"Thông điệp" của chiếc Prius
Văn Việt, một Việt kiều tại Campuchia có cha mẹ là những ngư dân sống ở Biển Hồ gần 30 năm, đến Phnom Penh làm tài xế taxi 8 năm trước để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Kéo một hơi thuốc lá Hero, Việt chỉ vào chiếc Toyota Prius của mình và nói: "Gần như tất cả các xe dịch vụ trên đường phố Campuchia đều là Toyota Prius, chắc phải đến 95% đấy. Nó là xe quốc dân ở Campuchia". Quả thực, trong 38 chuyến grab mà tôi sử dụng cho việc đi lại giữa các địa điểm thi đấu SEA Games 32, có tới 35 chuyến là những chiếc Prius.
Việt không nói quá. Những chiếc Toyota Prius gắn biển taxi liên tục đi qua trước con phố Tây Boulevard 278 ở trung tâm Phnom Penh, cuốn theo những đám bụi vàng rực dưới ánh nắng hè. Prius là dòng xe hybrid (xăng lai điện) được ưa chuộng tại Campuchia nhờ tiết kiệm nhiên liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng ở Campuchia khá cao, khoảng 25.000 VNĐ/ lít.
Nhưng có một sự thật: Toyota không hề phân phối chính hãng dòng Prius ở Campuchia. Hãng xe hơi Nhật Bản từng tràn ngập Bangkok, Thái Lan với dòng Corolla; biến Vios thành biểu tượng xe taxi tại Hà Nội nhưng chưa từng có ý định phổ cập dòng xe hybrid này ở Campuchia. Cần nhớ rằng, Prius là xe được thiết kế riêng cho hai thị trường khó tính là Nhật Bản và Bắc Mỹ, là dòng xe đã thay đổi vận mệnh của Toyota tại Mỹ vào những năm đầu thế kỷ 21.
Tại sao Prius, vốn là chiếc xe có giá khởi điểm khoảng 15.000 USD tại Mỹ, lại xuất hiện tràn lan trên mọi con phố ở Campuchia dù thuế quan xe điện (thuế nhập khẩu 120%) là rào cản lớn với các nhà nhập khẩu chính hãng ô tô tại đất nước này?
Văn Việt cười khi được hỏi về nguồn gốc "cần câu cơm" của mình: "Giá chiếc Prius khi mới ra ở Mỹ khoảng 15.000 USD, tôi mua xe của mình với giá khoảng… 3.000 USD ở một đại lý tư nhân". Khi chiếc Prius của Việt tới tay anh, nó đã chạy khoảng… 400.000 km tại Mỹ, được đưa về Campuchia qua đường biển, trải qua "quá trình làm đẹp, tút tát nhan sắc" trước khi bán lại cho người dùng. "Triệu cây số" là điều bình thường với những chiếc Prius chạy taxi tại Phnom Penh.
Auto Best Cars 999, nơi Việt đã mua chiếc xe của mình, nằm trên Street 269, phố xe hơi nhập khẩu đã qua sử dụng. Hok Chanthea, nhân viên bán hàng, hào hứng giới thiệu về một chiếc Range Rover đời 2018 với giá khoảng trên dưới 60.000USD. "Các anh có thể trả giá thoải mái, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi", Chanthea xởi lởi. Nhưng, vẻ mặt anh chàng thay đổi hoàn toàn khi bị hỏi về xuất xứ của chiếc xe. "Nếu các anh có tiền thì mua, không thì thôi. Xuất xứ là việc của đơn vị nhập khẩu", Chanthea đáp ngắn gọn. Thực ra, chính anh chàng này cũng không rõ đơn vị nhập khẩu tên gì hay liên hệ với họ ra sao. Nói tóm lại, việc truy xuất nguồn gốc của chiếc xe là điều bất khả. Trong Auto Best Cars 999 và 88 salon ô tô ở 3 con phố 269, 270 & 271, toàn bộ những chiếc xe được bán đều là xe cũ và như thế.
Đấy là thực tế thị trường xe hơi tại Campuchia. Với những người như Việt, điều đó không phải vấn đề. "Quan trọng là xe còn dùng được. Tôi không quan tâm lắm đến nguồn gốc xuất xứ của nó. Ai chẳng muốn mua một chiếc xe với mức giá phải chăng, phù hợp với điều kiện kinh tế. Việc biết rõ về gốc gác chiếc xe đâu có ý nghĩa gì", Việt thẳng thắn.
Những chiếc xe phù hợp với túi tiền giúp người Campuchia sở hữu ô tô cá nhân dễ dàng hơn. Sinh viên đến từ gia đình trung lưu cũng có thể dễ dàng đi học bằng ô tô riêng thay vì phương tiện giao thông công cộng. Hầu hết các gia đình đều có tối thiểu 2 chiếc xe và với những người thích thay đổi, họ có thể đổi vài chiếc ô tô chỉ trong thời gian ngắn.
Keo Soram, tình nguyện viên tại Olympia Mall, nơi tổ chức bộ môn Thể thao Điện tử tại SEA Games 32, nói rằng anh đã đổi tới 3 chiếc ô tô chỉ sau… 2 năm đầu học đại học. "Di chuyển bằng ô tô thuận tiện và an toàn hơn với điều kiện đường xá và an ninh ở Phnom Penh", Keo Soram nói.
