Dù không phải là căn bệnh nguy hiểm, nhưng u nang vú gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần và ngoại hình của phụ nữ. Vậy, nguyên nhân nào gây ra nang vú, triệu chứng phổ biến, phương pháp chẩn đoán và điều trị như thế nào là hợp lý?
Các thắc mắc sẽ được bác sĩ giải đáp trong bài vài dưới đây!
Nang vú là gì?
Nang vú là túi chứa dịch bên trong vú. Thường là lành tính, rất hiếm liên quan nguyên nhân ung thư. Có thể có một hay nhiều nang. Nang vú thường nhỏ như quả nho hoặc như bong bóng chứa nước, mật độ căng, nhưng đôi khi cảm giác nang chắc sượng hơn.
Nang vú thường không cần điều trị trừ khi nang to quá, gây đau hoặc bất tiện. Trong trường hợp nang to nên chọc hút dịch nang để giảm triệu chứng.
Có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, thường gặp ở phụ nữ trước mãn kinh, dưới 50 tuổi, phụ nữ có dùng thuốc hỗ trợ nội tiết tố nữ.
Nguyên nhân gây nang vú
Mỗi bên ngực chứa các thùy tuyến vú, được sắp xếp giống như cánh hoa cúc. Các thùy được chia thành các tiểu thùy nhỏ hơn để sản xuất sữa khi mang thai và cho con bú. Mô nâng đỡ tạo nên hình dạng của vú được tạo thành từ mô mỡ và mô liên kết sợi. Nang vú phát triển do sự tích tụ chất dịch bên trong các tuyến ở vú.
Hiện tại chưa biết rõ nguyên nhân gây nang vú, có thể hình thành do sự thay đổi nội tiết tố mỗi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Đó là lý do tại sao nang vú phổ biến nhất ở những phụ nữ vẫn đang trong độ tuổi sinh sản. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nang vú xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh.
Phân loại nang vú
Nang vú có thể được xác định và phân loại bởi kích thước của chúng:
1. Vi nang (Microcysts)
Nang kích thước nhỏ (Microcysts): có thể được nhìn thấy trong các xét nghiệm hình ảnh, như chụp nhũ ảnh tuyến vú hoặc siêu âm, nhưng quá nhỏ để cảm nhận được.
2. Nang kích thước lớn (Macrocyst)
Nang kích thước lớn (Macrocyst): có thể sờ thấy và có thể phát triển đến 2,5 - 5 cm).
Dấu hiệu u nang vú (u nang tuyến vú)
Nang vú có thể có ở 1 hay 2 bên vú. Dấu hiệu và triệu chứng của nang vú:
- Một khối tròn hoặc bầu dục nhẵn, dễ di chuyển, bề mặt trơn láng.
- Tiết dịch núm vú: Tiết dịch núm vú có thể trong, vàng, màu rơm hoặc nâu sẫm. Tiết dịch núm vú là bình thường khi mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng thay đổi sợi bọc lành tính của vú. Tiết dịch màu trắng đục sau khi cho con bú thường ảnh hưởng đến cả hai vú và có thể tiếp tục kéo dài đến hai hoặc ba năm sau khi ngừng cho con bú.
- Đau vú hoặc nhạy cảm khu trú ở vùng có nang vú
- Kích thước nang vú tăng lên và căng tức ở vú ngay trước kỳ kinh nguyệt
- Kích thước nang vú giảm và các triệu chứng khác biến mất sau kỳ kinh nguyệt
Nang vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng bị nang vú có thể gây khó phát hiện khối u mới ở vú hoặc những thay đổi khác mà bác sĩ có thể cần đánh giá. Ngực có thể có cảm giác sần và đau khi đến kỳ kinh nguyệt, vì vậy điều quan trọng là phải làm quen với cảm giác của ngực trong suốt chu kỳ kinh nguyệt để biết liệu có điều gì thay đổi hay không.
Chẩn đoán u nang tuyến vú
Chẩn đoán u nang vú thường bao gồm khám vú, xét nghiệm hình ảnh (siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh tuyến vú) và có thể chọc hút kim nhỏ hoặc sinh thiết vú.
1. Khám vú lâm sàng
Sau khi hỏi về các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ thăm khám khối ở vú và kiểm tra xem có bất kỳ bất thường nào khác ở vú không. Sau đó bạn sẽ cần một xét nghiệm khác, như xét nghiệm hình ảnh hoặc chọc hút bằng kim nhỏ.
2. Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh (mammography) là một phương pháp sàng lọc sớm để phát hiện ung thư vú. Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh bên trong của vú. Các nang lớn và các chùm nang nhỏ thường có thể được nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh tuyến vú. Nhưng các nang siêu nhỏ có thể khó hoặc không thể nhìn thấy trên phim chụp.
