Độc giả: “Từ lâu tôi đã nghe câu “Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng”. Nhưng gần đây có nhiều ý kiến lại nói đúng ra phải là “Quân tử nông chân, tiểu nhân nông bụng” và đưa ra nhiều cách giải thích:
-“Nông chân” là người có gan bàn chân dày, thể hiện sức khỏe tốt, bước đi vững chắc, ý chí kiên cường, thường giúp đỡ người khác mà không toan tính. Còn “nông bụng” ám chỉ người có suy nghĩ hạn hẹp, nhìn thấp nghĩa ngắn”.
- “Nông” nói lên dáng đi từng bước ngắn, nhẹ nhàng khoan thai của người quân tử, khiến ta nghĩ họ “nông chân”; còn suy nghĩ hẹp hòi của kẻ tiểu nhân tức là “nông bụng”. Làm nhiều người có “lông bụng” cứ nghĩ mình tiểu nhân.
- “Người xưa thường nói: “Quân tử nông chân, tiểu nhân nông bụng” còn ngày nay họ lại hiểu sai về từ này nên mới chế ra câu: “Quân tử lông chân - Tiểu nhân lông bụng”. Có câu “lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử” nghĩa là tiểu nhân thì bụng dạ rất hẹp hòi và nói chung là bụng ngắn (nông bụng). Còn “Quân tử nông chân” xuất phát từ ngày xưa thư sinh áo dài đến gần mắt cá chân nên những bước chậm rãi nho nhã của người quân tử làm người ta tưởng anh này chân ngắn (cách gọi khác là “nông chân”). Nhưng kỳ thực thì không phải họ “chân ngắn” mà là do phong thái quân tử như vậy. Vì thế cho nên câu: “Quân tử nông chân - Tiểu nhân nông bụng” xuất phát từ hồi đó”.
Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết có đúng là câu “Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng” vốn gốc là “Quân từ nông chân, tiểu nhân nông bụng” như cách giải thích trên đây không?”.
Trả lời:
Để đi đến kết luận đâu là bản gốc, chúng tôi xin lần lượt phân tích, so sánh hai bản mà độc giả đã nêu ra trên đây.
Ngụy bản “Quân tử nông chân,...”
- Về mặt văn bản học thì trong tất cả các cuốn từ điển thành ngữ tục ngữ và từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, không có bất cứ cuốn nào ghi nhận bản “Quân tử nông chân - Tiểu nhân nông bụng”. Xét lí thuyết, thì không hẳn một câu tục ngữ nào đó hoàn toàn không được sách vở ghi nhận, thì cũng đồng nghĩa nó không tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên, đây sẽ là một bất lợi lớn khi đặt lên bàn cân để phân biệt thật hay giả, của dân gian hay nguỵ tạo.
- Tướng pháp cũng có câu “Thực tốc hành trì -
(Ăn nhanh, đi chậm) nói về tướng quý của người đàn ông. Tuy nhiên, về ngữ nghĩa, thì “nông bụng” còn có thể hiểu là bụng dạ hẹp hòi nông cạn, chứ “nông chân” mà giảng là “gan bàn chân dày”, “bước ngắn”, “bước chậm rãi, nho nhã”... thì đây là kiểu cưỡng từ đoạt lý, hoặc thứ ngôn ngữ gì đó chứ không phải tiếng Việt. Bởi vì “nông” chỉ về chiều sâu, khoảng cách từ miệng, hay bề mặt xuống đáy (về phía dưới theo phương thẳng đứng), chứ không chỉ về khoảng cách dài ngắn theo phương nằm ngang. Sự vô nghĩa của cách diễn đạt này khiến chúng ta có thể thẳng thừng bác bỏ ngụy bản “Quân tử nông chân...” này.
2 - Chính danh “Quân tử lông chân,...”
