NGÀNH KHAI THÁC VẬN TẢI
1. Chuyên ngành QUẢN TRỊ LOGISTICS VÀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
- Mã ngành xét tuyển: 784010101A (Chương trình tiên tiến)
- Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07
2. Chuyên ngành QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH VẬN TẢI
- Mã ngành xét tuyển: 784010102A (Chương trình tiên tiến)
- Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07
__________________________________
1. Chuyên ngành QUẢN TRỊ LOGISTICS VÀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC (784010101A)
Giới thiệu chung
Chương trình đào tạo Logistics và vận tải đa phương thức là một chuyên ngành đào tạo thuộc Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài mục tiêu cung cấp cho người học kiến thức, hiểu biết về lý luận chính trị, khoa học xã hội, khoa học cơ bản, chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics và vận tải đa phương thức trang bị kiến thức chuyên sâu về lập kế hoạch và tổ chức quá trình kinh doanh, phân tích đề ra giải pháp cải tiến nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ Logistics và vận tải đa phương thức, tìm hiểu dịch vụ Logistics là gì. Các kỹ năng nghề nghiệp đạt được đối với người học gồm:
- Nghiên cứu thị trường, phân tích xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ Logistics và vận tải;
- Xây dựng quy trình công nghệ, quản lý nghiệp vụ và tổ chức điều hành quá trình dịch vụ Logistics và vận tải, gồm: tổ chức điều hành vận tải, quản lý nghiệp vụ kho hàng và trung tâm phân phối, tổ chức dịch vụ giao dịch thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong chuỗi cung ứng;
- Phân tích đánh giá, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống dịch vụ Logistics và vận tải;
- Phát hiện, phân tích và phản biện những vấn đề về kinh tế- kỹ thuật liên quan đến quản lý và tổ chức điều hành hệ thống kinh doanh dịch vụ Logistics và vận tải.
Mục tiêu đào tạo
- Đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
- Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chuyên ngành.
- Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về lĩnh vực quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, kiến thức chuyên sâu ngành Logistics và quản trị chuỗi cung ứng, khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của chuyên ngành vào thực tiễn. Có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một cử nhân trong lĩnh vực.
Đánh giá chung về nhu cầu
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành nghề trong nền kinh tế, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng to lớn. Chỉ số năng lực hoạt động Logistics (LPI - Logistics Performance Index) 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố trong báo cáo tháng 07 năm 2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160). Đây là kết quả của những chính sách, chiến lược đúng đắn và kịp thời của nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ Logistics Việt Nam. Sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam đã góp phần đáng kể gia tăng số lượng các doanh nghiệp Logistics. Theo số liệu từ Tổng cục thống kế, biến động số lượng doanh nghiệp Logistics của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2018 như sau: từ con số 17.132 doanh nghiệp năm 2013 đến năm 2017 đã tăng lên 29.123 doanh nghiệp và năm 2018 là 29.694 doanh nghiệp (trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam công bố có trên 4000 doanh nghiệp Logistics hoạt động chuyên nghiệp và có cung cấp dịch vụ Logistics quốc tế). Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) về số lượng doanh nghiệp từ năm 2013 đến năm 2018 vào khoảng 11,63%. Có một điểm nổi bật là có đến 54% số lượng doanh nghiệp Logistics tập trung tại TPHCM do ưu thế của Thành phố Hồ Chí Minh về nguồn hàng với hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối tuyến vận tải quốc tế qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng như cụm cảng khu vực TP.HCM đặc biệt là cửa ngõ xuất khẩu qua cảng Cát Lái.
Theo nghiên cứu của Bộ môn Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức trong Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố, thiếu hụt nhân sự là một trong ba vấn đề chủ yếu gây khó khăn cho các công ty Logistics trong phát triển hoạt động kinh doanh. Dự báo của VLA đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự. Ngoài ra, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nếu tính cả nhu cầu nhân lực Logistics thuộc các cấp độ trong doanh nghiệp Logistics và nhân lực Logistics từ các doanh nghiệp sản xuất thì nhu cầu nhân lực Logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030. Trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực Logistics hiện tại chỉ đạt 10%.
Năng lực đào tạo
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là trường đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải lớn nhất phía Nam. Năm 2008, Trường trở thành trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức trình độ đại học chính quy với thời gian đào tạo là 4 năm. Mãi đến năm 2013, mới có thêm một số trường đại học bắt đầu mở ngành/chuyên ngành Logistics.