Trong quá trình chụp nhũ ảnh, vú của bạn sẽ được đặt lên một bề mặt phẳng và có lực nén để tạo ra các hình ảnh rõ ràng hơn. Phương pháp này có thể tạo ra cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ, nhưng thường chỉ kéo dài trong một vài giây.
3. Siêu âm vú
Siêu âm vú là một phương pháp an toàn và không xâm lấn, không sử dụng tia X hay bức xạ và không gây đau đớn cho người bệnh. Siêu âm được khuyến cáo cho các phụ nữ trên 40 tuổi hoặc có tiền sử ung thư vú trong gia đình để thực hiện kiểm tra vú định kỳ.
Siêu âm vú giúp bác sĩ xác định khối ở vú là chứa dịch hay đặc. Một khối chứa đầy chất dịch thường là một nang vú. Khối dạng đặc có thể là u vú lành tính (như là u sợi tuyến) hoặc có thể là ung thư vú.
Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để đánh giá thêm nếu đó là một khối đặc. Nếu bác sĩ có thể dễ dàng sờ thấy nang vú, bác sĩ có thể bỏ qua các xét nghiệm hình ảnh và thực hiện chọc hút bằng kim nhỏ để hút dịch và làm xẹp nang.
4. Chọc hút bằng kim nhỏ
Trong quá trình chọc hút bằng kim nhỏ, bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng vào nang vú và rút bỏ chất dịch. Thông thường, chọc hút bằng kim nhỏ được thực hiện bằng siêu âm để hướng dẫn chọc kim chính xác vào nang. Nếu sau khi rút hết dịch và khối ở vú biến mất, bác sĩ có thể chẩn đoán nang vú
- Nếu chất lỏng không có máu và có màu vàng rơm và khối ở vú biến mất, bạn không cần xét nghiệm hoặc điều trị thêm.
- Nếu chất lỏng có máu hoặc khối ở vú không biến mất, bác sĩ có thể gửi một mẫu chất lỏng để xét nghiệm và cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá.
- Nếu chất lỏng không được rút ra, bác sĩ có thể sẽ đề nghị kiểm tra bằng xét nghiệm hình ảnh, như chụp nhũ ảnh tuyến vú hoặc siêu âm vú chẩn đoán. Việc rút ít chất lỏng hoặc khối u ở vú không biến mất sau khi rút cho thấy khối u ở vú hoặc là một phần u là khối đặc. Sinh thiết một mẫu mô có thể được thực hiện để loại trừ ung thư.
U nang vú có nguy cơ ung thư vú không?
U nang vú là một khối u lành tính và có thể xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, u nang vú cũng có thể làm tăng nguy cơ phát hiện ung thư vú. Thực tế, u nang vú là một trong những khối u vú phổ biến nhất ở phụ nữ và có khoảng 1% trở thành ung thư vú.
Khi phát hiện có u nang vú, bác sĩ thường khuyến nghị phụ nữ thực hiện kiểm tra vú thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường nào của ung thư vú.
Điều trị u nang vú thế nào?
Không cần điều trị đối với nang vú đơn giản, những nang chứa đầy chất dịch và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, được xác nhận trên siêu âm vú hoặc sau khi chọc hút bằng kim nhỏ. Nhiều nang vú sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu nang vú vẫn tồn tại, cảm thấy cứng hơn hoặc bạn nhận thấy những thay đổi vùng da trên nang vú, đi khám bác sĩ ngay.
1. Chọc hút kim nhỏ (FNA)
Chọc hút kim nhỏ (FNA) là một thủ thuật được sử dụng để thu thập mẫu tế bào hoặc mẫu chất lỏng từ một khối u nang vú nghi ngờ bị ung thư.
Chọc hút bằng kim nhỏ có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nang vú, sau đó nang vú sẽ biến mất và các triệu chứng sẽ hết.
Tuy nhiên, đối với một số nang vú, có thể phải chọc hút dịch nhiều lần. Thường gặp nang mới xuất hiện hoặc tái phát. Nếu nang vú tồn tại qua hai đến ba chu kỳ kinh nguyệt và to hơn, đi khám bác sĩ ngay để được đánh giá thêm.
2. Sử dụng thuốc nội tiết tố
Sử dụng thuốc nội tiết như thuốc tránh thai để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp giảm sự tái phát của nang vú. Nhưng do các tác dụng phụ đáng kể có thể xảy ra, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết khác như tamoxifen, thường chỉ được khuyên dùng cho những phụ nữ có triệu chứng nghiêm trọng. Ngừng điều trị bằng thuốc nội tiết sau khi mãn kinh cũng có thể giúp ngăn ngừa nang vú.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ nang vú chỉ cần thiết trong những trường hợp bất thường. Phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu nang vú gây khó chịu, tái phát hàng tháng hoặc nếu nang tuyến vú chứa dịch lẫn máu hoặc có các dấu hiệu đáng lo ngại khác.
