HƯỚNG DẪN HỌC SINH CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI - NGỮ VĂN 9
- YÊU CẦU CHUNG: 1. Học sinh làm một bài văn ngắn (khoảng 1 - 2 trang giấy thi) bàn về một tư tưởng đạo lí hoặc một hiện tượng đời sống. 2. Tuy điều kiện thời gian làm bài rất eo hẹp nhưng học sinh cũng cần phải đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận xã hội hoàn chỉnh. Cụ thể: - Bài làm phải đầy đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài. - Giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và giữa các luận điểm, các đoạn trong phần thân bài phải có sự liên kết chặt chẽ. Để làm được như vậy, cần phải: + Sử dụng những từ ngữ, những câu văn… để chuyển ý. + Câu chuyển ý thường ở đầu đoạn văn (Câu này thường có chức năng: liên kết với ý ở đoạn văn trước đó và mở ra ý mới trong đoạn văn). + Không thể trình bày phần thân bài chỉ với một đoạn văn! - Phải bảo đảm tính cân đối giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) trong toàn bộ bài văn cũng như giữa các luận điểm ở phần thân bài, tránh trường hợp làm bài kiểu “đầu voi đuôi chuột” (phần “mở bài, thân bài” lại nói nhiều, thiếu phần “kết bài”). - Phải biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trong bài văn: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận… - Để bài văn có sức thuyết phục, cần sử dụng một số phương thức biểu đạt như biểu cảm, tự sự, miêu tả, thuyết minh… hỗ trợ cho phương thức nghị luận chính.
II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN 1. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: - Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp, ước mơ… - Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi… - Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em… - Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn… - Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống. 2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống: - Đề tài nghị luận thường gần gũi với đời sống và sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh: tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, đại dịch AIDS, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình- trong học đường, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt, hiện tượng lãng phí, lối sống thờ ơ vô cảm, hiện tượng chạy theo thời thượng, thói dối trá… à Nghị luận về một hiện tượng đời sống không chỉ có ý nghĩa xã hội, tác động đến đời sống xã hội mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo lí, cách sống đúng đắn, tích cực đối với học sinh, thanh niên.
III. ĐỊNH HƯỚNG DÀN Ý CHUNG: 1. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: a. Mở bài: - Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận - Nêu vấn đề cần nghị luận ra ( trích dẫn) - Phải làm gì về vấn đề đưa ra nghị luận (có tính chuyển ý) b. Thân bài: * Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…). Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau: - Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề. Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề. - Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập. * Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ ( theo nghĩa từ vựng). * Bước 2: Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…) Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ? * Bước 3: Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…): - Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế của vấn đề. - Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…) - Mở rộng vấn đề * Bước 4: Rút bài học nhận thức và hành động - Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, …( Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?...) - Bài học hành động - Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể ( Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …) c. Kết bài: - Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…) - Lời nhắn gửi đến mọi người (…)
Tóm lại trong quá trình dạy giáo viên làm sao cho HS hiểu và trả lời được mấy câu hỏi và các bước sau:
(1) Giải thích khái niệm mà tư tưởng đạo lí đặt ra.(Ví dụ: Hiếu thảo là gì? Lí tưởng là gì? Biết ơn là gì? ....)
(2) Nêu ra biểu hiện của tư tưởng đạo lí đó? Biểu hiện như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.
(3)Trả lời câu hỏi VÌ SAO, TẠI SAO? Ví dụ: tại sao, vì sao lại phải hiếu thảo? vì sao phải biết ơn? ..... Lưu ý, trả lời càng nhiều câu hỏi thì bài văn càng sâu sắc, sức thuyết phục càng cao, lí lẽ càng chắc chắn
(4). Trả lời câu hỏi để tìm ý thứ 4: Ý NGHĨA GÌ - NHƯ THẾ NÀO? Ví dụ lòng biết ơn, lòng hiếu thảo vvv có ý nghĩa gì? Như thế nào trong cuộc sống? Và để bài văn mạch lạc thì cần chia ra 3 khía cạnh: với bản thân/ với gia đình/ với xã hội. (Lưu ý : Càng nhiều câu trả lời thì bài văn càng sâu sắc)
* Đến đây là ta phải lấy một vài ví dụ tiêu biểu. Ví dụ, dẫn chứng quan trọng sâu chứ không phải quan trọng nhiều. Dẫn chứng thì lấy trong xã hội, nghị luận XH không nên dùng dẫn chứng trong văn học vì văn học có tính hư cấu nên dẫn chứng sẽ không có sức thuyết phục
(5) Mở rộng vấn đề, nhận thức hành động.
