Phạm Thái – một đời thơ khắc khoải

Một khung cảnh ở nước ta (khu vực Đà Nẵng ngày nay) tương ứng giai đoạn Phạm Thái còn thanh niên.

Khi phong trào chống Tây Sơn nổ ra thì Phạm Thái cũng cùng cha tham gia cuộc nổi dậy chống Tây Sơn. Sau khi phong trào thất bại, ông phải lẩn trốn khắp nơi. Tiếp nối ý chí của cha, năm 20 tuổi, Phạm Thái đi chu du nhiều nơi, ông muốn tìm và kết bạn với người có chung chí hướng. Khi gặp Phổ Tỉnh Thiền sư (Trương Quang Ngọc) và Nguyễn Đoàn đang gây dựng nghĩa quân chống Tây Sơn, ông viết bài Quân yếu nhằm bàn kế dụng binh, cùng nhau chống tân triều Tây Sơn, nhưng không được dùng. Sau đó, ông đi tu ở nhiều chùa, nhưng chùa mà ông hay đến là chùa Tiêu Sơn ở huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc (tức chùa Thiên Tâm nằm trên lưng chừng núi Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đặt đạo hiệu là Phổ Chiêu Thiền sư.

Sau mấy năm đi tu, một người bạn của ông là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ (người làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình), mời ông lên Lạng Sơn bàn chuyện Cần Vương (phù Lê). Năm sau, khi ông trở về thăm nhà thì được tin Trương Đăng Thụ bị đại thần Vũ Văn Dũng đầu độc chết (Từ điển Văn học (Bộ mới) (2004) ghi “ốm chết), được đem về an táng tại quê nhà. Ông liền đến làng Thanh Nê dự tang bạn, rồi được cha bạn là Kiến Xương hầu Trương Đăng Quỹ giữ lại nhà. Tại đây, Phạm Thái đem lòng yêu mến Trương Quỳnh Như, em gái Trương Đăng Thụ, con gái Kiến Xương hầu Trương Đăng Quỹ. Phạm Thái và Trương Quỳnh Như cùng làm thơ xướng họa, rồi thầm yêu nhau. Từ đó, toàn bộ chí hướng, nghị lực của Phạm Thái đặt hết vào cuộc tình. Mọi sự nghiệp, công danh, kể cả mối hận về sự nghiệp khuông phò chính thống đều bỏ lại đằng sau. Cảm phục tài thơ của ông, Kiến Xương hầu định gả con cho Phạm Thái, nhưng người mẹ muốn gả cho một người giàu có tên là Trịnh Nhị.

Bị ép gả, Quỳnh Như uất hận mà tự vẫn, còn Phạm Thái đau khổ, từ đó đi lang bạt giang hồ. Cuối đời ông chìm đắm trong men rượu, uống rượu làm thơ. Văn thơ của ông phần nhiều nhuốm tư tưởng bi quan và yếm thế. Chưa có một tài liệu nào khẳng định Phạm Thái mất ở đâu, năm nào, song các nhà nghiên cứu đều đưa ra giả thuyết ông mất ở Thanh Hóa năm Quý Dậu (1813), lúc 36 tuổi. Cũng có tài liệu ghi ông mất năm 1814, bởi vì các sáng tác của nhà thơ hiện còn lưu lại đến nay cũng dừng ở thời điểm 1814.

Tác phẩm của Phạm Thái gồm một số thơ văn (chủ yếu bằng chữ Nôm), một số bài tiêu biểu: Tự trào, Đề mỹ nữ đồ, Đề chùa Tiêu Sơn, Đề núi con voi, Họa thơ mừng tiệc sinh nhật Thanh Xuyên hầu, Văn triệu linh (còn có tên Đề nhà nghĩa lư của Long Cơ), Diễn thơ Trương tử lang và bài Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu bằng chữ Hán (sau chính tác giả lại dịch ra lục bát), v.v... Đặc biệt, từ mối tình với Trương Quỳnh Như, phạm Thái đã sáng tác một số thơ văn hết sức đặc sắc, trong đó có các bài xướng họa với Quỳnh Như: Cầm tháo, Thuật hoài... Khi Quỳnh Như qua đời, ông có bài Văn tế Trương Quỳnh Như, bài Văn triệu linh Trương Quỳnh Như và một truyện thơ Nôm nhan đề Sơ kính tân trang.