Trước khi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ để hiểu rõ về các rủi ro và lợi ích của phẫu thuật, cũng như cách chuẩn bị trước và sau phẫu thuật.
Phòng ngừa nang vú thế nào?
Có một số cách giúp phòng ngừa nang vú:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, bạn có thể yêu cầu kiếm tra cẩn thận tuyến vú để phát hiện các dấu hiệu của u nang tuyến vú.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu chất xơ và giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẽ giúp giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần, có thể giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
- Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu có thể tăng nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
- Tránh hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ u nang tuyến vú và các bệnh ung thư khác.
- Tránh sử dụng hormone nội tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ: Việc sử dụng hormone nội tiết như thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ mắc u nang tuyến vú.
Để giảm thiểu sự khó chịu liên quan đến nang vú, bạn có thể thử các biện pháp sau:
- Mặc áo ngực vừa vặn
- Chườm đá: Chườm ấm hoặc túi nước đá có thể giúp giảm đau.
- Tránh caffein: Các nghiên cứu không chỉ ra mối liên hệ giữa caffein và nang vú. Tuy nhiên, một số phụ nữ thấy giảm triệu chứng sau khi loại bỏ caffein khỏi chế độ ăn uống của họ. Cân nhắc giảm hoặc loại bỏ caffein trong đồ uống, cũng như trong thực phẩm như sô cô la, để xem các triệu chứng của bạn có cải thiện hay không.
- Cân nhắc dùng thử thuốc giảm đau không kê toa nếu bác sĩ khuyên dùng. Một số loại đau vú có thể được giảm bớt bằng cách sử dụng acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen natri.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mô vú bình thường thường có cảm giác sần hoặc có nốt sần. Nhưng nếu bạn cảm thấy một khối u mới ở ngực không biến mất, ngày càng to ra hoặc tồn tại sau một hoặc hai chu kỳ kinh nguyệt, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, hãy đi khám nếu bạn có những thay đổi mới trên da ở một hoặc cả hai bên vú.
Bạn cần chuẩn bị thông tin về triệu chứng, tiền căn bệnh lý, tình trạng chu kỳ kinh nguyệt và các thông tin khác như:
- Mô tả tất cả các triệu chứng của bạn.
- Thông tin về căng thẳng/stress hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin, thảo dược và thực phẩm bổ sung mà bạn thường dùng
- Lần đầu tiên bạn nhận thấy nang hoặc khối u ở vú là khi nào?
- Bạn có nhận thấy sự thay đổi về kích thước của nang hoặc khối u ở vú không?
- Bạn đã trải qua những triệu chứng nào và bạn đã mắc những triệu chứng đó bao lâu rồi?
- Các triệu chứng của bạn xảy ra ở một hay cả hai vú?
- Có triệu chứng nào thay đổi theo thời gian không?
- Bạn có bị đau vú không? Nếu có, mức độ đau như thế nào?
- Bạn có tiết dịch ở núm vú không? Nếu có, tiết dịch núm vú xảy ra ở một hay cả hai vú?
- Chu kỳ kinh nguyệt của bạn ảnh hưởng như thế nào đến nang hoặc khối u ở vú?
- Lần chụp nhũ ảnh tuyến vú cuối cùng của bạn là khi nào?
- Gia đình bạn có tiền sử bị nang hoặc khối u ở vú không?
- Trước đây bạn có nang hoặc khối u ở vú, sinh thiết vú hoặc ung thư vú không?
Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, quy tụ đội ngũ Chuyên gia, Bác sĩ, Kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.
Bệnh viện sở hữu hệ thống máy móc hiện đại mang đến hiệu quả cao trong tầm soát, chẩn đoán từ sớm các bệnh lý tuyến vú, bao gồm: Hệ thống máy nhũ ảnh kỹ thuật số 3D (DBT) Mammomat Inspiration; Máy siêu âm GE Logiq E10S, với đầu dò có hỗ trợ siêu âm đàn hồi vú, khảo sát vi mạch và hỗ trợ định hướng sinh thiết dưới siêu âm; Máy MRI 1.5 tesla thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix… giúp phát hiện sớm và có phương án điều trị một cách an toàn, hiệu quả với các bệnh lý liên quan đến tuyến vú.
Nếu nang vú vẫn tồn tại, cảm thấy cứng hơn hoặc bạn nhận thấy những thay đổi vùng da trên nang vú, đi khám bác sĩ ngay.