- Nếu như ngụy bản “Quân tử nông chân,...” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay ghi nhận, thì bản “Quân tử lông chân,...”, lại được rất nhiều thư tịch cổ, sách vở từ xưa tới nay nhắc đến. Đó là các sách: “Nam âm sự loại (Vũ Công Thành - 1925); Tục ngữ Việt Nam (Nhóm Chu Xuân Diên - 1975); Tục ngữ ca dao (Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam. Tập IV. Quyển 1 - Trần Thị An, Nguyễn Thị Huế - 1999); Tìm về cội nguồn - Thi ca dân gian dẫn giải (Lê Gia); Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) v.v...
- Khi còn băn khoăn, thắc mắc về mặt văn bản của một thành ngữ tục ngữ nào đó, thì chúng ta sẽ giải quyết bằng cách đi tìm dị bản đồng nghĩa của nó. Sách Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, sách đã dẫn) ngoài thu thập bản chính “Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng”, còn đưa ra hai dị bản: Quân tử rậm lông chân, tiểu nhân rậm lông bụng; Rậm lông bụng tiểu nhân, rậm lông chân quân tử... Theo đây, người ta có thể nghe nhầm “Quân tử lông chân,...” thành “Quân tử nông chân,...”, chứ không thể nhầm “rậm lông bụng” thành “rậm nông bụng”, hay “nông bụng”,... được, trừ trường hợp nói ngọng.
- Sở dĩ người ta nghi ngờ tính chính xác của văn bản và tìm cách loại bỏ bản “Quân tử lông chân,...”, để đưa ra nguỵ bản “Quân tử nông chân,...” là bởi cho rằng, tổng kết này không đúng với thực tế. Nghĩa là bao kẻ đầy “lông chân” mà vẫn “tiểu nhân”; trong khi ối người lắm “lông bụng” mà vẫn “quân tử” như ai!
Tuy nhiên, nếu tìm cách bác bỏ hoặc chỉnh sửa câu “Quân tử lông chân,...”, điều này đồng nghĩa với việc phải chỉnh sửa hoặc bác bỏ đi hàng loạt những câu khác có nội dung tương tự. Ví dụ:
- “Đại Nam quấc âm tự vị” - Huình Tịnh Paulus Của) thu thập câu “Râu ria lông ngực là tôi phản thần” và giảng “Sách tướng nói kẻ có nhiều râu, nhiều lông ngực, thì là kẻ nịnh” (Chúng ta hiểu rằng, người có “lông bụng”, thì thường cũng nhiều “lông ngực”. Bởi vậy “lông ngực” hay “lông bụng” đều có nghĩa như nhau).
- “Chim rừng, gà rú chớ nuôi/ Trai lông bụng, gái thâm môi thì đừng” (Phương ngữ Nghệ An).
- “ Trai bạc mắt, gái thâm môi/ Những người lông bụng chớ chơi bạn cùng”. Câu này được các sách Tục ngữ Việt Nam chọn lọc (Vương Trung Hiếu), Tục ngữ Việt Nam (Chu Xuân Diên, sách đã dẫn) Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam (sách đã dẫn), thu thập.
- Ngoài phép xem tướng “lông bụng”, thì dân gian còn có thành ngữ “Mọc lông trong bụng” để chỉ kẻ xấu xa, bụng dạ thâm hiểm (như “Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng/ Đặt nên điều vẽ bóng ngoài môi” - Cao Bá Nhạ).
Kết luận: Câu “Quân tử nông chân, tiểu nhân nông bụng” là bản ngụy tạo, mới xuất hiện gần đây do những người không hiểu câu gốc của dân gian suy diễn bừa. Tương tự như trường hợp các câu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” bị suy diễn và sửa thành “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”, câu “Cháy nhà ra mặt chuột”, thành “Cháy nhà ra mạch chuột” vậy.
Cũng cần nói thêm, tử vi, tướng pháp hay kinh nghiệm dân gian không phải sự tổng kết đúc rút nào cũng đúng với tất cả mọi trường hợp. Thậm chí nhiều “tri thức” chứa đựng không ít những chuyện huyền hoặc, hoang đường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tìm cách chỉnh sửa, làm mới, thay lời dân gian bằng các “dị bản” khác một cách vô nghĩa.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)