Hình xăm là thước đo chuẩn mực đạo đức?
Nhiều người cho rằng, xăm hình là một kiểu ghi lại dấu ấn, kỷ niệm khó quên.
Đã từng xăm hình từ lúc còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Thùy Trang (hiện là nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Mình có xăm một chú bướm ở phần eo vào cuối năm lớp 11. Bướm còn được gọi là "hồ điệp" nó có ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp mỹ lệ, hạnh phúc, sự tự do và thành công trong cuộc sống".
Tuy nhiên, với một số các bạn học sinh khác thì xăm hình lại là một điều không tốt. Đỗ Gia Đạt (học sinh lớp 11 trường THPT Đội Cấn, Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm: "Em không thích việc xăm hình. Theo em thực chất việc xăm hình khi còn đang lứa tuổi học sinh là việc làm cấm. Bởi việc xăm hình sẽ để lại nhiều hậu quả xấu trong tương lai".
Với đa số các bậc phụ huynh đều sẽ phản đối việc xăm hình. "Cá nhân tôi thì không đồng ý với việc xăm hình, dù là ở bất kỳ độ tuổi nào đi chăng nữa", chị Hải Dung (Vĩnh Phúc) đang có con học cấp 3 chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Dung, anh Việt Phương (Hà Nội) bày tỏ: "Mặc dù xã hội đã dần có suy nghĩ cởi mở hơn, thế nhưng, việc học sinh xăm hình vẫn chưa hoàn toàn được cho phép".
Chuyện phía sau những hình xăm
Có hàng ngàn lý do để giới trẻ xăm hình, bên cạnh những người có quyết định dùng hình xăm để đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời, lưu lại một kỉ niệm về người thân yêu đã khuất… hay đơn giản chỉ vì chỉ vì thật sự bị quyến rũ bởi những hình xăm nhỏ nhỏ xinh xinh. Thì cũng có nhiều người dùng hình xăm như một thứ để thể hiện cái "tôi" quá mức, cho mình là nhất, hổ báo, giang hồ. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đồng tất cả, bởi mỗi người có cuộc đời riêng của mình.
Bạn Trần Thị Phương Thúy, học sinh lớp 11 ở Vĩnh Phúc tâm sự: "Theo em xăm hình không phải là xấu. Nó không quy định lứa tuổi hay giới tính, nhưng cần phải có một giới hạn nhất định. Như em có xăm hình một chiếc máy bay nhỏ trên xương quai xanh khiến cho em liên tưởng đến ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Chiếc máy bay giấy nhỏ được gấp và thả vào không trung tượng trưng cho ước mơ, nhiệt huyết, tuổi trẻ, hy vọng và tự do mà những người trẻ đang hướng đến".
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cũng nhận định: "Chúng ta nên nhớ, đánh giá một con người phải nhìn vào thực chất của hành vi, làm rõ động cơ bên trong của các việc làm đã xảy ra, chứ không chỉ nhìn vào các hiện tượng bề nổi bên ngoài".
Tác hại đến sức khỏe
Tuổi học trò là tuổi luôn mạnh dạn với mong muốn theo đuổi những gì gọi là nghệ thuật và để khẳng định "cái tôi" mạnh mẽ. Hình xăm có thể sẽ làm cho bạn cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với hiện tại. Nhưng rất có thể, cũng chính hình xăm đó sẽ cản trở bạn sau này.
Là phụ huynh có con đang học lớp 9, anh Phương (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Học sinh vốn chưa định hình nhân cách, nay thích mai lại chán, hôm sau lại cảm thấy hình xăm không còn ý nghĩa với thời điểm hiện tại nữa. Khi đó có muốn xóa đi cũng là một điều vô cùng khó khăn, mà có xóa được thì cũng sẽ tốn nhiều chi phí và để lại sẹo rất xấu. Chưa kể, nhiều ngành nghề hay môi trường làm việc không tuyển dụng những người có hình xăm như: phi công, công an, bộ đội, sư phạm..."
Vấn đề sức khỏe khi xăm hình cũng là điều đáng lưu ý. Xăm, cảm tưởng như vô hại nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Bởi không phải cửa hàng xăm nào cũng đạt được chất lượng tiêu chuẩn về dụng cụ xăm cũng như tay nghề của thợ. Và hậu quả là dẫn tới việc người xăm dễ mắc phải các bệnh lây nhiễm như: nhiễm trùng da, viêm gan... hay nghiêm trọng hơn là có thể bị nhiễm HIV.
Bàn về vấn đề này, GS.TS Phú chia sẻ thêm: "Xăm hình có những tác hại tiềm tàng đến sức khỏe vì các hóa chất tạo màu được trích vào dưới da rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là khi tuổi các em vẫn còn nhỏ".
"Hãy khoan dung với trẻ"
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, xăm là một hình thức để trẻ đương đầu với hàng loạt những biến đổi về tâm lý. Không chỉ để khẳng định "cái tôi" của bản thân, trẻ vị thành niên còn xăm hình với nhiều mục đích khác nhau như: lưu giữ kỷ niệm, che dấu một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể hay chỉ đơn giản là do a dua với chúng bạn…
"Tôi cho rằng đây là một hiện tượng bình thường ở tuổi trẻ" - GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.
Do đó, chúng ta không nên "dán nhãn" việc trẻ có hình xăm, có mong muốn được xăm hình là hành động bất hảo, là hành động đáng lên án.
Theo GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, người lớn nói chung, gần nhất là cha mẹ nên phân tích có tình, có lý để các con hiểu việc xăm hình là không tốt cho sức khỏe. Về lâu dài, các bậc phụ huynh nên tìm cách chủ động cải thiện lại mối quan hệ của mình với con cái, vừa là để các thành viên trong gia đình hiểu nhau, và quan trọng hơn là mỗi khi gặp khó khăn, các con đều chủ động, sẵn sàng chia sẻ tâm tư và nhờ cậy sự giúp đỡ của cha mẹ.
Tại nhiều trường học, để giữ gìn nề nếp, nhà trường đã đưa ra quy định cấm học sinh xăm hình. Trao đổi về vấn đề này, một số phụ huynh, giáo viên cho rằng, xăm là quyền tự do và pháp luật không cấm, miễn là học sinh không phơi bày hình xăm khi vào lớp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người đồng tình với việc "cấm học sinh xăm hình".
Cô Hoàng Thị Tình - giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) bày tỏ: "Tôi đồng tình với quan điểm cấm học sinh xăm hình. Với vai trò là một giáo viên, nếu biết được bất kỳ học sinh nào có ý định xăm, tôi sẽ ngồi lại để nói chuyện nhẹ nhàng, khuyên nhủ các em. Nếu các em không chịu nghe lời, tôi sẽ nói chuyện với gia đình và nhà trường để tìm cách xử lý".
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, thay vì đưa ra quy định cấm học sinh xăm hình, thì nhà trường, thầy cô nên thuyết phục, vận động các em không nên làm. "Thực ra, không phải hình xăm nào cũng là xấu. Một thái độ đúng đối với hiện tượng này là ta phải có cái nhìn khách quan, khoan dung với trẻ; vì tuổi dậy thì vốn bồng bột, thiếu chín chắn và luôn muốn tự khẳng định mình. Bên cạnh đó, trẻ em có quyền được tôn trọng sở thích và nhu cầu riêng; và ta cần tôn trọng quyền này ở trẻ".
Cũng theo Giáo sư, đối với trường học có quy định cấm học sinh xăm hình, nếu phát hiện trẻ có hành vi trái với quy định, nhà trường cần có cách xử lý có lý, có tình.
"Nếu hình xăm bình thường, không vi phạm thuần phong, mỹ tục thì giáo viên chủ nhiệm nên khuyên bảo, phân tích để học sinh ý thức được việc làm của mình là sai, cần phải chịu hệ quả phù hợp với quy định của nhà trường. Tuy nhiên, nếu có những hình xăm không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thì nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần chỉ đạo cho chi đoàn thanh niên, chi đội thiếu niên có những giờ sinh hoạt cần thiết để thuyết phục học sinh đó tự xóa bỏ hình xăm đã làm" - GS.TS Nguyễn Ngọc Phú chia sẻ.
Mai Hoa - Hà Trang