(a) Qua việc bàn luận vấn đề trên, em nhận thức được gì? Tức là thấy được điều gì? Hiểu ra điều gì? Ví dụ: Hiểu vai trò, ý nghĩa của lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, lí tưởng sống…
(b) Hiểu rồi thì em sẽ hành động như thế nào cho phù hợp? Em sẽ làm thế này, không làm thế kia, em sẽ phấn đấu, nỗ lực học tập
(c) Em sẽ lên án, phê phán… lối sống cách sống đi ngược lại với vấn đề đã bàn bạc ở trên
2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống a. Mở bài: - Dẫn dắt vào đề (…) để giới thiệu chung về những vấn đề có tính bức xúc mà xã hội ngày nay cần quan tâm. - Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài: hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập… - ( Chuyển ý) b. Thân bài: * Bước 1: Trình bày thực trạng - Mô tả hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài (…). Có thể nêu thêm hiểu biết của bản thân về hiện tượng đời sống đó (…). Lưu ý: Khi miêu tả thực trạng, cần đưa ra những thông tin cụ thể, tránh lối nói chung chung, mơ hồ mới tạo được sức thuyết phục. - Tình hình, thực trạng trên thế giới (…) - Tình hình, thực trạng trong nước (…) - Tình hình, thực trạng ở địa phương (…) * Bước 2: Phân tích những nguyên nhân - tác hại của hiện tượng đời sống đã nêu ở trên. - Ảnh hưởng, tác động - Hậu quả, tác hại của hiện tượng đời sống đó: + Ảnh hưởng, tác động - Hậu quả, tác hại đối với cộng đồng, xã hội (…) + Hậu quả, tác hại đối với cá nhân mỗi người (…) - Nguyên nhân: + Nguyên nhân khách quan (…) + Nguyên nhân chủ quan (…) * Bước 3: Bình luận về hiện tượng ( tốt/ xấu, đúng /sai...) - Khẳng định: ý nghĩa, bài học từ hiện tượng đời sống đã nghị luận. - Phê phán, bác bỏ một số quan niệm và nhận thức sai lầm có liên quan đến hiện tượng bàn luận (…). - Hiện tượng từ góc nhìn của thời hiện đại, từ hiện tượng nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa thời đại * Bước 4: Đề xuất những giải pháp: Lưu ý: Cần dựa vào nguyên nhân để tìm ra những giải pháp khắc phục. - Những biện pháp tác động vào hiện tượng đời sống để ngăn chặn (nếu gây ra hậu quả xấu) hoặc phát triển (nếu tác động tốt): + Đối với bản thân… + Đối với địa phương, cơ quan chức năng:… + Đối với xã hội, đất nước: … + Đối với toàn cầu c. Kết bài: - Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn (…) - Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người (…) 3. Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học đã học: Lưu ý: - Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học là kiểu bài nghị luận xã hội, không phải là kiểu bài nghị luận văn học. Cần tránh tình trạng làm lạc đề sang nghị luận văn học. - Vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học có thể là một tư tưởng, đạo lí hoặc một hiện tượng đời sống (thường là một tư tưởng, đạo lí)
IV. MẸO PHÂN BIỆT ĐỀ NGHỊ LUẬN VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ VÀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
