Mụn nội tiết thường ảnh hưởng đến người trưởng thành hoặc giai đoạn dậy thì (1). Mụn ở cằm có liên quan đến việc cơ thể tiết ra quá nhiều bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến nổi mụn. Vậy mụn nội tiết ở cằm là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị để ngăn mụn hình thành trong tương lai ra sao?
Mụn nội tiết ở cằm là gì?
Mụn nội tiết ở cằm là do rối loạn nồng độ nội tiết tốtrong độ tuổi dậy thì hoặc giai đoạn trưởng thành, thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng có thể bị nổi mụn ở cằm. Trường hợp nổi mụn ít có thể điều trị tại nhà bằng cách chăm sóc da và sử dụng các sản phẩm trị mụn không cần kê đơn. Với những trường hợp nổi mụn nghiêm trọng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da trước khi sử dụng các sản phẩm kê theo toa hoặc thử những phương pháp điều trị chuyên sâu. (2)
Nguyên nhân nổi mụn dưới cằm
Có nhiều nguyên nhân khiến mụn mọc ở cằm:
1. Rối loạn nội tiết tố
- Thời kỳ dậy thì cơ thể có sự thay đổi rõ nét về hormone sinh trưởng. Thời điểm này khiến da tiết dầu nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tích tụ và hình thành mụn.
- Từ 20 - 29 tuổi là giai đoạn mụn do nội tiết tố phát triển nhiều nhất.
- Từ 40 - 49 tuổi, tỷ lệ bị mụn nội tiết sẽ giảm một nửa so với trước đó.
- Vào thời điểm có kinh hay mang thai, nồng độ hormone tăng giảm thất thường cũng có thể là nguyên nhân khiến mụn ở cằm trỗi dậy. Mụn hình thành trong chu kỳ kinh nguyệt có thể tự biến mất nhưng cũng có thể để lại hậu quả khôn lường cho da.
2. Do rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ cũng là nguyên nhân gây mụn ở cằm. Mất ngủ hoặc thiếu ngủ làm cơ thể giải phóng hormone cortisol - loại hormone khiến da giảm tổng hợp collagen. Dần dần, thói quen này phá vỡ sự điều tiết của da khiến da trở nên thiếu sức sống và nổi mụn. Thiếu ngủ không chỉ khiến cho mụn bùng phát mà da còn sần sùi, sẫm màu, dễ bị sạm nám và cháy nắng hơn.
3. Sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Đây là hoạt chất có tác dụng làm thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ và khiến cơ thể lầm tưởng đang mang thai. Từ đó ngừng kích thích rụng trứng và làm chậm chu kỳ kinh nguyệt. Điều này rất tốt cho việc tránh thai, tuy nhiên sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên cũng có thể là nguyên nhân gây ra mụn do nội tiết tố. Thậm chí, một số người còn nổi mụn bọc, hình thành u nang ở cằm, má, mưng mủ và tạo thành ổ viêm nhiễm nặng…
4. Do đắp mặt nạ không đúng cách
Sau khi đắp mặt nạ, da dễ bí bách do ứ trệ không khí. Da cũng giữ lại lượng dầu và mồ hôi tiết ra, hình thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo ra mụn trên cằm.
Dấu hiệu nhận biết mụn ở cằm
Mụn ở cằm gây ra các tổn thương làm da viêm, đỏ, đau hoặc tụ mủ. Chúng có thể xuất hiện dưới dạng các loại tổn thương sau:
- Mụn đầu trắng.
- Mụn đầu đen.
- Sẩn (vùng mô da nhô lên có đường kính 2-5 mm).
- Mụn mủ (có đường kính 2-5 mm).
- U nang (túi chứa dịch tiết dưới da).
Cách điều trị mụn ở cằm
Có rất nhiều cách để điều trị mụn ở cằm. Không hẳn tất cả các phương pháp điều trị đều có cùng công hiệu với tất cả mọi người nhưng hầu hết các phương pháp điều trị mụn phải có sự nỗ lực và kiên trì. (3)
1. Trị mụn ở cằm với kem trị mụn
Trường hợp mụn nhỏ hoặc mụn mủ nhẹ có thể được điều trị bằng kem trị mụn tại chỗ giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da, giảm dầu và làm thông thoáng lỗ chân lông. Kem trị mụn kê theo toa có thể chứa retinoids, benzoyl peroxide hoặc kháng sinh. Các sản phẩm có chứa benzoyl peroxide hoặc axit salicylic thường làm khô mụn trong vài ngày hoặc vài tuần.
2. Sử dụng thuốc uống
Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu vì nếu dùng thuốc sai công dụng sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc đường uống dùng để điều trị mụn nội tiết:
- Thuốc kháng sinh: giúp giảm vi khuẩn trên da.
- Thuốc điều chỉnh hormone: có thể dùng điều chỉnh các hormone gây mụn trứng cá.
- Isotretinoin: thuốc được dùng để điều trị mụn trứng cá nghiêm trọng khi các phương pháp trị liệu khác không hiệu quả.
3. Sử dụng liệu trình trị mụn cằm chuyên sâu
Trường hợp mụn ở cằm cứng đầu hơn cần có sự trợ giúp của bác sĩ da liễu. Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của mụn mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều cách điều trị sau:
- Liệu pháp quang học (Laser): Liệu pháp laser có thể làm giảm số lượng vi khuẩn gây mụn trứng cá trên da.
- Thay da sinh học (Chemical peels): phương pháp này giúp lấy đi lớp tế bào chết, giảm tình trạng bít tắc lỗ chân lông, giảm số lượng vi khuẩn trên da, từ đó cải thiện tình trạng mụn.
- Lấy nhân mụn (Extraction): Một u nang hoặc nốt mụn lớn phải được lấy ra bởi nhân viên y tếđược đào tạo chuyên nghiệp.
>>>Xem thêm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị mụn nội tiết ở má
Những lưu ý khi trị mụn nội tiết ở cằm
Sau đây là vài lưu ý khi điều trị mụn nội tiết ở cằm:
- Chỉ rửa mặt 2 lần mỗi ngày. Rửa mặt thường xuyên có thể gây kích ứng mụn trứng cá.
- Chà xát bề mặt da quá nhiều bằng chất tẩy rửa mạnh, xơ mướp… gây tổn thương da mặt.
- Tuyệt đối không tự nặn mụn: điều này có thể gây viêm và để lại sẹo.
- Không để khô da: tránh sử dụng sản phẩm chứa cồn,
- Đừng quên tẩy trang cho da: không đi ngủ khi còn lớp trang điểm trên da và luôn rửa mặt sạch sẽ trước khi ngủ.
- Không thử phương pháp điều trị mới mỗi tuần: thuốc trị mụn hoặc liệu trình chăm sóc da mới sẽ cần vài tuần để phát huy tác dụng.
>>>Xem thêm: Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết và không nên chủ quan
Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở cằm hiệu quả
Thực phẩm có lợi cho da hỗ trợ giảm mụn nội tiết ở cằm hiệu quả sẽ giàu kẽm, chất chống oxy hóa, vitamin A và E như:
- Trái cây, rau màu vàng và cam như cà rốt, quả mơ và khoai lang.
- Rau chân vịt và các loại rau có lá và màu xanh đậm khác.
- Cà chua.
- Việt quất.
- Bánh mì nguyên cám.
- Gạo lức.
- Diêm mạch.
- Gà tây.
- Hạt bí.
- Các loại đậu, đậu Hà Lan và đậu lăng.
- Cá hồi, cá thu và các loại cá khác.
- Quả hạch.
Tùy cơ địa mỗi người mà một số loại thực phẩm có thể làm mụn phát triển nhiều hơn. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử nghiệm các chế độ ăn uống chuyên biệt. Lưu ý, nếu cơ thể phát sinh tình trạng dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm trong chế độ ăn.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da BVĐK Tâm Anh với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Âu Mỹ sẽ đảm bảo quá trình trị liệu vô khuẩn và đạt chất lượng đúng tiêu chuẩn quốc tế, giúp người bệnh an tâm trong suốt quá trình điều trị.
Mụn nội tiết ở cằm không khó điều trị. Khi phát hiện mụn nội tiết ở cằm, người bệnh nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da thăm khám và lên phác đồ điều trị tối ưu cho từng trường hợp.