Năm 2019, chương trình Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chính thức thuộc mã ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (mã số 7510605) theo Quyết định số 1045/QĐ-BGDĐT ngày 19/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức là 1 trong 2 chương trình đào tạo được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhằm hướng tới cung cấp nguồn nhân lực Logistics có chất lượng cao, năm 2016, Trường đã mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao cho chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức. Cũng trong năm này, Trường đã hợp tác liên kết với Trường Đại học Tongmyong (Hàn Quốc) đào tạo chuyên ngành Quản lý Cảng và Logistics.
Đến nay, chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức của Trường đã tuyển sinh được khóa thứ 12, trong đó có 8 khóa sinh viên đã tốt nghiệp và trở thành những cán bộ quản lý, nhân viên có chuyên môn tốt được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước cũng như góp phần quan trọng phát triển ngành Logistics Việt Nam. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn được cập nhật với sự đóng góp ý kiến từ các bên liên quan từ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp sử dụng nhân lực, các chuyên gia đào tạo nhằm xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp nhu cầu của ngành nghề trong xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh công tác đào tạo và nghiên cứu, khoa cũng rất chú trọng phát triển các hoạt động học thuật của sinh viên. Năm 2018, Đội thi UT-L.O.G.S của Khoa đã xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trong vòng bán kết khu vực phía Nam và đồng thời giành giải Nhì toàn quốc và giải ấn tượng nhất của Cuộc thi “Vietnam Young Logistics Talent 2018” do mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức lần đầu tiên với sự bảo trợ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trên quy mô toàn quốc; năm 2019 đội thi của Khoa cũng xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trong vòng bán kết khu vực phía Nam; giải triển vọng và giải yêu thích nhất trong vòng chung kết toàn quốc.
Hiện nay, các chương trình đại trà, chất lượng cao và liên kết quốc tế của Trường về đào tạo nguồn nhân lực Logistics là đa dạng nhất khu vực phía Nam.
Kiến thức ngành học
- Kiến thức cơ sở về kinh tế: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Luật kinh tế,…
- Kiến thức về cơ sở ngành: Thương mại điện tử, Hàng hóa, Luật vận tải, Nghiệp vụ ngoại thương, Thanh toán quốc tế, Quản lý dự án, Quản trị chiến lược, Quản trị marketing, Quản trị chất lượng…
- Kiến thức chuyên ngành: Vận tải đa phương thức, Quản trị Logistics, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị kho hàng và tồn kho, Kinh tế vận tải và Logistics, Giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan, Phân tích hoạt động kinh doanh,…
Điểm nổi bật ngành học của Trường
Trường chú trọng Logistics trong vận tải (đường biển, đa phương thức)
Hiểu về ngành học
Ngành học giải quyết bài toán tối ưu hóa quá trình lưu chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ, thông tin,… từ trước khi đựa vào sản xuất/xử lý cho đến sản phẩm được trao tận tay khách hàng cuối cùng phải đảm bảo 7 right “right time, right product, right customer, right condition, right quantity, right price, right place” (đúng thời điểm, đúng sản phẩm, đúng khách hàng, đúng điều kiện, đúng số lượng, đúng giá, đúng nơi).
Ví dụ
Một cái máy tính mình đang sử dụng được sản xuất từ nhiều nhà máy trên thế giới. Sau đó được phân phối toàn cầu. Yêu cầu cần có đủ các yếu tố đầu vào như nguyên liệu thu mua, vận tải và lưu kho trước khi sản xuất; yêu cầu phân phối sản phẩm ra thị trường đến tay khách hàng phải kịp thời, đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý,…
Tất cả điều đó => cần rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhà sản xuất như thu mua, vận tải, thủ tục hải quan - giao nhận xuất nhập khẩu, lưu kho, phân phối, bảo hành, xử lý đơn hàng, giải quyết sự cố (khi sản phẩm bị lỗi cần thu hồi về từ các nước trên toàn thế giới để sửa chữa sau đó chuyển lại các trung tâm khu vực và quốc gia để giao lại cho khách hàng).
Các nhà sản xuất nếu tự làm điều đó sẽ thiếu chuyên nghiệp, thiếu mạng lưới và chi phí - thời gian kém hiệu quả.
Vì vậy rất cần vai trò của nhà cung cấp dịch vụ Logistics (party Logistics).
Cơ hội việc làm
Năm 2017, Trường ký kết Bản thỏa thuận hợp tác về phối hợp tổ chức đào tạo hàng năm các Khóa học “The intensive course Logistics operation and Networking” cho sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức với Công ty SGH Foundation (Nhật Bản) là 1 trong những công ty Logistics hàng đầu của Nhật Bản (Khoá học được tài trợ từ chính phủ Nhật Bản thông qua Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản - MLIT). Sự thành công và hiệu quả của khoá học trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Logistics của nhà trường và tạo cơ hội tuyển dụng rất tốt cho sinh viên.
