Thực tế, hiệu ứng từ các cuộc thi học thuật trong các trường đại học (ĐH) hiện nay như thế nào?
Đi đâu cũng gặp hội thi!
Hầu như trong trường ĐH, CĐ nào hiện cũng có những câu lạc bộ (CLB), đội nhóm học thuật. Các CLB, đội nhóm này thường tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề giúp SV trao đổi, nâng cao kiến thức. Hoạt động "đỉnh cao" của các CLB, đội nhóm ấy là những hội thi học thuật. Chính vì thế, trong suốt năm học, đi đến đâu chúng ta cũng có thể gặp những hội thi học thuật rôm rả.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vốn nổi tiếng là một trong những nơi thiết kế nhiều hội thi gắn với chuyên ngành do Đoàn trường, Đoàn khoa và có khi là do lớp đứng ra tổ chức, như: Dynamic - SV nhà doanh nghiệp tương lai; Bản lĩnh Giám đốc tài chính CFO; Thế giới makerting; Nhà tư vấn luật kinh tế trẻ; Kinh tế vi mô - vĩ mô... Trung bình mỗi học kỳ, SV kinh tế được tham gia ít nhất 6 - 7 cuộc thi như thế.
Mấy tháng gần đây, SV ĐH Bách khoa TP.HCM được "thưởng thức" các hội thi "cây nhà lá vườn" khá đặc sắc như: Môi trường xanh; Chúng tôi là SV địa chất; BKITGames... Đặc biệt, SV ĐH Khoa học tự nhiên cũng liên tục trình làng hàng loạt "đặc sản" mà chỉ mới nghe tên cũng đủ ấn tượng: Thách thức (CLB khoa Công nghệ thông tin); Olympic sinh học vườn ươm Mendel (khoa Sinh); Hóa học và tôi (Hóa); Chấn động Pangea (Địa chất); Lốc xanh (Môi trường); Thế mạnh vật liệu (Lý); Đi tìm lời giải (Toán); Gala tin học (khối cao đẳng tin học)...
Theo chị Nguyễn Tuyết Phương - Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - trung bình mỗi học kỳ có khoảng 10 cuộc thi học thuật diễn ra trong trường này...
Không "bổ ngang cũng bổ dọc"?
Tạo sân chơi, diễn đàn cho SV giao lưu cũng như giúp SV có môi trường thể hiện, vận dụng và bổ khuyết kiến thức đã học... là những mục tiêu mà bất cứ hội thi học thuật nào cũng hướng đến và đáp ứng được. Nhiều hội thi học thuật đã góp phần xây đắp "thương hiệu" và "bản sắc" độc đáo cho mỗi trường, thậm chí mỗi khoa và mỗi lớp.
Qua các cuộc thi trên, có những SV vốn rụt rè, mặc cảm bỗng "lột xác", trở nên tự tin, năng động hẳn lên. Trên thực tế, do tính hấp dẫn cao và quan trọng nên một vài hội thi "cây nhà lá vườn" đã trở thành "tài sản" chung, tạo nên một sân chơi rộng lớn liên kết SV các trường. Sàn giao dịch chứng khoán ảo, đặc biệt cuộc thi Dynamic - SV nhà doanh nghiệp tương lai của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là những điển hình.
Hình thành từ ý tưởng ban đầu của Ban Điều hành MarGroup khóa 18, đến lần tổ chức này (lần 7-2005), Dynamic đã thu hút trên 6.000 thí sinh trên toàn quốc tham gia và tổ chức ở các khu vực: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt. Với "tầm cỡ" như vậy, Dynamic là một trong số ít những cuộc thi học thuật được nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Thậm chí, Ngân hàng Đông Á đã tuyên bố SV nào chỉ cần lọt vào vòng bán kết Dynamic-2005 sẽ được "đặc cách" tuyển thẳng vào dự án dành cho SV giỏi của họ...
Tuy nhiên, hầu hết các hội thi học thuật đều mang tính chất sân chơi, giao lưu và nâng cao kiến thức cho SV trong nội bộ trường, khoa là chính, do đó nếu đòi hỏi các hội thi này phải gây ấn tượng đối với các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng khiến họ phải "để mắt đến" và "trọng vọng" những người đoạt giải cao là điều khá... cao siêu !
Có những SV thẳng thắn đặt vấn đề: "Nếu biết tính chất các hội thi này chỉ dừng lại ở mức độ sân chơi học hỏi như thế thì thầy cô giáo nên bớt sự can thiệp quá sâu để đảm bảo "chất" SV cho các hội thi. Đặc biệt, Ban tổ chức không nên hô hào quá, khuếch trương quá tầm quan trọng hội thi kèm những lời hứa hẹn này nọ, để SV khỏi phải... vỡ mộng !". Đã có một số thí sinh "cố sống cố chết" theo đuổi cuộc thi, đến khi bị rớt và không trở thành "siêu sao" được, đã buồn rầu, cay cú, tinh thần sa sút...
Theo anh Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch Hội SV ĐH Kinh tế TP.HCM, việc các doanh nghiệp "để mắt" đến một số SV đoạt giải một số hội thi như Dynamic là có thực. "Tuy nhiên, điều gì cũng vậy, chúng ta không thể ngồi chờ cơ hội đến. Các thí sinh phải năng động và trong tư thế chủ động giới thiệu mình; tạo mối liên hệ hai chiều thì vấn đề tìm được việc làm mình muốn hoàn toàn nằm trong tầm tay đối với các thí sinh xuất sắc trong các cuộc thi" - anh Nghĩa nhận xét.
Lê Thành Nguyên - cựu SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, người đã đoạt giải nhì cuộc thi học thuật "Thách thức" do khoa Công nghệ thông tin tổ chức năm 2004 - sau 4 năm liền kiên nhẫn "leo" từng vòng để vào chung kết, đã bộc bạch: "Cái chính tôi hướng đến không phải là để nhà tuyển dụng có để ý đến mình hay không, mà là để mở rộng kiến thức. Dù học khoa Toán nhưng nhờ cuộc thi đó, tôi đã hăm hở bước vào thế giới công nghệ thông tin".
Chính kho tàng tri thức tích lũy từ "Thách thức" đã giúp Nguyên rất nhiều trong công việc hiện tại của một nhân viên lập trình game cho một công ty điện thoại của Pháp...