Bắc Giang không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên trong lành, công trình kiến trúc cổ kính, mà ẩm thực nơi đây còn cuốn hút thực khách với các đặc sản độc đáo, không phải ai cũng biết. Cùng iVIVU điểm danh 9 món đặc sản Bắc Giang xứng đáng để thưởng thức qua hay mua về làm quà.
Top 13 đặc sản Bắc Giang xứng đáng để thưởng thức qua
1. Vải thiều Lục Ngạn
Nhắc đến đặc sản Bắc Giang chắc chắn bạn không thể bỏ qua vải thiều Lục Ngạn. Vải thiều tại đây có hương vị thơm ngon đặc biệt. Vỏ mỏng, cùi dày khiến cho bạn ăn hoài ăn mãi không chán. Nếu đến Bắc Giang không trùng mùa vải, du khách có thể mua và thưởng thức đặc sản vải sấy khô với hương vị đặc trưng nguyên vẹn. Vải thiều Lục Ngạn là gợi ý lý tưởng mua về làm quà cho bạn bè và người thân của bạn sau mỗi chuyến đi Bắc Giang.
Cam Bố Hạ là loại cam sành, đặc sản nức tiếng của Bắc Giang, thường được mua để làm quà tặng, quà biếu vào đúng dịp gần Tết Nguyên đán. Cam có vị ngọt, thơm và rất mọng nước. Loại cam này được trồng rất nhiều ở Bắc Giang, cứ đến tháng mười hai âm lịch hằng năm, rất nhiều người, nhiều thương nhân, lái buôn đã đổ về khắp chợ Bố Hạ để thu mua loại cam này. Mua hết tất cả những loại cam, quýt đạt chuẩn để mang ra khắp các tỉnh thành.
3. Dứa Lục Nam
Dứa Lục Nam là đặc sản Bắc Giang nổi tiếng cùng với quả na Lục Nam. Được định hướng trở thành “thủ phủ” trái cây miền Bắc nên dứa Lục Nam, Bắc Giang có thể chiều lòng những thực khách khó tính nhất. Dứa nơi đây có hình dáng rất đẹp, màu vàng tươi, quả to và ăn vô cùng thơm, ngọt nước. Bằng những phương pháp kỹ thuật và chăm sóc chu đáo, sản lượng cũng như chất lượng quả dứa nơi đây cũng ngày càng được nâng cao.
4. Gà đồi Yên Thế
Gà đồi Yên Thế là một trong những đặc sản nức tiếng của Bắc Giang. Đặc điểm của giống gà đồi Yên Thế là gà ta, được nuôi thả tự do trên đồi. Gà ta thường ăn thức ăn là gạo, ngô nên loài gà này sở hữu thịt chắc và ngọt chứ không nhão như gà công nghiệp. Món gà đồi ngon nhất chỉ khi luộc chín tới, thịt gà còn chắc để chấm với muối trộn lá chanh, còn nước luộc ngọt dùng để ăn kèm với cơm.
5. Mì chũ
Nói tới mì chũ, sẽ không ở đâu có thể có và ngon như ở Bắc Giang. Mì chũ được làm từ gạo bao thai hồng - giống lúa được canh tác trên đất đồi Chũ, cùng bí quyết sản xuất lâu đời nên sợi mì chũ dẻo, mịn và không bị nát khi nấu. Mì chũ được tráng mỏng, cắt thành sợi như bánh phở, phơi khô và buộc thành từng bó nhỏ, thường được sử dụng như mì ăn liền, có lẽ cách ăn ngon nhất với mì chũ là dùng nấu lẩu.
6. Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Thổ Hà được người dân xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) sản xuất từ năm 1990 và đến nay đã trở thành đặc sản nức tiếng gần xa. Bánh đa nướng Thổ Hà mềm dai, không tẩy trắng bằng hóa chất, có hai loại: bánh đa dừa và bánh đa nem. Cả 2 loại đều được làm từ nguyên liệu tuyển chọn nên có hương vị thơm ngon, hấp dẫn riêng biệt.
