1. Vì sao vùng da bị bỏng dễ hình thành sẹo?
Da bị tổn thương do bỏng rất dễ để lại sẹo
Sở dĩ sau khi bị bỏng trên da sẽ có vết sẹo là bởi nó là kết quả của tình trạng tổn thương và chết đi của tế bào da. Sau quá trình ấy, da bắt buộc phải sinh ra một loại protein dạng sợi để tự hồi phục mang tên là collagen. Kết thúc quá trình, da sẽ lành lại và vùng da bị tổn thương sẽ bị đổi màu hoặc biến dạng, đó chính là sẹo.
Tùy thuộc vào mức độ sâu của vết bỏng ở da mà sẹo có thể chỉ tồn tại tạm thời hoặc cũng có thể vĩnh viễn. Cũng chính điều này gây nên sự khác nhau giữa vết sẹo trên vùng da bị bỏng ở mỗi người:
- Bị bỏng mức độ 1: chủ yếu liên quan tới lớp biểu bì bị tổn thương khu trú phía trên bề mặt da nên sẽ tạo thành vết mẩn đỏ, bị viêm và đau.
- Bị bỏng mức độ 2: cả hai lớp da đầu tiên đều bị tổn thương nên da sẽ đỏ lên, viêm và đau nhiều.
- Bị bỏng ở mức độ 3: toàn bộ lớp da bị tổn thương, vết thương có thể xâm nhập xuyên qua da vào trong các mô và cấu trúc cơ ở dưới. Khi da lành trở lại, sẹo bỏng hình thành có thể cản trở cử động của khớp.
Thường thì sẹo bỏng sẽ gồm có các loại sau:
- Sẹo phì đại: màu tím hoặc đỏ, nổi lên trên bề mặt của da, gây ngứa.
- Sẹo co kéo: gây căng cơ và da, có thể co rút gân khớp gây khó khăn khi di chuyển.
- Sẹo lồi: sẹo to và nhô lên trên bề mặt da, bóng, không có lông bên trên bề mặt sẹo.
2. Ba cách trị bỏng không để lại sẹo bằng nguyên liệu dễ kiếm ở nhà
2.1. Quy trình chung cần nhớ khi sơ cứu vết bỏng
Dù muốn áp dụng cách trị bỏng không để lại sẹo nào thì trước tiên chúng ta cũng cần ghi nhớ quy trình sơ cứu vết bỏng với các bước sau:
Xả nước mát vào vùng da bị bỏng giúp việc trị bỏng sau đó đạt hiệu quả tốt hơn
- Loại bỏ tất cả các loại vật dụng có thể làm chít hẹp vùng da bị bỏng như vòng, nhẫn, dây lưng, ủng,...
- Loại bỏ tác nhân gây bỏng rồi đưa nạn nhân tránh xa ngay nơi có tác nhân đó.
- Cắt bỏ toàn bộ phần quần áo đang che bề mặt vết bỏng, tuyệt đối không cởi bỏ vì nó dễ gây lột da ở vùng bị bỏng.
- Không được dùng nước mắm hay xát củ chuối lên trên vết bỏng vì rất dễ dẫn đến nhiễm trùng khiến cho việc trị bỏng về sau gặp phải nhiều khó khăn.
- Không dùng kem đánh răng bôi lên vết bỏng vì nó có chứa kiềm dễ khiến cho người bị bỏng có cảm giác đau đớn hơn.
- Lấy nước mát khoảng 16 - 20 độ C để làm mát vùng da bị bỏng trong 15 - 45 phút hoặc đến khi hết cảm giác đau. Cách tốt nhất là đem vùng da bị bỏng xả ngay dưới vòi nước mát.
- Dùng băng gạc vô trùng che phủ tạm thời vùng da bị bỏng rồi đưa ngay đến bệnh viện nếu vết bỏng rộng và sâu.
- Giảm đau bằng thuốc giảm đau thông thường.
- Nếu bỏng do điện giật cần phải sơ cứu tại chỗ ngay lập tức bằng cách cho nạn nhân nằm xuống nền đất cứng rồi tiến hành hô hấp nhân tạo đến khi nạn nhân thở trở lại được rồi lập tức đưa họ đến cơ sở y tế.
2.2. Các cách trị bỏng không để lại sẹo bằng nguyên liệu tự nhiên
- Trị bỏng không để lại sẹo bằng lá bỏng
Dùng lá bỏng để trị bỏng được rất nhiều người thực hiện bởi tính dễ kiếm của nguyên liệu. Cách trị bỏng không để lại sẹo bằng lá bỏng thực hiện như sau: lấy 2 - 3 lá bỏng tươi đem rửa thật sạch rồi giã nát lá bỏng ra, đắp trực tiếp lên trên vết bỏng và để yên 30 phút sau đó dùng nước lạnh rửa lại cho sạch. Cần phải duy trì thực hiện theo cách này hàng ngày, liên tục trong một tuần thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Dùng lá bỏng đắp lên da là cách trị bỏng không để lại sẹo rất dễ thực hiện
- Trị bỏng không để lại sẹo bằng củ nghệ tươi
Dùng củ nghệ tươi trị bỏng là một mẹo được lưu truyền từ rất lâu trong dân gian bởi vừa lành vừa dễ. Cách trị bỏng không để lại sẹo bằng nghệ tươi rất đơn giản là: lấy 1 nhánh củ nghệ tươi đem rửa sạch và gọt vỏ đi sau đó giã nát và đắp lên trên vết bỏng. Cứ làm như vậy mỗi ngày cho tới khi vùng da bị bỏng kéo da non là được.
- Trị bỏng bằng mật ong không để lại sẹo
Bản thân mật ong đã có khả năng kháng khuẩn, chữa lành vết thương rất tốt. Không những thế, nguyên liệu này hầu như nhà nào cũng có nên càng được nhiều người ưa chuộng.
Muốn trị bỏng không để lại sẹo bằng mật ong bạn chỉ cần lấy một thìa cà phê mật ong bôi lên vùng da bị bỏng mới lành lại rồi nhẹ nhàng massage khoảng 5 phút sau đó để yên 20 phút và dùng nước ấm rửa lại. Duy trì cách làm này mỗi ngày 2 - 3 lần, dần dần bạn sẽ thấy bất ngờ.
Những cách trị bỏng không để lại sẹo trên đây tuy rất dễ thực hiện nhưng không phải ai cũng làm được vì nó đòi hỏi sự kiên trì rất cao và chỉ nên áp dụng khi bị bỏng ở mức độ nhẹ và phạm vi hẹp. Nếu vết bỏng có bóng nước lớn, mẩn đỏ, chảy máu hay dịch,... thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách.
Trong cuộc sống hàng ngày, vì nhiều nguyên do khác nhau mà hầu hết chúng ta rất khó tránh khỏi bị bỏng. Biết cách trị bỏng không để lại sẹo, cách sơ cứu vết thương sẽ giúp hạn chế tối đa tổn thương da do bỏng gây ra. Việc làm này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có được kiến thức đúng thì mới đạt được mục đích như chúng ta mong muốn. Ngoài các cách này, nếu muốn ngăn chặn hình thành sẹo do bỏng hiệu quả và nhanh chóng hơn thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để có được tư vấn phù hợp.