Phạm Thái là con người tài hoa, sống dấn thân, nhập cuộc một cách thiên lệch, cực đoan. Tài năng của ông thể hiện ngay từ những bài thơ Nôm đoản thiên, lối thơ ngũ ngôn tứ tuyệt với câu chữ sống động, gợi cảm:

Đèn mờ khôn tỏ bóng,

Nguyệt khuyết mái tây hiên.

Xa xa rền tiếng trống,

Lồng lộng chốn binh điền.

(Trời Đông nghe trống đánh)

Ông là người sáng tạo ra những bài thơ yết hậu tinh nghịch, độc đáo, bất chấp và bất cần đời:

Một năm mười hai tháng,

Một tháng ba mươi ngày.

Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,

- Say!...

Một bài khác:

Sống ở dương gian đánh chén nhè,

Chết về âm phủ cắp kè kè.

Diêm Vương phán hỏi rằng chi đó?

- Be!...

Thơ văn Phạm Thái mang bóng dáng một con người ngang tàng, thể hiện cái uất ức trước thời thế, bất mãn với cuộc đời. Người ta không tìm thấy một câu thơ, văn nào của Phạm Thái viết về sự kiện nghĩa quân Tây Sơn đánh bại 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Phạm Thái là con cháu công thần triều Lê, cho nên ông có thái độ bất hợp tác với vương triều Tây Sơn, phản bác lại tất cả những gì mà xã hội mới cho là tốt đẹp. Bài Chiến tụng Tây Hồ phú được viết năm 1802 là một minh chứng cho thái độ cực đoan của Phạm Thái với triều đại Tây Sơn. Đây là bài phú họa lại 85 vận của bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng (Nguyễn Huy Lượng giữ chức Hữu thị lang Bộ Hộ dưới triều Lê; đến triều Tây Sơn, ông không câu chấp, hợp tác với chính quyền mới). Toàn bộ bài Chiến tụng Tây Hồ phú thể hiện tính cực đoan của Phạm Thái trước vẻ đẹp của Tây Hồ. Ông nêu ra hàng loạt những hình ảnh đối lập với vẻ đẹp trong bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng:

Lở hầm hoang hoác vũng, cát xô lên mỏ phượng lù xù,

Nhà tranh đua điều khấn Phật cầu ma, Đường Quan Thánh khéo

lăng nhăng lít nhít,

Chợ rộn rịp những buôn hùm bán quỷ, mái Trường Lương

nghe láo nháo ỉ o...

Không chỉ đưa ra một loạt các cảnh tượng quái đản về Tây Hồ, Phạm Thái còn triệt để khai thác những khía cạnh trái chiều, biếm họa và vẽ nên những hình ảnh nghịch dị:

Bãi Đuôi Nheo tanh ngắt giống tinh chiên, nước trong hờn vẻ nguyệt chẳng còn ưa, thuyền du tử lái giong ra cho chóng;

Hồ Cổ Ngựa thối hoặng mùi đại tiểu, hoa thơm giận chiều xuân

sao nỡ phụ, lều cử nhân gianh đã nát như vò...

Như vậy, Chiến tụng Tây Hồ phú mang một màu sắc trái ngược hoàn toàn với bài Tụng Tây Hồ, màu sắc bao trùm toàn bộ bài phú là một gam màu xám với nghịch cảnh trớ trêu, những lời lẽ đầy bi thương, tang tóc... Phạm Thái là một trung thần của nhà Lê, ông viết bài này chỉ với mục đích duy nhất là đả phá triều Tây Sơn, không chấp nhận chính quyền Tây Sơn.