Mặc dù những chiếc xe được mua với giá hợp lý, nhưng việc thiếu kiểm định và bảo hiểm chính hãng đồng thời dẫn tới nhu cầu bảo dưỡng thường xuyên. Theo Việt, anh tốn không dưới 100 USD cho một lần bảo dưỡng cấp nhỏ. Nhiều ô tô hơn cũng khiến đường phố trở nên chật chội và tắc nghẽn (thậm chí là thiếu mĩ quan vì những chiếc xe xập xệ) nhưng Việt vẫn khẳng định: "Sở hữu một chiếc ô tô với giá rẻ có thể khiến mọi vấn đề trở nên ít nghiêm trọng hơn".
Sự thống trị của xe nhập khẩu trái phép
Campuchia không có bất kỳ nhà máy lắp ráp ôtô nào. Tất cả xe hơi trên thị trường đều được nhập khẩu, phần lớn từ Mỹ, Nhật Bản và Đức. Riêng năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu 29.000 ô tô sang Campuchia.
"Thị trường xám" là thuật ngữ kinh tế về các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không có sự ủy quyền chính danh và ngoài mong muốn của nhà sản xuất hoặc ngoài ý muốn cơ quan có thẩm quyền điều tiết thị trường của quốc gia. Trong bối cảnh thị trường ô tô ở Campuchia, thuật ngữ này dùng để mô tả về làn sóng nhập khẩu tô tô cũ đã qua sử dụng.
Một chi tiết đáng chú ý là Campuchia hiện vẫn cho phép nhập khẩu ô tô cũ đã qua sử dụng. Điều này đã khiến "thị trường xám" phát triển vô cùng mạnh mẽ. Theo tính toán, số lượng xe nhập khẩu vào thị trường Campuchia nhiều gấp 10 lần những chiếc xe chính hãng phân phối. Ngày nay, khoảng 80% xe hơi trên thị trường Campuchia là xe cũ và đã qua sử dụng, như chiếc Toyota Prius của Việt.
Chính sách thuế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng. Đối với những chiếc xe cũ, dựa trên tuổi thọ xe và tình trạng hiện hữu, mỗi chiếc xe sẽ chỉ bị tính một mức thuế tối thiểu tại cửa khẩu, sau đó mức thuế sẽ giảm cho mỗi năm sử dụng xe. Trong khi đó đối với xe nhập khẩu chính hãng, tổng thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng bằng khoảng 122,75% giá trị xe. Một phép so sánh đơn giản: Tổng các loại thuế đánh vào linh phụ kiện hoặc thậm chí cả chiếc xe cũ nhập khẩu chỉ nằm trong khoảng từ 0%- 45% giá trị xe. Điều này tạo ra mức chênh lệch rất lớn về giá bán giữa những chiếc xe cũ nhập khẩu "tiểu ngạch" và hàng chính hãng.
Với những lao động phổ thông như Văn Việt, chênh lệch ấy là đủ để họ đưa ra quyết định một cách không hề đắn đo. Các đại lý như Auto Best Cars 999 cũng mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng quy luật cung cầu. Họ có thể nhập xe từ nhiều nguồn. Ví dụ như những chiếc xe cũ từ Mỹ được chuyển tới qua đường biển. Tất nhiên, chất lượng của hàng đã qua sử dụng luôn là một canh bạc. Những chiếc xe cũ được nhập vào Campuchia có đủ loại, từ "like new 99%" cho tới "chính hiệu phế thải". Tiền nào của nấy, ai cũng có cơ hội để tìm thấy một "xế cưng" với ngân sách của mình.
"Thị trường xám" với những chiếc xe cũ đã đẩy những doanh nghiệp nhập xe chính ngạch gặp phải khó khăn. Bên cạnh những chiếc xe cũ, việc để cho "thị trường xám" tồn tại cũng khiến cho những đơn vị nhập khẩu chính thức thất thế khi nhập xe sang vào thị trường Campuchia. Những chiếc xe sang có thể được đưa vào đất nước này qua con đường giống như xe cũ mà không cần phải trả cùng mức thuế như các nhà nhập khẩu chính thức. Một chiếc Lexus LX 570 lướt chỉ có giá khoảng 150.000 USD. Range Rover là thương hiệu cao cấp cũng chỉ có giá khoảng 140.000 USD.
Những chiếc xe cao cấp hơn nữa như Roll Royce Phantom cũng không hiếm trên đường phố. Tất nhiên, nguồn gốc của những chiếc xe này cũng là điều "bí ẩn". "Campuchia là một nền kinh tế mới nổi, có tiềm năng phát triển tốt trong những năm tới nhưng chúng tôi thật sự không muốn nhìn thấy một chiếc Rolls Royce trên mọi góc phố của Phnom Penh", Paul Harris - Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Rolls-Royce Motor Cars chia sẻ trên Forbes. Giống như các hãng xe lớn khác, Rolls-Royce cũng phải đau đầu vì "thị trường xám".