1. Tìm hiểu về giống hoa đậu biếc
Đậu biếc có tên tiếng Anh là Clitoria ternatea L., hay bông biếc, đậu hoa tím là một loài thực vật thân thảo, dây leo sống nhiều năm. Hoa của cây có màu xanh lam đậm, xanh tím hoặc màu trắng nhưng thường gặp nhất là màu xanh tím đặc trưng. Sở dĩ chúng khoác trên mình màu sắc bắt mắt như vậy là nhờ thành phần anthocyanins - một loại sắc tố có khả năng chống lại oxy hóa và được tìm thấy trong nhiều loại rau củ, trái cây có màu sắc tương tự như vậy. Chất anthocyanins ngoài việc khiến cho hoa đậu biếc có màu xanh tím còn có những dược tính nhất định.
Hoa đậu biếc trong tự nhiên
Theo Đông y, tác dụng của hoa đậu biếc khá đa dạng, trong đó phải kể đến khả năng giúp lợi tiểu, kiểm soát mồ hôi, giải độc và nhờ đó làn da trở nên căng bóng, mềm mịn hơn. Hoa đậu biếc khi được chế biến làm trà sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
Khi làm trà hoa đậu biếc, người ta sẽ đem phơi cho đến khi hoa khô lại, sau đó ủ hoa khô cùng nước sôi. Sau khi pha nước trà có thể chuyển thành màu tím, đỏ hoặc xanh lá cây phụ thuộc vào độ pH có trong trà.
2. Tác dụng hoa đậu biếc đối với sức khỏe con người
Hoa đậu biếc có những công dụng hữu ích sau đây:
2.1. Tác dụng hoa đậu biếc - giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa trong hoa đậu biếc giúp loại bỏ các gốc tự do. Có thể bạn chưa biết, nếu trong cơ thể tích tụ quá nhiều gốc tự do sẽ gây ra stress oxy hóa, thúc đẩy sự hình thành của một số loại bệnh lý.
Như đã phân tích trước đó, trong hoa đậu biếc chưa một lượng lớn “chất nhuộm màu tự nhiên" tên là anthocyanins hay delphinidin giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Delphinidin đã được chứng minh là có khả năng chống lại quá trình peroxy hóa lipid. Đây là quá trình khiến màng tế bào bị phá hủy, làm tăng tốc độ lão hóa của cơ thể và góp phần hình thành nên hợp chất malondialdehyde gây ung thư.
Hoa đậu biếc phơi khô và đun làm trà uống đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
Nếu một người đang bị thừa cân, béo phì hãy nên thử uống trà hoa đậu biếc sau những bữa ăn giàu chất béo. Điều này giúp duy trì hàm lượng enzyme Glutathione peroxidase cao trong cơ thể và đây là loại enzyme có tác dụng giảm quá trình peroxy hóa lipid nêu trên.
2.2. Hoa đậu biếc giúp hạn chế nguy cơ bị tiểu đường
Chất Anthocyanins có trong hoa đậu biếc giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách ức chế hoạt động của các loại enzyme tiêu hóa carbohydrate như alpha-amylase tuyến tụy, alpha-glucosidase ruột và sucrase ruột. Điều này giúp quá trình tiêu hóa và khả năng hấp thụ đường chậm lại, làm giảm đáng kể lượng insulin và lượng đường trong máu.
Khi lượng insulin trong máu giảm cũng sẽ làm giảm nguy cơ kháng insulin, hạn chế nguy cơ béo phì, rối loạn chức năng mạch máu và hội chứng chuyển hóa.
2.3. Tác dụng hoa đậu biếc - cải thiện bệnh lý tim mạch
Các chất chứa trong loài hoa đậu biếc có tác dụng kiểm soát huyết áp và hàm lượng cholesterol trong cơ thể người bệnh. Nghiên cứu tiến hành trên động vật đã chỉ ra rằng chiết xuất của hoa đậu biếc giúp hạ huyết áp nhờ đặc tính làm thông thoáng lòng mạch máu để tăng cường dòng chảy lưu thông.
Người ta có thể dùng hoa đậu biếc để làm bột màu thực phẩm rất an toàn
Thêm vào đó, một công dụng tuyệt vời khác không thể bỏ qua của hoa đậu biếc đó là ngăn cản sự hình thành huyết khối - một trong những yếu tố nguy hiểm dẫn tới đột quỵ. Đặc biệt nếu duy trì thói quen uống trà hoa đậu biếc sau bữa ăn giàu chất béo sẽ giúp ức chế sự hình thành tế bào mỡ và chất béo trung tính. Để giải thích cho “năng lực” thần kỳ này, các nhà khoa học cho rằng chất chống oxy hóa trong hoa có khả năng ức chế hoạt động của enzyme lipase tuyến tụy - một loại enzyme giúp giải phóng chất béo trong thức ăn.
2.4. Những lợi ích khác của hoa đậu biếc
Việc sử dụng hoa đậu biếc có thể đem lại những lợi ích khác như sau:
-
Khả năng chống nấm và kháng khuẩn: hoa đậu biếc chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa giúp phát huy tác dụng kháng nấm (trong đó có bào tử nấm Penicillium expansum) và chống lại vi khuẩn gây bệnh (ví dụ như S. aureus và S. mutans);
-
Làm chất tạo màu an toàn và lành tính cho thực phẩm: màu xanh lam, xanh tím đặc trưng của hoa đậu biếc khi được thêm vào công đoạn chế biến thực phẩm không những cho ra thành phẩm có màu sắc rất bắt mắt mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe;
-
Có thể uống thay các loại trà chứa caffeine: trà hoa đậu biếc có thành phần không giống như lá trà xanh chứa caffeine nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm dùng trà hoa đậu biếc mà không lo mất ngủ.
Trân châu hoa đậu biếc - món ăn mê hoặc giới trẻ trong thời gian gần đây
3. Trước khi dùng hoa đậu biếc nên lưu ý điều gì?
Tuy rằng hoa đậu biếc chứa nhiều công dụng tuyệt vời rất tốt cho sức khỏe con người nhưng nếu dùng không đúng cách có thể dẫn tới những tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy, buồn nôn,... Do đó, nếu bạn thuộc những đối tượng sau đây nên cẩn trọng khi sử dụng hoa đậu biếc:
-
Người có hệ tiêu hóa nhạy cảm;
-
Người có tiền sử dị ứng với nhiều chất lạ;
-
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi dùng hoa đậu biếc làm thực phẩm;
-
Khi uống trà hoa đậu biếc, nhất là trong lần sử dụng đầu tiên nên nhâm nhi từ từ vừa để cảm nhận hương vị vừa để phát hiện kịp thời những phản ứng bất thường của cơ thể do trà gây nên;
-
Nếu đang phải dùng thuốc để điều trị bệnh, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng hoa đậu biếc vì có thể xảy ra phản ứng tương tác giữa thành phần của hoa và các loại thuốc mà bạn đang sử dụng;
-
Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc đang chuẩn bị thực hiện phẫu thuật,... cần hết sức thận trọng khi dùng hoa đậu biếc;
-
Bban đầu nên sử dụng hoa với liều vừa phải. Nếu uống trà thì nên bắt đầu từ 1 - 2 ly (khoảng 5 - 10 bông, tương đương 1 - 2g hoa khô/ngày).
Một số món ăn khác làm từ hoa đậu biếc
Trên đây là những thông tin cơ bản về tác dụng hoa đậu biếc và một số lưu ý khi dùng hoa làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm và đồ uống hàng ngày. Hy vọng bạn đã có cho mình những kiến thức hữu ích và sử dụng hoa đậu biếc đúng cách.