Đặc biệt hơn, thơ văn Phạm Thái còn thể hiện một con người tài tử, một người khát khao tình yêu đến tột cùng, bất chấp mọi lễ giáo của xã hội đương thời. Một mặt, trong những bài thơ tự thuật, tự trào, thuật hứng, ông biếm họa cả chính mình và phản ánh tâm trạng kiểu “con người thừa”:

- Có ai muốn biết tuổi tên chi,

Vừa chẵn ba mươi gọi chú Lì...

Tranh vờn sơn thủy màu nhem nhuốc,

Bầu dốc kiền không giọng bét be.

Miễn được ngày nào cho sướng kiếp,

Sống thời nuôi lấy chết chôn đi.

(Tự trào)

- Năm bảy năm nay cứ loạn ly,

Cảm thương thân phậm lỡ qua thì.

Ba mươi tuổi lẻ là bao tá,

Năm sáu đời vua thật chóng ghê.

Một cặp thơ sầu ngâm đã chán,

Vài be rượu lạt uống ra gì.

Thôi về tiên Phật cho xong nợ,

Cái kiếp trần gian sống mãi chi.

(Tự thuật)

Mặt khác, nhu cầu về hạnh phúc, về quyền sống trong thơ Phạm Thái bộc lộ trực diện, mạnh mẽ, sâu sắc, thiết tha. Trong mối tình với Trương Quỳnh Như, Phạm Thái có nhiều bài thơ xướng họa, đề vịnh, tỏ tình thương nhớ thực sự ấn tượng. Khi nàng qua đời, Phạm Thái thể hiện nỗi xót xa, thương cảm. Bài Văn tế Trương Quỳnh Như thể hiện một tâm trạng đau đớn, bi kịch của tác giả. Mở đầu và kết thúc tác phẩm là những câu hỏi được lặp lại nhiều lần, cho thấy sự tiếc nuối như chạm khắc vào thời gian:

Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu?

Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!

Ta hăm hở chí trai hồ thi, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên;

mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.

Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm;

Chua xót cũng vì đâu? Não nuột cũng vì đâu?

Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ; giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử.

Trước một mối tình với nhiều hệ lụy, Phạm Thái như đắm chìm trong nỗi nhớ Trương Quỳnh Như:

Trời xanh thăm thẳm mấy tầng khơi,

Nỡ để duyên ai luống ngậm ngùi.

Buồn đốt lá vàng hương nhạt khói,

Sầu châm chén ngọc, rượu chìm hơi.

Lầu Tây nguyệt gác, mây lồng nóng,

Ải Bắc hồng bay bổng tuyệt vời.

Một mối chung tình tan mấy mảnh,

Suối vàng ai nhắn hộ đôi lời!

Kết tinh câu chuyện tình yêu thực có trong cuộc đời, vào năm Giáp Tí (1804), Phạm Thái đã viết nên truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang độc đáo, giàu màu sắc tự thuật. Khác với hầu hết các truyện thơ Nôm đương thời, Phạm Thái xây dựng cốt truyện dựa theo chính mối tình của mình, thậm chí đưa vào đó cả những bài thơ xướng họa của hai người. Về tên các nhân vật, ông chuyển Phạm Thái thành Phạm Kim, Trương Quỳnh Như thành Trương Quỳnh Thư. Tác phẩm Sơ kính tân trang có 1484 câu thơ, chủ yếu là những câu thơ lục bát, có đôi chỗ viết theo thể song thất lục bát, thất ngôn Đường luật... Sơ kính tân trang cho thấy một sự đổi mới mạnh mẽ của thể thơ trữ tình tiếng Việt, hệ thống nhân vật được xây dựng trên cuộc đời của những con người thật. Đây chính là điểm mới so với các truyện Nôm ra đời trước hoặc cùng thời. Sơ kính tân trang cũng cho thấy một kết cấu có phần khác biệt so với kết cấu của truyện Nôm truyền thống, nhưng vẫn giữ được khung mô hình diễn tiến theo ba chặng đường đời: Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ. Phạm Thái đã khai thác triệt để các quan niệm của Phật giáo, của văn hóa truyền thống văn hóa dân gian để xây dựng tác phẩm thỏa mãn được các khía cạnh tâm lý của con người: một là không chấp nhận sự thật phũ phàng của bản thân; hai là người tốt sẽ được đầu thai và có cuộc sống hạnh phúc. Nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng tác phẩm truyện Nôm của Phạm Thái không tuân thủ quy tắc của truyện Nôm truyền thống, nhưng chính điều này đã tạo nên một phong cách nghệ thuật đặc sắc riêng của ông. Hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của Phạm Thái là do cảm xúc điều khiển, dẫn dắt:

Lửa ân dập mãi sao không tắt,

Bể ái khơi mà cũng chẳng vơi.

Người con trai viết bức thư bằng thơ thể hiện được niềm xúc động riêng tư qua những hình ảnh thiên nhiên thấm đượm tình trai trẻ:

Oanh yến véo von gọi khách,

Cỏ hoa hớn hở mừng ai.

Gió xuân hây hẩy giục đưa người,

Dễ khiến lòng thơ bối rối...

Vượt qua những giới hạn của khuôn phép lễ giáo, Quỳnh Thư khi nhận được thư của chàng Phạm Kim cũng bày tỏ niềm xúc động, hân hoan chào đón tình yêu như một cơ may và niềm hạnh phúc:

Im im màn sương đợi khách,

Thênh thênh cửa nguyệt chờ ai.

Giai nhân tài tử mấy lăm người,

Trạnh tưởng tâm tình thêm rối...

Không khí tình yêu thấm trong tâm hồn đôi lứa Phạm - Trương:

Lửa ân dập mãi sao không tắt,

Bể ái khơi mà cũng chẳng vơi...

thấm vào những người hầu là Hồng nương và Yến đồng qua những lời đối thoại, những câu thơ tình tứ:

Xin ghi ân với dạ này,

Lấy hoa ắt cũng có ngày trả hoa...

Và thấm cho đến cả người tu hành nơi cửa Phật:

Ra vào tiểu gái lẳng lơ,

Long lanh mắt liếc, say sưa miệng cười...

Đặt trong dòng truyện thơ Nôm truyền thống, Sơ kính tân trang là tác phẩm vượt ra khỏi quĩ đạo vay mượn cốt truyện nước ngoài. Tác giả Phạm Thái không chỉ tạo dựng cốt truyện thuần Việt mà còn đưa chính ngay câu chuyện cuộc đời mình, câu chuyện tình yêu của chính mình trình diễn công khai trước thế gian. Sự thử nghiệm này chưa phải đã đạt thành tựu nghệ thuật thật cao sang nhưng lại ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc trên phương diện thể hiện con người cá nhân và ý thức khẳng định quyền sống con người. Trên nền tảng đời sống đô hội thị thành phát triển đã tạo điều kiện sản sinh ra kiểu nhà Nho tài tử tiêu biểu như Phạm Thái, trở thành hiện thân của tình yêu, tự do và những giá trị nhân bản.

Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Phạm Thái đã khẳng định một con người tài hoa, ngang tàng, phóng túng. Cái tài tử của Phạm Thái đôi khi là ngông nghênh, bảo thủ, chống lại những gì mà bản thân không chấp nhận, cũng không cần xem xét đó là đúng hay sai. Nhưng có lẽ chính đặc điểm này đã tạo nên một Phạm Thái với ngòi bút trữ tình, táo bạo trước lễ giáo phong kiến, tạo nên sự cách tân mang đậm phong cách cá nhân cho thơ trữ tình tiếng Việt. Là người gần như cùng thời với Phạm Thái, Nguyễn Tử Mẫn đã nhận xét: “Ông từ lúc còn bé đến khi nhớn, hết gặp gia biến lại gặp quốc nguy, trải bao cảnh ngộ đắng cay, thế mà văn càng điêu luyện, võ đủ lược thao, cho đến cầm kỳ thi họa cũng đều tinh thạo. Không phải bậc đại tài mà được như vậy sao?” (Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập, 1932).../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Link nội dung: https://tlpd.vn/phaom-thai-a-mat-aai-thae-khaoc-khoaopsi-taop-cha-ngaeai-ha-nai-a34358.html