Trong quá trình giảng dạy, nhiều thầy cô gặp phải những đề không xác định chính xác nó là tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống. Nói cách khác là ranh giới nó mong manh, có khi xác định thế nào cũng thấy đúng. Mà xác định sai thì làm bài sẽ sai hoặc sẽ thiếu tính thuyết phục. Vì thế một kinh nghiêm thật ngắn như sau:
(1). Gặp đề nào mà vấn đề đó ta nhìn thấy, quan sát thấy được thì đó là hiện tượng đời sống. (Ví dụ vấn đề ô nhiệm môi trường, hút thuốc, game, bạo lực, hôi của…đó là những hiện tượng ta nhìn thấy được)
(2). Vấn đề nào mà ta không nhìn thấy được mà phải soi vào vào bên trong, tức là vô hình, nó tồn tại trong ý nghĩ, trong tư tưởng thì đó là tư tưởng đạo lí.(Ví dụ: Biết ơn, tự hào dân tộc, uống nước nhớ nguồn, bất hiếu, hiếu thảo…tất nhiên những tư tưởng này nó phải biểu hiện bên ngoài song trước hết nó được tồn tại trong ý nghĩ, trong trái tim, khối óc của mỗi người)
DÀN Ý CHUNG a. Mở bài: - Dẫn dắt vào đề (…) - Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề xã hội mà tác phẩm nêu ở đề bài đặt ra (…) - Trích dẫn câu thơ, câu văn hoặc đoạn văn, đoạn thơ nếu đề bài có nêu ra (…) b. Thân bài: * Phần Giải thích và rút ra vấn đề xã hội đã được đặt ra từ tác phẩm (…) Lưu ý: Phần này chỉ giải thích, phân tích một cách khái quát và cuối cùng phải chốt lại thành một luận đề ngắn gọn. * Phần trọng tâm: Thực hiện trình tự các thao tác nghị luận tương tự như ở bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí hoặc nghị luận về hiện tượng đời sống như đã nêu ở trên (…) Lưu ý: Khi từ “phần giải thích” chuyển sang “phần trọng tâm” cần phải có những câu văn “chuyển ý” thật ấn tượng và phù hợp để bài làm được logic, mạch lạc, chặt chẽ. c. Kết bài - Khẳng định chung về ý nghĩa xã hội mà tác phẩm văn học đã nêu ra (…) - Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người (…)
SƠ ĐỒ HÓA DÀN Ý NGHỊ LUẬN VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ
Bố cục
Nội dung
Thao tác chủ yếu
Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề.
- Nêu vấn đề.
- Nêu thao tác nghị luận và phạm vi tư liêụ
Thân bài
-Ý 1: Giải thích về tư tưởng đaọ lí được nêu trong luận đề (Trả lời câu hỏi:Hiểu như thế nào? Câu nói có ý nghĩa như thế nào?Ý kiến thể hiện quan niệm gì?...) -Ý 2:Bàn luận về các khía cạnh, các biểu hiện của tư tưởng đạo lí - dùng các d/c làm sáng tỏ từng khía cạnh, biểu hiện của vấn đề (- đặt câu hỏi :Vấn đề được biểu hiện như thế nào?Ở đâu? Bao giờ?Tại sao?Có thể lấy dẫn chứng nào làm sáng tỏ?...) -Ý 3: Khẳng định mặt đúng, ý nghĩa tích cực của quan niệm, tư tưởng - Phê phán những biểu hiện lệch lạc trên quan điểm đúng của vấn đề.(tại sao đúng, tại sao sai, đúng chỗ nào, sai chỗ nào?Những biểu hiện lệch lạc, sai trái? Nhìn vấn đề ở góc nhìn thời đại..)
-Ý 3: Rút ra bài học cho bản thân (ý nghĩa về mặt nhận thức,
-Hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với tâm hồn, lối sống của bản thân?Ý nghĩa vềphương hướng hành động -Phải làm gì?...)
- Giải thích
- Phân tích.
- Chứng minh
- Bình luận.
Kết bài
- Khẳng định ý kiến bản thân về vấn đề đó. - Ý nghiã vấn đề đối với con người, cuộc sống.
