim đập nhanh là do rung nhĩ, máu có thể đọng lại ở tim và gây ra cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển đến động mạch não và gây tắc sẽ gây ra đột quỵ (nhồi máu não).
Suy tim: Một số rối loạn nhịp tim kéo dài không được xử lý có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, lâu ngày dẫn đến suy tim.
Cách phòng ngừa tim đập nhanh khó thở
BS.CKI Phạm Thanh Bình cho biết, bên cạnh việc thăm khám định kỳ, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, từ đó giúp phòng ngừa tình trạng rối loạn nhịp tim. Cụ thể, người bệnh nên:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên thực phẩm giàu ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sữa ít béo, trái cây và rau củ; Hạn chế muối, đường, rượu, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Luyện tập thể dục đều đặn: Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện.
Duy trì cân nặng trong giới hạn phù hợp.
Kiểm soát mức cholesterol và huyết áp trong giới hạn mục tiêu.
Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
Không sử dụng chất kích thích; hạn chế caffeine.
Hạn chế stress: Tìm cách giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống, bằng cách sắp xếp thời gian, công việc hợp lý; tăng cường vận động, tập thể dục và kết nối bạn bè trò chuyện, trao đổi.
Khám sức khỏe định kỳ và thông báo cho bác sĩ bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bạn cảm nhận được.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tim đập nhanh khó thở với bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Để phòng ngừa tim đập nhanh khó thở, mỗi người cần chăm sóc trái tim khỏe mạnh bằng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý. Với trường hợp có bệnh mạn tính như tim mạch, thần kinh, hô hấp…, người bệnh cần chú ý tuân thủ điều trị và thăm khám ngay khi có bất thường để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, trước khi biến chứng nguy hiểm xảy ra.