Từ năm 2017, chương trình đào tạo song hành giữa Trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK VN) và các công ty quốc tế trong lĩnh vực Logistics/freight forwarding của Đức như DB Schenker Vietnam Co., Ltd, Logwin, Bollore Logistics Việt Nam, Rhenus, Ahatrood, Karl Gross, ITL, Gebruther Weiss … dành cho sinh viên năm Ba chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức. Tham gia chương trình này, sinh viên được hướng dẫn chuyên môn trực tiếp và tham gia làm việc thực tế tại các doanh nghiệp Logistics với 2 ngày/1 tuần trong 2.5 năm đồng thời được nhận hỗ trợ một phần kinh phí từ doanh nghiệp để trang trải học tập với mức trung bình 2 triệu/tháng. Đây là chương trình đào tạo song hành theo mô hình CHLB Đức, sau khi tốt nghiệp ngoài bằng tốt nghiệp được trường ĐHGTVT Tp HCM cấp, sinh viên sẽ được nhận Chứng chỉ đào tạo song hành ngành “Freight Forwarding and Logistics Agent” của CHLB Đức- Hiệp hội Các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) do GIC/AHK VN cấp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp đã làm việc trong quá trình học cũng như cơ hội tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp Logistics lớn trong và ngoài nước do đã có kinh nghiệm làm việc trong quá trình học.
Năm 2019, những sinh viên xuất sắc của trường đã được tuyển chọn tham gia Chương trình trao đổi sinh viên “Training and Field Practicum on Logistics and Supply Chain Management” do Viện Mekong, Đại học Khon Kaen và Công ty Thai Beverage Logistics (TBL) tổ chức tại Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp đại học, các em sinh viên đã được tuyển dụng sang Thái Lan làm việc tại các công ty Logistics và chuỗi cung ứng của TBL.
Quá trình học tập tại trường, sinh viên luôn được tiếp cận thực tế với việc tham gia các chương trình ngoại khóa giao lưu chia sẻ từ các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp cũng như các chuyến tham quan thực tế trải nghiệm tại các doanh nghiệp Logistics tên tuổi như Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, Gemadept, Lazada, Smartlog,… Qua đó, sinh viên được trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp, tự tin về khả năng tiếng Anh và mạnh dạn tham gia các cuộc thi chuyên môn cũng như nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.
Theo thống kê, gần 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trong đó có rất nhiều sinh viên đã được tuyển dụng ngay từ khi đang học năm 4 hoặc trong thời gian thực tập do được đánh giá tốt từ đơn vị thực tập, gần 90% sinh viên tốt nghiệp làm việc đúng chuyên ngành, mức lương khởi điểm trung bình từ 7-9 triệu, nhiều cựu sinh viên đã trở thành các cán bộ quản lý các cấp từ Giám đốc, Phó Giám đốc đến Trưởng, Phó phòng và chuyên viên có năng lực trong các doanh nghiệp Logistics, công ty sản xuất kinh doanh, công ty thương mại điện tử như Trung tâm Logistics (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn), công ty CP tiếp vận quốc tế cảng Cát Lái, công ty Đóng tàu-Cano Việt Séc, công ty DHL (Đức), công ty UPS (Mỹ), công ty Lazada, công ty Shopee, công ty Gemadept, công ty Sotrans, công ty Indo Trans, công ty Smartlog, Hãng tàu CMA-CGM Việt Nam, hãng tàu Hapag Lloyd, hãng tàu Maersk, công ty Ceva Logistics, công ty LOOKALOOP, công ty Thai Beer (Thái Lan), công ty Jion Vina (Hàn Quốc), công ty Schindler, công ty Geodis …
Các doanh nghiệp tuyển dụng luôn đánh giá cao chất lượng chương trình đào tạo của trường và đánh giá cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc và khả năng tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức. Hàng năm, các doanh nghiệp đều liên hệ gửi thông tin tuyển dụng để có cơ hội đón nhận các sinh viên mới tốt nghiệp.
Sinh viên mới ra trường có thể làm việc: công ty Logistics, trung tâm phân phối, cảng, hãng tàu, hãng hàng không, các công ty vận tải bộ - sắt, công ty SX VN, tập đoàn sản xuất nước ngoài, các siêu thị, tập đoàn bán lẻ, công ty thương mại điện tử…
Cơ hội việc làm
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm các công việc như:
- Nhân viên giao nhận, nhân viên điều hành vận tải, nhân viên kho hàng, nhân viên thu mua, nhân viên sales,…
- Quản lý thu mua, quản lý vận tải, quản lý kho, quản lý tồn kho, quản lý thu hồi, quản lý chuỗi cung ứng…
- Có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ Logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung.
- Các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, phân phối…
- Có thể đảm nhiệm chức danh quản lý các cấp tại các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến Logistics và vận tải.
- Có khả năng giảng dạy các môn học chuyên môn ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề có mở chuyên ngành liên quan.
- Có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế trong lĩnh vực liên quan đến chuyên môn.
- Tiếp tục học tập nâng cao trình độ các bậc học sau đại học ở các lĩnh vực tổ chức và quản trị Logistics và vận tải đa phương thức cũng như lĩnh vực quản trị kinh doanh trong nước và quốc tế.
Thương mại điện tử có vai trò quan trọng của Logistics
Ví dụ: Amazon, Tiki, Lazada, Shopee,… phải xử lý hàng nghìn, hàng chục nghìn đơn hàng trong ngay và phải giao hàng chặng cuối đến tay khách hàng; xử lý khi khách hàng trả hàng,…
=> CẦN có trung tâm Logistics để tiếp nhận thông tin đơn hàng của khách hàng để xử lý đảm bảo thông suốt và khách hàng nhận được hàng đúng lúc, đúng yêu cầu…
Các chuỗi bán lẻ như Vinmart, Bách hóa xanh,… để có hàng tươi nguyên hàng ngày phải làm tốt nhất các khâu chọn nhà cung cấp; vận chuyển từ nông trại, nhà máy đến cửa hàng và giao cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. => CẦN vai trò của Logistics và chuỗi cung ứng.
Covid 19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất toàn cầu => nguyên liệu không thể vận chuyển giao đến nhà máy, hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu đi, khách hàng không đến siêu thị mua hàng dẫn đến kho hàng ùn ứ hàng hóa, hàng hư hỏng,…
=> CẦN Logistics phân tích và xử lý, lựa chọn kho hàng phù hợp để bảo quản hàng, chọn phương thức vận tải và tuyến đường phù hợp để vận chuyển…
Và tư vấn Logistics giúp công ty sản xuất nên đặt kho phân phối ở đâu để phân hàng đi toàn quốc cho thuận lợi, nên thiết kế kho thế nào cho tối ưu và tiết kiệm,…
Ngành Logistics là ngành có tính ứng dụng công nghệ thông tin rất cao.
Cấu trúc của chương trình đào tạo
Kiến thức giáo dục đại cương: 19 tín chỉ
- Pháp luật đại cương
- Triết học Mác - Lê Nin
- Kinh tế chính trị Mác - Lê Nin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đàng công sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Phương pháp nghiên cứu
- Quản trị học
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 90 tín chỉ
Cơ sở ngành
- Kinh tế vi mô
- Kinh tế vĩ mô
- Nguyên lý kế toán
- Nguyên lý thống kê
- Hàng hoá vận tải
- Địa lý vận tải
- Nhập môn Logistics & quản lý Chuỗi cung ứng
- Luật vận tải và công ước quốc tế
Kiến thức chuyên ngành
Bắt buộc
- Tổ chức khai thác ga, cảng
- Giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan
- Nghiệp vụ ngoại thương
- Thương mại điện tử
- Dịch vụ khách hàng
- Khai thác vận tải
- Quản trị logistics
- Thanh toán quốc tế
- Logistics hàng không
- Bảo hiểm vận tải
- Hệ thống thông tin logistics
- Logistics cảng biển
- Phân tích hoạt động kinh doanh
- Quản trị kho hàng và tồn kho
- Giao nhận và vận chuyển hàng nguy hiểm
- Quản lý dự án logistics và chuỗi cung ứng
- Quản trị chuỗi cung ứng
- Quản trị vận tải đa phương thức
- Thực tập chuyên môn
Tự chọn
- Dịch vụ khách hàng
- Quản trị chất lượng
- Quản trị nhân sự
- Quản trị tài chính doanh nghiệp
Thực tập và tốt nghiệp: 11 tín chỉ
Tổng số tín chỉ: 120 tín chỉ
Tham khảo: Phát triển ngành dịch vụ Logistics tại Việt Nam
2. Chuyên ngành QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH VẬN TẢI (784010102A)
Giới thiệu chung
Quản lý và kinh doanh vận tải là một chuyên ngành thuộc ngành Khai thác vận tải là ngành học nghiên cứu hoạt động quản lý, tổ chức, khai thác và kinh doanh vận tải nhằm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, kinh doanh và khai thác giao thông vận tải thủy (đường sông và đường biển), vận tải đường bộ và đô thị, vận tải đường sắt và metro, vận tải hàng không. Có đủ kiến thức chuyên môn để có thể quản lý, kinh doanh và khai thác giao thông vận tải trên các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt - metro và hàng không.
Sinh viên theo học chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải sẽ được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên môn trong lĩnh vực quản lý, khai thác và kinh doanh các loại hình vận tải; được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành…
Mục tiêu đào tạo
- Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo kỹ sư/cử nhân ngành Khai thác vận tải có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỹ luật, đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải của xã hội.
- Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về lĩnh vực Quản lý và kinh doanh vận tải, kiến thức chuyên sâu ngành Khai thác vận tải, khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của Quản lý và kinh doanh vận tải vào thực tiễn. Có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của một kỹ sư/cử nhân trong lĩnh vực Quản lý và kinh doanh vận tải.
Hoạt động sinh viên
- Học tập, thực hành
- Nghiên cứu khoa học
- Nghiên cứu khoa học
Cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải khách công cộng”
- Các hoạt động văn hóa, xã hội
Cơ hội việc làm
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các sân bay, bến cảng, bến xe, công ty vận tải, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hoặc Logistics hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ các bậc học sau đại học ở các lĩnh vực: tổ chức và quản lý vận tải, quản trị kinh doanh.
Nhiều năm qua, nhà trường, khoa, bộ môn và giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên từ 1-2 lần/năm; mời cán bộ và lãnh đạo tại các doanh nghiệp chuyên ngành báo cáo ngoại khóa để sinh viên tiếp xúc, trao đổi với các nhà tuyển dụng tương lai, nắm bắt cơ hội việc làm tốt hơn sau khi tốt nghiệp; giới thiệu sinh viên tới thực tại doanh nghiệp của các cựu sinh viên ngành vận tải; tạo cơ hội cho sinh viên vừa thực tập vừa tìm kiếm việc làm; Từ kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng và việc làm của sinh viên khối ngành vận tải có thể khẳng định hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo.
Hiện tại ở Việt Nam có trên 4.000 công ty Vận tải và Logistics cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… Trong đó có 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lĩnh vực Vận tải và Logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới.
Với tiềm năng phát triển và nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Vận tải và Logistics là rất lớn. Chắc chắn những cử nhân Quản lý và kinh doanh vận tải tại Trường (khoảng dưới 70 sinh viên/năm) sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau tốt nghiệp là rất lớn.
Cấu trúc của chương trình đào tạo
Kiến thức giáo dục đại cương: 19 tín chỉ
- Pháp luật đại cương
- Triết học Mác - Lê Nin
- Kinh tế chính trị Mác - Lê Nin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đàng công sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Phương pháp nghiên cứu
- Quản trị học
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 90 tín chỉ
Cơ sở ngành
- Kinh tế vi mô
- Kinh tế vĩ mô
- Nguyên lý thống kê
- Nguyên lý kế toán
- Quản trị tài chính doanh nghiệp
- Marketing căn bản
- Lý thuyết dự báo kinh tế
- Đổi mới sáng tạo và Tư duy thiết kế
- Tổng quan về hàng không dân dụng
- Hàng hoá vận tải
- Nhập môn vận tải
- Địa lý vận tải
- Luật vận tải và công ước quốc tế
- Bảo hiểm vận tải
- Phân tích hoạt động kinh doanh
Kiến thức chuyên ngành
Bắt buộc
- Thương vụ vận tải
- Quản lý kinh doanh vận tải
- Quy hoạch và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải
- Chiến lược kinh doanh và kế hoạch trong DN vận tải
- Định mức kỹ thuật trong nghiệp vụ GTVT
- Giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan
- Quản trị vận tải đa phương thức
- Thực tập chuyên môn
- Lập và thẩm định dự án đầu tư GTVT
- Tổ chức xếp dỡ
- Hệ thống thông tin trong GTVT
- Khai thác vận tải
- Tổ chức & khai thác ga, cảng
- Quản trị Logistics
Tự chọn
- Đổi mới sáng tạo và Tư duy thiết kế
- Tổng quan về hàng không dân dụng
Thực tập và tốt nghiệp: 11 tín chỉ
Tổng số tín chỉ: 120 tín chỉ
Website KHOA KINH TẾ VẬN TẢI: https://kinhte.ut.edu.vn/