SƠ ĐỒ HÓA DÀN Ý NGHỊ LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
Bố cục
Nôị dung
Thao tác chủ yếu
Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề - Nêu vấn đề ( trích dẫn) - Nêu thao tác nghị luận và phạm vi tư liêụ
Thân bài
-Ý 1: Nêu thực trạng của hiện tượng (có thể dẫn chứng bằng thực tế, hay con số, số liệu, sự kiện…) -Ý 2: Nguyên nhân, tác động, ảnh hưởng của hiện tượng. -Ý 3: Giải pháp cho hiện tượng. -Ý 4: Bình luận về hiện tượng - Rút ra bài học nhận thức hành động cho bản thân.
- Chứng minh - Phân tích - Bình luận
Kết bài
- Khẳng định ý kiến bản thân về hiện tượng đó. - Ý nghiã vấn đề đối với con ngươì, cuộc sống.
V. ĐỀ MINH HỌA Đề 1. Suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục? DÀN Ý THAM KHẢO I. Giải thích -“ Tiêu cực trong thi cử” : Là những hành vi gian lận trong thi cử như: thí sinh mang những tài liệu hoặc những thiết bị không được cho phép vào phòng thi - “ Bệnh thành tích trong giáo dục”: là hiện tượng chạy theo những danh hiệu thi đua của giáo viên, học sinh, các lớp, các trường và các phòng ban thuộc ngành giáo dục…. gây nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng khả năng và trình độ. II. Nguyên nhân và hậu quả của bệnh thành tích Ý 1: Nguyên nhân: - Học sinh học kém nhưng vẫn mong có tiếng là" học giỏi" - Thầy cô muốn có tiếng tăm là "thầy giỏi" - Nhà trường, các phòng ban muốn có thành tích nhưng không có thực lực. => căn bệnh " thành tích" xuất hiên nhằm đáp ứng nhu cầu đó Ý 2: Hậu quả của căn bệnh thành tích - Đây là hiện tượng xấu để lại hậu quả nghiêm trọng cho ngành Giáo dục: + Đối với học sinh: tạo tâm lí học sinh ỷ laị, không phát huy được năng lực học tập, không có động lực học, không tiếp thu đựơc tri thức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy- học + Đối với giáo viên: đánh mất lương tâm nghề nghiệp; không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học. + Đối với ngành giáo dục: nền giáo dục trì trệ, chậm phát triển III. Giải pháp chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục: - Tất cả cần nhận thức đây là việc cần thiết làm mang lại lợi ích cho ngành giáo dục, tạo kỉ cương trong môi trường sư phạm. - Đối với học sinh: phát huy năng lực học tập, bỏ đi tính ỷ lại, học sinh không còn tình trạng “chọi nhau” trong các kì thi tập trung1 - Đối với giáo viên: sẽ không còn những việc làm không đúng với lương tâm, cố gắng tìm tòi phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh. - Phê phán những hành vi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. IV. Bài học: - Rút ra bài học cho bản thân và kêu gọi mọi người nói không với bệnh "thành tích". Tương lai do mình quyết định, hãy sống như thế nào để không hổ thẹn với mình với những thành quả mình đạt được trong học tập. - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM, xứng đáng với lơì Bác" Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc VN có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quôc năm châu được hay không đó là nhờ phần lớn công học tập của các cháu" hãy quyết tâm đẩy lùi căn bệnh "thành tích"...