7. Gỏi cá mè Hiệp Hòa
Gỏi cá mè chỉ dùng cho những ngày đặc biệt. Bởi đây không phải là món ăn hằng ngày và cũng không thường xuyên được nhiều người ăn do công đoạn chế biến cầu kỳ. Nghe tên món ăn có vẻ dân dã nhưng nó đã có mặt trong “Top 10 món ăn đạt kỷ lục Guiness ẩm thực Việt Nam 2012”, xứng đáng là lựa chọn không thể bỏ qua khi đến Bắc Giang.
8. Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến là món ăn độc đáo của người Tày ở Lục Ngạn. Thay vì nấu cùng các loại như gấc, đỗ thì nhiều người dân nơi đây nấu cùng trứng của loài kiến đen. Vào tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, người dân Lục Ngạn thường đi “săn” trứng kiến, đây cũng là dịp để khách du lịch Bắc Giang có thể thưởng thức vị bùi béo của món xôi đặc biệt này.
9. Bánh đúc Đồng Quan
Nếu có dịp đến Đồng Quan (xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang), bạn đừng bỏ qua món bánh đúc của chính người dân nơi đây làm ra. Món bánh với hương vị dân dã thôn quê nhưng luôn để lại ấn tượng trong lòng khách phương xa. Miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc hồng béo bùi. Bánh đúc có thể kết hợp ăn với nhiều thứ, từ mật đến riêu cua, mắm tôm… nhưng hợp nhất và ngon nhất có lẽ là khi ăn cùng tương bần.
10. Chè kho Mỹ Độ
Chè kho Mỹ Độ còn có tên gọi khác là chè đỗ đãi Mỹ Độ, một trong những món ăn truyền thống của người dân phường Mỹ Độ, phía Tây thành phố Bắc Giang. Chè có màu vàng hơi sậm - màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt chè. Chè kho hấp dẫn khẩu vị thực khách bởi vị thanh ngọt của đậu xanh, xen chút bùi béo của vừng rang. Chè kho để càng nguội, ăn càng ngon. Người ta thường thưởng thức món chè này cùng trà sen thơm thoang thoảng.
11. Bánh vắt vai
Đây là món ăn độc đáo của người dân Sán Dìu vùng Lục Ngạn. Nguyên liệu làm bánh vắt vai có gạo nếp, đường, đậu xanh, lá chuối, rau ngải cứu… Gạo nếp được nghiền nhỏ bằng cối xay đá, lá ngải cứu luộc lẫn trong nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng, sau đó nghiền nhỏ trộn cùng bột nếp. Sau khi nặn bánh và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai giờ đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.
12. Nham cá
Nham cá là món ăn còn khá xa lạ với những thực khách chưa một lần ghé thăm Bắc Giang. Nguyên liệu làm nham cá rất đơn giản gồm trám đen, thịt ba chỉ, cá chép, rau thơm, khế chua, lạc rang, rau húng… Tất cả được đem sơ chế và trộn đều với nhau, rắc thêm lên trên một chút lạc rang thơm đã được giã nhỏ. Món nham cá ngon, đặc biệt nhờ hương vị của quả trám thơm, bùi, ngậy và có thể ăn kèm với tương bần. Nếu đến Bắc Giang, bạn có thể thử món này trong các nhà hàng ở huyện Hiệp Hòa hoặc ở các khu chợ quê.
13. Bánh đa Kế
Bánh đa được người dân làng Kế (thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang ngày nay) làm ra với hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu. Bánh đa Kế chính là một trong những món ăn đậm chất thôn quê vùng Bắc Bộ. Nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế không thể thiếu là gạo cùng các nguyên liệu khác như vừng, lạc… được lựa chọn cầu kỳ. Gạo để làm bánh đa phải là gạo ngon, được chọn lựa rất kỹ lưỡng, được ngâm và xay nhuyễn thành bột. Bánh đa được tráng mỏng hình tròn, phía trên có rắc mè đen hoặc mè trắng trông rất hấp dẫn.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Đồi dứa Bắc Giang vào mùa chín vàng, đẹp thơ mộng
Hướng dẫn di chuyển đến Tây Yên Tử - Bắc Giang
Cánh đồng 3 hecta hoa hướng dương nở rộ ở Bắc Giang