Lao động sư phạm và vai trò của thầy cô giáo Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung trong giai đoạn hiện nay
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học, luôn tôn trọng đạo nghĩa. Từ xưa đến nay, người thầy vẫn luôn được nhân dân yêu mến, kính trọng. “Tôn sư trọng đạo” là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc, là ngọn lửa mãi mãi tỏa sáng theo thời gian. Không phải ngẫu nhiên mà Việt nam, một trong số rất ít các nước trên thế giới, nếu không muốn nói là duy nhất, có riêng một ngày để tôn vinh các nhà giáo bởi những gì mà họ đã đóng góp và cống hiến cho xã hội.
Nghề dạy học ra đời tương đối sớm. Nó hình thành khi nền sản xuất xã hội phát triển đến một trình độ nhất định. Trong quá trình lao động sản xuất người ta cần phải truyền lại cho nhau những kinh nghiệm đấu tranh với thiên nhiên để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Mới đầu ở mức thấp, người ta có thể truyền đạt một cách trực tiếp thành quả lao động tập thể, người này theo kinh nghiệm của người khác, nhưng khi kinh nghiệm đã phong phú theo sự phát triển của sản xuất thì truyền đạt phải đòi hỏi đến vai trò của người trung gian, đó là thầy giáo. Như vậy nghề dạy học gắn chặt với lao động sản xuất của xã hội, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cần thiết của người lao động.
Lao động của người thầy, lao động sư phạm là loại hình lao động đặc biệt. Đối tượng lao động của người thầy là con người, là thế hệ trẻ đang lớn lên cùng với nhân cách của họ. Đối tượng này không phải là vật vô tri vô giác như tấm vải của người thợ may, viên gạch của người thợ hồ hay khúc gỗ của người thợ mộc ... mà là một con người nhạy cảm với những tác động của môi trường bên ngoài theo hướng tích cực và cả tiêu cực. Do vậy, người thầy phải lựa chọn và gia công lại những tác động xã hội và tri thức loài người bằng lao động sư phạm của mình nhằm hình thành con người đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tác động đến đối tượng đó không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như nhau, hiệu quả đó cũng không tỷ lệ thuận với số lần tác động. Do đó, trong tay người thầy phải có vô số phương án để tác động đến đối tượng, không thể rập khuôn máy móc như lao động khác. Bản thân đối tượng lao động đã quyết định tính đặc thù của lao động sư phạm.
Kết quả lao động sư phạm cũng có nhiều điểm đặc biệt. Hiệu quả lao động của người thầy sống mãi trong nhân cách của người học, nên lao động sư phạm vừa mang tính tập thể rất sâu, vừa mang dấu ấn cá nhân rất đậm. Vì vậy, nó đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao và sự am hiểu nghề nghiệp nhất định. Tính nghề nghiệp là một đòi hỏi, đồng thời cũng tạo ra điều kiện để cho người giáo viên tự rèn luyện mình. Chính vì thế, việc xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo là một yêu cầu tất yếu khách quan của xã hội như Mác nói: "Bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục". Vì vậy, để làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, một mặt đòi hỏi người thầy, nhất là thầy cô giáo của trường Cao đẳng Điện lực miền Trung hiện nay vừa phải rèn luyện nhân cách, vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để có đủ năng lực tham gia trực tiếp vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cho đất nước nói chung.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ về thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ truyền thông đã có những ảnh hưởng lớn tới cuộc sống con người. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế đất nước, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến dạy học nói chung, đến vai trò của người thầy nói riêng.
Chính vì thế mà thầy giáo, cô giáo của nhà trường tiếp cận với phương tiện dạy học hiện đại với các thiết bị thí nghiệm - thực hành tiên tiến và các phương pháp dạy học mới đã làm thay đổi đáng kể quá trình và cách thức truyền đạt tri thức từ thầy giáo tới người học. Vai trò của người thầy cũng có những thay đổi đáng kể. Từ vị trí trung tâm, chủ động truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho người học, vai trò người thầy ngày nay đang dịch chuyển theo hướng chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hướng dẫn người học…Người học trở thành trung tâm của quá trình dạy học, chủ động, sáng tạo tìm tòi, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Điều này không có nghĩa là vai trò của người thầy bị giảm xuống mà ngược lại càng được nâng cao hơn. Người thầy phải giúp người học nhận thức được những kiến thức đúng, bổ ích đồng thời tư vấn cho người học cách thức tổ chức cũng như phương pháp học tập phù hợp để họ có thể lĩnh hội và sử dụng đúng đắn, có hiệu quả những tri thức mà mình đã thu nhận được. Trong suốt chiều dài 30 năm xây dựng và phát triển những thế hệ thầy cô giáo của trường đã đạt được nhiều thành tích cao tại hội giảng giáo viên dạy giỏi các cấp; 5 lần liên tiếp đạt giải nhất toàn đoàn hội giảng cấp tỉnh và nhiều giải cá nhân tại hội giảng toàn quốc. 3 lần liên tiếp đạt giải nhất toàn đoàn hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh và nhiều giải cao tại các hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc. Qua các hoạt động đó đã giúp cho thầy cô giáo nhà trường có cơ hội học tập và trao đổi kinh nghiệm với nhau từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm, hiểu biết sâu rộng hơn và cập nhât được những thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ. Từ đó thầy cô giáo nhà trường mới có thể phát huy được hiệu quả nhất vai trò và ảnh hưởng của mình trong quá trình dạy học.
Trong xã hội ngày nay, người thầy không những chỉ đóng vai trò quan trọng trong định hướng, tư vấn hoạt động học, mà quan trọng hơn là hình thành và phát triển nhân cách người học, qua dạy học giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của người lao động cho người học.
Những năm gần đây, với sự nỗ lực của Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại trường ngày càng tăng, điều này hứa hẹn những tiềm năng lớn trong sự phát triển của Nhà trường. Tuy nhiên vấn đề giáo dục nhân cách cho người học cũng là vấn đề đang được đặt ra đối với Nhà trường và hơn ai hết sứ mệnh này lại đặt lên vai của người thầy - những người trực tiếp đứng lớp. Bởi vì đa số các học sinh sinh viên đều ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở lứa tuổi này, người học chịu nhiều ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển nhân cách, thông qua các quan hệ trong xã hội. Do đó người thầy cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội giúp đỡ, định hướng cho người học các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và cuộc sống. Điều này có nghĩa không những phải tạo dựng cho người học thái độ và những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết mà còn giúp đỡ để người học có lối sống lành mạnh trong xã hội. Một học sinh sinh viên giỏi, một người công dân tốt, sẽ trở thành một người có ích cho xã hội trong tương lai. Khuyến cáo về phát triển giáo dục của UNESCO cũng chỉ rõ: “thầy giáo phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia đào tạo kiến thức”.
Đối với đa phần người học, người thầy luôn được coi là một tấm gương sáng để người học noi theo. Do vậy, đòi hỏi người thầy phải luôn luôn phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với niềm tin của người học.
Theo đánh giá UNESCO, vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay thay đổi theo các hướng chủ yếu sau:
- Đảm nhận nhiều chức năng hơn so với trước, có trách nhiệm lớn hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục.
- Chuyển mạnh từ chỗ truyền thụ kiến thức sang tổ chức việc học của học sinh, sử dụng đến mức tối đa những nguồn tri thức trong xã hội...
Bên cạnh đó, UNESCO đưa ra khuyến nghị về nghề dạy học:
- Dạy học là một sự nghiệp suốt đời nhằm phục vụ xã hội, tổ quốc và nhân loại.
- Dạy học là một hiện thân và là một thử thách đối với lòng tận tụy, đức hy sinh, sự phấn đấu suốt đời; và tình yêu đối với công việc dạy học sẽ đòi hỏi phải hành động vì lợi ích công việc, cũng như vì thành tựu của đối tượng phục vụ thay vì những lợi ích vị kỉ về vật chất.
- Dạy học được tôi luyện nhờ hiểu biết sâu sắc bộ môn khoa học mà mình phụ trách và nhân cách của bản thân khi tham gia đầy đủ vào quá trình giáo dục - giảng dạy hướng tới việc hình thành nên bầu không khí tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa thầy và trò, giữa các đồng nghiệp.
- Dạy học là một lĩnh vực của những nỗ lực không mệt mỏi, người thầy phải huy động hết sức những hiểu biết đầy đủ nhất của mình để thực hiện chức năng của người thầy theo những chuẩn mực cao nhất về chất lượng.
Thật vinh dự là giáo viên trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, sau 11 năm dạy học và công tác chưa phải là dài nhưng là khoảng thời gian rất lớn cho tôi những giá trị quý giá về khoa học, về nhân văn và về xã hội trong mỗi cuộc sống con người. Tôi luôn cố gắng phải dạy thế nào để học sinh sinh viên chán học trở thành ham học, phải làm sao bài học khó khăn phức tạp trở thành đơn giản, dễ nhớ và khó quên. Luôn nổ lực không ngừng để làm sao cho học sinh sinh viên qua bài học của mình các em còn biết thêm nhiều lãnh vực trong cuộc sống. Bản thân tôi luôn quan niệm rằng dạy học không chỉ là truyền thụ cho học sinh những tri thức một cách thông minh nhất, mà còn bằng sự hiểu biết và bằng cả cuộc sống của mình dạy cho học sinh sinh viên làm người có ích cho xã hội, sống nhân ái, nghĩa tình và sống có trách nhiệm - trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với cộng đồng và với gia đình.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang phát động cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ở đó người giáo viên phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, hết lòng vì học sinh thân yêu, phát huy tốt nhất truyền thống chịu thương, chịu khó của thầy cô giáo Việt Nam, tích cực đổi mới phương pháp dạy học đến từng học sinh sinh viên theo quan điểm dạy học cá thể, phát huy tốt nhất tính sáng tạo của mỗi người công dân mới trên quê hương mình.
Hưởng ứng cuộc vận động đó, cùng với những phẩm chất tốt đẹp vốn có của thầy cô giáo, những giáo viên trường Cao Điện Lực Miền Trung chúng tôi hôm nay đang ngày ngày trao dồi thêm những năng lực mới về ngoại ngữ, về công nghệ thông tin và đặc biệt là phong cách công nghiệp, hiện đại để dìu dắt học sinh sinh viên của mình ngày một trưởng thành và đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường, tôi xin bày tỏ lòng cám ơn chân thành đến Quý thầy cô giáo, cán bộ viên chức đã nghỉ hưu, Lãnh đạo nhà trường, cùng với quý thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi trong thời gian qua. Chúc cho Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung ngày một phát triển bền vững.