ĐỀ 2: Trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn”. DÀN Ý THAM KHẢO 1. Giải thích câu nói: - Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được. - Có người đã ví: “Ước mơ giống như ngọn hải đăng, chúng ta là những con thuyền giữa biển khơi bao la, ngọn hải đăng thắp sáng giúp cho con thuyền của chúng ta đi được tới bờ mà không bị mất phương hướng”. Sự ví von quả thật chí lí, giúp người ta hiểu rõ, hiểu đúng hơn về ước mơ của mình. - Ước mơ đủ lớn: là ước mơ khởi đầu từ điều nhỏ bé, trải qua một quá trình nuôi dưỡng, phấn đấu, vượt những khó khăn trở ngại để trở thành hiện thực. - Câu nói: đề cập đến ước mơ của mỗi con người trong cuộc sống. Bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, ước mơ của mỗi người sẽ “đủ lớn”, trở thành hiện thực. 2. Phân tích, chứng minh : Có phải “Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn”? Ý 1: Ước mơ của mỗi người trong cuộc đời cũng thật phong phú. - Có những ước mơ nhỏ bé, bình dị, có những ước mơ lớn lao, cao cả… - Có ước mơ vụt đến rồi vụt đi; ước mơ luôn đồng hành cùng đời người; ước mơ là vô tận. - Thật tẻ nhạt, vô nghĩa khi cuộc đời không có những ước mơ. Ý 2: Ước mơ cũng như một cái cây- phải được ươm mầm rồi trưởng thành. - Một cây sồi cổ thụ cũng phải bắt đầu từ một hạt giống được gieo và nảy mầm rồi dần lớn lên. Như vậy, ước mơ đủ lớn nghĩa là ước mơ bắt đầu từ những điều nhỏ bé và được nuôi dưỡng dần lên. - Nhưng để ước mơ lớn lên, trưởng thành thì không dễ dàng mà có được. Nó phải trải qua bao bước thăng trầm, thậm chí phải nếm mùi cay đắng, thất bại. Nếu con người vượt qua được những thử thách, trở ngại, kiên trung với ước mơ, khát vọng, lí tưởng của mình thì sẽ đạt được điều mình mong muốn. * Dẫn chứng: + Ước mơ của chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân mình. Trải qua bao gian khổ khó khăn và hi sinh, Người đã theo đuổi đến cùng điều mình mơ ước ước mơ đó đã trở thành hiện thực. + Nhiều nhà tư tưởng lớn, những nhà khoa học cho đến những người bình dân, thậm chí những thân thể khuyết tật… vẫn vươn tới, đạp bằng mọi khó khăn, cản trở trong cuộc sống để đạt được mơ ước của mình Ý 3: Nhưng cũng có những ước mơ thật nhỏ bé, bình dị thôi mà cũng không dễ đạt được: - Những em bé bị mù, những em bé tật nguyền do chất độc da cam, những em bé mắc bệnh hiểm nghèo… vẫn hằng ấp ủ những mơ ước, hi vọng. - Nhưng cái chính là họ không bao giờ để cho ước mơ của mình lụi tàn hoặc mất đi. Ý 4: Ước mơ không đến với những con người sống không lí tưởng, thiếu ý chí, nghị lực, lười biếng, ăn bám… 3. Đánh giá - mở rộng: - Lời bài hát “Ước mơ” cũng là lời nhắc nhở chúng ta: “Mỗi người một ước mơ, nhỏ bé mà lớn lao trong cuộc đời, ước mơ có thể thành, có thể không…”. Thật đúng vậy, mỗi một con người tồn tại trên cõi đời này phải có riêng cho mình ước mơ, hi vọng, lí tưởng, mục đích sống của đời mình. - Phê phán: Ước mơ có thể thành, có thể không như ta phải biết giữ lòng tin với những ước mơ của mình . Nếu sợ ước mơ bị thất bại mà không dám ước mơ, hay không đủ ý chí, nghị lực mà nuôi dưỡng ước mơ “đủ lớn” thì thật đáng tiếc, đáng phê phán. Cuộc đời sẽ chẳng đạt được điều gì mình mong muốn và sống như thế thật tẻ nhạt, vô nghĩa. 4. Bài học: * Nhận thức: Nếu cuộc đời là chiếc thuyền thì ước mơ là ngọn hải đăng. Thuyền dẫu gặp nhiều phong ba, ngọn hải đăng sẽ là niềm tin, ánh sáng chỉ phương hướng cho thuyền. Mất ngọn hải đăng, con thuyền biết đi đâu về đâu? Vì thế, hai chữ “ước mơ” thật đẹp, thật lớn lao. * Hành động: - Mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ, hi vọng. Nếu ai đó sống không có ước mơ, khát vọng thì cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa biết nhường nào! - Phải không ngừng học tập, rèn ý chí, trau dồi kĩ năng sống để biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực.