Bạn đã bao giờ hứng thú với viết lách, nhưng không chắc là mình có nên học hỏi thêm về nghề này? Bạn nên đi học Copywriting hay tự học, tự trau dồi kiến thức ở nhà? Hãy thử cùng Markus tìm hiểu nhé!
- Cách đặt tiêu đề bài viết hay và hiệu quả
- 13 bài học quảng cáo từ David Ogilvy
- Viết quảng cáo - Những sai lầm dễ gặp
- Viết gì để truyền thông cho hiệu quả
Để kể về câu chuyện của mình một chút vậy. Hiện tại mình đang học năm 3 đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Mình không rõ sau này có thể giàu không, có được lương ngàn đô một tháng không. Nhưng mình rất rõ rằng nếu đi làm đúng chuyên ngành Xuất nhập khẩu thì chắc chắn mình sẽ buồn chán đến chết. Đơn giản vì mình thích quảng cáo, thích làm copywriter, và đặc biệt thích con chữ vô cùng. Mình thích nghĩ đến việc những ý tưởng và con chữ của mình có thể khiến người ta thích thú, khiến một người nào đó cảm động khi xem video mình viết kịch bản. Mình thích tưởng tượng rằng vì một câu slogan mình viết mà tiền trong ví người khác cũng thay đổi đường đi. Và thế là mình chọn làm copywriter.
Ngặt một nỗi ở Ngoại thương không có chuyên ngành copywriter (cả sale hay HR gì gì nữa cũng không có dạy đâu). Thế nên mình loay hoay chuyển qua tự học copywriting. Rồi đi làm.. Sau đó mình vừa tự học, vừa xin đi làm những công việc có liên quan tới Copywriting để thử thách, rồi lại tiếp tục tự học. Sau đó một khoảng thời gian, thì mình quyết tâm đi học Copywriting thêm nữa.Đi học và tự học vừa giống vừa khác nhau rất nhiều. Thật đấy!
1.Thầy bói xem voi vs cái nhìn toàn cảnh:
Tự học Copywriting thì giáo trình là con số 0 tròn trĩnh.Phải tự mày mò tìm sách, tự lên google search tài liệu. Mà với một đứa chưa biết gì như mình, thì với hàng tấn kết quả tìm được, mình không biết bắt đầu từ đâu, không biết tài liệu nào là đáng tin cậy. Cảm giác cực kỳ mịt mù. Ban đầu mình nghĩ đơn giản là biết viết, sáng tạo là làm copywriter được rồi. Hồi trước mình học chuyên văn mà. Tự hào với khả năng viết lắm. Nhưng rốt cuộc khi đi làm mới biết viết kiểu văn hoa cấp 3 thật sự không liên quan gì đến quảng cáo.
Công việc đầu tiên là viết bài quảng cáo cho một tiệm bánh. Mình bị chê lên chê xuống cho cái content đầu tiên vì “Quá dài dòng. Không có CTA gì hết. Không gợi cho người ta thấy sản phẩm là cần-phải-mua”. Sai, lại sửa, lại viết. Nhưng không biết sai ở đâu và làm thế nào để nâng cao chất lượng bài viết. Rốt cuộc tớ xin nghỉ làm với hiểu biết vỏn vẹn chỉ là viết bài Facebook quảng cáo bánh. *so sad*
Ngoài content marketing, copywriter còn làm cả lên ý tưởng cho poster, Print ad lẫn email marketing.
Đi học Copywriting thì khác cực kỳ luôn. Có giáo trình đàng hoàng. Giảng viên cung cấp kiến thức rộng hơn hẳn so với cái thế giới con con mình Google được. Kiểu như hồi trước chỉ được biết một góc của con voi rồi tiếp cận theo kiểu thầy bói xem voi. Giờ biết được PrintAd làm như thế nào. TVC với viral video nó có những đặc điểm gì. Khi viết content thì cần bắt đầu với giọng nào. Cảm giác mình không mù mờ sờ sẩm một góc như trước nữa mà biết rộng hơn nhiều lắm. Nếu tự học ở nhà, hoặc tiếp tục làm công việc viết quảng cáo Facebook như trước (mà phần lớn sinh viên chỉ được đi làm công việc này thôi) thì còn lâu lắm tớ mới hết loay hoay liệu rốt cuộc Copywriting là làm gì và làm thế nào.
2. Chạy đua với thời gian hay Tuổi thanh xuân không thể quay trở lại:
Cái giá của việc chủ động trong việc học tập có lẽ là thời gian. Mà thời gian với sinh viên lúc nào cũng thiếu. Lúc thì bận ôn thi cuối kỳ, lúc lại phải trả bài. Có muốn ngồi mà đọc một cuốn sách về copywriting cho tử tế cũng mất kha khá thời gian.
Lại chuyện đọc sách. Đọc xong nhưng không có người sửa. Cũng không có nhiều lần thực tập. Cách làm của tớ là viết blog, viết nhật ký. Nhưng viết cá nhân với viết thương mại khác nhau nhiều vô cùng. Thời gian viết Blog về marketing, dù đã cố lắm nhưng blog của tớ vẫn chìm rất nhiều tính cá nhân vào trong đó.
Made to Stick và Ogilvy on Advertising là hai cuốn tớ đọc đi đọc lại. Đừng tiếc tiền mà đọc ebook. Hãy mua đi các cậu. Đáng từng xu một luôn ý!
Tớ không nói là đi học Copywriting sẽ khiến thời gian của bạn được rút ngắn. Vì đi học là một chuyện nhưng bạn phải tự giác làm bài, tự mài giũa ngòi bút của bản thân mình, tự đi kiếm các công việc khác nhau để thử sức lại là chuyện khác. Nhưng ít nhất khi đi học, mình cũng có một lộ trình để học. Có một thời gian biểu. Mình sẽ có một người đi trước để hướng đẫn và thắp lửa cho mình. Và với mỗi topic giảng viên đưa ra, có thể bạn sẽ tìm thấy một thứ mà mình yêu thích. Như là viết Billboard, hay headline. Bạn cũng sẽ thấy chỗ mình hổng qua các bài tập để rồi vá. Tập trung vào một việc gì đó luôn là cách tiết kiệm thời gian tốt nhất.
3. Sai lầm và rút kinh nghiệm:
Không biết đặt tên vậy có chuẩn không, nhưng tự học Copywriting giống kiểu lấy bản thân ra làm chuột bạch để thử ấy. May mắn đúng thì không sao. Nhưng nếu sai thì sửa khó lắm luôn. Tớ là một minh chứng cho việc tự học. Và giờ sửa mãi vẫn không hết tật viết con cà con kê.
Đi học thì giảng viên lại là con chuột bạch ấy. Người ta đã chịu trận hộ mình. Đã sai hộ trước rồi. Mình có viết sai hay làm bài sai. Mình có trật đi một chút cũng có người nắn lại hộ.
Kết:
Tớ không nói tự học Copywriting ở nhà là không hay (bản thân tớ là một kẻ tự học). Nhưng nếu trước đây chọn lại, tớ vẫn sẵn sàng bỏ ra vài triệu để tham gia học copywriting ở một lớp bài bản. Một lớp như thế chắc chắn không khiến bạn trở thành Ogilvy hay LeoBurnett hay là thở ra được mấy câu “Tuy bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn.” Nhưng ít nhất giúp bạn có thể có bức tranh toàn cảnh. Giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian loay hoay đi tìm kiếm cách học và cách làm. Và nhất là bạn được gặp gỡ những người cùng chung đam mê. Ở trong một môi trường như thế, ý tưởng gặp ý tưởng chẳng trách nào ai cũng hào hứng sáng tạo!